Saturday Science - Hữu cơ nghĩa là gì?

TỔ ẤM

Saturday Science - Hữu cơ nghĩa là gì?

authorBy Hoàng Hà
Share on
Share on
Saturday Science - Hữu cơ nghĩa là gì?


Với mong muốn truyền tải những kiến thức khoa học khô khan theo một cách gần gũi và chân thực nhất để ai cũng có thể hiểu và áp dụng, tác giả Hoàng Hà xin được gửi tới các bạn thân mến chuyên mục “Saturday Science” hay “Khoa học Ngày thứ bảy”. Đây là nơi tôi lan tỏa tình yêu dành cho thiên nhiên và môi trường tới thật nhiều người, để chúng ta sống vui hơn, khỏe hơn và có trách nhiệm hơn với Trái đất. Mỗi người đều là một mắt xích quan trọng trong cộng đồng và môi trường này. Xin được đồng hành cùng nhau! 


Hãy cùng bắt đầu ngay thôi!


Về Nông Nghiệp Hữu Cơ


Đây là một khái niệm được sử dụng rộng rãi với nhiều tầng ý nghĩa khác nhau, tích cực hơn hoặc tiêu cực hơn. Đó có thể là về việc tránh sử dụng các loại hóa chất độc hại trong sản xuất và nuôi trồng. Hoặc cũng có thể về mục đích tránh làm tổn thương các sinh vật hoang dã trong tự nhiên. Hai khái niệm này tuy giống mà khá khác nhau.

Sức khỏe và bệnh tật giống nhau ở điểm rằng cả hai đều có thể phát triển và lây lan trong một điều kiện sống tốt. Eve Balfour trong nghiên cứu “Living soil” (1942) - tạm dịch “Đất sống” - đã đánh giá: “Sức khỏe là một yếu tố tích cực. Trong đó đất tốt thì cây, con và người mới có thể khỏe mạnh”.


Hữu cơ nhìn chung, từ nuôi tới trồng, bắt nguồn từ đâu? Con người đã nuôi và trồng theo cách hữu cơ từ thuở sơ khai. Tuy nhiên, sự phát minh của phân bón hóa học trong giai đoạn bùng nổ khoa học kỹ thuật trên thế giới đã kéo người trồng đi xa khỏi khái niệm hữu cơ. Năm 1924 một nhóm người làm nông ở Silesia, Đông Đức đã mời nhà khoa học Áo, Rudolf Steiner, tới dạy cho họ về làm thế nào họ có thể sử dụng nhiều hơn những phương pháp tự nhiên trong việc trồng trọt. Những bài giảng này sở hữu sức mạnh rất lớn tại thời điểm đó và cuối cùng được công bố rộng rãi vào năm 1938. Điều này dẫn đến làn sóng một loạt những nghiên cứu khác trên thế giới cuối năm 1930 đầu năm 1940, điển hình là công trình của Eve Balfour về đất sống hay của Albert Howard về việc ủ phân hữu cơ.


Kéo dài đến những năm 1970, thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ trên toàn thế giới do tình hình chính trị an ninh và cả nông nghiệp không bền vững. Người làm vườn không chuyên nghiệp chuyển dần từ việc tập trung chống lại những sinh vật có hại cho canh tác và quan tâm hơn tới việc cải tạo nguồn đất khỏe mạnh. 


Bản thân là những chất hóa học có cấu trúc bền và khó loại bỏ, các loại thuốc diệt cỏ có trong thóc, rơm, rạ có khả năng tồn tại xuyên suốt quá trình tiêu hóa do dịch vị trong dạ dày của gà, vịt, trâu, bò, ngựa. Thuốc diệt cỏ sau đó ngấm vào cơ thể gia súc, gia cầm hoặc bị thải ra qua phân và lặp lại vòng tuần hoàn trên khi phân được sử dụng để bón cho cây trồng. Không chỉ gián tiếp, nhiều loại thuốc trừ sâu hay diệt có còn có ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất và sức khỏe của cây dù chỉ với một lượng hóa chất rất nhỏ. Không khó để hiểu rằng những loại hóa chất này có khả năng tiếp cận và tồn tại trong cơ thể con người chúng ta trong một thời gian dài và có khả năng gây ra nhiều biến chứng khó lường.


Đây là lý do vì sao canh tác hữu cơ là một bước tiến (hay nói vui là một bước lùi) cần thiết và bắt buộc. Trong sân vườn hoặc ban công, chúng ta có nhiều cách để trồng trọt theo hướng hữu cơ theo các gợi ý sau:



 Chọn vị trí trồng cây hợp lý


Chọn một vị trí nhận được ít nhất 6 đến 8 tiếng ánh sáng mặt trời mỗi ngày. Hầu hết các loại cây cho quả như cà chua, ớt, dưa chuột và dưa đều cần có đủ ánh nắng mặt trời để sinh trưởng tốt. Tuy nhiên, đừng thất vọng nếu khu vườn của bạn hơi râm. Các loại rau xanh như rau diếp, cải xoăn và nhiều loại thảo mộc có thể chịu nắng khoảng 3 giờ mỗi ngày hoặc hơn. Chú ý vị trí có những cây lớn vì rễ cây có thể ăn cắp chất dinh dưỡng và nước từ vườn rau của bạn. Cũng hãy chắc chắn rằng vị trí vườn của bạn thuận tiện cho việc tưới tiêu.


Nếu bạn không có sân rộng, đừng lo lắng — bạn hoàn toàn có thể trồng cây trong chậu. Hãy đặt chậu ở những khu vực được che chắn khỏi gió lớn để cây không bị quật đổ. Bạn cũng có thể đặt chậu cây ở một nơi nào đó thuận tiện cho nhà bếp. Còn gì tuyệt vời hơn việc có một khu vườn thảo mộc ngay bên ngoài cửa nhà bếp để thu hoạch rau thơm chỉ vài phút trước khi bữa ăn sẵn sàng!


 Sử dụng đất tốt


Đất tốt chứa đầy chất dinh dưỡng là một trong vài chiếc chìa khóa tối quan trọng cho một khu vườn hữu cơ thành công. Đất giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt sẽ khuyến khích cây trồng tạo ra hệ thống rễ khỏe. Nếu đây là lần đầu tiên bạn làm vườn hữu cơ, hãy bắt đầu ủ phân trộn ngay bây giờ để giúp làm giàu đất — nhưng hãy nhớ rằng phải mất một thời gian để phân trộn phân hủy trước khi sử dụng trong vườn. Trong thời gian chờ đợi, hãy tạo đất lý tưởng bằng cách trộn phân trùn quế, tro bếp và đất sẵn có trong vườn tỉ lệ 1:1:1 để mang lại cho cây trồng của bạn một khởi đầu tốt.


Đối với việc trồng chậu, đảm bảo rằng chậu của bạn cũng có lỗ thoát nước, vì ít loại rau hoặc thảo mộc thích việc bị úng nước.



Chọn loại, giống cây phù hợp


Chọn cây có nguồn gốc từ vùng miền hoặc được lai tạo đặc biệt cho khí hậu nơi bạn sống sẽ giúp tạo ra một khu vườn hữu cơ khỏe mạnh, ít tốn công. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn chưa quen với việc làm vườn hữu cơ. Ví dụ bạn có thể thấy cà chua mùa ngắn hoàn hảo cho vùng khí hậu lạnh hơn phía bắc hoặc cà chua chịu được nhiệt độ và độ ẩm cao cho các vùng phía nam. Cũng đừng loại bỏ các cây lai kháng bệnh vì chúng cũng đòi hỏi ít công chăm sóc hơn và thu hoạch nhiều hơn trong vườn. Ngoài ra, hãy trồng nhiều loại hoa và các loại thảo mộc có hoa để thu hút các loài thụ phấn và côn trùng có ích khác. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa sâu bệnh và làm cho cây trồng của bạn hạnh phúc.


Tưới cây đúng cách


Hãy luôn kiểm tra đất trước khi tưới. Ấn một đốt ngón tay của bạn xuống đất. Nếu đất ẩm, hãy để yên, nhưng nếu đất khô, đã đến lúc phải tưới nước. Chú ý tưới phần đất xung quanh gốc cây để rễ cây hút ẩm. Tưới nước lên lá không chỉ gây lãng phí mà còn tạo ra môi trường ẩm thấp dễ gây bệnh cho các loại rau, hoa. Tưới nhỏ giọt, một phương pháp tưới có mục tiêu cao, là một lựa chọn tốt cho các khu vườn hữu cơ.

 

Phủ đất mặt


Một lớp mùn hữu cơ dày không chỉ giúp kiểm soát cỏ dại bằng cách chặn ánh nắng mặt trời mà chúng cần để phát triển, mà còn giúp giữ độ ẩm trong đất, do đó bạn có thể cần tưới ít nước hơn. Lớp phủ cũng tạo ra diện mạo của một khu vườn gọn gàng, xinh xắn. Trong khi rơm, rạ là những lựa chọn phổ biến để phủ lớp mặt, cỏ cắt khúc chưa qua xử lý, lá cắt nhỏ và thậm chí cả gỗ dăm lâu năm cũng là những lựa chọn tốt. Lớp phủ cuối cùng sẽ phân hủy và bổ sung chất dinh dưỡng cho đất — và bạn biết rằng cây của bạn sẽ thích điều đó!





Trồng cây luân canh


Như chúng ta đã cùng tìm hiểu ở bài “Nhất nước. Nhì phân. Tam tần. Tứ giống”, mỗi loại cây hấp thụ những dưỡng chất cần thiết với hàm lượng không giống nhau. Ví dụ các loại rau ăn lá thường cần nhiều nitơ hơn, trong khi các cây hoa và quả lại tiêu thụ nhiều phốt-pho hơn từ đất. Không chỉ vậy, sâu bệnh dễ tấn công các loại cây thuộc cùng một họ (như cà chua, cà tím, khoai tây thuộc họ Solanaceae) và tích tụ trong lòng đất. Sau đó chúng sẵn sàng tấn công vào lần tiếp theo cây đó được trồng. Một trong những cách tốt nhất để bảo vệ khu vườn hữu cơ của bạn là sử dụng một phương pháp đã được kiểm nghiệm theo thời gian gọi là “luân canh cây trồng”, có nghĩa đơn giản là di chuyển các loại cây trồng đến các địa điểm khác nhau mỗi năm. Việc luân canh giúp cho hàm lượng dinh dưỡng trong đất không bị cạn kiệt vì phải nuôi liên tục nhiều mùa cùng một loại cây. Việc cân bằng dinh dưỡng trong đất đồng thời cũng là yếu tố quan trọng trong việc bảo vệ hệ sinh thái lòng đất, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của rễ cây.


Giữ cho vườn cây sạch sẽ


Vệ sinh tốt quan trọng đối với khu vườn cũng như đối với người làm vườn. Vệ sinh vườn bao gồm loại bỏ lá và cây bị bệnh xa khỏi vườn hữu cơ để tránh lây nhiễm chéo; thường xuyên kiểm tra lá và thân để tìm sâu bệnh; xử lý quả chín quá, cành gãy, lá rụng. Đảm bảo vệ sinh dụng cụ thường xuyên, lau bằng vải khử trùng nếu bạn đã sử dụng chúng trên cây có thể bị bệnh. Một khu vườn sạch sẽ không có chỗ trú cho các loại sâu hại như ốc sên sẽ giúp giảm thiểu khả năng cây rau ăn lá của bạn bị các loại thân mềm này “xử đẹp” vào ban đêm.


Chăm sóc một khu vườn của riêng mình có thể khiến cho những người mới bắt đầu cảm thấy lo ngại vì có quá nhiều chi tiết phải để tâm tới. Tuy vậy, bạn hãy cứ bắt đầu đi và chúng ta sẽ cùng nhau đồng hành trên chặng đường đầy những niềm vui thích này. Đối với những người con xa nhà như mình, việc làm vườn trồng cây không chỉ để có nguồn rau an toàn. Vườn còn là một không gợi nhớ mình về tình cảm gia đình. Mỗi tối đi làm về thấy cây tía tô và kinh giới gieo từ hạt nhú lên được thêm một xíu, lòng tôi lại xuyến xao nhớ nhà, nhớ bà ngoại và món bún chả bà nướng than hoa thơm nức mũi. 

About the author

Một nhà khoa học yêu thiên nhiên và có niềm đam mê trồng vườn theo mô hình permaculture. 

Tác giả của chuyên mục hàng tuần “Saturday Science” - Her.vn với mục đích truyền tải kiến thức khoa học theo phong cách gần gũi và dễ hiểu để ai cũng có thể áp dụng. 

Tìm hiểu thêm về cô qua kênh Linkedin: Hà Hoàng

author

Hoàng Hà

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!