Rối loạn mặc cảm ngoại hình (Body Dysmorphic Disorder - BDD)

SỐNG KHỎE

Rối loạn mặc cảm ngoại hình (Body Dysmorphic Disorder - BDD)

authorBy Thanh Nguyễn
Share on
Share on
Rối loạn mặc cảm ngoại hình (Body Dysmorphic Disorder - BDD)

Hầu hết chúng ta đều có điều gì đó không hoàn toàn hài lòng về ngoại hình của mình như chiếc mũi tẹt hay đôi mắt ‘hí’... Dù đôi khi có chút băn khoăn về sự không hoàn hảo của mình, nhưng điều đó không ảnh hưởng cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Ngược lại, những người mắc chứng rối loạn mặc cảm ngoại hình (BDD) nghĩ về những khiếm khuyết của họ hàng ngày, hàng giờ.


Rối loạn mặc cảm ngoại hình là một rối loạn tâm thần biểu hiện bằng việc ám ảnh về một hoặc vài khiếm khuyết về ngoại hình mà đôi khi là do tưởng tượng hoặc những khiếm khuyết này rất nhỏ và người ngoài gần như không nhận thấy. Suy nghĩ ám ảnh này có thể gây ra cảm xúc đau khổ nghiêm trọng và cản trở hoạt động hàng ngày của những người mắc chứng BDD. Họ có thể nghỉ làm hoặc bỏ học, trốn tránh các giao tiếp xã hội và cô lập bản thân, kể cả với gia đình và bạn bè, vì họ sợ người khác sẽ nhận ra khuyết điểm của mình.


Khi bạn có mặc cảm ngoại hình, bạn để ý quá mức về ngoại hình của bạn, liên tục soi gương để kiểm tra, trang điểm che đi khiếm khuyết và kiểm tra lại để đảm bảo ít thấy khiếm khuyết nhất, những công việc này chiếm nhiều giờ trong ngày. Những mối bận tâm và hành vi kiểm tra lặp đi lặp lại này khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng và ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày.


Bạn cũng thường tìm kiếm những cách để che lấp, sửa chữa khiếm khuyết, hay tìm kiếm sự trấn an, để tạm thời yên tâm, nhưng những triệu chứng lo âu sẽ sớm trở lại, và bạn sẽ phải lập đi lập lại các hành vi cưỡng chế hay tìm những phương pháp khác để giảm lo lắng.

 

Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của rối loạn mặc cảm ngoại hình là gì?

 

·    Thường xuyên suy nghĩ về những khiếm khuyết nhận thức được về ngoại hình (ít nhất một giờ mỗi ngày).

·    Luôn nghĩ rằng mình có những khiếm khuyết ngoại hình làm mình trở nên xấu xí.

·    Luôn nghĩ rằng người khác chú ý đến khiếm khuyết của mình một cách tiêu cực và chê cười.

·    Dành nhiều thời gian soi gương để kiểm tra các khuyết điểm, chải chuốt và trang điểm. Một số ít trường hợp tránh soi gương vì sợ nhìn thấy khuyết điểm.

·    Che đậy vùng cơ thể không thích (ví dụ: sử dụng mũ, khăn quàng cổ, trang điểm, vị trí cơ thể hoặc tư thế).

·    Liên tục tìm kiếm sự trấn an từ người khác xác định ngoại hình mình ổn.

·    Thường xuyên so sánh ngoại hình của mình với người khác.

·    Thay trang phục thường xuyên.

·    Mất nhiều thời gian dùng các apps để chỉnh sửa hình ảnh của mình.

·    Tập thể dục hay thể hình một cách quá mức.

·    Mong muốn phẫu thuật thẩm mỹ. Phẫu thuật thẩm mỹ lặp đi lặp lại nhiều lần.

·    Hành vi véo da cưỡng chế - bao gồm việc sử dụng móng tay, nhíp và các dụng cụ sắc nhọn khác - để cố gắng loại bỏ các nhược điểm hoặc "sửa chữa" các khuyết điểm khác trên da.

·    Tránh các tình huống xã hội, nơi công cộng, nơi làm việc, trường học và các tình huống khác mà mọi người có thể nhìn thấy khuyết điểm về ngoại hình của mình.

·    Ít ra khỏi nhà hoặc chỉ ra ngoài vào ban đêm để người khác không nhìn thấy khiếm khuyết của mình.

·    Giữ bí mật về những ám ảnh và cưỡng chế của mình do cảm giác xấu hổ

·    Cảm giác khổ sở, trầm cảm, lo lắng, ý định tự tử... vì những khiếm khuyết về ngoại hình.


roi-loan-mac-cam-ngoai-hinh-3.jpg

 

Những bộ phận nào của cơ thể thường là trọng tâm của BDD?

 

·    Thông thường, đầu hoặc mặt (ví dụ: tóc, mũi, da, mắt, cằm, hàm, cổ, kích thước hoặc hình dạng khuôn mặt) là tâm điểm của mối quan tâm. Tuy nhiên, những người mắc chứng BDD có thể lo lắng thái quá về bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể.


·    Các bộ phận quan tâm phổ biến khác bao gồm ngực, cánh tay, chân, bụng, hông, cân nặng và thân hình (như phụ nữ luôn lo lắng vì bắp tay, chân quá to).


·    Trung bình, những người mắc chứng BDD quan tâm đến tổng cộng 5-7 bộ phận cơ thể khác nhau trong quá khứ hoặc hiện tại. Tuy nhiên, một số người chỉ lo lắng về một vùng cơ thể và một số khác không thích mọi thứ về ngoại hình của họ.


Điều quan trọng cần lưu ý là những người mắc chứng BDD trông "bình thường" đối với người khác. Nói cách khác, trên thực tế, những khiếm khuyết về ngoại hình có thể nhận biết là rất nhỏ hoặc không tồn tại. Tuy nhiên, người mắc chứng BDD thường không nhận ra điều này. Họ nghĩ rằng khuyết điểm của họ dễ dàng được người khác nhìn thấy.


Sự tự nhận thức về vấn đề có thể khác nhau, bạn có thể nhận thấy rằng những bận tâm của mình là không đúng, hoặc nghĩ rằng có thể đúng, hoặc tin chắc rằng những suy nghĩ của mình đúng. Càng tin rằng mình đúng thì mức độ căng thẳng và ảnh hưởng chất lượng cuộc sống càng nhiều.

 

Đối tượng mắc BDD


BDD thường bắt đầu vào lứa tuổi dậy thì, 2/3 khởi phát trước 18 tuổi.


Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ


·    Sang chấn tâm lý từ thời thơ ấu.

·    Bị chê bai hay trêu chọc về ngoại hình.

·    Áp lực từ xã hội và truyền thông về các tiêu chuẩn của vẻ đẹp hình thể. Sự bùng nổ của mạng xã hội góp phần đáng kể trong vấn đề này. Các nghiên cứu gần đây cho thấy mạng xã hội làm gia tăng tỷ lệ không hài lòng về ngoại hình của thanh thiếu niên.

·    Có xu hướng của người cầu toàn, muốn mọi thứ phải hoàn hảo.

·    Có người thân trong gia đình mắc BDD hoặc rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD.

·    BDD thường xuất hiện đồng thời với các rối loạn tâm thần khác như rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn lo âu, trầm cảm.


roi-loan-mac-cam-ngoai-hinh-4.jpg


Rối loạn mặc cảm ngoại hình được điều trị như thế nào?

 

BDD được điều trị với tâm lý trị liệu và thuốc. Mục tiêu của các phương pháp điều trị này là cải thiện chất lượng cuộc sống và hoạt động hàng ngày của những người mắc chứng BDD, đồng thời giảm bớt sự đau khổ liên quan đến những lo lắng về ngoại hình và các hành vi cưỡng chế cũng thường thấy ở chứng BDD.


Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) đã được chứng minh hiệu quả trong việc điều trị các triệu chứng BDD cả trong liệu pháp cá nhân hoặc liệu pháp nhóm và là loại điều trị tâm lý duy nhất cho BDD được hỗ trợ bởi nghiên cứu. CBT tập trung vào những suy nghĩ (tức là nhận thức) và các hành vi lặp đi lặp lại do BDD kích hoạt, chẳng hạn như sự chú ý thái quá của người mắc BDD đối với những điểm nhỏ về ngoại hình của họ.


Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin (SRI) được coi là thuốc điều trị đầu tay cho bệnh BDD.


Lưu ý: Thông tin trên chỉ mang tính tham khảo và không nên được sử dụng để thay thế cho việc thăm khám với chuyên gia sức khỏe tâm thần. Những người mắc chứng BDD có thể mắc thêm nhiều vấn đề khác và có thể gặp phải các phản ứng khác nhau đối với các phương pháp điều trị, vì vậy cần phải có sự đánh giá của chuyên gia sức khỏe tâm thần và một kế hoạch điều trị cá nhân.


Liệu pháp hành vi nhận thức CBT hoạt động như thế nào?


Trong CBT, nhà trị liệu và cá nhân làm việc với nhau để xác định và phản biện các kiểu suy nghĩ và hành vi liên quan đến các triệu chứng BDD cụ thể của bệnh nhân. Cụ thể, mục tiêu của CBT là giúp các cá nhân xác định những suy nghĩ tiêu cực về ngoại hình của họ và xây dựng niềm tin tích cực hơn. Các cá nhân cũng được yêu cầu dần dần tham gia vào các tình huống ngày càng khó khăn hơn (điều này sẽ giúp giảm lo lắng về lâu dài), để thay đổi cách não bộ của họ phản ứng với các yếu tố kích hoạt. Quá trình này còn được gọi là tạo thành thói quen, kết quả là giảm thiểu và loại bỏ lo âu.

 

Những người mắc chứng BDD cũng học những cách để giúp giảm các hành vi né tránh (ví dụ: tránh giao tiếp bằng mắt với người khác) và các hành vi cưỡng chế (ví dụ: liên tục so sánh bản thân với những người khác). Khi một người sử dụng các hành vi trốn tránh và cưỡng chế để giúp giảm lo lắng hoặc đau khổ, những hành vi này thực sự củng cố các triệu chứng BDD. Chỉ bằng cách tìm cách đối mặt với các tình huống lo lắng mà không thực hiện các hành vi tránh né hoặc cưỡng chế này, một người mới có thể bắt đầu vượt qua BDD.

 

Ngoài ra, CBT cũng dạy cách “nhìn thấy bức tranh toàn cảnh”. Ví dụ, người mắc BDD học cách nhìn nhận bản thân một cách toàn diện và không phán xét hơn khi đứng trước gương thay vì tập trung vào bất kỳ khuyết điểm nào. 

 

Chương trình CBT được thực hành trong các buổi trị liệu và dưới dạng bài tập về nhà giữa các buổi trị liệu để giúp các cá nhân học các kỹ năng mới và sử dụng chúng trong nhiều loại tình huống khác nhau. Các thành viên trong gia đình cũng có thể tham gia, vì họ thường tham gia vào các hành vi cưỡng chế của người thân (ví dụ: liên tục trấn an người mắc chứng BDD về ngoại hình của họ). Điều này rất hay xảy ra và có thể hiểu được, vì thật khó để chứng kiến ​​​​người thân đau khổ mà không làm gì đó để trấn an. Các nhà trị liệu có thể giúp cung cấp thông tin về BDD và làm việc với các thành viên trong gia đình để tìm ra các các phương án hữu ích hơn.


roi-loan-mac-cam-ngoai-hinh-2.jpg


Điều trị rối loạn mặc cảm ngoại hình: Điều gì không hiệu quả?


Vì xem vấn đề của mình liên quan đến ngoại hình, nhiều người mắc chứng BDD (bao gồm cả trẻ em và thanh thiếu niên) đã thử nhiều phương pháp điều trị thẩm mỹ để “sửa chữa” những khuyết điểm mà họ nhận thấy. Các phương pháp điều trị này có thể khác nhau, từ căng da mặt đến phẫu thuật thẩm mỹ như nâng mũi, gọt hàm, rất tốn kém và hiếm khi cải thiện các triệu chứng BDD. 


Sau điều trị thẩm mỹ, nhiều người còn cảm thấy khiếm khuyết càng tệ hơn (như biến dạng), hoặc chuyển sang mục tiêu khác (chẳng hạn sửa mũi xong thì thấy hàm xấu, răng hô. Trong những trường hợp nghiêm trọng, một số người mắc chứng BDD có ý định tự tử hoặc trở nên bạo lực với bác sĩ của họ sau khi điều trị thẩm mỹ.


Tóm lại sửa chữa những khuyết điểm tự nhận thấy của mình làm cho người mắc BDD càng vướng sâu vào cái bẫy tâm lý và trở thành tù nhân của chính bộ não của mình.

About the author

Tốt nghiệp Y khoa ở Huế. Sau đó lấy bằng bác sĩ (ECFMG) và hiện tại đang phụ trách điều hành một công ty y tế tại DC, Hoa Kỳ. Trong hơn 10 năm sống ở Hoa Kỳ, tác giả có cơ hội học hỏi và nghiên cứu về sức khỏe tâm thần, một lĩnh vực mà tác giả đam mê và tâm huyết. Tác giả mong muốn chia sẻ kiến thức đến cộng đồng người Việt trong nước.

author

Thanh Nguyễn

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!