Thế giới đa sắc của những “empath” - người thấu hiểu cảm xúc

SỐNG KHỎE

Thế giới đa sắc của những “empath” - người thấu hiểu cảm xúc

authorBy Vân Anh Nguyễn
Share on
Share on
Thế giới đa sắc của những “empath” - người thấu hiểu cảm xúc

“Empath” không phải là từ ngữ xa lạ trong lĩnh vực tâm lý học, thuật ngữ chỉ những người thấu cảm. Nhưng họ có đơn thuần chỉ là những người nhạy cảm với tâm trạng của người khác, vui với niềm vui của họ, và buồn với những nỗi buồn của họ hay không?


Người Thấu Cảm Là Ai?


Ngay từ chính thuật ngữ, “empath”- “người thấu cảm” đã có những khác biệt nhất định so với “have empathy” – “có sự đồng cảm”. Theo giáo sư tâm lý danh tiếng Judith Orloff, “Có sự đồng cảm có nghĩa bạn chia sẻ với ai đó khi họ vui hay buồn. Nhưng với những người “empath”, sự cảm nhận này sâu sắc hơn thế, họ có thể cảm thấy những cảm xúc, năng lượng và biểu hiện thể chất của ai đó thể hiện trên chính cơ thể hay tâm trí mình.” Nguyên do của cơ chế cảm xúc sâu sắc này vẫn còn là ẩn số với tâm lý học hiện đại, nhưng không ai có thể phủ nhận là một người nhạy cảm đến độ chịu ảnh hưởng từ cảm xúc của người khác có thể vừa mang lại nhiều lợi ích, vừa có những điểm bất lợi.


Việc cảm nhận được cảm xúc của người khác là một điều đẹp đẽ, bởi nó kiến tạo mối liên kết và gắn bó, nó giúp bạn thông cảm hơn và bớt phán xét hơn, hay có thể chia sẻ với những người mình yêu thương và xoa dịu họ. Đồng cảm không chỉ là lời giải cho những khúc mắc hay xung đột trong các mối quan hệ, mà còn là liều thuốc tinh thần hữu hiệu giúp nhiều người vượt qua những khó khăn hay nghịch cảnh, với suy nghĩ họ không hề một mình mà luôn có ai đó có thể thấu hiểu họ.


Nhưng khi phải trải nghiệm trực tiếp cảm xúc của những người xung quanh hay thân thiết với bạn không phải lúc nào cũng tác động tới bạn theo chiều hướng tốt, nhất là khi bạn không có quyền lựa chọn cảm xúc tiêu cực. Trải nghiệm cảm xúc buồn bã tiêu cực kéo dài có thể dẫn đến tình trạng lo âu, sợ hãi, căng thẳng, hoảng loạn hay thậm chí trầm cảm, dù trên thực tế, bạn không trải qua những nghịch cảnh này trực tiếp. Ở mức độ kém nghiêm trọng hơn, có quá nhiều cảm xúc hay suy nghĩ khiến bạn khó tập trung vào giải quyết vấn đề hay làm những công việc thường nhật. Vì thế những “empath” luôn có khả năng cao phải đối mặt với cảm giác choáng ngợp và khó kiểm soát tình huống.


her.vn-empath-thấu-cảm.jpg


Có Bao Nhiêu Kiểu “Empath”?


Tiến sĩ tâm lý học N. Simay Gökbayrak đã dành nhiều năm nghiên cứu về phạm trù đặc biệt này. Theo cô, hiện tâm lý học hiện đại khám phá khoảng 12 kiểu “empath” thường gặp, dù trên thực tế có thể có nhiều hơn.


- “Emotional empath” - Nhạy cảm với cảm xúc của người khác. Đây là đặc điểm dễ nhận thấy nhất và phổ biến nhất của những “người đồng cảm”.

- “Telepathic empath” - Họ có thể cảm nhận được suy nghĩ hay cảm xúc của người khác thông qua việc quan sát ngôn ngữ cơ thể.

- “Physical empath” - Sự nhạy cảm đặc biệt này khiến người đồng cảm có thể cảm thấy trạng thái sức khỏe của người khác hay thậm chí cùng trải nghiệm cảm giác đó, ví dụ đau đầu hay cơn đau dạ dày. Một ví dụ kinh điển là bạn luôn có xu hướng ngáp khi người đối diện bạn ngáp, đó là trạng thái cấp thấp của “physical empath”.

- “Psychometric empath” - Họ có thể cảm nhận được sự kết nối của người khác với một món đồ hay nơi chốn, ví dụ cảm xúc khi nhìn vào tấm ảnh của gia đình người đó hay những kí ức với một kỉ vật nào đó.

- “Molecular empath” - Họ thường có thể nhận biết những điểm sâu kín nhất của ai đó, dù những người này che dấu nó kĩ đến đâu.

- “Animal empath” - Họ thường rất giỏi đọc được cảm xúc của động vật, từ tư thế, biểu cảm, chuyển động và cảm xúc của động vật được phản ánh qua những điều này. Một số người thuộc nhóm này thích làm bạn với động vật hơn với con người, đó là lý do họ thích chơi với thú cưng hơn ra ngoài.

- “Plant empath” - Tương tự như trên, nhưng với các loài thực vật.

- “Earth empath” - Họ rất nhạy cảm với biến đổi của thế giới xung quanh, ví dụ như khi có những trận động đất nhẹ… thậm chí có thể dự đoán trước khi những hiện tượng này xảy ra.

- “Indigo empath” - Họ thường nhạy cảm với những vấn đề liên quan đến đạo đức, dễ dàng nhận ra khi ai đó hành động không đúng với chuẩn mực đạo đức, dù ở mức độ phức tạp hơn, và họ cũng rất dễ nhận ra những người có bản chất tốt hơn.

- “Intuitive empath” - Họ là những người có thể cảm nhận hay dự đoán được điều gì đó từ tiếng nói bên trong, ví dụ một người khi bước vào căn nhà lần đầu tiên và có thể đoán được nhà bếp ở vị trí nào.

- “Precognitive empath” - Những người nhạy cảm với những tiềm năng của một tình huống nào đó, thường dựa trên cách quan sát và phân tích logic thông qua những trải nghiệm và khả năng trí tuệ.

- “Dream empath” - Những người có thể nhớ họ đã mơ cái gì và diễn giải những giấc mơ của mình.


Một điều thú vị là bạn hoàn toàn có thể mang nhiều hơn một kiểu “empath”, thậm chí pha trộn giữa một đặc điểm của kiểu này với đặc điểm của kiểu kia. Nhưng tất cả các kiểu thấu cảm đều được nhận định có chung cảm xúc bởi suy cho cùng, thấu cảm vẫn là danh từ gắn bó chặt chẽ với xúc cảm.


her.vn-empath-thấu-cảm-2.jpg


Nuôi Dưỡng Phần “Empath” Trong Bạn


Thấu cảm là một trong những yếu tố có sức mạnh to lớn trong cuộc sống mỗi người và đời sống xã hội bởi nó giúp mọi người hiểu nhau hơn ở những cấp độ khác nhau, là yếu tố dẫn đến sự hình thành những yếu tố quan trọng khác như sự gần gũi, sự tin tưởng và cảm giác thuộc về. Tuy nhiên một điều thú vị là nhiều nhà khoa học chỉ ra rằng những người hạnh phúc hơn thường là những người ít để ý đến cảm xúc tiêu cực của người khác hơn dù họ vẫn có thể là những “empath”. Vậy, làm thế nào để tìm kiếm hạnh phúc trong thế giới của những “empath”, và liệu bạn có thể luyện tập để trở nên đồng cảm hơn không với thế giới xung quanh?


Một trong những cách khiến bạn đồng cảm dễ dàng hơn với người khác là nghệ thuật của sự lắng nghe, dù đôi lúc việc lắng nghe này có thể khiến bạn mệt mỏi, chán nản, hay phải nghe những chuyện tiêu cực. Sức mạnh của việc lắng nghe nằm ở chỗ dù cho bạn có hiểu hoàn toàn tâm trạng của người đó hay không, chỉ riêng việc có ai đó ngồi lắng nghe họ trò chuyện cũng đã mang lại ý nghĩa to lớn với người còn lại, họ sẽ thấy mình được để tâm và tôn trọng hơn. Khi lắng nghe, dù người kia có thể không nói rõ họ đang cảm thấy như thế nào, nếu chú tâm đủ bạn vẫn sẽ có thể cảm nhận được cảm xúc của họ thông qua ngôn ngữ cơ thể hay ngôn ngữ họ dùng. Để lắng nghe hiệu quả, tất nhiên những món đồ khiến bạn xao nhãng như máy tính, điện thoại hay tivi nên bị loại bỏ.


Dù không phải là người quá nhạy cảm để hiểu sâu sắc cảm xúc của người khác, bạn vẫn có thể là bờ vai vững chắc của một ai đó, một người bạn, một thành viên trong gia đình… hãy nghĩ về những việc bạn có thể làm để hoặc chia sẻ một niềm vui với ai đó, hoặc chia sẻ nỗi buồn cùng họ và khiến họ cảm thấy khá hơn, vì dù có là một “empath” hay không, sự đồng cảm vẫn là một món quà vô giá.

About the author

Một cô gái dành nửa thời gian cho việc viết lách và nửa thời gian cho việc quan sát thế giới. Tốt nghiệp ngành báo chí truyền thông tại Bangkok, và có khoảng thời gian học tập và sống giữa nhiều quốc gia như Thái Lan, Đức và Malaysia. Vân Anh từng cộng tác với các tạp chí lớn ở Việt Nam như tạp chí Đẹp, L'Officiel Việt Nam, Art Republik, An Ninh Thế giới, Thanh Niên hay T-Pot Journal, và đang nuôi mộng viết tiểu thuyết.

author

Vân Anh Nguyễn

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!