Nhà nghỉ cho côn trùng chính xác là một khái niệm rất mới ở Việt Nam, tuy nhiên lại là một điểm cộng rất lớn cho một khu vườn với tính đa dạng sinh học cao. Cùng Her.vn tự làm nhà nghỉ cho côn trùng để đón đầu xu hướng và góp phần bảo vệ sự đa dạng sinh học trong nước các bạn nhé!
Mùa hè tới cũng là lúc hoa cỏ vào mùa. Đây cũng là thời điểm nhiều quốc gia trên Thế Giới chọn để tổ chức “Tuần thụ phấn” (“Pollinator Week”) để gợi mọi người nhớ và trân trọng những loài côn trùng có lợi, đặc biệt là những chú ong nhỏ cần cù thụ phấn cho hoa và giúp cây đậu trái. Bên cạnh ong, còn có rất nhiều những loài côn trùng có ích khác cho khu vườn của bạn. Tuy nhiên với nhịp sống hối hả của loài người cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng mặt, những người bạn côn trùng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nơi trú ngụ ở khu vực thành thị, nơi không gian xanh đang ngày càng thu hẹp.
Một chú ong nghệ cuộn mình ngủ trong lòng một đóa cúc châu Phi
Nhà nghỉ cho côn trùng ra đời với mục đích cung cấp cho côn trùng nơi nghỉ chân, đặc biệt là trong mùa đông lạnh giá. Nhà côn trùng có nhiều kích thước và hình dạng khác nhau, hầu hết được phân chia thành nhiều tầng với những vật liệu đa dạng để côn trùng có thể tự tham quan và chọn ra nơi phù hợp nhất với chúng.
Nhà nghỉ cho côn trùng rất phổ biến trong giới những người trồng vườn nhờ khả năng gián tiếp nâng cao năng suất mỗi mùa vụ. Nhờ thiết kế mới lạ và đặc sắc, chúng còn được dùng để trang trí và được tìm thấy ngày càng nhiều trong các khu vườn công cộng và các điểm du lịch ở nước ngoài.
Nhiều nhà côn trùng được dùng làm tổ cho những loài như ong bắp cày hay ong sống không theo đàn. Ngoài chức năng làm nơi đẻ trứng của các loài như trên, thiết kế này còn là nơi ngủ đông cho bọ rùa hay bươm bướm.
Thiết kế nhà nghỉ côn trùng tùy vào tập tính các loài
Gần như mỗi loài côn trùng đều có tập tính làm tổ khác nhau. Bằng cách cung cấp đa dạng nhiều nguyên liệu nguồn gốc thực vật trong nhà nghỉ, bạn có thể thu hút được nhiều loài côn trùng trong khu vực. Bọ rùa thường trú ngụ thành một nhóm lớn ở những nơi có nhiều cành cây và lá khô. Trong khi nhiều loài ong thường thấy có khả năng ngủ đông trong lòng đất, những loài ong sống đơn lẻ (solitary bees) có xu hướng trú ngụ trong những thân cây rỗng. Chúng sẽ tụ tập lại thành một nhóm nhỏ trước khi bịt đường ra bằng bùn và bắt đầu ngủ cho tới mùa xuân năm sau. Do đó để thu hút được nhiều ong, nguyên liệu cần có nhiều ống tre, nứa rỗng khô ráo.
Bên cạnh côn trùng có lợi, kiến trúc nhân tạo này cũng có khả năng thu hút cả những loài trung tính hoặc gây hại. Có loài còn có thể ăn thịt lẫn nhau nữa… Tuy nhiên, dù bạn không thể kiểm soát được tất cả những gì diễn ra trong “khu dân cư” này, hãy cứ tin tưởng rằng nếu bạn cung cấp đủ không gian cho các loài côn trùng có lợi, về lâu dài bạn sẽ có thể tạo ra một môi trường cân bằng trong khu vườn của mình.
Nguyên liệu
- Tre, trúc cắt khúc, gốc cây, cành cây khô, lá khô, quả thông, quả phi lao, vụn gỗ, rêu,... bất cứ nguyên vật liệu nào từ thực vật khô.
- Gỗ phiến để làm khung (tùy kích thước và hình dạng của nhà nghỉ mà bạn muốn thiết kế)
- Đinh, ốc, máy bắt vít, khoan tay, búa, cưa, dây kẽm… tùy vào thiết kế của bạn
- Móc treo nếu cần.
Thực hiện
- Cắt gỗ thành những phiến tương ứng với thiết kế của bạn.
- Khoan gỗ lại thành hình. Bạn có thể cân nhắc quây một phía của khung gỗ lại bằng lưới thép để nhà nghỉ được thoáng khí
- Xếp các nguyên liệu khô đã thu thập vào trong khung gỗ, chú ý nén chặt vừa đủ để nguyên liệu không bị rơi ra ngoài nhưng cũng chừa lại không gian cho côn trùng có thể trú ngụ
- Đặt nhà nghỉ tại nơi có nhiều ánh nắng và khô ráo (nếu có thể).
Thật đơn giản phải không?
Thêm một vài ý tưởng nhà nghỉ cho côn trùng
Trong vườn nhà, tôi tập trung vào tính khả dụng của nhà nghỉ và thường tạo ra những thiết kế không thể đơn giản hơn. Tôi phân ra nhiều góc trong vườn chỉ dành riêng cho côn trùng, nơi một bó cành lá khô xếp gọn gàng hay vài ba mảnh gạch vỡ xếp so le với nhau đã đủ để tạo nên một nơi trú ngụ an toàn cho các loài sinh vật.
Bạn đã hứng thú muốn tự tay tạo nên một căn nhà cho côn trùng chưa nào? Mời bạn đọc bài viết “Những người bạn côn trùng có lợi” để tìm hiểu thêm một vài phương pháp thu hút những người thợ nhỏ bé này vào trong khu vườn của bạn nhé!
About the author
Hoàng Hà