Saturday Science - Cách kiểm tra đất vườn nhanh và không tốn kém DIY

TỔ ẤM

Saturday Science - Cách kiểm tra đất vườn nhanh và không tốn kém DIY

authorBy Hoàng Hà
Share on
Share on
Saturday Science - Cách kiểm tra đất vườn nhanh và không tốn kém DIY

Nếu bạn đang đang có ý định bắt đầu trồng vườn rau cho mình và gia đình nhưng còn đắn đo không biết đất vườn của mình đã phù hợp chưa, thì bài viết hôm nay sẽ đưa đến cho các bạn một phương pháp đơn giản để kiểm tra loại đất tại nhà nhanh và không hề tốn kém. 


Kiểm Tra Cấu Trúc Đất 


Nếu bạn đã đọc bài viết Saturday Science kỳ trước: “Hiểu về đất”, cấu trúc của đất được xác định bằng phần trăm (%) các loại hạt (cát, sét, phù sa) có ảnh hưởng tới tính chất vật lý của đất. Đất lý tưởng cho các loại cây trồng khi bao gồm khoảng 40% cát, 40% phù sa và 20% sét (nằm khoảng giữa tam giác cấu trúc đất). Tuy nhiên, không phải khi nào ta cũng may mắn sở hữu sẵn chất lượng đất như vậy. 


Ví dụ như khi đất của bạn nhiều cát, việc tưới nước cho cây rất nhanh chóng vì nước thẩm thấu dễ dàng và đi sâu vào lòng đất dưới tác động của trọng lực. Tuy nhiên, cũng vì khoảng trống lớn giữa các hạt cát, đất nhiều cát cũng khó giữ nước hơn và do đó cần được tưới thường xuyên hơn. 


Trái lại, đối với đất sét, nước mất rất nhiều thời gian để đi vào đất do khoảng cách giữa các hạt sét rất nhỏ khiến phân tử nước khó len lỏi qua. Ngoại bất xuất, nội bất nhập, nước một khi đi vào trong đất sét cũng khó thoát ra, tạo nên tình trạng đất sình lầy sau mỗi lần mưa bão. 



Vật dụng và nguyên liệu cần chuẩn bị 


Bình thủy tinh dáng đứng có nắp đậy , chú ý không nên chọn bình có thành cong để tỉ lệ phân bố của các loại hạt tỉ lệ thuận với mỗi độ cao đo được khi tiến hành kiểm tra.

 

Đất vườn đủ để lấp đến lưng bình, đã loại bỏ cành, rễ cây và các loại đá, sỏi kích thước lớn. Trong khi chuẩn bị đất, các bạn chú ý lấy 4 hoặc 5 vị trí khác nhau, mỗi góc vườn một ít rồi trộn lại thành một mẫu đất duy nhất. Việc trộn đất như vậy giúp kết quả cuối cùng được tổng quát hơn vì không phải vị trí nào trong vườn đất cũng giống hệt nhau.


Cuối cùng là thước đo. Công đoạn chuẩn bị thật dễ dàng phải không các bạn? 



3 bước đơn giản tiến hành thí nghiệm 


Ngoài kích thước, ba loại hạt của đất mà chúng ta tìm hiểu ngày hôm nay còn có khối lượng riêng khác nhau, tức là tốc độ lắng đọng trong nước của chúng cũng khác nhau. Bài kiểm tra này có mục đích phân tách hạt nhờ khối lượng riêng.


Các bạn chỉ cần thao tác theo ba bước dưới đây: 


Bước 1: Đổ nước vào bình thủy tinh đã chứa đất. Nước nên cao hơn lượng đất khoảng 2 tới 3 đốt ngón tay và các miệng bình một khoảng cách tương tự. Việc căn đo mực nước như vậy tạo điều kiện để chúng ta có thể dễ dàng trộn và lắc. Sau đó bạn đậy chặt nắp và lắc mạnh trong khoảng 30 giây. 


Bước 2: Sau khi đã trộn thật kỹ mẫu đất và nước, chúng ta sẽ để bình lắng đọng trong vòng 30 phút. Với đất dự kiến nhiều sét (đất vón cục, cầm nặng tay), bạn nên chờ lắng 24 hoặc 48 giờ cho kết quả chính xác nhất. 


Bước 3: Đo và ghi chú lại độ cao của từng tầng hạt. 



Tầng cát (gồm các hạt cát, than bùn, phân trộn, đá nhỏ) có kích thước lớn nhất và cũng nặng nhất nên sẽ chìm nhanh hơn và nằm ở tầng dưới cùng. 


Tầng phù sa nằm phía trên tầng cát. Tầng này có thể gồm phân trộn hạt nhỏ và hạt phù sa.


Tầng sét nằm trên cùng của cột đất. Do có kích thước vô cùng nhỏ nên hạt sét cần thời gian lâu hơn để lắng đọng. Ngoài ra, trên mặt nước ta có thể thấy những phần mạt gỗ nổi. 


Sau khi có độ cao từng tầng, các bạn có thể dễ dàng tính % hạt bằng cách chia cho độ cao của cột đất. 


Ví dụ với đất vườn của tôi, cột cát cao 6cm. Tôi chia cho cột mẫu đất cao 10cm và thu về kết quả là đất của tôi là đất cát với 60% cát và các loại hạt có tính chất tương tự. Từ đây, tôi hiểu rằng tôi cần chủ động tưới nước thường xuyên để vườn cây được khỏe. 



Kiểm Tra Độ Chua Của Đất


Tùy vào độ chua (độ pH) của đất, mỗi loại cây có thể sinh trưởng tốt hoặc kém. 


Các loại rau củ ưa đất chua (ph < 7) có thể kể đến tỏi, húng quế, bắp cải, cà tím, đậu, khoai tây, việt quất, dâu tây,...


Các loại rau củ ưa đất kiềm (pH > 7) thì có tỏi (tỏi có thể chịu được cả hai kiểu đất), oải hương, cải kale, củ dền, măng tây, bí đỏ, rau chân vịt,... 


Vậy làm thế nào chúng ta có thể biết được đất vườn nhà mình chua hay kiềm? Nếu bạn không có sẵn giấy quỳ tím, vẫn còn một cách đơn giản sau đây để biết được độ chua của đất. 


Vật dụng cần chuẩn bị


 

- Mẫu đất. Tương tự như trên, chúng ta trộn 5 mẫu đất từ 5 góc khác nhau trong vườn.

- 2 dụng cụ chứa (chai, lọ, bát, cốc,...) không cần thiết phải giống nhau.

- Giấm trắng hoặc chanh chua, có tính axit.

- Baking soda (muối nở, không phải bột nở nhé các bạn), có tính kiềm.


Tiến hành kiểm tra


- Chia đất vào 2 lọ riêng.

- Trong lọ 1: rót ngập nước, khuấy nhẹ, sau đó cho vào 1 thìa nhỏ muối nở.

- Trong lọ 2: rót ngập giấm trắng và khuấy nhẹ.



Quan sát hiện tượng 


Qua thí nghiệm đơn giản này, ta có thể quan sát phản ứng của giấm (chất axit) và muối nở (chất kiềm) khi tiếp xúc với đất. Nếu lọ 1 sủi bọt nhẹ sau khi cho muối nở, đất của bạn có tính axit. Nếu lọ 2 sủi bọt nhẹ sau khi rót giấm, đất của bạn là đất kiềm. 


Trong trường hợp của tôi, đất nổi bọt rất ít trong lọ có giấm (bên phải ảnh) và hoàn toàn không có hiện tượng gì trong lọ có muối nở (bên trái ảnh). Tôi có thể kết luận rằng đất vườn của tôi có một chút tính kiềm, có thể trong khoảng pH 7,5. Nhờ đó tôi biết được vườn của mình thích hợp trồng củ dền, bí đỏ, rau chân vịt,... và có kế hoạch cải tạo đất hợp lý khi muốn trồng thêm các loại cây ưa chua như việt quất hay dâu tây. 


Các bạn thấy đấy, trồng cây không khó, tuy nhiên cũng cần một vài lưu ý để chúng ta có thể thu về kết quả tốt nhất. Trên đây là hai bài kiểm tra đơn giản và thủ công giúp bạn hiểu thêm về đất vườn nhà mình. Chúc các bạn làm vườn vui vẻ và xin được đồng hành cùng các bạn trên chặng hành trình này!

About the author

Một nhà khoa học yêu thiên nhiên và có niềm đam mê trồng vườn theo mô hình permaculture. 

Tác giả của chuyên mục hàng tuần “Saturday Science” - Her.vn với mục đích truyền tải kiến thức khoa học theo phong cách gần gũi và dễ hiểu để ai cũng có thể áp dụng. 

Tìm hiểu thêm về cô qua kênh Linkedin: Hà Hoàng

author

Hoàng Hà

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!