‘Stresslaxing’: Tại sao cố gắng thư giãn có thể khiến bạn căng thẳng?

SỐNG KHỎE

‘Stresslaxing’: Tại sao cố gắng thư giãn có thể khiến bạn căng thẳng?

authorBy Chi
Share on
Share on
‘Stresslaxing’: Tại sao cố gắng thư giãn có thể khiến bạn căng thẳng?

Nhận ra bạn đang căng thẳng và cần thư giãn là một bước tốt để chăm sóc bản thân. Tuy nhiên, áp lực khi tìm cách giảm căng thẳng sẽ làm tăng thêm căng thẳng cho cuộc sống của bạn, cuối cùng bạn có thể cảm thấy “Stresslaxing”, một tác động phản tác dụng có thể dẫn đến một vòng luẩn quẩn làm gia tăng lo lắng.


“Stresslaxing là thuật ngữ này đề cập đến hiện tượng hoặc trải nghiệm của những người đang ở trạng thái lo lắng hoặc căng thẳng, cố gắng bình tĩnh và cảm thấy thoải mái hơn bằng cách ép bản thân nghỉ ngơi hoặc thư giãn,” - Tiến sĩ Michael Schirripa, bác sĩ tâm thần tại New York chia sẻ với trang Healthline.


Khi mọi người ép mình thư giãn, họ có thể trở nên lo lắng hơn về việc họ thực sự có thể thư giãn tốt hay hiệu quả như thế nào.


Giáo sư, Tiến sĩ tâm lý học Deborah Serani tại Đại học Adelphi (Mỹ) và là tác giả của cuốn sách từng đoạt giải thưởng - “Sống chung với trầm cảm”, cho biết: “Nghiên cứu cho thấy rằng nếu bạn đang phải vật lộn với chứng rối loạn lo âu lan tỏa hoặc suy nghĩ quá mức, bạn có thể dễ bị stresslaxing hơn. Bằng chứng khác cho thấy những người gặp khó khăn trong việc giải tỏa căng thẳng cũng có thể gặp phải các cơn hoảng loạn bên cạnh căng thẳng và lo lắng. Và sau đó, có những người khác có thể bị trầm cảm vì họ không thể thư giãn thoải mái”.


Tại sao một số người lại khó thư giãn?


Tiến sĩ Schirripa cho biết mọi người khó có thể thư giãn do áp lực bên ngoài và động lực bên trong.


Những áp lực bên ngoài, chẳng hạn như công việc, học tập, gia đình và các trách nhiệm khác, có thể khiến mọi người cảm thấy như họ liên tục “hối hả” với thế giới bên ngoài. “Sau đó, họ có thể cảm thấy có nghĩa vụ phải đáp ứng nhu cầu của những tác động bên ngoài này và do đó, điều này có thể dẫn đến nhận thức rằng họ không được phép thực sự có bất kỳ thời gian hoặc không gian thư giãn nào dành cho riêng mình”.


Giáo sư Serani cho rằng nguyên nhân của hiện trạng này một phần là do thời gian làm việc và thời gian giải trí không còn có ranh giới rõ ràng. “Cách đây rất lâu, ngày làm việc kết thúc lúc 5 giờ chiều và cuối tuần là để nghỉ ngơi, thư giãn, còn vào Chủ nhật, các cửa hàng đóng cửa, điều này giúp thời gian ở nhà và thư giãn trở nên dễ dàng hơn. Những điều này này không còn tồn tại nữa”. Hơn nữa, công nghệ, khả năng tiếp cận và các tiện ích hiện đại khác đã làm mờ ranh giới giữa công việc và vui chơi.


Song song với đó, động lực bên trong ảnh hưởng đến khả năng thư giãn bao gồm cảm giác bên trong luôn thôi thúc bạn làm việc, hoạt động và không cho phép bản thân sống chậm lại và thư giãn. Hoặc, “đôi khi mọi người lo lắng rằng nếu họ thư giãn, họ sẽ buồn chán hoặc nói cách khác là sống chậm lại và thư giãn, có thể họ sợ rằng họ sẽ cần tập trung quá nhiều vào những suy nghĩ hoặc cảm xúc đang diễn ra bên trong mình,” Tiến sĩ Schirripa nói.


Bộ não có chống lại sự “thư giãn bắt buộc” không?


Theo nhiều cách, não chống lại sự "thư giãn bắt buộc", đặc biệt là ở hạch hạnh nhân (amygdala), nơi được gọi là trung tâm của sự sợ hãi và lo lắng.


“Chúng ta cần nhớ rằng bộ não của chúng ta thực sự được 'thiết kế' để lo lắng. Suy cho cùng, sự lo lắng đó có thể giúp chúng ta sống sót vì chúng ta luôn ý thức được những mối nguy hiểm tiềm tàng có thể đe dọa mình”, Tiến sĩ Michael Schirripa chia sẻ.


Theo Giáo sư Serani, những người sống với sự lo âu và suy nghĩ quá nhiều gặp khó khăn trong việc kiểm soát nhận thức, nghĩa là họ khó có thể “tạm dừng” một số suy nghĩ nhất định.


Cô nói thêm: “Ở một khía cạnh khác, có một số người có thể cần phải bận rộn vì trong tiềm thức, việc bình tĩnh, có không gian và trải nghiệm sự thoải mái có thể làm nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực hoặc ký ức về những trải nghiệm đau thương”.


Việc không thể thư giãn đúng cách có gây ra hậu quả lâu dài không?


Căng thẳng mãn tính có liên quan đến huyết áp cao, có thể dẫn đến mệt mỏi, đau đầu, đau lưng, khó tập trung, thậm chí có thể gây đau tim và đột quỵ.


Giáo sư Serani cho biết: “Trầm cảm và lo lắng cũng như những khó khăn về mặt xã hội, các mối quan hệ có thể gia tăng khi bạn không dừng lại và nghỉ ngơi”.


Tiến sĩ, nhà tâm lý học lâm sàng Natalie Christine Dattilo tại Trường Y Harvard, cho biết thêm, việc không thể nghỉ ngơi và thư giãn đúng cách có thể khiến hệ thống thần kinh hoạt động ở mức bị kích thích quá mức.


Chiến lược giúp bạn thư giãn


Khi cố gắng thư giãn, Tiến sĩ Natalie Christine Dattilo cho biết, trước tiên hãy nhận ra rằng thư giãn là một kỹ năng mà chúng ta cần luyện tập thường xuyên để trải nghiệm đầy đủ những tác dụng có lợi của nó.


Mục tiêu thực sự của việc thư giãn là làm giảm hoạt động của hệ thống thần kinh của chúng ta.


Hãy thử những lời khuyên sau đây của Tiến sĩ Natalie Christine Dattilo để thư giãn:


Đặt ranh giới giữa công việc và cuộc sống cá nhân: “Ngoài ra, hãy cân nhắc việc tắt thiết bị công nghệ sớm mỗi đêm. Hãy ưu tiên việc chăm sóc bản thân và học cách quản lý việc này hàng ngày".


Thực hành Phương pháp thư giãn Benson: Bao gồm việc ngồi trong tư thế thoải mái, nhắm mắt lại, cố ý thư giãn tất cả các cơ, bắt đầu từ chân và lên đến đầu, thở chậm trong 20 phút. Tiến sĩ Dattilo cho biết: “Ban đầu, điều này có thể khiến bạn cảm thấy hơi khó khăn hoặc gượng ép, vì vậy có thể bắt đầu với 5 phút và dần dần tăng dần theo cách của bạn”.


Tạo danh sách “đã hoàn thành” để nhớ lại những gì bạn đã hoàn thành: “Suy nghĩ về danh sách việc cần làm sẽ khiến bạn hướng về tương lai, khiến bạn không tập trung vào thời điểm hiện tại. Nghĩ về những điều đã hoàn thành của bạn sẽ giúp bạn nhận ra những cố gắng của mình và khuyến khích sự thư giãn”. 


Thiền 5 phút: “Các nghiên cứu cho thấy rằng ngay cả 5 phút hít thở sâu, im lặng và nghỉ ngơi cũng có thể nâng cao hoạt động tinh thần và thể chất”.


Hãy nuôi dưỡng các giác quan của bạn bằng “Kỹ thuật 5,4,3,2,1” để giảm bớt lo lắng và thư giãn dễ dàng hơn: “Hãy yêu cầu bản thân tìm ra 5 thứ bạn có thể nhìn thấy, 4 thứ bạn có thể chạm vào, 3 thứ bạn có thể nghe thấy, 2 thứ bạn có thể ngửi thấy và 1 thứ bạn có thể nếm được”.

About the author

Yêu thích tất cả mọi thứ về văn hóa đại chúng và đặc biệt nghiện cafe.

author

Chi

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!