Dừng ngay điều không nên khi làm việc nơi công sở

SỰ NGHIỆP & TÀI CHÍNH

Dừng ngay điều không nên khi làm việc nơi công sở

authorBy Đỗ Quỳnh
Share on
Share on
Dừng ngay điều không nên khi làm việc nơi công sở

Chắc chắn trong số chúng ta ai cũng muốn xây dựng cho mình một hình ảnh chuyên nghiệp khi làm việc. Bởi lẽ, là một nhân viên chuyên nghiệp sẽ tạo được tác động tích cực lên con đường sự nghiệp và mở ra nhiều khả năng thăng tiến trong tương lai. Ngoài trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng chuyên môn, hay kỹ năng mềm để vượt trội trong công việc, bạn cũng nên có một bộ quy tắc làm việc để xây dựng được một hình ảnh đẹp trong mắt bạn bè đồng nghiệp và những người quản lý.


Có thể bạn đã nắm được những quy tắc cơ bản. Tuy nhiên, có những quy tắc rất đơn giản mà quan trọng lại thường bị lãng quên hoặc xem nhẹ. Luôn nhắc nhở bản thân tuân thủ "5 không" dưới đây để luôn được đánh giá cao trong môi trường làm việc chuyên nghiệp nhé!


Phàn Nàn Quá Nhiều


Khi được hỏi về những điểm không thích ở nhân viên của mình, một vị giám đốc có chia sẻ rằng ông ấy không đánh giá cao những ai hay phàn nàn. Khi gặp những vấn đề khó khăn, thay vì tập trung giải quyết vấn đề, họ thường ca thán, đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc cho người khác. Điều này làm ông ấy hoài nghi về năng lực của những nhân viên này, và không tránh khỏi đôi lúc không tin tưởng giao những công việc quan trọng cho họ.


Không ai muốn ở cạnh một người hay phàn nàn. Phàn nàn quá nhiều gây ảnh hưởng đến mọi người xung quanh, khiến họ cảm thấy khó chịu. Đôi khi điều này còn tạo ra nguồn năng lượng tiêu cực làm họ dễ nhụt chí. Phàn nàn cũng không giúp công việc của bạn khá hơn. Thay vì phàn nàn, hãy tập trung vào tìm kiếm giải pháp cho vấn đề và những điều mà bạn có thể thay đổi được. Chắc chắn, bạn sẽ tìm ra những ý tưởng thú vị để có thể giải quyết vấn đề của mình, và chứng minh được khả năng của bạn với mọi người, đặc biệt với sếp của bạn.


Tham Gia Chính Trị Công Sở


Có thể bạn sẽ thắc mắc “chính trị công sở” là gì? Theo định nghĩa của từ điển Merriam-Webster, đó là những hoạt động, thái độ, hay cách ứng xử của một hay một nhóm cá nhân nào đó nhằm đạt được lợi ích hay quyền lực nơi công sở. Tùy vào cách thức họ sử dụng chính trị công sở mà có thể gây ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến môi trường làm việc. Theo trang Hrinsider, một khảo sát cho thấy trong số những người tham gia, 55% nhân viên cho biết họ là một thành viên có liên quan đến các vấn đề về chính trị văn phòng và hơn 70% trong số đó tin rằng việc này ảnh hưởng đến công việc và khả năng thăng tiến của họ.


Chuyên gia Nguyễn Phi Vân - thành viên sáng lập và phát triển của Công ty World Franchise Associates khu vực Đông Nam Á, Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia đồng thời cũng là tác giả nổi tiếng, có chia sẻ trên trang cá nhân của mình về vấn đề này: “Người đi làm có đủ loại, đi làm kiếm tiền không quan tâm thế sự, đi làm để phát triển bản thân, đi làm để chèo kéo quyền lực ảo, đi làm để gây rối vì quá rảnh...Ở đâu cũng có loại này loại kia. Ở công sở nào cũng có kẻ làm người rảnh. Và muôn đời, politics sẽ luôn là thứ làm cho chuyện không thành có, chuyện nhỏ thành to, chuyện riêng thành công, chuyện lợi ích bản thân thành drama nhân loại.”


Có thể thấy phần lớn chính trị công sở không đem lại những điều tích cực. Thiết nghĩ bạn nên trau dồi cho mình một kỹ năng giao tiếp đủ khéo léo để ứng xử với những mối quan hệ nơi công sở. Đơn giản hơn, bạn có thể cẩn trọng lựa chọn những hành động tạo ra lợi ích cho mình nhưng không ảnh hưởng đến bất kỳ ai. Nên tránh những việc không hay như tiết lộ chuyện của người khác, nói lời đặt điều, vu oan giá họa, hay bàn tán những việc có thể gây ra mâu thuẫn. Từ muôn đời nay, ở đâu có xì xào bàn tán, ắt sẽ có những chuyện thị phi ảnh hưởng đến công việc và mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người. Thay vì lãng phí thời gian và năng lượng vào “chính trị công sở”, tập trung vào bản thân và giải quyết công việc của mình sẽ giúp bạn có được thành công hơn trong công việc.


Dành Quá Nhiều Thời Gian Cho Mạng Xã Hội Hay Việc Cá Nhân


Chúng ta được trả lương để làm việc và tạo ra giá trị cho công ty. Vì thế, giữ một thái độ nghiêm túc khi làm việc là điều nên làm. Bạn nên phân biệt rạch ròi giữa chuyện công và chuyện tư. Tất nhiên, nói thì dễ, làm sẽ khó. Thi thoảng, có những lúc chúng ta quá căng thẳng với công việc và muốn giải trí một chút. Bạn vẫn có thể đứng dậy đi lấy cho mình một cốc nước, ngắm một chậu hoa trên bàn, hoặc tắt màn hình để cho mắt nghỉ ngơi năm phút. Nếu có những việc cá nhân quan trọng buộc phải trả lời điện thoại, bạn có thể đi ra ngoài để trả lời nhanh chóng, không nên dông dài, ảnh hưởng đến thời gian làm việc. Ngoài ra, hãy nhớ tắt chuông điện thoại khi đến công ty để tránh làm phiền đồng nghiệp xung quanh. 


Bạn cần thiết lập cho mình một ranh giới và nghiêm túc tuân theo vì dù sao giải quyết công việc cá nhân hay sử dụng mạng xã hội rất dễ làm bạn xao nhãng, ảnh hưởng xấu đến kết quả công việc. Nếu để sếp bắt gặp, có thể bạn sẽ nhận được những đánh giá không tốt gây khó khăn cho việc thăng tiến về sau.





Đồng Ý Với Tất Cả Mọi Việc


Không phải lúc nào bạn cũng nên nói đồng ý. Đừng nghĩ rằng trở thành “hoa hậu thân thiện” trong mắt mọi người là điều hoàn toàn tốt. Nếu như bạn có thời gian và sẵn sàng giúp đỡ thì thật là tuyệt vời. Nhưng trong trường hợp bạn cũng đang đối diện với cả núi công việc trước mắt, mà vẫn nhận lời giúp đỡ vì sợ mất lòng người kia thì không nên. Đôi khi ngại nói lời từ chối sẽ mang đến nhiều rủi ro trong công việc của bạn và của người khác, theo một cách mà bạn không nghĩ đến. 


Bạn đã gặp khó khăn trong việc giải quyết công việc của chính mình, lại thêm những việc của người khác có thể bạn chưa hiểu rõ. Áp lực về thời gian và hiệu quả cùng một lúc đặt lên vai sẽ làm giảm năng suất làm việc của bạn. Đừng nói đến công việc của bạn, công việc của người khác cũng sẽ không được hoàn thành một cách tròn trịa. Đến lúc đó, họ chẳng những không nói cảm ơn mà có khi lại buông lời trách móc. Biết nói lời từ chối lịch sự đúng lúc kèm theo một lý do thỏa đáng, chắc chắn họ sẽ hiểu cho bạn.


Đến Công Ty Khi Bị Ốm


Chồng tôi là một người nghiện việc. Kể cả khi ốm, anh ấy cũng cố gắng đến công ty bằng được để giải quyết phần việc của mình. Kết quả là, những trận ốm của anh ấy luôn kéo dài cả tuần liền. Tôi nghĩ rằng nếu đã bị ốm, chúng ta nên xin nghỉ. Để bản thân thực sự được nghỉ ngơi, như vậy sẽ khỏi ốm nhanh hơn và có thể nhanh chóng trở lại với công việc. Chắc chắn sếp sẽ thông cảm và tìm được người thay thế cho công việc của chúng ta. Một khi bị ốm mà vẫn cứ đi làm, chúng ta không đạt được trạng thái tốt nhất về tinh thần để giải quyết công việc một cách chu đáo. Ngoài ra, chúng ta còn có thể làm phát tán nguồn bệnh nơi công sở, ảnh hưởng đến bạn bè đồng nghiệp (nhất là đối với những bệnh truyền nhiễm, có khả năng lây lan).


Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng bạn không nên lạm dụng, nói dối bị ốm và xin nghỉ việc để làm các công việc cá nhân khác, hay trục lợi những chính sách đãi ngộ của công ty. Như vậy sẽ có thể đánh mất đi sự tin tưởng và làm ảnh hưởng đến hình ảnh của bạn trong mắt lãnh đạo.


Hy vọng rằng những lưu ý trên đây sẽ hữu ích đối với các độc giả của Her.vn trong quá trình xây dựng một hình ảnh chuyên nghiệp nơi công sở!

About the author

Quỳnh viết với mong muốn truyền cảm hứng để phụ nữ biết yêu thương và trân trọng bản thân mình. Bằng cách thay đổi tư duy và nhận thức, tập trung phát triển bản thân, chắc chắn phụ nữ sẽ có được một đời sống phong phú về tinh thần cũng như nhiều thành công trong sự nghiệp của mình.


Theo dõi Quỳnh tại:

Facebook: facebook.com/quinniewrites

Blog: TheIntroverWriter

author

Đỗ Quỳnh

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!