Mỗi mùa thu về tôi đều mê đắm những hàng cây nhiều màu. Sự hòa trộn của sắc xanh và vàng tạo nên những khung cảnh vô cùng đẹp mắt, nhất là khi lá rụng trải thảm cả một đoạn đường dài. Bạn có bao giờ tự hỏi vì sao lá lại chuyển màu? Và còn những màu gì khác ngoài xanh và vàng thường thấy? Thực chất lá cây có nhiều hơn là hai màu, chúng có thể thay áo nhờ những quá trình hóa học xảy ra bên trong cây mỗi độ giao mùa.
Lá Thay Màu Như Thế Nào?
Trong lá cây có chứa các chất màu sắc tố khác nhau là diệp lục (chlorophyll, màu xanh lá), xanthophylls (màu vàng), carotenoids (màu cam, người ta gọi tên cà rốt do màu sắc đặc trưng của nó) và anthocyanins (màu đỏ, tím).
Diệp lục trong tế bào thực vật
Vào mùa xuân và hè, đa số các loại cây có màu xanh vì chất diệp lục chiếm số lượng lớn áp đảo các chất màu sắc tố khác. Diệp lục đóng vai trò là các nhà máy tí hon sản xuất năng lượng cho sự phát triển của cây bằng việc quang hợp, hấp thụ năng lượng từ ánh sáng mặt trời và dùng nó để chuyển hóa CO2 cùng nước thành đường và tinh bột nuôi cây. Diệp lục được liên tục tạo mới và thay thế trong tế bào lá cây.
Khi mùa thu tới, sự chênh lệch thời gian của ngày đêm và sự thay đổi nhiệt độ là tín hiệu báo cho cây chuẩn bị vào ngủ đông. Cây dừng sản xuất diệp lục, các nhà máy tí hon này bắt đầu phân rã, các phân tử nitơ từ diệp lục được cây thu hồi lại và tái sử dụng. Màu xanh biến mất, các chất sắc tố khác như vàng và cam lộ dần ra và tô màu lên lá thu. Khi chất dinh dưỡng trong lá cây bị rút đi hết thì cũng là khi lá rụng xuống và phân rã, tạo nên lớp mùn nuôi dưỡng các sinh vật của hệ sinh thái trong lòng đất.
Cây việt quất đổi màu ấn tượng vào mùa đông
Nhiệt độ, ánh sáng và nguồn nước là những yếu tố có ảnh hưởng tới màu lá và thời gian lá chuyển màu vào mùa thu. Nhiệt độ thấp quanh mức 0ºC thúc đẩy quá trình tạo anthocyanins dẫn tới màu đỏ rực. Đây là lý do vì sao chúng ta hay thấy lá chuyển đỏ ở những nước có khí hậu lạnh hơn. Ví dụ như lá sồi có màu nâu, lá phong lại có màu đỏ hoặc tím ở vùng khí hậu khắc nghiệt. Nếu trời nhiều mây và ấm thì lá sẽ ít chuyển màu hoặc chuyển màu rất nhẹ.
Tại Sao Nhiều Lá Non Có Màu Đỏ?
Lá phong non
Lá cây không chỉ có màu sắc thú vị khi trời vào thu. Ở nhiều loài cây, chúng ta có thể dễ dàng thấy lá non có màu đỏ rực, cam vàng hoặc màu phấn trắng. Màu lá đỏ hay được thấy ở cây xoài, cây đa, bồ đề, hoa hồng,... và vô số các cây khác nữa. Các bạn hãy thử để ý nhé!
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, màu đỏ của lá cây non thực chất là một bước tiến hóa để cây cối tự vệ trước sự tấn công của các loại thú ăn lá và côn trùng gây hại bằng việc sản xuất lượng lớn chất màu sắc tố anthocyanins. Màu lá đỏ là “cú lừa” khiến thú ăn lá tin rằng những mầm lá non là lá già và không có dưỡng chất gì, do đó tránh xa chúng. Một nghiên cứu khác thì chỉ ra rằng màu lá đặc biệt giúp lá non không bị thiêu cháy bởi ánh nắng mặt trời quá mạnh. Thậm chí, có nhiều tác giả còn đặt ra giả thiết rằng màu lá đỏ giúp cho chúng trở nên “tàng hình” trong mắt nhiều loại thú ăn lá vốn không có khả năng nhận diện sắc đỏ của dải quang phổ. Thật bất ngờ!
Qua đây chúng ta có thể thấy rằng, ánh sáng có vai trò vô cùng quan trọng trong sự hình thành và phát triển không chỉ của riêng lá cây. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu kỹ hơn về những ảnh hưởng mà ánh sáng có thể tạo nên đối với thực vật vào kỳ Saturday Science sau các bạn nhé!
Cảm ơn các bạn đã đọc tới cuối bài viết. Chúc các bạn cuối tuần vui vẻ. Her hẹn gặp lại bạn lần tới với nhiều thông tin hữu ích hơn nữa!
About the author
Hoàng Hà