Aromatherapy - Liệu pháp chữa lành từ hương thơm

SỐNG KHỎE

Aromatherapy - Liệu pháp chữa lành từ hương thơm

authorBy S. Reen
Share on
Share on
Aromatherapy - Liệu pháp chữa lành từ hương thơm

Con người đã sử dụng liệu pháp hương thơm từ hàng nghìn năm trước. Các lọ trầm hương đã được tìm thấy bên trong các ngôi mộ cổ đại của Ai Cập. Các nền văn hóa cổ đại Trung Quốc, Ấn Độ, Hy Lạp… cũng đã sử dụng các thành phần từ thảo dược để hỗ trợ quá trình điều trị sức khỏe - thể chất, tâm trí và tinh thần.


Thuật ngữ “liệu ​​pháp hương thơm” được đặt ra bởi nhà hóa học và chuyên gia nước hoa người Pháp René-Maurice Gattefossé trong một cuốn sách ông viết về chủ đề này được xuất bản vào năm 1937. Cuốn sách thảo luận về việc sử dụng các loại tinh dầu trong điều trị các tình trạng y tế. Trước đó ông đã khám phá ra khả năng chữa bệnh của hoa oải hương trong việc điều trị bỏng. 


Liệu Pháp Hương Thơm Là Gì?


Liệu pháp hương thơm là phương pháp sử dụng các loại tinh dầu thơm nhằm cân bằng, hài hòa và thúc đẩy sức khỏe của cơ thể, tâm trí và tinh thần. 


Khi hít vào, các phân tử mùi hương trong tinh dầu sẽ đi từ dây thần kinh khứu giác trực tiếp lên não và đặc biệt tác động đến hạch hạnh nhân, trung tâm cảm xúc của não. Chúng cũng có thể có tác động đến vùng dưới đồi của bạn, có thể phản ứng với dầu bằng cách tạo ra các hormone tốt cho não như serotonin.


Tinh dầu cũng có thể được hấp thụ qua da. Dầu massage giúp thư giãn các cơ bị căng trong quá trình xoa bóp. 


lieu-phap-chua-lanh-tu-huong-thom-1.jpg


Lợi Ích Của Liệu Pháp Hương Thơm


Các nghiên cứu về hiệu quả của liệu pháp hương thơm, hay việc trị liệu sức khỏe bằng các loại tinh dầu chiết xuất từ ​​thực vật còn hạn chế. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng liệu pháp hương thơm có thể có lợi cho sức khỏe, bao gồm:


- Thư giãn

- Cải thiện giấc ngủ

- Cải thiện hô hấp

- Giảm căng thẳng, lo lắng

- Làm dịu cơn đau và giảm viêm

- Giảm bớt tác dụng phụ của hóa trị liệu

- Kháng vi khuẩn, nấm

- Cải thiện sức khỏe da


Liệu pháp hương thơm là một liệu pháp bổ sung. Nó không chữa khỏi bệnh tật nhưng có thể hỗ trợ các quá trình điều trị.


Cách Sử Dụng Tinh Dầu Trong Liệu Pháp Hương Thơm


Liệu pháp hương thơm hoạt động thông qua khứu giác và sự hấp thụ của da. Bạn có thể sử dụng bằng nhiều cách:


- Ngửi trực tiếp.

- Khuếch tán loại tinh dầu vào không khí bằng bộ khuếch tán, đốt tinh dầu, ống xông tinh dầu, bình xịt. Bạn cũng có thể nhỏ tinh dầu tràm hoặc khuynh diệp vào nồi nước nóng xông hơi khi bị cảm. Điều này khá giống với cách xông cùng lá thảo dược của việt Nam.

- Dùng trên da như sử dụng tinh dầu để massage, dưỡng thể, chấm vài giọt tinh dầu vào các vùng có mạch đập như cổ tay, sau tai như cách dùng nước hoa…Vì tinh dầu nguyên chất có tác dụng mạnh, nên pha loãng chúng trong dầu nền (như dầu dừa, dầu jojoba…) là cách tốt nhất để tránh kích ứng khi thoa trực tiếp lên da. Nếu bạn bị nổi mẩn đỏ, ngứa hoặc nổi mề đay sau khi thoa tinh dầu, hãy đến gặp bác sĩ. 

- Nhỏ một vài giọt tinh dầu vào một chiếc khăn, vòng tay… và đặt trong túi để có thể mang theo bên mình

- Sử dụng các sản phẩm bán sẵn đã được pha chế tinh dầu như nến thơm, muối tắm, kem dưỡng…


Mỗi loại tinh dầu có các đặc tính, công dụng và tác dụng chữa bệnh riêng. Bạn có thể sử dụng riêng từng loại hoặc kết hợp chúng cùng nhau để tạo thêm nhiều lợi ích.


lieu-phap-chua-lanh-tu-huong-thom-4.jpg


Một Số Tinh Dầu Thông Dụng


Tinh dầu oải hương: được dùng để giảm stress, giảm hồi hộp. Đặc biệt giúp bạn đi vào giấc ngủ đến dễ dàng hơn. Trước khi phát hiện ra chất khử trùng, hoa oải hương cũng được sử dụng như một chất làm sạch trong bệnh viện.


Tinh dầu đinh hương: là một loại thuốc giảm đau tại chỗ, được sử dụng để chữa đau răng. Nó cũng được dùng như một loại thuốc chống nôn chống co thắt, bên cạnh đó còn chứa thành phần hoạt tính để xoa dịu ngứa và bỏng rát trên da.


Tinh dầu phong lữ: có thể được sử dụng cho các vấn đề về da, giảm căng thẳng và xua đuổi muỗi.


Tinh dầu chanh: Nghiên cứu của Đại học Tiểu bang Ohio cho thấy hương thơm của tinh dầu chanh giúp bạn giảm lo lắng, vui vẻ và thư giãn tốt hơn. Bên cạnh đó nó còn giảm cảm giác buồn nôn. Vì có tính diệt khuẩn nên cũng thường được sử dụng trong các sản phẩm tẩy rửa thiên nhiên.


Tinh dầu tràm trà: có khả năng kháng khuẩn, làm giảm sự tiết dịch nhờn của da. Chất terpinen giúp làm dịu các vết thương nhỏ mà không hề gây kích ứng. Bạn có thể pha vài giọt tinh dầu tràm trà vào dầu gội..


Tinh dầu húng quế: được sử dụng để tăng cường sự tập trung và giảm bớt một số triệu chứng của bệnh trầm cảm. Nó có thể làm giảm đau đầu và chứng đau nửa đầu. Tránh dùng trong thời kỳ mang thai.


Tinh dầu cam Bergamot: mang mùi hương thơm mát, sảng khoái. Loại tinh dầu này làm dịu thần kinh, giảm lo âu, kháng khuẩn và hỗ trợ điều trị một số vấn đề về da.


Tinh dầu hương thảo: có lợi cho hệ thần kinh và tuần hoàn.


Tinh dầu hoa cúc: hỗ trợ điều trị bệnh chàm


lieu-phap-chua-lanh-tu-huong-thom-7.jpg


Tinh dầu sả: có đặc tính kháng khuẩn, là phương thuốc tự nhiên tốt để chữa lành vết thương và tiêu diệt vi khuẩn. Nó đã được chứng minh là có thể ngăn ngừa sự phát triển của nấm có trong bệnh nấm da chân, nấm ngoài da và ngứa ngáy.


Tinh dầu hương thảo: có thể thúc đẩy sự phát triển của tóc, tăng cường trí nhớ, ngăn ngừa co thắt cơ và hỗ trợ hệ thống tuần hoàn và thần kinh. Dầu hương thảo an toàn để sử dụng trong liệu pháp hương thơm và bôi ngoài da với dầu nền. Nếu bạn đang mang thai hoặc bị động kinh hoặc huyết áp cao, bạn nên tránh sử dụng dầu hương thảo.


Tinh dầu cỏ xạ hương: được cho là giúp giảm mệt mỏi, lo lắng và căng thẳng. Pha cùng dầu nên có thể sử dụng làm dầu massage rất thư giãn và dễ chịu.


Dầu bạc hà: Có một số bằng chứng cho thấy tinh dầu bạc hà giúp làm giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích (IBS) khi được dùng trong viên nang bao tan trong ruột (từ một nhà cung cấp chất bổ sung sức khỏe đáng tin cậy). Nó cũng có thể làm dịu cơn đau đầu do căng thẳng.


Dầu trầm hương: được biết đến như là “vua của các loại dầu”, trầm hương có thể giúp chống lại chứng viêm, tâm trạng và giấc ngủ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nó cũng có thể cải thiện bệnh hen suyễn và có thể ngăn ngừa bệnh nướu răng.


Dầu gỗ tuyết tùng: có đặc tính chống oxy hóa và kháng khuẩn, là một thành phần phổ biến trong thuốc chống côn trùng, dầu gội đầu và chất khử mùi với hương thơm của gỗ. Nhưng bạn cũng có thể sử dụng tinh dầu tuyết tùng để giúp ngủ ngon và giảm lo âu.


Tinh dầu khuynh diệp: sử dụng cho các vấn đề về hô hấp như cảm lạnh, ho, hen suyễn và tụ máu ở vết thương, đau cơ, mệt mỏi.


lieu-phap-chua-lanh-tu-huong-thom-8.jpg


Sử Dụng Tinh Dầu An Toàn


Hầu hết các loại tinh dầu đều an toàn khi sử dụng. Nhưng có một số lưu ý khi sử dụng cũng như các tác dụng phụ mà bạn cần nhớ:


- Đại học y Johns Hopkins khuyên không nên sử dụng máy khuếch tán tinh dầu, các thiết bị gia dụng nhỏ tạo ra hơi thơm trong không gian chung của gia đình nếu trong nhà bạn có trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai cho con bú, người suy giảm hệ miễn dịch…


- Để tránh kích ứng da khi sử dụng tinh dầu bạn nên thử nghiệm trước khi sử dụng. Hãy bôi một lượng nhỏ tinh dầu (pha loãng) vào trong cánh tay và để trong 24 - 48 tiếng. Nếu có bất kỳ phản ứng bất lợi nào, hãy rửa sạch vùng thử nghiệm và tránh loại tinh dầu đó. 


- Không thoa tinh dầu trực tiếp lên da. Luôn sử dụng dầu dẫn để pha loãng dầu. 


- Trẻ em và phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú nên sử dụng tinh dầu một cách thận trọng và dưới sự giám sát của bác sĩ. Không bao giờ được nuốt tinh dầu.


- Các tác dụng phụ của việc sử dụng tinh dầu bao gồm: phát ban, cơn hen suyễn, đau đầu, phản ứng dị ứng, kích ứng da, buồn nôn


- Sử dụng các loại tinh dầu một cách thận trọng nếu bạn bị hen suyễn, động kinh, huyết áp cao, bệnh chàm, vẩy nến…


- Tinh dầu chiết xuất từ ​​cam quýt có thể khiến da nhạy cảm hơn với tia cực tím, làm tăng nguy cơ cháy nắng. 


- Một số loại tinh dầu có thể ảnh hưởng đến chức năng của các loại thuốc thông thường, vì vậy những người đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào trước tiên nên kiểm tra với dược sĩ, bác sĩ hoặc chuyên gia có chuyên môn.


Hãy nhớ rằng liệu pháp hương thơm được hiểu là một liệu pháp bổ sung, nó không thể thay thế bất kỳ kế hoạch điều trị nào đã được bác sĩ phê duyệt.


lieu-phap-chua-lanh-tu-huong-thom-2.jpg


Lựa Chọn Tinh Dầu 


Điều quan trọng nhất cần quan tâm khi mua sắm tinh dầu là chất lượng sản phẩm.


- Nhìn vào nhãn: Nhãn phải bao gồm tên Latinh của cây, thông tin về độ tinh khiết hoặc các thành phần khác được thêm vào nó, và quốc gia nơi cây được trồng. Nên chọn sản phẩm chất lượng 100% tự nhiên, không chứa bất kỳ chất phụ gia hoặc thành phần tổng hợp nào.

- Đánh giá công ty: Mua sản phẩm từ thương hiệu có uy tín.

- Chọn lọ thủy tinh, tối màu: Tinh dầu nguyên chất có độ đậm đặc cao. Chúng có thể làm tan chai nhựa theo thời gian, làm bẩn dầu. Hầu hết các công ty đóng gói tinh dầu trong chai thủy tinh nhỏ màu nâu hoặc xanh để bảo vệ chất lượng.

About the author

Một cô gái yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp

author

S. Reen

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!