Những điều không ai dạy chúng ta để cho con bú thành công #2

MẸ & BÉ

Những điều không ai dạy chúng ta để cho con bú thành công #2

authorBy Dao Chi Anh
Share on
Share on
Những điều không ai dạy chúng ta để cho con bú thành công #2

Mặc dù thông tin đại chúng luôn phổ biến “sữa mẹ là tốt nhất cho sức khỏe cả mẹ và bé và sự phát triển toàn diện của con sau này”, nhưng phụ nữ nói chung và phụ nữ có thai nói riêng lại không được đào tạo bài bản về kiến thức và kĩ năng cho con bú. Hãy tiếp tục đọc những chia sẻ từ kinh nghiệm thực tế sau để tự tin hơn với việc cho con bú và không dễ bị nản lòng hoặc bỏ cuộc vì thấy thách thức quá nhé! 


Đọc phần 1 tại đây


7 - 3 tháng đầu hãy chấp nhận là em bé bú đêm liên tục và bạn sẽ thiếu ngủ trường kỳ


Không phải em bé sau sinh nào cũng ngủ ngoan và nếu em bé thức dậy nhiều lần trong đêm cũng là do mẹ thiếu sữa. Chính vì lo lắng con không bú đủ nên nên nhiều người đã lựa chọn cho sữa công thức hoặc bổ sung bú bình vào buổi tối để con “no lâu hơn”, ngủ dài giấc hơn. Đây là một lầm tưởng phổ biến, bởi khoa học đã chứng minh rằng những em bé bú bình hay sữa công thức không hề có khuynh hướng ngủ nhiều hơn những em bé bú mẹ trực tiếp. 


Ở thời điểm 12 tuần đầu, con chưa đủ phát triển để ngủ lâu hơn 2-3 tiếng một giấc, bất kể là uống sữa mẹ hay sữa ngoài. Em bé sẽ dạy liên tục trong đêm và thường chỉ việc cho ti mới giúp em quay lại giấc ngủ nhanh chóng (sữa mẹ ban đêm có chứa melatonin - hormone có thể giúp bé ngủ nhanh sau bú). Thay vì nghĩ mình đang làm gì sai để em bé thức dậy liên tục, hãy coi đây là chuyện bình thường mà 80% em bé nào trong 3 tháng đầu cũng trải qua. Trẻ sơ sinh phải bú nhiều mới chóng lớn, chưa kể ban đêm mẹ mới tiết nhiều hormone sản xuất sữa và khi bú đêm sẽ kích thích sản xuất nhiều sữa hơn cho cả ngày hôm sau. Vì vậy, thay vì nghĩ bú đêm là một thói quen xấu hoặc là hiện tượng “bú vặt”, hãy chấp nhận đây là một hiện tượng hoàn toàn tốt cho cả mẹ và con để duy trì nguồn sữa và lượng sữa con ăn. 


Bên cạnh đó, bạn cũng phải hiểu rằng em bé thức dậy liên tục có nghĩa rằng mẹ cũng sẽ thiếu ngủ trường kỳ. Trong khoảng 4-8 tuần đầu, mình đã thiếu ngủ trầm trọng đến mức nghĩ rằng cơ thể sẽ gục nếu không được ngủ thêm. Nhưng rồi cứ đêm này qua đêm khác, tập trung để qua từng giờ một, từng ngày một, cho đến khi con hơn 10 tuần trở đi sẽ bắt đầu ngủ dài hơn chút một… rồi đến một ngày đẹp trời, bạn tỉnh dậy sau 4 tiếng không cho bú mà con vẫn đang ngủ. Đến 5 tháng, con đã bỏ bú đêm, chỉ bú một lần lúc 11.30 tối và lần sau là 5, 6 giờ sáng. Nhìn lại, bạn cũng sẽ giống mình lúc này, thấy 5 tháng trôi qua thật nhanh!


Đừng lo là em bé sẽ bú đêm mãi vì sau 3 tháng em bé tự nhiên sẽ giãn dần cữ bú đêm và bỏ bú đêm khi ngủ xuyên đêm. Hãy cố gắng ngủ những giấc ngắn trong ngày để lại sức và nếu được hãy yêu cầu sự giúp đỡ từ người thân để có khoảng thời gian nghỉ ngơi cho bản thân. Và tìm động lực từ bạn bè, gia đình hay hội nhóm các bà mẹ để có thể vượt qua những ngày tháng “gian khó” này nhé!


nhung-dieu-khong-ai-day-chung-ta-de-cho-con-bu-thanh-cong-2 (4).jpg


8 - Hạn chế vắt sữa trong 3 tháng đầu


Có lẽ chưa bao giờ “văn hoá hút sữa” lại mạnh như bây giờ. Khi máy móc hút sữa ngày càng tiện nghi, hiện đại, thì chúng ta càng dễ muốn bỏ cho ti, hút sữa ra để cho con bú bình dễ hơn hoặc cho đỡ đau. Dù máy hút sữa có một vị trí quan trọng khi người mẹ phải xa con, như lúc phải quay lại nơi làm sau khi nghỉ sinh, nhưng cũng rất nhiều khi chúng ta tự khiến mình rơi vào “bẫy hút sữa” ngay từ những tuần đầu sau sinh, đúng giai đoạn cần nhất để thiết lập nhịp bú và tiết sữa tối ưu cho con. Thậm chí nhiều người “lạm dụng” máy hút sữa để kích sữa, dẫn đến tình trạng thừa sữa và tích trữ kín cả ngăn tủ đông mà không dùng đến. 


Đối với những ai sinh đôi như mình, thì việc hút sữa ra để người khác “thay ca” cho bé bú rất hấp dẫn, vì việc cho bú triền miên cả ngày lẫn đêm vô cùng kiệt sức. Tuy nhiên, sẽ còn kiệt sức hơn nếu như thay vì cho con bú trực tiếp là xong, bạn phải tiệt trùng chai lọ và dụng cụ hút sữa, ngồi một góc hút sữa, sau đó lại tiệt trùng bình để đổ sữa đã vắt vào cho con bú hoặc đổ ra túi trữ sữa để cất đi. Bú bình xong lại lặp lại việc vệ sinh tiệt trùng bình… Và một khi đã hút thường xuyên rồi, cứ đến giờ đấy bạn lại phải hút, không thì sẽ bị căng ngực, dễ tắc sữa, tạo thành vòng luẩn quẩn, càng thêm mệt mỏi.


Thực tế, nếu bạn ở nhà, cách tốt nhất là hãy cho con bú trực tiếp, để bé có thể đón nhận đầy đủ những kháng thể sống trong sữa. Bởi một khi sữa đã hút ra và để trong tủ lạnh, chỉ sau 24h, lượng kháng thể sống trong sữa cũng sẽ giảm đi đáng kể. Đặc biệt là khi dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu biến mất, việc truyền kháng thể từ mẹ sang con lại càng quan trọng hơn. 


Khi mình bị ốm, kể cả khi mắc Covid-19, mình vẫn cho con bú như bình thường và con dù bị lây nhưng cũng khỏi rất nhanh, vì đã được nhận trực tiếp kháng thể từ mẹ. Vì vậy cực chẳng đã chúng ta mới tích trữ sữa (vì sữa để lạnh vẫn tốt hơn cho bé so với sữa công thức), khi mẹ không thể có mặt để cho con ti trực tiếp. 


Ngoài việc nhận đủ dinh dưỡng hơn, việc đầu ti tiếp xúc miệng em bé cũng giúp cho cơ thể mẹ tiếp nhận thông tin từ nước bọt em bé, để tự điều chỉnh hàm lượng dinh dưỡng trong sữa sao cho khớp với nhu cầu riêng của con mình. Cơ thể chúng ta kì diệu như vậy đó! Vậy sao lại phải hút ra bình? 


Thêm một lầm tưởng nữa, rằng hút sữa sẽ ra nhiều sữa hơn là cho ti trực tiếp. Đây cũng là một lầm tưởng phổ biến, do chúng ta rất khó đo được thực sự con mình bú bao nhiêu. Tuy nhiên theo các chuyên gia, khả năng hút sữa ra của em bé tốt hơn rất nhiều những máy hút hiện đại nhất. Có rất nhiều người mẹ khi hút sữa chỉ ra 15-30ml nhưng con họ bú vẫn tăng cân đều và không có dấu hiệu thiếu chất. Vì vậy đừng bao giờ đánh giá khả năng tiết sữa của mình theo lượng sữa được hút ra nhé!


Trong 3 tháng đầu, cơ thể sẽ tự điều chỉnh để tiết sữa đúng theo mức con cần, nên hãy để con ti trực tiếp để “cung gặp cầu”, mới hạn chế được hiện tượng thừa sữa, cũng khổ không kém gì thiếu sữa đấy các bạn ạ!



9 - Đau, nứt “cổ gà” là không thể tránh, nhưng rồi sẽ hết!


Những tuần đầu cho bú, đầu ti sẽ rất đau, thậm chí thường xuyên bị nứt, tổn thương do em bé mút liên tục. Đầu ti có nhiều dây thần kinh và rất nhạy cảm nên bị tổn thương da ở đây thực sự là một cực hình. Và rất nhiều bà mẹ đã bỏ cho bú vì lý do này. Tuy nhiên hiện tượng này không diễn ra mãi… 


Thông thường, từ khoảng 6 tuần trở đi, da trên đầu ti sẽ mọc dày lên và không còn dễ rách hay nứt nữa. Bạn sẽ dần không còn thấy đau khi con bú. Để cải thiện tình trạng đau đầu ti, hãy bôi mỡ chất lanolin dành cho đầu ti mỗi lần trước và sau khi cho bú để bôi trơn và giúp da mau lành. Ngoài ra để giảm đau, sau bú có thể chườm lạnh lên ti. Mỗi khi con ngậm vào ti mà đau buốt, hãy cắn răng chịu đựng vì thường một lúc sau cơn đau sẽ dịu đi và bạn lại quên nó được một lúc. Tuy nhiên nếu đau sưng đầu ti trường kỳ không khỏi, kể cả sau 6-8 tuần đầu, thì có lẽ bạn đang để con ngậm ti sai, khiến cho con mút vào đầu ti nhiều hơn là ngậm vào bầu vú, dẫn đến cọ nhiều vào đầu ti gây tổn thương nặng hơn. Để cải thiện tình trạng này, hãy xem lại phương pháp ngậm ti sâu (deep latching) như đã nói ở phần 1 nhé.


nhung-dieu-khong-ai-day-chung-ta-de-cho-con-bu-thanh-cong-2 (3).jpg


10 - Khi tắc sữa, hãy bình tĩnh, xử lý từng bước một


Chuyện tắc sữa là ác mộng của những mẹ cho con bú (kể cả những người vắt sữa hoàn toàn). Thực tế là trong 6 tháng đầu cho bú, hầu như ai cũng sẽ bị tối thiểu một lần tắc sữa. Nó có thể xảy ra rất đột ngột, từ hơi nhức, thành đau sưng, rồi viêm tuyến sữa và sốt cao, đau ngực đến phát khóc. Mỗi lần sinh con, mình đều bị tắc sữa khoảng 1-2 lần. Giai đoạn đầu khi sữa về nhiều hơn khả năng tiêu thụ của em bé, chuyện tắc sữa rất khó tránh khỏi. Để giảm tần suất tắc sữa, hãy hạn chế mặc áo lót chật chèn ép lên vùng nách hoặc vùng dưới nách (tuyến sữa bắt đầu từ nách). Hãy uống nhiều nước (để sữa không bị đặc và dễ tắc) và thường xuyên xoa bóp vú khi cho bú để kích thích sữa chảy đều. Sau đây là các bước “cấp cứu” mỗi lần mình cảm thấy bắt đầu tắc sữa để tránh nó dẫn đến tắc hoàn toàn thành viêm tuyến sữa, vô cùng đau đớn:


- Cho bú liên tục bên vú đang đau

- Xoa bóp trước và trong lúc bú để thông sữa (không ấn quá mạnh làm tổn thương tuyến sữa). Mình hay làm điều này bằng một viên đá Gua Sha hoặc máy xoa bóp ngực.

- Ngâm bồn hoặc tắm nước ấm cho nước chảy trên ngực, xoa bóp tự nhiên.

- Pha 2, 3 thìa cà phê muối tắm Epsom vào nước ấm rồi ngâm ti vào nước đó (mình thường pha vào cốc Haakaa rồi cho nó hút vào ti để đầu ti ngập trong nước muối Epsom), sẽ giúp giảm viêm đau và hút ra phần sữa tắc. 

- Uống thuốc giảm đau ibuprofen để vừa giảm đau, vừa giảm viêm sưng. Sau đó cho bú sẽ dễ thông hơn khi tuyến sữa không sưng như trước.


Tuy nhiên nếu bạn sốt cao mà sau 24h không tự hết bằng các bước trên thì phải đi khám ngay để uống kháng sinh, tránh dẫn đến việc viêm thành mủ ở trong vú. 


her-product-1351753154
-24%379,000 đ499,000 đ

11 - Đừng sợ rằng cho bú và bế em bé sẽ dẫn tới “bện hơi mẹ”


Có lẽ điều phi lý nhất mình từng nghe là cho con ti trực tiếp sẽ khiến con “bện hơi” mẹ và bám mẹ hơn. Không hiểu sao đây lại là một điều xấu, khi em bé sinh ra bản năng là sẽ muốn gần mẹ - nơi ấm áp, nguồn thức ăn và giọng nói quen thuộc con đã quen từ trong bụng? Bản năng sinh tồn của bé sơ sinh là phải khóc khi bị đặt xuống hoặc không được mẹ bế - đây là một bản năng đã có từ thời người cổ đại, khi em bé mà không được bế theo người lớn sẽ dễ bị động vật tấn công. Vì vậy hãy cứ cho bú, hãy cứ ôm ấp và áp da với bé để em dễ chịu, bình tĩnh, vì 12 tuần đầu là thời gian em bé vô cùng khó khăn để thích nghi được môi trường ngoài bụng mẹ, nên rất dễ khóc và khó chịu. Hãy thông cảm cho bé thay vì muốn con không “bám” mình nhé!


nhung-dieu-khong-ai-day-chung-ta-de-cho-con-bu-thanh-cong-2 (2).jpg


12 - Bé bú đủ nếu như bé lên cân đều và làm bẩn bỉm thường xuyên


Chắc hẳn không ít người cảm thấy sốt ruột khi thấy bé bú có vẻ ít nếu so sánh giữa lúc ti trực tiếp và bú bình, và nghĩ rằng nếu bé khóc đo nhiều là vẫn còn đói, nên nhanh chóng chuyển sang cho em bú bình hoặc bổ sung bình giữa cữ bú. Khi ti trực tiếp, chúng ta không thể đo được lượng sữa bé bú vào, nhưng nếu một ngày bé làm ướt bỉm 5 đến 6 lần, đồng thời bỉm có phân 1 đến 2 lần trở lên, thì chắc chắn em bú đủ sữa. Sau mỗi tuần hoặc 2 tuần một lần, bạn có thể cân cho bé (dùng cân sơ sinh). Nếu mỗi tuần tối thiểu lên 150g trong 4-5 tháng đầu, thì bé đang ăn đủ và bạn không cần phải lo bổ sung thêm sữa ngoài hoặc cho thêm bình giữa cữ bú nhé. Điều mình đã làm là 6 tháng đầu luôn đảm bảo một ngày em bé bú tối thiểu 8 cữ (3 tiếng một lần) và trong 3 tháng đầu mỗi lần bú phải tối thiểu 15 phút, song song với việc theo dõi lượng bỉm ướt và bỉm phân cùng việc cân 1-2 tuần một lần cho đến khi tự tin là em đang lớn đều và nhanh.


13 - Hãy tìm sự giúp đỡ, tư vấn từ chuyên gia sữa mẹ


Đôi khi bạn đã thử mọi cách nhưng vẫn không thể cho con bú hoặc con ngậm không đủ sâu để hút được sữa ra. Cũng có thể lưỡi con bị dính thắng lưỡi (tongue tie) bẩm sinh nên ảnh hưởng việc bú mẹ hiệu quả. Để biết lý do con mình chưa bú được hoặc cải thiện khả năng cho bú của mẹ, thay vì cố tìm thông tin trên mạng hoặc hỏi han người xung quanh, và đặc biệt là trước khi quyết định bỏ cuộc, bạn nên tìm đến những chuyên gia tư vấn sữa mẹ chuyên nghiệp (có chứng chỉ tư vấn sữa mẹ quốc tế IBCLC). Họ có thể xem video hoặc tới gặp bạn trực tiếp tại nhà để hỗ trợ cho con bú đúng cách, sửa những tư thế bú sai và tư vấn lộ trình cho con bú tốt nhất phù hợp với sức khỏe và điều kiện sinh hoạt. 


Ở Việt Nam bạn có thể tìm thấy bác sĩ sữa mẹ đạt chuẩn của IBCLC như bác sĩ Lê Ngọc Anh Thy. Hãy tìm chuyên gia gần nhất ở nơi bạn sống và liên hệ ngay, đừng ngại và đừng đợi nhé.



14 - Không cần phải bổ sung thực phẩm tăng tiết sữa


Các chuyên gia dinh dưỡng đều đồng tình rằng phụ nữ sau sinh không cần phải tẩm bổ quá mức hay bổ sung những thực phẩm tăng tiết sữa như móng giò hoặc những thực phẩm chức năng lợi sữa. Hiện nay, chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào về sự tác động của những loại thực phẩm này đối với cơ chế tiết sữa của phụ nữ sau sinh. Hơn nữa, bất kỳ loại thực phẩm nào ăn quá nhiều đều phản tác dụng. Ví dụ ăn quá nhiều cháo móng giò (chủ yếu chứa protein, chất béo) chẳng những không có tác dụng lợi sữa mà còn là nguyên nhân gây tắc tia sữa, tăng cân cho mẹ sau sinh.


Chế độ ăn uống tốt nhất cho phụ nữ trong giai đoạn cho con bú chỉ đơn giản là một chế độ dinh dưỡng bình thường, lành mạnh, cân bằng, đa dạng thực phẩm với nhiều protein, chất lỏng, trái cây, rau củ và ngũ cốc. Bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý, hãy uống nhiều nước, sữa (hoặc ăn sữa chua) và ngủ đủ giấc.


Muốn nhiều sữa thì phải tăng cường cho con bú và bú đúng cách, vì động tác bú và khả năng hút ra sữa của trẻ mới có tác dụng kích thích tăng tiết sữa chứ không phải do chế độ ăn.


Cuối cùng, hãy tin rằng việc bạn cho con bú dù khó khăn đến mấy, cũng là điều tốt nhất bạn có thể làm cho con. Hãy tin rằng tất cả các mẹ đều đang trải qua điều này và bạn sẽ sớm được nhìn lại giai đoạn này với một nụ cười khi con đã lớn và cứng cáp hơn, các cữ bú ngày một nhanh và ít dần. Mình vẫn rất tận hưởng việc cho cặp song sinh của mình bú, và kể cả ngoài 6 tháng, mình vẫn đang cho bú 8 lần một ngày và không muốn giảm cữ nào cho đến lúc con tự muốn giảm, vì đó là thời gian được ôm ấp, gần gũi và gắn kết vô cùng quý giá với con. Thời gian cho con bú cũng là một giai đoạn vô cùng đặc biệt trong đời người phụ nữ và là một món quà mình trân trọng khi được nuôi dưỡng con từ trong bụng cho đến lúc chúng biết đi bằng chính cơ thể của mình. Chúc các bạn cho con bú thành công, đừng quên chăm sóc bản thân để có sức cho việc chăm con nhé! 


Đừng quên follow Her trên Instagram @thisishervn để nhận thêm nhiều thông tin bổ ích và thú vị nhé!

About the author

Đào Chi Anh là Founder của HER, ngoài việc kinh doanh, cô còn là một HLV Fitness, Pilates và Dinh Dưỡng cá nhân. Cô đã được nhận chứng chỉ quốc tế về Tư vấn Dinh dưỡng, Tư vấn Thể hình và Pilates từ những chương trình đào tạo uy tín tại Mỹ và Canada. Cô cũng đã tốt nghiệp bằng Diploma (Cao Đẳng) về Sức khỏe Dinh Dưỡng của Anh Quốc và là một HLV Fitness cá nhân được cấp chứng chỉ bởi ISSA (Hoa Kỳ).


Hãy theo dõi Chi Anh trên mạng xã hội tại:

IG: @daochianh,

LinkedIn: @chianhdao,

FB: @daochianh

author

Dao Chi Anh

Founder

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!