Các bài kiểm tra sức khỏe cho phụ nữ ở mọi lứa tuổi

SỐNG KHỎE

Các bài kiểm tra sức khỏe cho phụ nữ ở mọi lứa tuổi

authorBy Chi
Share on
Share on
Các bài kiểm tra sức khỏe cho phụ nữ ở mọi lứa tuổi

Ngay cả khi bạn cảm thấy mình khỏe mạnh, bạn vẫn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra định kỳ hàng năm. Khám sàng lọc là bước quan trọng trong việc quản lý sức khỏe tổng thể và có thể giúp bạn tránh các vấn đề trong tương lai. 


Do đặc điểm sinh học sinh sản phức tạp hơn của phụ nữ nên chúng ta có nhiều xét nghiệm sàng lọc khác biệt so với nam giới. 


Theo các chuyên gia, bạn cũng nên kiểm tra sức khỏe tổng quát mỗi năm 1 lần để:


- Sàng lọc bệnh

- Đánh giá nguy cơ của bạn về các vấn đề y tế trong tương lai

- Khuyến khích lối sống lành mạnh

- Cập nhật tình hình tiêm chủng của bạn


Bên cạnh đó, có một số xét nghiệm và sàng lọc được khuyến nghị cho phụ nữ từ 20 đến 60 tuổi như sau:


Huyết áp


Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), huyết áp cao, còn được gọi là tăng huyết áp, là một trong những yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim mạch, nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ. Đó là lý do tại sao Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến nghị kiểm tra huyết áp bắt đầu ở tuổi 20. Nếu huyết áp của bạn ở mức bình thường (dưới 120/80) , đây là chỉ số lý tưởng, bạn có thể kiểm tra huyết áp ít nhất hai năm một lần cho đến khi 40 tuổi. Nếu chỉ số cao hơn, bạn có thể được yêu cầu kiểm tra thường xuyên hơn.


Sàng lọc ung thư cổ tử cung


Đây là phương pháp phát hiện ra các tế bào ung thư sớm bằng cách tìm ra tế bào bất thường trước khi chúng biến đổi thành tế bào ung thư. Nhờ vậy, quá trình ngăn chặn, điều trị bệnh ung thư cổ tử cung đạt thành công lên tới 75 - 90%.


Việc tầm soát ung thư thực hiện cho phụ nữ từ độ tuổi 21 trở lên, bất kể tiền sử tình dục. Từ 21 tuổi trở đi, mọi phụ nữ đều có nguy cơ mắc phải căn bệnh này. Trong đó, phổ biến nhất là độ tuổi 35 - 44 tuổi. Tần suất thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung tùy thuộc vào loại xét nghiệm bạn chọn. Đa số định kỳ là từ 1 - 3 năm/lần.


Hiện nay có 2 phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung được sử dụng phổ biến nhất là Pap và HPV. Các chuyên gia khuyến cáo nên thực hiện kết hợp xét nghiệm HPV với xét nghiệm PAP- Smear giúp sàng lọc ung thư cổ tử cung hiệu quả cao nhất.


Tầm soát ung thư vú


Tại Việt Nam, theo số liệu được cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IACR) ghi nhận trong năm 2020, ung thư vú đã đứng thứ 3 trong các bệnh ung thư, sau ung thư gan và ung thư phổi. Vì vậy, việc thực hiện các biện pháp tầm soát ung thư càng trở nên cần thiết đối với phụ nữ. 


Nếu bạn ở độ tuổi 20 - 30, các chuyên gia khuyên nên thực hiện khám vú trong quá trình kiểm tra sức khỏe định kỳ từ một đến ba năm một lần. Bạn có thể cần kiểm tra thường xuyên hơn nếu bạn có thêm bất kỳ yếu tố rủi ro nào như có thành viên gia đình bị ung thư vú.


Bên cạnh việc kiểm tra ngực như thông thường về kích thước hoặc hình dạng, vết phát ban và vết lõm cũng như cục u, Trường Cao đẳng X quang Hoa Kỳ (ACR) và Hiệp hội Hình ảnh Vú (SBI) khuyến nghị phụ nữ nên chụp X quang tuyến vú hàng năm bắt đầu từ tuổi 40.


Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, phụ nữ ở độ tuổi 40 trở lên nên thực hiện chụp X-quang tuyến vú thường xuyên 1 – 2 năm/ lần. Phụ nữ độ tuổi từ 45 đến 54 nên chụp X-quang tuyến vú hàng năm, sau đó, giảm xuống 2 năm/ lần hoặc vẫn duy trì mỗi năm một lần.


Nhóm phụ nữ có nguy cơ (tiền sử gia đình, xu hướng di truyền, từng mắc ung thư vú) sẽ được chỉ định riêng các bài kiểm tra, xét nghiệm.


Bạn cũng nên tự theo dõi và cần báo cáo bất kỳ thay đổi như hình dáng, cảm giác... cho bác sĩ.


cac-bai-kiem-tra-suc-khoe-cho-phu-nu-o-moi-lua-tuoi-1.jpg


Sàng lọc bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục


Phụ nữ cũng nên được kiểm tra các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) dựa trên các yếu tố rủi ro cá nhân và khuyến nghị về độ tuổi.


Một số bệnh lây qua đường tình dục (STDs) bao gồm:


- Bệnh giang mai

- Bệnh nhiễm chlamydia 

- Bệnh lậu

- Herpes sinh dục do herpes simplex virus gây ra

- Sùi mào gà sinh dục do human papillomavirus (HPV)

- Viêm gan B, C

- HIV - Virus gây suy giảm miễn dịch ở người, nguyên nhân gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS)


Theo thông tin từ Trường Y Harvard, hãy xét nghiệm chlamydia hàng năm cho đến 24 tuổi nếu bạn quan hệ tình dục hoặc đang mang thai.


Sau 25 tuổi, hãy xét nghiệm chlamydia và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác nếu bạn có nhiều nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục.


Phụ nữ từ 18 trở lên nên làm xét nghiệm viêm gan B, C ít nhất một lần. 


Kiểm tra mắt


Phụ nữ nên đi khám mắt ít nhất hai năm một lần nếu bạn có vấn đề về thị lực.


Phụ nữ có chỉ số BMI trên 23 (đối với phụ nữ châu Á) cũng như phụ nữ có huyết áp trên 130/80 mm Hg nên bắt đầu sàng lọc sớm hơn. Bởi thừa cân và huyết áp cao là những yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường, có thể làm hỏng thị lực.


Nếu bạn không có vấn đề về thị lực, có thể không cần sàng lọc. Tuy nhiên, bạn nên đi khám bác sĩ nhãn khoa nếu có bất kỳ lo lắng nào.


cac-bai-kiem-tra-suc-khoe-cho-phu-nu-o-moi-lua-tuoi-3.jpg


Bệnh tiểu đường


Theo khuyến nghị của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) năm 2022, những người trưởng thành không có yếu tố nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường nên được sàng lọc tiền đái tháo đường và đái tháo đường týp 2 bắt đầu từ tuổi 35, thay vì 45 tuổi như khuyến cáo trước đây.


ADA cũng cho biết những phụ nữ đang có kế hoạch mang thai nên được sàng lọc trước khi thụ thai hoặc đối với trường hợp mang thai ngoài ý muốn, trong lần khám thai đầu tiên. Ngoài ra, phụ nữ mang thai nên được sàng lọc thêm bệnh tiểu đường thai kỳ từ tuần 24 đến 28 của thai kỳ.


Đối với những người thừa cân hoặc béo phì và do đó có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn, Lực lượng Đặc nhiệm Dịch vụ Dự phòng Hoa Kỳ khuyến nghị những người từ 35 đến 70 tuổi nên đi khám sàng lọc ít nhất hai năm một lần cho đến khi 40 tuổi. 


Có thể yêu cầu khám sàng lọc lượng đường trong máu/bệnh tiểu đường nếu huyết áp của bạn từ 130/80 mmHg trở lên, chỉ số khối cơ thể (BMI) lớn hơn 23 (đối với người Châu Á) hoặc có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tiểu đường khác… 


Xét nghiệm cholesterol


Phụ nữ từ 20 tuổi trở lên nên được kiểm tra cơ bản về mức cholesterol và chất béo trung tính nếu họ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị phụ nữ nên kiểm tra 4 đến 6 năm một lần, bắt đầu từ tuổi 20. 


Khám răng


Bạn nên đến nha sĩ mỗi năm ít nhất 2 lần để kiểm tra và làm sạch.


Tầm soát ung thư đại trực tràng


Khi bước sang tuổi 50, nên bắt đầu tầm soát ung thư ruột kết. Nói chuyện với bác sĩ của bạn về xét nghiệm sàng lọc nào, (xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân, soi đại tràng sigma hoặc nội soi đại tràng) hoặc kết hợp các xét nghiệm nào là tốt nhất cho bạn và tần suất bạn cần xét nghiệm và liệu bạn có nên tiếp tục thực hiện các xét nghiệm này sau 75 tuổi hay không.


cac-bai-kiem-tra-suc-khoe-cho-phu-nu-o-moi-lua-tuoi-4.jpg


Sàng lọc trầm cảm


Liên minh quốc gia về bệnh tâm thần Mỹ cho biết, phụ nữ có khả năng bị trầm cảm cao hơn 70% so với nam giới. Nếu bạn lo lắng về sức khỏe tâm thần của mình, hãy hỏi bác sĩ để được kiểm tra. Bác sĩ sẽ đặt câu hỏi về các triệu chứng, chẳng hạn như:


- Khó ngủ

- Dễ cáu gắt

- Mất ham muốn hoặc hứng thú tình dục

- Mất khả năng tập trung suy nghĩ

- Mất hứng thú trong các hoạt động thông thường


Ung thư phổi 


Phụ nữ nên khám sàng lọc ung thư phổi hàng năm bằng chụp cắt lớp vi tính liều thấp (LDCT) nếu họ từ 55 tuổi trở lên và có tiền sử hút thuốc 30 gói/năm, hiện đang hút hoặc đã hút trong vòng 15 năm qua.


Kiểm tra thính lực


Là kiểm tra khả năng nghe ở các cường độ và cường độ khác nhau. Có thể cần một lần mỗi năm.


Loãng xương 


Loãng xương là tình trạng xương bị yếu và dễ gãy, thường ảnh hưởng chủ yếu đến phụ nữ sau mãn kinh. Bệnh loãng xương hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị được nếu bạn thực hiện các xét nghiệm sàng lọc định kỳ.


Phụ nữ trên 50 tuổi bị gãy xương hoặc dưới 65 tuổi có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh loãng xương nên được sàng lọc bằng xét nghiệm mật độ xương. Tuy nhiên, nếu bạn có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào gây loãng xương, hãy cố gắng bắt đầu tầm soát sớm hơn.


Tiêm chủng


Tiêm chủng không chỉ dành cho trẻ em, ngay cả người trưởng thành cũng vẫn cần được tiêm chủng.


- Bạn nên tiêm nhắc lại uốn ván-bạch hầu 10 năm một lần, bắt đầu sau 19 tuổi.


- Nếu bạn dưới 26 tuổi, bạn nên cân nhắc tiêm vắc-xin ngừa virus gây u nhú ở người (HPV). HPV có thể gây ra nhiều bệnh như mụn cóc sinh dục, ung thư cổ tử cung…


- Vắc-xin phòng cúm hàng năm đặc biệt nếu có có các yếu tố nguy cơ khiến bạn dễ bị nhiễm trùng hơn.


- Vắc-xin ngừa bệnh sởi, quai bị, rubella


- Viêm gan siêu vi B


- Nếu bạn chưa bao giờ bị thủy đậu, bạn nên tiêm vắc-xin thủy đậu.


cac-bai-kiem-tra-suc-khoe-cho-phu-nu-o-moi-lua-tuoi-2.jpg


Tự kiểm tra da 


Hãy học cách tự kiểm tra những bất thường trên da. Và tới bác sĩ thăm khám nếu bạn có nguy cơ cao mắc ung thư da:


- Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời đáng kể

- Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư da

- Xuất hiện nhiều nốt ruồi bất thường

- Tiền sử bị bỏng nắng nhiều lần, đặc biệt là khi còn nhỏ


Trên đây là một số hướng dẫn cơ bản từ các cơ quan y tế để bạn tham khảo. Xin lưu ý, thời gian cho các xét nghiệm sàng lọc tiếp tục thay đổi khi tuổi của chúng ta cao dần lên. Và tiền sử sức khỏe cá nhân, tiền sử sức khỏe gia đình, lối sống và các loại thuốc bạn dùng có thể ảnh hưởng và thay đổi những hướng dẫn này. Vì vậy, điều cần thiết là liên hệ với bác sĩ và dịch vụ chăm sóc sức khỏe để tìm hiểu các xét nghiệm phù hợp và tần suất bạn nên thực hiện.


Quan trọng nhất, dù ở độ tuổi nào, hãy đặt việc tự chăm sóc sức khỏe bản thân lên hàng đầu, tập trung vào chế độ ăn uống khoa học, cân bằng, tập thể dục thường xuyên và học cách kiểm soát căng thẳng cũng như biết cân bằng giữa cuộc sống và công việc.

About the author

Yêu thích tất cả mọi thứ về văn hóa đại chúng và đặc biệt nghiện cafe.

author

Chi

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!