Nhất nước. Nhì phân. Tam tần. Tứ giống

TỔ ẤM

Nhất nước. Nhì phân. Tam tần. Tứ giống

authorBy Hoàng Hà
Share on
Share on
Nhất nước. Nhì phân. Tam tần. Tứ giống


Từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường, ai cũng đều ít nhiều nghe tới câu thành ngữ "Nhất nước. Nhì phân. Tam tần. Tứ giống" về tầm quan trọng của các tố này trong trồng trọt cho một vụ mùa bội thu. Vậy tại sao nước, phân, giống và “tần” lại quan trọng? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu thêm trong bài viết này nhé. Hãy cùng bắt đầu thôi!


Nhất Nước


Hơn 70% cơ thể người là nước. Đối với cây cối, con số này lên tới 95% do tất cả tế bào chất chỉ chiếm chưa tới 10%. Chính vì lý do này mà việc “cho cây uống nước” không đều đặn có ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của chúng. 


Khi cây hô hấp, nước thoát ra từ lỗ thở dưới mặt lá, tạo ra lực hút kéo nước cùng dưỡng chất từ đất về phía tế bào rễ cây. Phân tử nước mang các nguyên tố cần thiết sau đó được truyền đi nuôi mọi phần của cây trồng từ gốc tới thân, cành, lá, hoa,... 


Hậu quả của việc thiếu nước


Khi cây thiếu nước, quá trình vận chuyển chất này bị đình trệ nghiêm trọng. Cây sẽ phát triển kém, lá và hoa hay quả thường héo và rụng đi. Nếu tình trạng thiếu nước diễn ra lâu dài cây còn có thể chết. Một vài cách để hạn chế việc cây bị căng thẳng trong trường hợp này là tưới bổ sung nước vào gốc cây, tạo bóng râm che chắn cây hoặc tưới đẫm nước trước khi nhiệt độ không khí tăng cao. 


                                                                                                         

Có rất nhiều loại cây mà quá trình sinh trưởng và phát triển của chúng không yêu cầu nhiều nước. Điển hình nhất phải kể đến xương rồng, loài cây hoa được nhiều người lựa chọn bởi khả năng tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt của chúng (nói cho dễ hiểu là người trồng lười quá hoặc bận quá hoặc không hiểu cách để chăm sóc cây). Ngoài xương rồng còn có: Dâu tằm, Rau má, Hoa bất tử, Hoa bướm, Hoa xác pháo, Oải hương, Ngũ gia bì, Hương thảo, Sen đá, Trúc quân tử, Thiên môn đông, Tóc thần vệ nữ, Phi lao, Trúc bách hợp, Lưỡi hổ, Lưỡi mèo, Lan chi, Đô la,...


Hậu quả từ việc tưới quá nhiều nước 


Cũng như khi không được uống đủ nước, cây cối có thể gặp rất nhiều vấn đề khi chúng tiếp xúc với quá nhiều nước. Lý do dẫn tới tình trạng có thể là do mưa kéo dài hoặc do tưới tiêu không hợp lý. Cây sẽ trở nên còi cọc, yếu ớt và không có khả năng phát triển một bộ rễ hoàn chỉnh do chúng trở nên "lười biếng". Thay vì cố gắng đào sâu vào lòng đất tìm nước và dưỡng chất thì rễ cây chỉ loanh quanh ở lớp đất bề mặt. Cây bị úng thường có dấu hiệu chuyển màu, xảy ra đồng thời ở thân, cành, lá, hoa và quả. Một khi bị thối rễ cây sẽ chết. 


Một số loại cây, rau thích hợp trồng trong nước có: Thài lài, Sen đá ưa nước (sen đá thơm, sen đá tứ phương, sen đá phật bà, sedum), Trầu bà, Kim ngân, Phú quý, Lan ý, Hồng môn, Thủy tiên, Phát lộc - Trúc phát tài, Rau muống, Tía tô cảnh, Rau gia vị (Rau má, rau diếp cá, rau răm, húng, bạc hà,…) và rất rất nhiều loại cây khác nữa.


Nhì Phân


Cũng như cơ thể người, nếu cây chỉ “uống” mà không được “ăn” thì hiển nhiên chúng sẽ phát triển kém, còi cọc và hệ miễn dịch với môi trường bên ngoài gần như không có.


Ngoài những dưỡng chất quan trọng và phổ biến nhất dễ thấy trên bao bì những loại phân bón dù là hữu cơ hay phân bón hóa học tổng hợp như N (natri), P (phốt pho) và K (ka-li), cây cối cần thêm hơn những loại chất như canxi (Ca), magie (Mg), lưu huỳnh (S), boron (Bo), mangan (Mn), sắt (Fe), để phát triển khỏe mạnh. Vậy các nguyên tố này giúp cây lớn lên như thế nào? 



Đầu tiên hãy cùng nói vắn tắt về các con số thể hiện trên bao bì phân bón N-P-K. 10-10-10 thể hiện phần trăm có nghĩa là 10% nitơ, 10% photpho, 10% kali. Vì vậy mỗi 1kg của 10-10-10 bao gồm chính xác lượng dưỡng chất có trong 2kg loại 5-5-5. 


Natri (N): Dấu hiệu để nhận biết sự thiếu hụt natri là màu lá trở nên rất sáng và không không được xanh như bình thường. Đây là dưỡng chất quan trọng nhất cho sự phát triển mạnh mẽ của lá có màu xanh và giúp cho cây quang hợp. Bởi vậy những loại cây trồng để thu hoạch lá như là rau gia vị, xà lách, rau cải... thì natri là dưỡng chất tối quan trọng cần phải bổ sung thường xuyên. Khi chọn phân bón nguồn NPK mà cần tập trung vào vào natri thì chúng ta cần phải tìm dãy số N-P-K với con số đầu tiên cao (ví dụ 30-0-0). 


Phốt pho (P): một ví dụ cho việc thiếu hụt phốt pho chính là màu ánh tím trên mặt lá (rất dễ thấy ở cây cà chua). Phốt pho rất cần thiết cho phát triển rễ vậy nên cây cho hoa được chăm bón với nhiều phốt pho sẽ nở nhiều hơn và cho nhiều quả hơn. 


Ka-li (K): ví dụ cho sự thiếu hụt về Kali là khi lá bị xoăn từ mép. Kali là một dưỡng chất cần thiết cho tất cả các loại cây trồng để phát triển sức khỏe tổng thể. Kali giúp cây điều hòa nhiệt độ, chống lại những thay đổi bất thường về nhiệt độ không khí và nhiệt độ đất, đồng thời giúp chúng chống chọi lại sự tấn công của các loại bệnh tật. Kali đã tồn tại sẵn một phần ở trong đất nên con số thứ ba trong dãy số N-P-K thường là nhỏ hơn. 


Với mỗi loại dưỡng chất, cây có thể bị thiếu hụt hoặc bị hấp thụ quá nhiều. Cả hai đều có thể gây nên những hậu quả đáng tiếc. Thật giống như là với cơ thể con người!


Vậy để biết rõ hơn lượng phân bón cần thiết thì chúng ta nên tiến hành kiểm tra chất lượng đất để biết trong đất có gì và cần gì để vạch ra kế hoạch bổ sung thêm hoặc loại bỏ khi cần thiết. Các bạn nhớ đón đọc chuyên mục Vườn sắp tới về chủ đề này nhé! 


Tiếp theo là các loại dưỡng chất thứ cấp ít được để ý tới dù chúng cũng thiết yếu không kém N-P-K. Trong đó canxi giúp hình thành thành tế bào, không thể thiếu cho phần ngọn cây. Magi giúp hấp thụ nước và các loại dưỡng chất từ đất và giúp đỡ quá trình tạo hạt, là một phần quan trọng trong chất diệp lục giúp lá có màu xanh. Sun-phát (SO42-) quan trọng ngang với magi vì nó giúp cây cối có được có màu lá xanh đậm quan trọng cho quá trình quang hợp. Hầu hết các loại đất tự nhiên đều có sun-phát vậy nên rất ít người sẽ gặp vấn đề về thiếu hụt loại chất này. 


Cuối cùng là các loại nguyên tố vi lượng. Đây là những nguyên tố mà cây cần với lượng rất ít. Tuy nhiên việc thiếu hụt những dưỡng chất này có thể tạo nên những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Boron (Bo) giúp tổng hợp protein và phát triển thành tế bào; clo (Cl) giúp quang hợp; đồng (Cu) kích hoạt enzyme; sắt (Fe) hỗ trợ hình thành protein và nhiều quá trình sinh hóa học khác; kẽm (Zn) được sử dụng vào việc phát triển enzyme và hoóc-môn trong cây cối. 


Tam Tần 


“Tần” trong từ “tần tảo” có nghĩa là chịu thương, chịu khó, cần cù lao động. Thật vậy, việc chăm sóc cây vườn đòi hỏi tính kỷ luật khá cao. Từ việc gieo hạt, cấy cây con, làm cỏ, cắt tỉa, bón phân, vun xới đất, bắt sâu bọ, che chắn, làm giàn, sắp xếp vị trí, luân canh, vân vân và mây mây, việc nào cũng cần được lên kế hoạch và có hiểu biết nhất định để làm cho đúng.



Để nói về việc làm nông, trồng vườn, ngôn ngữ tiếng Việt là một kho tàng vô cùng phong phú. Không khó kể ra những câu thành ngữ về chủ đề này:

 

“Công cấy là công bỏ. Công làm cỏ là công ăn.” muốn nói rằng việc làm cỏ mất nhiều công sức và đóng vai trò lớn trong việc thu hoạch được rau quả chất lượng.


“Một hòn đất nỏ là một giỏ phân”. Đất nỏ là một loại đất được cày hoặc cuốc lên và phơi cho khô nên một số chất hữu cơ có trong đất trở thành mùn rất tốt cho cây trồng. Cây cối trồng trên loại đất này sẽ phát triển tốt như được bón phân.

 

“Cơn đằng đông vừa trông vừa chạy. Cơn đằng nam vừa làm vừa chơi”. Giống như việc canh tác nông nghiệp, trồng vườn rau tại nhà cũng cần quan tâm tới thời tiết. Ví dụ khi dự báo trời hanh nóng thì bạn cần tưới bổ sung nước, hoặc che chắn cho cây vào mùa mưa bão.

 

Bản thân tôi rất mê việc làm vườn. Cảm giác mình hiểu được thực phẩm của gia đình có nguồn gốc từ đâu giúp tôi yên tâm và càng có động lực hơn để chăm cây. Khi có thời gian rảnh rỗi, tôi có thể ngồi cả tiếng ngắm các mầm cây xanh tươi trong lúc tranh thủ tưới nước nhặt cỏ cho chúng. Chúng như là những đứa con thơ của tôi vậy. Con lớn cha mẹ nào lại không vui? Nhưng cũng vì dành nhiều công sức chăm sóc mà khi các “con” bị sâu ăn mất tôi buồn nẫu và tự nhủ phải vệ sinh vườn tược kỹ hơn. 


Bạn có thể tìm hiểu về cách diệt cỏ thân thiện với môi trường tại đây.


Tứ Giống 


Giống ở đây không chỉ được định nghĩa là nguồn gen của hạt cây, mà rộng hơn còn là khả năng nảy mầm và sự phù hợp của chúng cho mỗi điều kiện trồng và chăm sóc của từng gia đình. Đặt vào bối cảnh nền nông nghiệp Việt Nam đang có những sự chuyển mình mạnh mẽ, từng bước tiến tới hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa, đa dạng các mặt hàng nông sản, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp, chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hồ Xuân Hùng đã nêu lên quan điểm, phải đặt Giống làm tiêu chí quan trọng hàng đầu. Theo ông, giống cây được phát triển theo điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng mỗi vùng, miền, là yếu tố cần thiết hơn hết trong điều kiện kinh tế thị trường hội nhập hiện nay. 



Tuy vậy, trong quá trồng rau quả tại gia, cả bạn và tôi đều hiểu rằng mỗi yếu tố nước, phân, công sức chăm sóc và loại hạt cây đều có ý nghĩa cần thiết và quan trọng ngang hàng như nhau. Ví dụ nếu bạn may mắn sống tại nơi có đất nền màu mỡ và giàu dinh dưỡng nhưng bạn không tưới cây đúng cách, không nhổ cỏ hay vạch lá tìm sâu thì bạn cũng khó có thể thu hoạch được một cây xà lách thơm ngon, mọng nước. 


Trong quá trình viết bài chia sẻ này, tôi chợt nghĩ: “Mình có nói nhiều quá không? Có khiến độc giả cảm thấy bội thực thông tin và sợ thậm chí không dám bắt đầu việc trồng vườn không nhỉ?”. 


Nhưng làm vườn là một hành trình nuôi dưỡng tâm hồn và con người mà tôi nghĩ ai cũng nên thử. Làm vườn không hề có công thức. Cứ làm đi! Cứ bắt đầu trồng những hạt cây đơn giản nhất (đỗ đen, đỗ xanh, đậu nành,... hoặc tham khảo những loại cây dễ trồng từ rác nhà bếp tại đây). Hãy đừng chần chừ nuôi lớn ít nhất một mầm xanh từ hôm nay. Tôi tin chắc rằng bạn sẽ sớm đón nhận được nguồn năng lượng tích cực mỗi ngày khi mầm cây lớn hơn và làm đẹp hơn cuộc đời. 

About the author

Một nhà khoa học yêu thiên nhiên và có niềm đam mê trồng vườn theo mô hình permaculture. 

Tác giả của chuyên mục hàng tuần “Saturday Science” - Her.vn với mục đích truyền tải kiến thức khoa học theo phong cách gần gũi và dễ hiểu để ai cũng có thể áp dụng. 

Tìm hiểu thêm về cô qua kênh Linkedin: Hà Hoàng

author

Hoàng Hà

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!