Chứng ăn cắp vặt có thật hay không?

SỐNG KHỎE

Chứng ăn cắp vặt có thật hay không?

authorBy Thanh Nguyễn
Share on
Share on
Chứng ăn cắp vặt có thật hay không?

Nhiều người dường như không tin và thậm chí còn cho rằng đây chỉ là một trong những lời ngụy biện của người hay ăn cắp. Tuy nhiên, chứng ăn cắp vặt (kleptomania) là một chứng rối loạn tâm thần có thật và khá nghiêm trọng.


Chứng ăn cắp vặt là gì?


Chứng ăn cắp vặt (kleptomania), hay còn gọi là trộm cắp bệnh lý, là tình trạng người bệnh không thể chống lại cảm giác thôi thúc ăn cắp đồ vật nhưng không phải do nhu cầu hoặc giá trị của chúng. Theo Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ, đây là một rối loạn tâm thần hiếm gặp nhưng nghiêm trọng.


Trộm cắp bệnh lý thuộc loại rối loạn kiểm soát xung động – một rối loạn liên quan đến khả năng tự kiểm soát cảm xúc và hành vi. Những người bị rối loạn này có thể thực hiện những hành động làm tổn thương chính mình hoặc người khác.


Triệu chứng


Các triệu chứng của chứng ăn cắp vặt Kleptomania có thể bao gồm:


• Không có khả năng chống lại cảm giác thôi thúc ăn cắp các vật dụng mà bản thân không cần đến.


• Cảm giác căng thẳng, lo lắng hoặc kích động tăng lên dẫn đến hành vi trộm cắp.


• Cảm thấy vui vẻ, nhẹ nhõm, thỏa mãn khi lấy trộm.


• Cảm giác tội lỗi, hối hận, ghê tởm bản thân, xấu hổ hoặc sợ bị bắt sau khi lấy trộm.


• Ham muốn trộm đồ cứ tái diễn liên tục tạo thành chu kỳ.


Những người mắc phải chứng bệnh này còn thể biểu hiện một số đặc điểm như:


• Mục đích trộm cắp khác với những kẻ trộm cắp thông thường (vì lợi ích cá nhân, trả thù hoặc nổi loạn, hay bị thách thức), người mắc chứng kleptomania đơn giản vì thôi thúc quá mạnh khiến họ không thể cưỡng lại được.


• Thường xảy ra một cách tự phát, không có kế hoạch trước và không có sự giúp đỡ hoặc hợp tác từ người khác.


• Hầu hết những người mắc chứng kleptomania đều ăn cắp ở nơi công cộng như cửa hàng tạp hoá và siêu thị. Một số có thể lấy trộm đồ của bạn bè hoặc người quen.


• Thông thường, những món đồ bị đánh cắp không có giá trị gì đối với người mắc chứng kleptomania, họ có đủ khả năng để tự mua.


• Những món đồ bị đánh cắp thường được cất đi, không bao giờ được sử dụng. Chúng cũng có thể được tặng cho người thân, bạn bè, hoặc thậm chí bí mật trả lại nơi lấy cắp.


• Ham muốn thôi thúc hành vi ăn cắp có thể tự đến rồi đi hoặc xảy ra với cường độ tăng hoặc giảm dần theo thời gian. 


chung-an-cap-vat-2.jpg


Nguyên nhân của chứng ăn cắp vặt


Chưa xác định được nguyên nhân gây ra hội chứng ăn cắp vặt. Hội chứng này được xếp vào nhóm rối loạn kiểm soát xung động nên các chuyên gia cho rằng, di truyền và bất thường trong não bộ là nguyên nhân chính dẫn đến chứng Kleptomania.

Các nguyên nhân, yếu tố có liên quan đến hội chứng ăn cắp vặt bao gồm:


Rối loạn chức năng của thùy trán: Thùy trán là một phần của vỏ não với chức năng trong việc hình thành nhân cách và kiểm soát sự chú ý. Rối loạn chức năng của cơ quan này khiến cho một số người không thể kiểm soát xung động và dẫn đến việc phải thực hiện các hành vi theo ý muốn thôi thúc. Các chuyên gia cũng nhận thấy phần lớn người mắc chứng Kleptomania bị rối loạn chức năng ở thùy trán.


Rối loạn chất dẫn truyền thần kinh: Chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ có tên gọi là serotonin giúp điều chỉnh tâm trạng và cảm xúc. Ở những người có hành vi bốc đồng, không kiểm soát được thường có nồng độ serotonin thấp. Hành động trộm cắp có thể làm giải phóng dopamine (một chất dẫn truyền thần kinh khác trong não) và gây ra cảm giác dễ chịu. Một số người muốn có được cảm giác này nên dẫn đến hành vi trộm cắp lặp đi lặp lại.


Hệ thống opioid của não: Sự thúc đẩy ham muốn được điều hòa bởi hệ thống opioid trong não bộ. Nếu có sự mất cân bằng diễn ra trong hệ thống này, người bệnh có thể gặp khó khăn trong việc chống lại ham muốn.


Sang chấn tâm lý nghiêm trọng: Một số chuyên gia tin rằng sang chấn tâm lý nghiêm trọng có thể làm mất cân bằng nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh. Ngoài ra, một số người có thể xem hành vi trộm cắp là cách để giải tỏa cảm xúc. Đây cũng là lý do nhiều người cảm thấy nhẹ nhõm, thậm chí là phấn khích sau khi ăn cắp vặt.


Di truyền: Rối loạn kiểm soát xung động nói chung và chứng ăn cắp vặt nói riêng có khả năng di truyền cao. Nếu gia đình có người mắc chứng bệnh này, nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng lên đáng kể.


Đặc điểm nhân cách: Một nghiên cứu được thực hiện gần đây cho thấy, 73% người mắc chứng ăn cắp vặt bị rối loạn nhân cách ái kỷ. Số còn lại bị rối loạn nhân cách kịch tính và rối loạn nhân cách hoang tưởng. Điều này cho thấy nhân cách méo mó, bất thường là yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc chứng ăn cắp vặt.


Ảnh hưởng của các vấn đề tâm lý khác: Hội chứng ăn cắp vặt hiếm khi xảy ra độc lập mà thường đi kèm với các vấn đề tâm lý khác. Chẳng hạn như rối loạn cảm xúc, rối loạn lo âu, rối loạn hoảng sợ, rối loạn ám ảnh cưỡng chế và các rối loạn kiểm soát xung động khác.


Đối tượng nguy cơ


Chứng bệnh này thường bắt đầu xuất hiện ở độ tuổi thanh thiếu niên hoặc có thể muộn hơn. Khoảng 3/4 trường hợp là phụ nữ. Tỉ lệ mắc chứng này vào khoảng 0.3 - 0.6% dân số.


Bởi vì ăn cắp là bất hợp pháp, rối loạn này có thể dẫn đến hậu quả pháp lý đáng kể. Những người mắc chứng kleptomania có thể phải đối mặt với việc bị bắt giữ, xét xử và tống giam. Một nghiên cứu trên các bệnh nhân lâm sàng cho thấy hơn 68% những người mắc chứng kleptomania đã bị bắt vì ăn cắp. Hơn 20% trong số những bệnh nhân này đã bị kết án và phải ngồi tù vì hành vi của mình. 


chung-an-cap-vat.jpg


Chẩn đoán chứng ăn cắp vặt


Cần được chẩn đoán bởi những bác sĩ tâm thần hay chuyên gia về tâm lý.


Chứng ăn cắp vặt thường bị nhầm lẫn là triệu chứng của rối loạn hành vi và rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Người mắc các chứng bệnh này thường xuyên có các hành vi trộm cắp, và lừa gạt nhưng mục đích là vì lợi ích cá nhân. Trong khi đó, hành vi trộm cắp của người mắc chứng Kleptomania chỉ là hành vi bộc phát do không thể cưỡng lại ý muốn thôi thúc.


Điều trị chứng ăn cắp vặt


Chứng bệnh này rất khó để có thể tự bản thân vượt qua. Do đó, nếu bạn có cảm thấy xấu hổ và sợ hãi đến dường nào, hãy dũng cảm tìm đến chuyên gia tâm thần để nhận được sự giúp đỡ và điều trị kịp thời.


Việc điều trị chứng trộm cắp bệnh lý thường bao gồm thuốc và trị liệu tâm lý. Không có một phác đồ tiêu chuẩn để điều trị cho chứng bệnh này, các chuyên gia vẫn đang cố gắng nghiên cứu để đưa ra biện pháp tốt nhất. Tuy nhiên, bạn có thể phối hợp với bác sĩ để thử các phương pháp điều trị và tìm ra cách thức phù hợp nhất để kiểm soát bệnh.


Trị liệu tâm lý


Là phương pháp chính đối với chứng ăn cắp vặt. Phương pháp này sẽ giúp bệnh nhân hiểu được vì sao bản thân không thể cưỡng lại ý muốn thôi thúc, đồng thời học được cách giải tỏa căng thẳng một cách lành mạnh. Tâm lý trị liệu mang lại hiệu quả tốt trong hầu hết các trường hợp mắc chứng ăn cắp vặt. Tuy nhiên, một số bệnh nhân sẽ phải dùng đồng thời với thuốc để đảm bảo mang lại kết quả khả quan nhất.


Hiện nay, liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) là phương pháp tâm lý được áp dụng phổ biến nhất. Liệu pháp này tập trung vào việc thay đổi những suy nghĩ, hành vi không phù hợp. Bên cạnh đó, chuyên gia cũng sẽ củng cố nhận thức của người bệnh về mức độ nghiêm trọng của các hành vi trộm cắp để ngăn chặn tình trạng tái diễn.


Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?


Nếu bạn không thể tự dừng lại hành vi trộm cắp vặt, hãy tìm kiếm sự trợ giúp từ các bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý. Nhiều người mắc phải chứng bệnh này thường không muốn điều trị vì sợ sẽ bị tố cáo và bỏ tù. Tuy nhiên, các chuyên gia sức khỏe tâm thần thường không báo cáo hành động trộm cắp này cho cơ quan chức năng.


Bạn nên làm gì nếu nhận thấy người thân có khả năng mắc chứng ăn cắp vặt?


Nếu bạn nghi ngờ người bạn thân hoặc thành viên trong gia đình mắc chứng kleptomania, hãy nhẹ nhàng nêu lên mối lo ngại với họ. Hãy nhớ rằng chứng kleptomania là một tình trạng sức khỏe tâm thần, không phải là một khiếm khuyết trong nhân cách, vì vậy không nên dùng thái độ đổ lỗi hoặc buộc tội.

About the author

Tốt nghiệp Y khoa ở Huế. Sau đó lấy bằng bác sĩ (ECFMG) và hiện tại đang phụ trách điều hành một công ty y tế tại DC, Hoa Kỳ. Trong hơn 10 năm sống ở Hoa Kỳ, tác giả có cơ hội học hỏi và nghiên cứu về sức khỏe tâm thần, một lĩnh vực mà tác giả đam mê và tâm huyết. Tác giả mong muốn chia sẻ kiến thức đến cộng đồng người Việt trong nước.

author

Thanh Nguyễn

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!