Đọc nhãn mỹ phẩm sao cho đúng

ĐẸP

Đọc nhãn mỹ phẩm sao cho đúng

authorBy Isa Trần
Share on
Share on
Đọc nhãn mỹ phẩm sao cho đúng


Hiện nay thị trường làm đẹp đang cạnh tranh rất gắt gao, các nhãn hàng đầu tư rất nhiều vào thiết kế bao bì, giúp cho sản phẩm của họ nổi bật hơn trong mắt người tiêu dùng. Tuy nhiên, bao bì bắt mắt hay tính năng vượt trội không đồng nghĩa với một sản phẩm chất lượng. Đọc và hiểu nhãn mỹ phẩm, đó là cách duy nhất để biết được món đồ mỹ phẩm bạn yêu thích có thực sự hiệu quả và an toàn.


Theo thông tin từ Bộ Y Tế, nhãn mỹ phẩm là “bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hóa”. Đối với các sản phẩm có nội dung được viết bằng tiếng ngoài, cần có một nhãn phụ dịch sang tiếng Việt đính kèm theo. Những thông tin bắt buộc phải xuất hiện trên nhãn mỹ phẩm bao gồm: 


  1. Tên của sản phẩm và chức năng của nó
  2. Hướng dẫn sử dụng
  3. Thành phần công thức đầy đủ
  4. Tên nước sản xuất
  5. Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường 
  6. Định lượng 
  7. Số lô sản xuất
  8. Ngày sản xuất hoặc hạn dùng
  9. Lưu ý về an toàn sử dụng


Trước khi quyết định mua bất kỳ một sản phẩm nào, bạn cũng nên kiểm tra những thông tin trên bao bì xem có đầy đủ theo quy định của luật pháp hay không. Điều này sẽ giúp bạn tránh việc mua phải những mặt hàng trôi nổi, không có xuất xứ rõ ràng. 





Đọc Bảng Thành Phần Thế Nào?


Theo EWG’s Skin Deep, cơ sở dữ liệu cung cấp thông tin và nghiên cứu mọi thành phần thuộc tổ chức phi lợi nhuận The Environmental Working Group, “bảng thành phần được liệt kê dựa trên nồng độ. Thành phần đầu tiên sẽ chiếm phần trăm nhiều nhất trong sản phẩm, trong khi thành phần cuối cùng được liệt kê sẽ chiếm ít nhất”. Ngoại trừ các thành phần có nồng độ dưới 1%, thì có thể được liệt kê theo bất kỳ thứ tự nào. Những thành phần thường được sử dụng trong mỹ phẩm bao gồm nước, chất nhũ hóa, chất bảo quản, chất làm đặc, chất giữ ẩm, chất tạo màu và hương liệu.


Nhiều người cảm thấy e ngại khi đọc bảng thành phần vì chúng thường được viết dưới tên hóa học hay ký hiệu. Có rất nhiều trang web được thiết kế để giúp bạn giải mã những cái tên lạ lẫm này, cũng như tìm hiểu công dụng thực sự của chúng. Các bạn có thể tham khảo tại: 


  1. EWG’s Skin Deep: bạn có thể tìm theo tên thành phần hoặc sản phẩm, trang web sẽ cho bạn biết thành phần trên có bất kỳ vấn đề gì hay không, ví dụ như độc tính, gây kích ứng, hoặc làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái…
  2. Paula’s Choice: là cuốn từ điển về các thành phần mỹ phẩm thông dụng và chức năng của chúng.


Một chiêu trò quảng cáo mà các nhãn hàng thường sử dụng là lôi kéo sự tập trung của người tiêu dùng vào những thành phần hoạt tính với công dụng thần kỳ. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp mà những cái tên hấp dẫn đó chỉ chiếm một lượng nhỏ trong bảng thành phần. Ví dụ với sản phẩm bên dưới, thành phần sáng giá được nhắc đến là “tinh chất Calendula”, nhưng chỉ đứng khiêm tốn ở phía sau, tỉ lệ còn thấp hơn cả thành phần đóng vai trò hương liệu là Citrus Limon Peel Oil/Lemon Peel Oil.


(Ảnh: Sephora)


Ngoài ra, việc đọc bảng thành phần cũng sẽ giúp bạn biết được sản phẩm đó có gây kích ứng trên da hay không. Đặc biệt là những bạn có làn da nhạy cảm, cần nên tránh sử dụng những sản phẩm có chứa cồn, quá nhiều hương liệu hay các chất bảo quản như paraben.


Lưu Ý Về Hạn Sử Dụng


Đối với mỹ phẩm, ngoài ngày hết hạn ra, bạn còn phải lưu ý thêm phần hạn sử dụng sau khi mở nắp, thường được thể hiện bằng ký hiệu. 


Hạn sử dụng trước khi mở nắp: theo luật pháp Việt Nam, hạn sử dụng phải gồm “tháng, năm hoặc ngày, tháng, năm theo đúng thứ tự”. Thông tin về hạn sử dụng có thể được thể hiện bằng nhiều phương thức khác nhau, ví dụ như dùng từ “ngày hết hạn” hoặc “sử dụng tốt nhất trước ngày”. Mỹ phẩm khi chưa mở nắp sẽ đảm bảo chất lượng cho đến ngày hết hạn. 


Hạn sử dụng sau khi mở nắp: trên các bao bì mỹ phẩm, bạn sẽ bắt gặp ký hiệu có hình 1 cái lọ kèm theo chữ số, đó chính là hạn sử dụng của sản phẩm sau khi đã mở nắp. Bạn nên ghi nhớ ngày bắt đầu dùng rồi từ đó tính toán thời gian hết hạn. Tùy theo loại mỹ phẩm mà tuổi thọ sau khi mở nắp có thể kéo dài từ 3 tháng đến tối đa là 3 năm. 



Hướng Dẫn Sử Dụng Và Cách Bảo Quản


Hãy làm theo hướng dẫn sử dụng để sản phẩm có thể đạt hiệu quả tối ưu nhất. Với một số sản phẩm như mặt nạ hay các loại tẩy da chết hóa học, cần xem kỹ thời gian để trên da (thường tối đa là 20 phút) để tránh gây kích ứng hoặc bị phản tác dụng. Nên tìm hiểu về thứ tự sử dụng sản phẩm trong chu trình dưỡng da, như các loại serum có gốc nước phải được thoa trước kem dưỡng ẩm để giúp tinh chất thẩm thấu tốt hơn.


Bạn cũng nên quan tâm tới cách bảo quản để kéo dài thời gian sử dụng của sản phẩm. Ví dụ, thành phần như Vitamin C cần tránh để tiếp xúc trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời vì có thể làm ảnh hưởng tới chất lượng của sản phẩm. Nếu trong lúc sử dụng mà nhận thấy những dấu hiệu như nấm mốc, có mùi lạ hay bị tách dầu (đối với kem dưỡng da), bạn nên ngưng dùng ngay lập tức cho dù sản phẩm có còn trong hạn sử dụng hay không. 

Một số ký hiệu quan trọng


Ngoài ký hiệu về hạn sử dụng, trên nhãn mỹ phẩm còn có rất nhiều ký hiệu quan trọng khác mà bạn cần lưu ý.



  1. Mũi tên xanh (Green Dot): ký hiệu này thường được dùng ở châu Âu, cho biết rằng công ty sản xuất đã cam kết kiểm soát chất thải từ bao bì của họ bằng cách trả tiền cho một tổ chức để thu gom và tái chế bao bì sản phẩm.
  2. Bàn tay chỉ vào cuốn sách (Refer to insert): bạn sẽ bắt gặp ký hiệu này trên những sản phẩm có kích thước nhỏ, bởi vì giới hạn về diện tích nên một số thông tin như thành phần, hướng dẫn hay cảnh báo sẽ được in rời và đính kèm theo sản phẩm. 
  3. Chữ e: đây là dấu hiệu ước tính, thường xuất hiện kế bên phần dung tích. Được tìm thấy trên các sản phẩm sản xuất tại khối EU, nó đảm bảo rằng định lượng sản phẩm trên bao bì là chính xác.
  4. Ngọn lửa: đây là ký hiệu cho bạn biết sản phẩm rất dễ cháy, không nên để tiếp xúc với lửa hoặc nhiệt độ cao.
  5. Biểu tượng chú thỏ (Cruelty Free): tùy theo xuất xứ của sản phẩm mà hình ảnh chú thỏ sẽ hơi khác nhau. Nó cho bạn biết công ty sản xuất và các nhà cung cấp thành phần của họ không có thử nghiệm trên động vật.
  6. Biểu tượng Vegan: thường được chứng nhận bởi hai tổ chức là Vegan.org (ký hiệu trái tim với chữ V ở giữa) và Vegan Society UK (có hình bông hoa hướng dương). Các sản phẩm chỉ đạt tiêu chuẩn Vegan khi tất cả các giai đoạn phát triển và sản xuất sản phẩm (bao gồm từng thành phần cấu tạo và bao bì) đều không có con vật nào bị làm hại. Cần phân biệt giữa Cruelty Free với Vegan, sản phẩm có biểu tượng Vegan là 100% thuần chay nên sẽ không có thí nghiệm trên động vật. Tuy nhiên, sản phẩm được gắn mác là Cruelty Free thì vẫn có thể chứa một số nguyên liệu có nguồn gốc từ động vật, ví dụ như mật ong hay sáp ong.

About the author

Là một cô gái đam mê làm đẹp cùng mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm của mình tới mọi người. Ngoài trang blog và kênh Youtube cá nhân, hiện tại Isa đang là một Content Creator hành nghề tự do để thỏa mãn niềm yêu thích với con chữ.

Theo dõi Isa tại: https://by-isa.com

author

Isa Trần

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!