Rệp bị thu hút bởi nhiều loại cây từ cây hoa tới rau ăn lá… Tuy nhiên, tin tốt là rệp cũng là một trong những loài gây hại dễ ngăn chặn. Có một số cách để loại bỏ rệp trong vườn một cách nhanh chóng và rất thân thiện với môi trường.
Các biện pháp tự chế đối với côn trùng gây bệnh là cách làm truyền thống của những người làm vườn hữu cơ, mà không cần đến sự trợ giúp của các hóa chất tổng hợp.
*Mẹo:
Đầu tiên, hãy thử rửa sạch rệp khỏi lá bằng vòi phun trong vườn với áp lực đủ để đánh bật rệp ra khỏi cây mà không làm hỏng tán lá. Nếu ít rệp, bạn có thể dùng khăn ướt lau sạch chúng.
Trước khi áp dụng một trong hai hỗn hợp dưới đây, hãy chắc chắn rằng loại côn trùng bạn đang "chiến đấu" thực sự là rệp. Rệp cây là một loại côn trùng nhỏ có râu, gần đuôi có tua mọc ra hai bên thân. Có rất nhiều loài rệp với màu sắc khác nhau, có thể là màu trắng, đen, xám, vàng,… Khi nhìn gần, một số loài rệp được bao phủ một lớp xốp như sợi bông. Rệp gây hại cây có cả loại không cánh và có cánh.
Phun Lá Cà Chua
Cây cà chua có chứa các chất độc thuộc nhóm alkaloid trong lá. Khi lá cà chua bị cắt nhỏ, hợp chất alkaloid sẽ được giải phóng. Pha chúng với nước sẽ tạo ra một loại thuốc xịt dễ sử dụng, có độc tính đối với rệp, nhưng vẫn an toàn đối với thực vật và con người.
Chuẩn bị: Hũ thủy tinh (nhựa) có nắp đậy, bình xịt, rây lọc (vải thưa), lá cà chua tươi, nước sạch
- Để làm nước xịt từ lá cà chua, bạn chỉ cần cắt nhỏ lá cà chua vừa đủ để làm một hoặc hai cốc và kết hợp với hai cốc nước trong một bát lớn hoặc xô. Ngâm hỗn hợp này qua đêm.
- Lọc bỏ lá bằng vải thưa hoặc rây mịn. Pha thêm cùng 1 cốc nước và đổ vào bình xịt.
- Sử dụng hỗn hợp này phun lên thân và tán lá của cây bị nhiễm bệnh và đặc biệt chú ý đến mặt dưới của lá vì đó là nơi rệp thường tụ tập nhiều nhất.
Xịt Dầu Tỏi
Những người làm vườn hữu cơ từ lâu đã coi tỏi như một loại vũ khí chống sâu bệnh. Tỏi chứa các hợp chất hữu cơ lưu huỳnh, ngoài tác dụng gây hại cho sâu bọ, nó còn là chất kháng khuẩn và kháng nấm.
Chuẩn bị: Tỏi, dầu khoáng, nước rửa bát, hũ thủy tinh (nhựa) có nắp đậy, bình xịt, rây lọc (vải thưa)
- Để làm dầu xịt tỏi, hãy băm nhuyễn 1 củ tỏi. Trộn tỏi cùng hai thìa cà phê dầu khoáng.
- Rót hỗn hợp đã xay vào lọ thủy tinh sạch và đậy nắp. Để nguyên như vậy 12-24 tiếng. Hỗn hợp càng để lâu thì tỏi sẽ càng ngấm hợp chất lưu huỳnh cay nồng vào nước.
- Đổ hai cốc nước vào hỗn hợp tỏi. Sử dụng rây lọc để loại bỏ các miếng tỏi.
- Thêm một thìa cà phê nước rửa bát.
- Hỗn hợp này có thể được lưu trữ và pha loãng khi cần thiết. Rót vào bình xịt trước khi sử dụng.
Lưu ý
- Để đảm bảo an toàn, hãy luôn dán nhãn trên các chai thuốc kể cả mua sẵn hay tự pha chế.
Trước khi sử dụng dầu toi cho toàn bộ cây, hãy kiểm tra nó bằng cách xịt vào một phần nhỏ của cây. Nếu không có dấu hiệu vàng lá hoặc các tổn thương khác sau 1-2 ngày thì có thể yên tâm sử dụng. Nếu có lá bị hư hỏng, hãy pha loãng hỗn hợp với nhiều nước hơn và thử kiểm tra lại. Khi bạn đã xác định rằng nó sẽ không gây hại cho cây của bạn, hãy phun toàn bộ cây, đặc biệt chú ý đến mặt dưới của lá.
- Dầu tỏi có thể gây hại cho các loài côn trùng có ích như bọ rùa, chúng là “khắc tinh” tự nhiên của rệp. Hãy cố gắng thu hút các loại côn trùng có ích như bọ rùa, bọ rùa, ong bắp cày ký sinh… đến khu vườn của bạn bằng cách xây nhà nghỉ cho côn trùng hoặc trồng bạc hà, thì là, bồ công anh. Chúng sẽ tấn công những con rệp gây hại.
About the author
S. Reen