Cần những gì để có một khu vườn khỏe mạnh?

TỔ ẤM

Cần những gì để có một khu vườn khỏe mạnh?

authorBy An Di
Share on
Share on
Cần những gì để có một khu vườn khỏe mạnh?

Tôi có một khu vườn. Gọi là vườn nhưng thực chất nó chỉ là một không gian nhỏ xinh chưa đầy 20m2 mà tôi trồng đủ các loại cây tôi yêu thích.

Sớm đó, như mọi khi tôi lại lên thăm vườn trước giờ đi làm.

Sớm đó…

… mầm cây của tôi đã biến mất!


Bên cạnh vạt rau răm, mấy mầm cây cà chua mà tôi gieo thời gian trước mới nhú mầm được mấy hôm. Vậy mà sớm đó, đứt ngang cây do bị cắn dù tôi đã cẩn thận che chắn bảo vệ.


Làm vườn không dễ. Muốn trồng được cái cây lớn lên khỏe mạnh và cho thu hoạch, trước tiên bạn cần có kiến thức nền cơ bản và cần hiểu thêm về cây bạn trồng. Để bạn không ngã vào nỗi buồn như tôi sớm đó. Tôi xin chia sẻ một số thông tin hữu ích mà tôi tìm hiểu được dưới đây để chúng ta - ai cũng có một khu vườn khỏe mạnh.


Hiểu Về Cây


Đầu tiên bạn cần hiểu về cây mình trồng thuộc loại cây gì, thích hợp với điều kiện khí hậu, đất ra sao, hay mức độ ưa nước, ưa nắng như thế nào? Việc hiểu này của ta cần như một chuyên gia, mà chỉ cần những đặc điểm cơ bản. Bởi từ việc hiểu này sẽ giúp bạn chuẩn bị đất, lượng nước và tạo một môi trường phù hợp để cây phát triển. Ví dụ cây bạn trồng là cây rễ chùm, vậy thì đất thích hợp nên xốp và tầng đất trồng không cần quá dày. Nhưng là một cây rễ cọc mà bạn chuẩn bị lớp đất trồng không đủ độ sâu cho cây phát triển thì cái cây sẽ lười lớn.

 

Dinh Dưỡng


Tuy không “cài đặt” chế độ cho bản thân là một người làm nông chuyên nghiệp, nhưng ta cũng cần biết cách chăm sóc để cái cây được nuôi dưỡng, phát triển trong điều kiện tốt. Việc chuẩn bị dinh dưỡng nuôi cây là một yếu tố tiên quyết. Đất trồng về cơ bản là đảm bảo tính tơi xốp để rễ cây có thể thở và phát triển. Bộ rễ phát triển mạnh sẽ như những xúc tua vươn dài lấy thức ăn nuôi cây.


Nếu không thích sử dụng phân bón có sẵn ngoài thị trường, và cũng chỉ cần nguồn dinh dưỡng cho một khoảnh vườn nhỏ bạn có thể bổ sung dinh dưỡng cho cây bằng chính nguồn nguyên liệu hay thức ăn dư thừa của gia đình. Việc này vừa không lãng phí và tiện lợi. Nước vo gạo hay những phần lá hỏng không dùng từ những bó rau mua về hay một chút canh còn lại của bữa ăn… sẽ là nguồn dinh dưỡng lý tưởng. Nhưng bạn cũng chớ lạm dụng nguồn dinh dưỡng này, nếu không cũng dễ mang những mầm bệnh nấm mốc cho cây.



 “Hành Lang” Bảo Vệ


Dù bạn trồng bằng phương pháp nào: gieo hạt hay cây con thì cây luôn cần có một lớp phủ - một trong những phương pháp tôi gọi là hành lang bảo vệ. Lớp phủ này có thể là một lớp rơm rạ, mùn lá, hay một lớp đất mỏng mịn hay những vụn gỗ… Với phương pháp gieo hạt, được phủ một lớp đất mùn mỏng sẽ có tác dụng giữ ẩm, ổn định đất và còn là tấm chắn bảo vệ trước các loài ưa gặm nhấm hạt như chim, chuột… Và khi thêm lớp phủ này cũng là một phương pháp để ngăn chặn cỏ dại phát triển cạnh tranh với cây con. 


“Hành lang” bảo vệ này có khi còn là một chiếc cọc gỗ, hay thanh tre… để nâng đỡ cây của bạn. Vào mùa này, khu vườn của bạn có lẽ sẽ có mấy chú cà chua. Có được thanh nâng đỡ sẽ không chỉ giúp cây vươn cao, không đổ rạp mà còn giúp nâng đỡ bảo vệ quả khi cây bắt đầu có trái từ các loài như ốc sên (loài ưa bóng và ẩm)… Hay một lớp quây quanh cây su su, cà chua, dưa chuột… từ khi còn là mầm cây cho tới lúc cao bằng một khuỷu tay để bảo vệ khỏi loài gặm nhấm như chuột. Loài gặm nhấm này sẽ không tha cho những mầm cây – món ăn mọng nước và ngọt.

 

Bạn Đồng Hành


Cũng như con người, cây cũng cần có bạn. Tất cả các loại cây đều cần bạn đồng hành mà không kể tới một loại cây riêng biệt nào. Nếu nói một cách chuyên môn thì việc này gọi là hệ sinh thái. Việc trồng xen kẽ các loại cây với nhau không chỉ làm cho khu vườn của bạn thêm phong phú mà nó còn có sự cộng sinh trong đời sống của cây.


Ví dụ như bạn có thể trồng các loại rau dài ngày với khoảng cách lớn và trong giai đoạn cây rau dài ngày này còn chưa phát triển hết bạn nên trồng xen vào giữa các hàng với các loại rau ngắn ngày. Khoai tây và xà lách có thể kết hợp cùng nhau. Ưu điểm của xà lách là ít sâu bệnh, rễ mọc nông, thời gian thu hoạch ngắn ngày, khi trồng không cần chăm bón quá nhiều. Trong khi đó khoai tây phát triển chính ở phần dưới, xà lách sẽ ít có cạnh tranh dinh dưỡng so với khoai tây.

 

Câu Chuyện Của Chiếc Kéo Sắc Và Việc Cắt Tỉa, Thu Hoạch


Việc cắt tỉa cây giúp cây tập chung nguồn dinh dưỡng vào đúng chỗ mà không bị tản mát hay lãng phí. Còn khi thu hoạch, nếu cây của bạn thuộc loại thu hoạch từng phần và rời rạc (ý tôi là không phải thu hoạch một lần) thì chiếc kéo cắt tỉa sẽ giúp bạn. Không biết có phải là người quá cẩn thận không? Nhưng với tôi, việc chuẩn bị dụng cụ làm vườn cũng được cân nhắc. Tôi luôn kiểm tra vệ sinh cũng như độ sắc của kéo khi làm hai công việc này. Tôi không thể tưởng tượng được việc để cắt một chiếc lá, hay một loại quả rời cây bằng một cái kéo mà nhay nhay mãi không đứt, vậy thì một chiếc kéo sắc sẽ giúp cây của bạn bớt đau.


Không Gian Thở


Tôi có đề cập đến việc tạo cho cây một hệ sinh thái bằng cách trồng xen nhiều loại cây với nhau, nhưng lợi ích này không đồng nghĩa với việc bạn tạo một khu vườn ken đặc tới “nghẹt thở”. Cây của bạn cần có không gian thoáng đãng. Chúng cũng cần hít thở. Nếu quá ken đặc, vô tình bạn tạo môi trường ẩm thấp cho những loài gây bệnh như nấm, mốc… Những cái rễ của chúng cũng cần không gian để phát triển. Vì vậy, bạn nhớ chừa khoảng trống để chúng lớn nhé. 



Tưới Cây Đúng Cách


Tưới gần rễ cây, không tưới lên lá cây. Khi tưới vườn, bạn hãy hướng vòi nước, bình tưới hoặc vòi sen vào cây, khu vực gần rễ cây để đảm bảo cây nhận được đủ nước. Cây có thể bị tổn hại nếu bạn tưới lên cây và làm ướt lá cây. Nước đọng lại trên lá có thể khiến nấm mốc và các bệnh của cây xuất hiện.


Tùy thuộc vào thời tiết, loại đất hay giống cây, có thể bạn sẽ phải tưới nước nhiều hơn một lần một ngày. Nhiệt độ, gió và không khí khô có thể khiến chậu cây bị khô đi nhanh chóng.


Chú Ý Dấu Hiệu Sâu Bệnh


Kể cả khi khu vườn của bạn khỏe mạnh, hãy lưu ý bất kỳ cây mới bị bệnh nào bạn mang vào vườn của bạn đều có thể lây nhiễm cho các cây khác. Dấu hiệu nhận biết cây bị sâu bệnh là sự biến đổi mô bệnh biểu hiện ra bên ngoài mà ta có thể quan sát, nhận biết được. Tùy theo tính chất khác nhau của các loại bệnh (bệnh toàn bộ hoặc bệnh cục bộ) mà triệu chứng thể hiện ra rất khác nhau. vì vậy hãy chú ý các dấu hiệu như lá bị mờ, đổi màu hoặc đốm, héo úa...

About the author

Nhà báo đồng thời là người sáng tác truyện thiếu nhi và vẽ minh họa tự do, hiện An Di đã xây dựng trang blog cá nhân để lưu giữ những sáng tác của mình. Tự nhận là người phức tạp nhưng bản thân lại luôn yêu những thứ đơn giản, tự nhiên đặc biệt là những điều truyền cảm hứng tích cực. 

Tìm hiểu thêm về cô qua kênh:

Website: sunnyhill.vn

Facebook: sunnyhill

author

An Di

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!