Saturday Science - Những người bạn côn trùng có lợi

TỔ ẤM

Saturday Science - Những người bạn côn trùng có lợi

authorBy Hoàng Hà
Share on
Share on
Saturday Science - Những người bạn côn trùng có lợi

Có thể bạn sẽ thấy ngạc nhiên nếu biết rằng chỉ khoảng 10% các loại côn trùng xuất hiện quanh khu nhà bạn là côn trùng có hại. Thật vậy, trong số 10 tỷ tỷ (10 000 000 000 000 000 000, hay 10^19) cá thể côn trùng, phần lớn là côn trùng có lợi hoặc không có hại cho con người. 


Thiên Địch Là Gì?


Côn trùng có lợi cho khu vườn của bạn được gọi chung là thiên địch. Thiên địch là những sinh vật tự nhiên có ích, làm lợi cho cây trồng và hạn chế sự phát triển của quần thể sâu gây hại bằng nhiều cách, điển hình theo 3 phương thức sau: 


- Côn trùng thụ phấn giúp cây đậu quả và tăng năng suất.

- Kẻ săn mồi đáng gờm ăn và tiêu diệt các loại sâu bệnh hại.

- Côn trùng ký sinh săn mồi theo một cách đáng sợ hơn. Chúng đẻ trứng vào trong cơ thể sâu hại để khi trứng nở, ấu trùng của chúng sẽ “ăn tươi nuốt sống” sâu bệnh từ bên trong.


Sử dụng thiên địch có rất nhiều lợi ích


Ta phải kể đến tính tiết kiệm trong chi phí đầu tư vào thuốc bảo vệ thực vật đồng thời phát triển đa dạng sinh thái. Thuốc bảo vệ thực vật cùng với thuốc trừ sâu có hàm lượng chất hóa học bền lớn, khó phân hủy (ví dụ như DDT, PCB hay các sản phẩm phụ của quá trình sản xuất hóa chất, thường được biết tới với cái tên dioxin). Các hóa chất này dễ tích tụ trong cơ thể người, đồng thời phát tán vào nguồn nước, ngấm vào đất và phá hủy hệ sinh thái tự nhiên, lâu dài sẽ dẫn tới hao hụt chất dinh dưỡng vốn có (theo WHO). Sau một thời gian dài sử dụng phương pháp quản lý sâu bệnh thụ động bằng thuốc trừ sâu, nhiều loại côn trùng có khả năng tự phát triển khả năng kháng thuốc, hoành hành và trở nên khó điều trị dứt điểm hơn. Từ những lý do trên, ta có thể hiểu rằng, khuyến khích một hệ sinh thái có thiên địch phát triển mạnh chính là biện pháp giảm thiểu các loại côn trùng gây hại an toàn và bền vững nhất. 


Ai cũng biết tới bươm bướm, còn các loại côn trùng có lợi khác thì sao? Tôi nghĩ rằng bạn đã từng nhìn thấy những người bạn này trước đây rồi nhưng chưa nhận ra chúng thôi. Chúng là ai? 


Bọ rùa (tiếng anh là Ladybug nghĩa là Bọ Quý Bà, cái tên thật ngộ nghĩnh các bạn nhỉ) 


Trái ngược với cái tên thanh lịch của chúng, bọ rùa là kẻ săn mồi vô cùng đáng gờm! Mỗi ngày 1 chú bọ rùa trưởng thành có thể xử tới 1000 cá thể rệp và ấu trùng của chúng thì ăn tới 500 con rệp mỗi ngày, tương đương với 40 con/giờ. Nếu bạn có vô tình nhìn thấy loại côn trùng trông như những chú cá sấu tí hon màu đen lẫn vàng này thì đừng vội tiêu diệt chúng nhé, chúng chính là ấu trùng bọ rùa đó. 


 

 Bọ ngựa


Khi tôi còn bé, bọ ngựa là loài khiến tôi khiếp sợ nhưng cũng thích nghịch ngợm nhất. Bọ ngựa có nhiều hình thái và màu sắc khác nhau. Nhưng tại Việt Nam, chúng ta sẽ dễ thấy bọ ngựa xanh và nâu nhất. Chúng săn mồi trong phạm vi khá rộng nhờ bộ cánh khỏe và đôi càng sắc nhọn, đánh đâu thắng đấy. Bọ ngựa rất ham ăn ruồi, muỗi và sâu bướm.


Chúng cũng thích cả chuồn chuồn, ong, bướm, chim ruồi... khiến cho đôi khi chúng là trở thành loài côn trùng có hại khi sinh trưởng quá mạnh. Bọ ngựa là kẻ ăn mồi ham ăn đến độ chúng thậm chí còn ăn thịt lẫn nhau. Tôi đã không ít lần chứng kiến bọ ngựa cái ăn thịt bọ ngựa đực ngay khi vừa giao phối xong… Xem ra so sánh phụ nữ dữ như Sư tử Hà Đông vẫn chưa là gì so với bọ ngựa cái mùa sinh sản. 



Chuồn chuồn


Chuồn chuồn trưởng thành là loài bọ có ích vì chúng ăn bướm đêm gây hại, muỗi và đặc biệt là muỗi vằn... 

Trứng chuồn chuồn được đẻ và nở trong hoặc gần nước, vì vậy chúng ảnh hưởng đến cả hệ sinh thái nước và đất. Sau khi nở, ấu trùng chuồn chuồn có thể thở dưới nước, và chúng sử dụng khả năng chuyển động tương tự như động cơ phản lực để di chuyển trong môi trường nước. Điều này cho phép chúng dễ dàng “săn” được các sinh vật thủy sinh có hại như ấu trùng muỗi.



Nhện


Trên thực tế, nhện thuộc ngành Động vật Chân đốt/Chân khớp (cơ thể gồm 2 phần đầu và bụng) chứ không phải ngành Côn trùng (cơ thể gồm 3 phần đầu, ngực và bụng). Chúng thường tìm những cành cây cao để bẫy các loại côn trùng họ rệp, bướm, ruồi, muỗi,... Nhện nhảy (trong hình) và nhện sói có khả năng giăng bẫy săn mồi đặc biệt xuất sắc. 



Bọ đất, bọ cánh cứng (họ Carabidae)


Đây lại là một loài săn mồi thứ thiệt ở hình thái trưởng thành lẫn khi còn là ấu trùng. Chúng ăn đa dạng các loại côn trùng từ nematode (giun tròn gây bệnh từ rễ) tới sâu bướm, bọ trĩ, mọt hay sên. Vậy nên, ngoài bọ cánh cứng Nhật Bản gây hại (trong hình), các bạn hãy chú ý đừng giết nhầm những người bạn có hại khác của loài này nhé.  


(Đây là bọ cánh cứng Nhật Bản có hại. Trừ chúng ra, bạn đừng giết nhầm bọ cánh cứng có ích cho khu vườn)


Thiêu thân xanh (green lacewing)


Thức ăn của thiêu thân xanh trưởng thành là phấn và mật hoa. Tuy nhiên ấu trùng thiêu thân xanh (trông nửa giống sên nửa giống cá sấu) lại yêu thích các loại rệp, ruồi trắng, rệp sáp, bọ trĩ. Trứng của thiêu thân xanh được đẻ và gắn vào mặt dưới lá cây bởi một sợi tơ mỏng. Vì kích cỡ siêu nhỏ và hình thái khác biệt, trứng của loài này hay bị nhầm với hoa Ưu đàm.  



Ong vàng


Yêu thích mật hoa, ong là người bạn đáng quý nhất của khu vườn nhờ vào khả năng làm việc không mệt mỏi giúp các loại cây ăn quả của chúng ta được thụ phấn. Với sự suy giảm số lượng đến 90% chỉ trong vòng 20 năm trở lại đây, ong vàng đã có tên trong danh sách những loài sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng ở nhiều nơi trên thế giới. Đây là hệ quả của nhiều yếu tố tùy theo từng vùng địa lý và tính chất sản xuất nông nghiệp. Tiêu biển nhất có thể kể tới hành động phá rừng gây mất môi trường sống, ít nguồn mật hoa cho ong, việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật không kiểm soát,...như những mắt xích lớn và có ảnh hưởng nhiều nhất tới loài ong. 


Xấp xỉ 70% nền nông nghiệp thế giới phụ thuộc vào ong để cây được thụ phấn và cho trái. Bạn và tôi hãy cùng thử tưởng tượng xem, một ngày khi loài ong thực sự biến mất do những sai lầm mà con người gây nên, cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên như thế nào?


Để giúp đỡ loài ong, các bạn có thể làm những việc nhỏ như trồng thêm một vài chậu hoa ngoài ban công hay sân vườn, chuẩn bị một bát nước để ong có thể uống và hạ nhiệt cơ thể những khi trời quá nóng. Xin bạn đừng quên thả vào nước một vài hòn đá hoặc sỏi để ong có thể đậu chắc chắn mà không bị ngã và đuối nước. 



Ong bắp cày ký sinh 


Trong số những người bạn côn trùng, đây có lẽ là loại săn mồi ghê rợn nhất. Chúng điều khiển và chiếm dụng cơ thể con mồi bằng cách đẻ trứng vào bên trong cơ thể côn trùng gây bệnh. Khi trứng nở, ấu trùng ong bắp cày sống ký sinh bằng cách hút huyết tương của con mồi. Sau đó, tùy vào loại ong bắp cày, ấu trùng ong sẽ ăn sống sâu bệnh hoặc kiểm soát hệ thần kinh của chúng, biến chúng thành xác sống. Ong bắp cày ký sinh có kích thước rất nhỏ nên thường không dễ nhận diện bằng mắt thường. 


(Trứng ong bắp cày trên thân sâu)


Còn rất nhiều những loài côn trùng có lợi khác trong vườn như ruồi giả ong, bọ gai, bọ hung, muồm muỗm, bọ đuôi kìm,... mà có thể bạn chưa biết mặt biết tên. Trước khi tiêu diệt một loài nào đó, tôi khuyến khích các bạn tìm kiếm thông tin về chúng để không giết nhầm những người bạn có lợi. Hiện nay có rất nhiều ứng dụng cho phép chỉ mặt điểm tên không chỉ các loại cây mà cả các loại động vật, côn trùng. 


Thu Hút Các Loại Côn Trùng Có Lợi


Để thu hút côn trùng có lợi, trước tiên chúng ta cần tuyệt đối tránh sử dụng các loại hóa chất bảo vệ thực vật. Sự đa dạng các loại cây, hoa trong vườn có thể dễ dàng thu hút chúng. Bạn có thể trồng các loại hoa dễ tìm như hoa sao nhái, hoa cúc, bạc hà, oải hương, xô thơm, thìa là, húng,... thậm chí cả hoa cà rốt từ gốc cà rốt thừa sau khi nấu ăn (hướng dẫn tại đây)


Bên cạnh đó, cũng giống như mỗi loài sinh vật khác, côn trùng cần có nước, thức ăn và nơi trú ngụ. Bạn nên để một bát nước như đã hướng dẫn cho ong và tạo ra một khu trú ngụ cho côn trùng ở một góc khuất trong vườn. Cách làm khách sạn cho côn trùng (insect hotel) sẽ được hướng dẫn trong những bài viết sau của Her.vn các bạn nhé. 


nhà-nghỉ-côn-trùng.jpg


Cuối tuần khi chúng ta có một chút thời gian rảnh rỗi, tại sao không cùng nhau ra vườn và hòa mình vào tự nhiên các bạn nhỉ? Đây cũng là một gợi ý hoạt động bổ ích dành cho các bạn nhỏ nhằm nuôi dưỡng sự hứng thú với khoa học và tình yêu thiên nhiên. Xin chúc các bạn một cuối tuần vui vẻ và tràn đầy năng lượng!

About the author

Một nhà khoa học yêu thiên nhiên và có niềm đam mê trồng vườn theo mô hình permaculture. 

Tác giả của chuyên mục hàng tuần “Saturday Science” - Her.vn với mục đích truyền tải kiến thức khoa học theo phong cách gần gũi và dễ hiểu để ai cũng có thể áp dụng. 

Tìm hiểu thêm về cô qua kênh Linkedin: Hà Hoàng

author

Hoàng Hà

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!