Mùa dịch không chỉ đem đến cho chúng ta những phiền toái, nhìn một cách lạc quan, chúng ta có thêm rất nhiều thời gian để làm những việc bản thân chưa thể làm vì trước đây quá bận rộn. Tự tay đóng một bộ bàn ghế tại nhà để ngồi hiên nhà ngắm trăng uống trà, tại sao lại không thử nhỉ?
Nào cùng bắt đầu nhé!
Chúng ta sẽ làm 1 bộ bàn ghế bao gồm: 1 bàn trà chữ nhật, một bàn trà tròn, 5 ghế vuông có tựa, 1 băng ghế dài và 4 miếng kệ gỗ gắn tường.
Vật Liệu Và Công Cụ
- Gỗ thông: Bạn có thể chọn gỗ ép công nghiệp nhưng gỗ thông là loại thông dụng và dễ làm đẹp nhất.
1 tấm gỗ thông kích cỡ chuẩn 1,2mx2,4m loại dày 1,5cm. Loại càng dày và càng ít mắt thì càng đắt. Nếu muốn bộ bàn ghế của bạn trông thật lạ và mang hơi hướng rustic thì nên chọn loại gỗ nhiều mắt. 1 tấm gỗ thông tiêu chuẩn giá vào khoảng 500.000 đồng có bán tại các cửa hàng vật liệu. Ở Hà Nội bạn có thể tìm thấy nhiều nhất tại phố Đê La Thành.
Một tấm gỗ thông tiêu chuẩn bạn sẽ cắt được rất nhiều chi tiết cho bộ bàn ghế của mình
- Sắt hộp làm khung: Bạn nên chọn sắt hộp vuông loại 20x20 để bộ bàn ghế chắc chắn mà trông không bị thô kệch. Với số lượng bàn ghế như trên bạn cần 5 cây sắt kích thước 6m. Một cây giá 100.000-150.000 đồng. Bạn có thể tìm thấy ở bất cứ cửa hàng vật liệu nào.
- Sơn sắt và sơn dầu
- Khoan và vít
Cách Làm
- Cắt gỗ: Thông thường ở những chỗ bạn mua gỗ sẽ có kèm theo xưởng cắt gỗ hoặc nhận cắt gỗ tại chỗ luôn. Bạn cần ghi kích cỡ và số lượng theo tính toán rồi nhờ xưởng cắt luôn với giá vào khoảng 10.000-15.000 đồng cho 1 tấm vuông và 30.000-50.000 cho 1 tấm tròn
Với một tấm gỗ thông nguyên bản to như trên, bạn sẽ cắt được tối thiểu những phần sau:
+ 1 mặt bàn tròn đường kính 50cm
+ 1 mặt bàn trà chữ nhật 0,7x1m
+ 1 mặt băng ghế dài 40x120cm
+ 1 tựa băng ghế dài 20x120cm
+ 5 mặt ghế vuông 40x40cm
+ 5 tựa ghế vuông 40x40cm
+ 4 miếng gỗ làm kệ để đồ 40x20cm
Sau khi cắt xong, nếu muốn bạn có thể sơn 1 lớp sơn dầu để mặt bàn không bị bám bẩn, không bị mốc và dễ lau chùi nhưng màu sẽ ko đẹp như để mộc.
Hãy tính toán thật khéo léo để khung sắt vừa với gỗ đã cắt
- Khung sắt: Nếu có máy cắt sắt và biết sử dụng thì bạn có thể tự cắt sắt theo tính toán độ cao phù hợp. Sau khi cắt xong thì tự hàn (có máy hàn) hoặc mang ra xưởng sắt sẽ có bên nhận hàn theo ý bạn muốn và mang về sơn bằng sơn xịt. Tuy nhiên công đoạn này quá phức tạp và tốn sức cũng như không phải nhà ai cũng có sẵn dụng cụ (máy cắt và máy hàn) nên bạn hãy tìm đến một xưởng cơ khí, miêu tả và cùng người thợ vẽ ra hình dáng bộ bàn ghế bạn muốn. Chờ 1-2 ngày bạn sẽ có một bộ khung chắc chắn và đẹp hơn tự làm.
- Bạn có thể chọn màu sơn mình thích rồi tự sơn hoặc nhờ xưởng sắt sơn luôn. Gỗ thông hợp nhất với màu khung đen vì sẽ làm nổi bật màu gỗ sáng và lại không dễ bám bụi.
Công đoạn hàn khung và sơn khung sẽ tiêu tốn của bạn khoảng 500.000-800.000 đồng tùy vào độ phức tạp của chi tiết bộ khung sắt.
- Lắp ghép: Phần này thì đơn giản nhất trong số các công đoạn. Bạn chỉ việc ghép gỗ và khung sắt lại bằng cách khoan vít cho chắc chắn. Dùng máy khoan cầm tay là phù hợp nhất và nhẹ nhàng nhất với nữ giới. Vậy là bạn đã có một bộ bàn ghế chắc chắn mang phong cách rustic để uống trà ngoài ban công rồi.
Bạn sẽ tốn khoảng 2 triệu đồng cho bộ 1 bàn tròn, 1 bàn chữ nhật, 5 ghế vuông, 1 ghế dài và 4 mặt kệ, tuy có hơi mất công một chút nhưng khá đáng để thử phải không?
Những Lưu Ý Khi Tự Đóng Bàn Ghế Tại Nhà
- Bạn không nên chọn các chất liệu gỗ đắt tiền như gỗ lim, gỗ gõ... vì đây là những chất liệu rất khó xử lý, rất đắt tiền cũng như màu sắc tối làm cho bộ bàn ghế không được đẹp mắt.
Mặt gỗ thông với nhiều mắt trông sẽ đẹp lạ hơn mặt gỗ nhẵn nhụi
- Nếu như không có máy hàn hoặc không thể hàn các mối nối ở khung sắt, bạn nên chọn phương án sử dụng các ke góc và bắt vít giữa các mối nối. Việc này sẽ làm tốn thời gian của bạn hơn nhưng không làm giảm đi độ chắc chắn của bộ bàn ghế.
- Nếu muốn phá cách và làm giảm trọng lượng của bộ bàn ghế, bạn có thể không cần đóng khung sắt mà có thể làm toàn bộ các chi tiết bằng gỗ. Tính thẩm mỹ của những bộ bàn ghế này sẽ cao hơn và trông chúng cũng rất tự nhiên. Tuy nhiên bạn sẽ mất nhiều công sức và thời gian hơn cho việc mài giũa các chi tiết cũng như cần một chất liên kết tốt giữa các mối nối để bộ bàn ghế bền chắc và không lỏng lẻo.
- Nên mua thêm những chiếc bọc cao su bịt ở chân bàn/ghế để tránh phần sắt sẽ làm xước sàn nhà của bạn cũng như đảm bảo an toàn nếu nhà bạn có trẻ em hoặc không sử dụng dép đi trong nhà.
- Nếu không sơn lên mặt gỗ, bạn cần lau sạch các vết bẩn ngay khi vừa phát hiện ra để mặt bàn không bị mốc hoặc bị bẩn sau quá trình sử dụng.
Bộ bàn ghế tuy giản dị nhưng do chính tay chúng ta làm ra, thật quý giá và đáng tự hào dù đặt ở bất cứ vị trí nào.
Cùng thử và chia sẻ thành quả bộ bàn ghế bạn tự làm với Her nhé.
About the author
Dzung Phạm