Với nhịp độ phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của ngành nông nghiệp như hiện nay, sự đa dạng sinh học đang bị đe dọa trên toàn thế giới do canh tác thiếu khoa học và định hướng, là mối quan tâm hàng đầu của mọi nhà bảo tồn. Ngày càng nhiều chuyên gia đánh giá cao làm nông nghiệp thuận theo tự nhiên, gọi tắt là thuận thiên, là phương pháp canh tác dựa trên sự tôn trọng thiên nhiên và tồn tại dựa trên sức mạnh cân bằng của thiên nhiên. Trong nông nghiệp thuận thiên, yếu tố đa dạng sinh học của môi trường canh tác là điều tối quan trọng. Vậy đa dạng sinh học là gì và tại sao khái niệm này lại quan trọng đến thế? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu nhé!
Đa Dạng Sinh Học Không Thể Thiếu Cho Phát Triển Bền Vững
Đa dạng sinh học là sự phong phú các sinh vật và các phức hợp sinh thái. Đa dạng sinh học bao gồm sự đa dạng các giống của một loài (cà chua có giống màu đỏ hoặc vàng hoặc cam), đa dạng các loài (nhiều loài hoa, rau trong cùng một vườn cây) và đa dạng các hệ sinh thái (hệ sinh thái trên cạn, thủy sinh, hệ sinh thái tự nhiên và nhân tạo,...). Khái niệm này có thể gói trọn các loài cây, thú, nấm, sinh vật đơn bào và vi khuẩn sau do trình chọn lọc tự nhiên hoặc nhân tạo.
Một hệ sinh thái được đánh giá là đa dạng khi số lượng mỗi loài được cân bằng và không có loài nào phát triển quá mạnh, lấn át những loài khác. Nói cho dễ hiểu, một khu vườn trồng nhiều loài cây các nhau, là nơi trú ngụ và hoạt động của nhiều loài sinh vật được đánh giá là đa dạng hơn khu vườn thứ chỉ trồng độc một loại cây (thường thấy trong các nhà kính sản xuất công nghiệp tập trung).
Vai Trò Và Ý Nghĩa Của Đa Dạng Sinh Học Trong Nông Nghiệp
Một khu vườn đa dạng sinh học và hệ sinh thái có khả năng tự chủ trong công tác thụ phấn, kiểm soát sinh học các loài dịch hại và quay vòng các chất dinh dưỡng.
Ngay khi mùa xuân tới, cây trong vườn của bạn rất dễ bị tấn công bởi các loài rệp. Một điều không bao giờ thấy trong một khu vườn có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là sự đổ bộ của quân đoàn bọ rùa nhằm mục đích tiêu diệt rệp gây hại. Bên cạnh bọ rùa, còn có nhiều loài côn trùng có lợi khác, các loài bò sát và chim chóc cũng góp phần vào công tác diệt sâu bọ. Vào mùa hoa, nhờ có côn trùng thụ phấn như ong, bướm, kiến,... mà cây cối được kết trái và sinh sôi nảy nở. Tới mùa thu và đông, lá già rụng xuống và được chuyển hóa một phần thành mùn nhờ sự tác động của giun đất. Chất mùn này sau đó lại trở thành một phần thiết yếu trong việc bồi đắp chất dinh dưỡng cho thảm thực vật trong vườn.
Ngay cả việc duy trì độ ẩm tối thiểu cho vườn cây cũng trở nên dễ dàng hơn khi đất được che phủ bởi nhiều tầng cây giúp giảm nhiệt độ và ngăn chặn nước bốc hơi.
Các Biện Pháp Bảo Tồn Và Phát Triển Đa Dạng Sinh Học, Đa Dạng Hệ Sinh Thái Trong Tầm Tay Bạn
Nói không với thuốc trừ sâu tổng hợp và hóa chất độc hại
Bên cạnh những tác động tiêu cực tới sức khỏe con người và các loài côn trùng vô hại, thuốc trừ sâu còn có thể bị rửa trôi bằng mưa, đi vào mạch nước và dẫn tới sự hủy hoại về hệ sinh thái thủy sinh, tiêu diệt các loại cá và tảo có lợi.
Thay bằng việc sử dụng các loại hóa chất độc hại để kiểm soát sâu bệnh, bạn có thể thử các phương pháp tự nhiên như: loại bỏ sâu vật lý, sử dụng các chế phẩm tự nhiên (như nước gừng, tỏi, ớt để diệt sâu chẳng hạn), dọn dẹp sân vườn, khuyến khích sự xuất hiện của các loài chim và trồng thêm những loài cây có lợi.
Thu hút các loài thụ phấn và côn trùng khác
Như đã chia sẻ trong bài “Những người bạn côn trùng có lợi”, một sự cân bằng các loài côn trùng trong vườn sẽ chỉ có thể đem lại lợi ích cho bạn mà thôi. Các loài sâu bệnh sẽ không thể gây hại quá nhiều cho cây rau, hoa của bạn khi thiên địch của chúng cũng trú ngụ trong vườn.
Để thu hút các loài thụ phấn, điều tiên quyết cần làm là trồng những loài hoa có nhiều phấn và mật như hoa bướm (hoa sao nhái), hoa mõm sói, hoa cúc họa mi, hoa mãn đình hồng, hoa cải, hoa hướng dương... Mời bạn theo dõi kỳ sau của chuyên mục Vườn - Her.vn về việc thiết kế và trồng một vườn hoa đẹp cho các loài côn trùng thụ phấn nhé!
Chọn trồng các loài cây bản địa
Cây cối phát triển mạnh trong môi trường sống nơi chúng đã tiến hóa để thích nghi với điều kiện đất, khí hậu phù hợp. Chắc chắn không ai trồng cây bần ở bất kỳ nơi nào khác ngoài rừng ngập mặn, nơi có độ muối thích hợp cho sự sinh trưởng của cây và sóng triều giúp cây phát tán hạt để mở rộng lãnh thổ. Một vài loài cây bản địa khác lại có khả năng phát ra tín hiệu khi bị tấn công bởi côn trùng nhằm thu hút các loại thiên địch đến “giải cứu”. Tín hiệu cấp cứu này rất đặc biệt, nên chỉ có thể được tiếp nhận và phản hồi nếu cây sống trong hệ sinh thái nơi các loài thiên địch bản địa này hoạt động.
Ở Việt Nam, một số loài cây bản địa được đánh giá cao là thông, bạch đàn, xoài, sưa, hoa hồng cổ (Sapa, Văn Khôi, Hải Phòng...), hoa tầm xuân.
Đừng quên nguồn nước
Thêm vào khu vườn của bạn một chiếc bồn nhỏ, khay nước cho chim hay bất cứ nguồn nước mở nào sẽ giúp thu hút các loài chim, côn trùng có lợi thậm chí cả các loại bò sát và thú. Trong vườn nhà, tôi thả vài chú cá vàng vào bồn chứa nước mưa để tránh muỗi, cũng trồng thêm vài cây thủy sinh vào một chiếc chậu nhỏ cạnh vòi nước để thu hút thêm nhiều loài sinh vật hơn nữa.
Tự ủ phân rác nhà bếp
Ngoài ủ phân theo phương pháp Bokashi, bạn còn có thể tham khảo nhiều cách ủ phân khác để quay vòng rác thực vật từ nhà bếp để cải tạo chất lượng đất vườn nhà mình. Phân ủ không hề có mùi khó chịu, lại là môi trường sống lý tưởng cho các loài sinh vật trong vườn và đặc biệt là giun đất. Bạn có tò mò phương pháp nuôi giun đất dưới gầm giường không? Đừng quên đón đọc Her.vn những kỳ sau nhé!
Trách nhiệm duy trì và phát triển đa dạng sinh học và đa dạng sinh thái không chỉ của riêng những người làm khoa học. Bằng việc kiến tạo một khu vườn nhỏ xinh, bạn vừa có cho mình một chốn thư giãn sau những giờ làm việc mệt mỏi, lại cũng góp phần kéo dài tuổi thọ cho trái đất và cho con người. Hãy tìm hiểu bài viết “Cần những gì để có một khu vườn khỏe mạnh” và bắt đầu trồng vườn từ ngày hôm nay bạn nhé!
About the author
Hoàng Hà