Viêm mũi xoang vào mùa lạnh

SỐNG KHỎE

Viêm mũi xoang vào mùa lạnh

authorBy Chi
Share on
Share on
Viêm mũi xoang vào mùa lạnh

Các vấn đề về xoang mũi có thể gây khó khăn vào bất kỳ thời điểm nào trong năm nhưng thường tồi tệ hơn trong những tháng mùa đông. Thời tiết lạnh có thể gây ra các triệu chứng khó chịu, gây mệt mỏi, làm giảm khả năng sinh hoạt và làm việc, thậm chí nếu để bệnh nặng, có thể dẫn đến một số biến chứng như: viêm phế quản mãn tính, viêm họng mạn hay viêm dây thần kinh thị giác…


Xoang là các hốc rỗng nằm hai bên hốc mũi, cạnh hốc mắt. Bên trong các xoang là lớp niêm mạc, rất mỏng, có chức năng hấp thu oxy, thải bỏ dịch, bụi bẩn và vi khuẩn ra khỏi xoang.


Viêm xoang hay viêm mũi xoang là tình trạng niêm mạc xoang bị viêm do nhiều nguyên nhân gây ra, tình trạng này gây tắc các lỗ thông xoang, ứ dịch tại xoang.


Tại sao mùa lạnh dễ bị viêm mũi xoang?


Tại sao nhiễm trùng xoang thường tồi tệ hơn trong những tháng lạnh nhất trong năm? Có một số lý do, bao gồm:


Sự thay đổi đột ngột của thời tiết hay nhiệt độ: Không khí lạnh, hanh khô tác động trực tiếp đến mũi, khiến niêm mạc mũi vốn đã mỏng lại càng dễ bị tổn thương gây viêm, đau mũi. Hơn nữa không khí khô hơn làm cho lớp chất nhầy trong mũi của bạn bị khô và chất nhầy đặc lại. Điều này dẫn đến tăng khả năng tắc nghẽn và nhiễm trùng.


Hệ miễn dịch suy giảm: Đặc biệt vào thời điểm giao mùa, hệ miễn dịch của cơ thể thường suy yếu. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho tác nhân gây hại tấn công và hình thành bệnh.


Vi khuẩn/virus: Thay đổi thời tiết tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus và nấm mốc phát triển. Chúng tấn công màng mũi, gây viêm và tắc nghẽn có thể dẫn đến nhiễm trùng xoang.


Cơ địa dễ bị dị ứng: Những người có cơ địa nhạy cảm, dễ bị dị ứng như dị ứng thời tiết thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.


Bụi, lông động vật: Vào mùa đông, chúng ta đóng cửa sổ nhiều hơn, có xu hướng ít dọn dẹp hơn những mùa ấm áp nên không khí không được lưu thông tốt, bụi bẩn và lông động vật tích tụ (ô nhiễmdễ gây ra nhiều vấn đề hô hấp.


Ngoài ra, một số nguyên nhân khiến người bệnh dễ bị viêm xoang khác như: Không giữ ấm cơ thể đúng cách, vệ sinh mũi họng kém…


viem-mui-xoang-vao-mua-lanh-2.jpg


Những ai có nguy cơ cao viêm mũi xoang?


- Người có thói quen hút thuốc lá hoặc thậm chí tiếp xúc với khói thuốc thụ động. Các chất độc chứa trong thuốc lá làm giảm khả năng thanh thải dịch trong mũi họng, dẫn đến ứ đọng lại gây tái phát bệnh.


- Người thường tiếp xúc với môi trường ô nhiễm nhưng không có thói quen vệ sinh mũi họng hằng ngày.


- Người có tiền sử viêm nhiễm các cơ quan lân cận với xoang: Viêm mũi, viêm họng, viêm amydal, sâu răng, viêm tủy răng…


- Người có cơ địa dễ dị ứng.


- Người có hệ thống miễn dịch suy giảm, chế độ dinh dưỡng kém khiến cơ thể dễ mắc bệnh không chỉ viêm mũi xoang mà còn các bệnh lý nhiễm trùng khác.


- Người có cấu tạo mũi bất thường như vách ngăn mũi bị lệch, polyp mũi.


Dấu hiệu nào đặc trưng cho bệnh viêm mũi xoang


Các dấu hiệu và triệu chứng viêm xoang cấp và mãn tính tính tương tự nhau, vì thế rất dễ gây nhầm lẫn. Các biểu hiện bao gồm: Đau ở xoang, chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau đầu, ho, viêm họng...


Ngoài các dấu hiệu này, bệnh nhân viêm xoang còn có thể gặp các triệu chứng như: sốt, đau tai, đau răng hàm trên, hôi miệng, mệt mỏi…


Khi nào đi khám bác sĩ?


Hãy đi khám bác sĩ ngay lập tức nếu bạn có các dấu hiệu hoặc triệu chứng sau đây:


- Bạn đã bị viêm xoang nhiều lần và tình trạng này không đáp ứng với điều trị


- Bạn có các triệu chứng viêm xoang kéo dài hơn 10 ngày


- Các triệu chứng của bạn không cải thiện sau khi bạn gặp bác sĩ


- Nhức đầu dữ dội


- Ảnh hưởng tới thị lực


- Sốt cao, co giật


- Mắt hoặc hốc mắt đỏ và sưng tấy


- Sưng nề vùng trán


viem-mui-xoang-vao-mua-lanh-1.jpg


Điều trị viêm mũi xoang


Viêm xoang được điều trị theo nhiều cách, mỗi cách tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của viêm xoang.


Viêm xoang cần được điều trị sớm, kịp thời. Nếu không được điều trị ngay, có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như: Viêm tai giữa, viêm phế quản mãn tính, lao phổi giả, viêm họng mạn hay viêm dây thần kinh thị giác…


Nhiễm trùng xoang đơn giản được điều trị bằng:


- Thuốc thông mũi

- Thuốc cảm lạnh và dị ứng không kê đơn

- Nhỏ nước muối sinh lý vào mũi.


Nếu các triệu chứng viêm xoang không cải thiện sau 10 ngày, bác sĩ có thể kê đơn:


- Thuốc kháng sinh

- Thuốc thông mũi dạng uống hoặc tại chỗ.

- Thuốc xịt mũi steroid theo toa


Viêm xoang dài hạn (mãn tính), các chỉ định điều trị thường bao gồm kháng sinh, kháng viêm, co mạch tại chỗ, rửa bằng nước muối sinh lí.


Bác sĩ có thể yêu cầu tiến hành phẫu thuật trong trường hợp viêm xoang mạn tính không đáp ứng điều trị nội khoa, polyp mũi, viêm xoang do nấm xoang. Thủ thuật phẫu thuật có thể làm sạch xoang, loại bỏ polyp hoặc điều chỉnh vách ngăn bị lệch.


Lưu ý: 


- Nếu lạm dụng thuốc co mạch dễ gây hiện tượng nhờn thuốc, thậm chí còn gây hiện tượng tác dụng ngược, nghĩa là gây nghẹt mũi trở lại, làm viêm mạn tính niêm mạc mũi, càng khó điều trị. 


- Không được tự ý mua và sử dụng thuốc kháng sinh hay xịt/nhỏ mũi chứa corticoid nếu không có chỉ định của bác sĩ. Khi dùng cần tuân theo liều lượng và thời gian dùng do bác sĩ/dược sĩ chỉ định.


- Nếu sử dụng thuốc giảm đau để giảm các triệu chứng khó chịu do xoang gây ra như đau đầu, áp lực ở má, trán…cần dùng đúng liều và khoảng cách giữa các liều theo khuyến cáo của nhà sản xuất hoặc chỉ định của bác sĩ để tránh ngộ độc.


viem-mui-xoang-vao-mua-lanh-3.jpg


Phòng ngừa viêm mũi xoang vào mùa lạnh


- Phòng tránh các tác nhân làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp trên như hạn chế tiếp xúc với người bị cảm lạnh, rửa tay đúng cách trước mỗi bữa ăn, vệ sinh sạch sẽ và giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng cổ, ngực, mũi.


- Tránh tiếp xúc với môi trường khói thuốc và không khí ô nhiễm, hạn chế nguy cơ gây kích ứng, viêm phổi và đường hô hấp. Đeo khẩu trang khi ra ngoài.


- Loại bỏ các yếu tố gây dị ứng đường hô hấp như lông chó mèo, phấn hoa, bụi hay thậm chí keo xịt tóc và chất tẩy rửa.… Với người có cơ địa dễ dị ứng, cần hạn chế ăn các thức gây dị ứng.


- Thêm độ ẩm cho không khí sẽ giúp ngăn ngừa viêm xoang. Bạn đừng quên vệ sinh thường xuyên máy tạp độ ẩm để tránh nấm mốc sinh sôi.


- Áp dụng chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất cần thiết để tăng sức đề kháng cho cơ thể.


- Uống đủ nước làm dịch nhầy ở mũi loãng ra, giúp cho đường hô hấp thông thoáng.


- Vệ sinh mũi họng đúng cách và thường xuyên. Sử dụng dung dịch nước muối để loại bỏ các chất gây dị ứng, chất kích thích và chất nhầy dư thừa trong mũi họng. Bạn có thể sử dụng bình xịt nước muối ở hiệu thuốc.


- Chăm sóc sức khỏe tinh thần, tránh stress bởi khi cơ thể quá căng thẳng, mệt mỏi thì hệ miễn dịch suy yếu rất dễ bị nhiễm trùng, viêm mũi xoang.


Đừng quên follow Her trên Instagram @thisishervn để nhận thêm nhiều thông tin bổ ích và thú vị nhé!

About the author

Yêu thích tất cả mọi thứ về văn hóa đại chúng và đặc biệt nghiện cafe.

author

Chi

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!