Công thức làm bánh ít trần để lâu không bị cứng vỏ bánh

ẨM THỰC

Công thức làm bánh ít trần để lâu không bị cứng vỏ bánh

authorBy Trần Thị Kim Ngân
Share on
Share on
Công thức làm bánh ít trần để lâu không bị cứng vỏ bánh


Bánh ít trần là món quà vặt của người dân miền trong. Bánh hơi giống bánh nếp của người miền Bắc, nhân đậu xanh kết hợp với thịt lợn, hạt tiêu... được bao bọc bởi một lớp vỏ bánh làm từ bột nếp dẻo dai.


Hồi xưa mỗi lần mẹ làm bánh là cực lắm. Trước khi làm một ngày là phải ngâm gạo, ngâm nếp để hôm sau kịp xay. Mà hồi đó người ta chỉ dùng toàn xay bằng cối đá, xay xong mớ gạo nếp là tay chân rụng rời. Bây giờ ngành "công nghiệp" ẩm thực ngày càng phát triển. Cứ chạy ra đầu ngõ, tấp vào cửa hàng hay thậm chí ngồi nhà gọi tới là đã có đĩa bánh nóng hổi.


Nhưng cũng vì vậy mà hương vị ngày ấy khó lòng mà tìm lại được, mình sẽ cố tái hiện lại mùi vị ngày nào gây nhớ thương.


Nguyên Liệu


  1. Bột nếp: 400 gram
  2. Khoai lang: 1-2 củ
  3. Đậu xanh không vỏ: 100 gram
  4. Thịt xay: 100 gram
  5. Tôm: 200 gram
  6. Tôm khô: 100 gram
  7. Bột ớt: ½ muỗng cà phê
  8. Hành lá, hẹ: 1 nắm
  9. Tỏi: 4 nhánh
  10. Chanh: 2 trái
  11. Ớt: 3 trái
  12. Gia vị: muối, đường, hạt nêm
  13. Dầu ăn: 3 muỗng canh


Cách Làm


Vo sạch đậu xanh, sau đó để ráo. Hấp đậu cùng với khoai lang tầm 15 phút.



Làm sạch tôm, sau đó cắt hạt lựu. Mình không băm nhuyễn vì muốn khi ăn có thể cảm nhận rõ ràng mùi vị của tôm hơn.




Băm tỏi ớt để làm nước mắm. Thật ra đặc trưng từng vùng miền cũng như khẩu vị từng người sẽ có một loại công thức riêng. Nhưng mình sẽ chia sẻ công thức nước mắm của mình với mọi người.


  1. 5 muỗng nước mắm mặn
  2. 12 muỗng nước lọc
  3. 3 muỗng đường
  4. 4 nhánh tỏi băm
  5. 3 trái ớt hiểm băm
  6. 1,5 trái chanh



Tiếp đến mình sẽ chế biến tôm khô. Ngâm tôm khô với nước sôi tầm 10 phút để tôm khô được mềm. Để làm bông tôm khô, mình sẽ băm nhỏ tôm khô để việc xay tôm được dễ dàng hơn.




Sau đó xay đến khi tôm đạt được độ bông nhất định.



Xào tôm khô với một ít đầu hành lá cho tôm khô được thơm. Sau đó cho ½ muỗng ớt bột để tạo màu.



Đậu xanh và khoai đã chín.



Mình sẽ xay đậu. Vì nguyên liệu hơi khô nên khi xay sẽ có chút khó khăn, máy sẽ không chạy được trơn tru. Bạn có thể thêm một ít nước vào để dễ xay hơn. 


Tới phần làm nhân bánh. Xào thịt với ít tỏi băm và đầu hành. Khi thịt vừa chín tới mình cho tôm vào xào chung. 



Hỗn hợp vừa chín, cho vào ít tôm khô xay để nhân bánh thơm và ngon hơn. 



Lúc này bạn cho đậu xanh vào xào cùng.



Đậu xanh sẽ giúp nhân bánh béo hơn và kết dính các nguyên liệu lại với nhau. Khi nhân chín bạn cho ra đĩa. Sau đó chia thành các viên đều nhau.



Bước quan trọng nhất là làm vỏ bánh. Để bột được đều và tránh tình trạng bột bị nhão, bạn nên cho nước vào từ từ, nhào từng mảng nhỏ cho đến khi bạn cảm thấy bột đều. 



Bí quyết để vỏ bánh có độ mềm, để lâu vỏ bánh cũng không bị cứng là hãy nghiền một chút khoai lang và cho vào trong quá trình nhào bột. 




Ủ bột vừa nhào trong 30 phút. Sau đó chia bột. Nếu bạn muốn vỏ bánh mỏng vừa, hãy lấy lượng bột tương đương hoặc nhiều hơn lượng nhân một ít.



Tạo hình vỏ bánh, cho nhân vào và vo thành từng viên.




Để bánh không bị dính, mình phết một ít dầu ăn xung quanh vỏ bánh. 



Đặt vào xửng để hấp.



Lưu ý hãy để bánh trong xửng như mình, sau đó cho cả xửng vào nồi hấp. Việc này sẽ tránh được việc hơi nước đọng trên nắp nồi hấp nhỏ xuống trực tiếp mặt bánh, làm bánh bị nhão.



Chuẩn bị hành lá để làm mỡ hành.



Rắc mỡ hành và tôm khô lên trên để trang trí.




Bạn có thể ăn bánh kèm một ít dưa chua để đỡ ngấy.



Không quá phức tạp nhưng sẽ cần nhiều thời gian cho món bánh này. Một vài lưu ý nho nhỏ mình muốn nhắn nhủ nếu bạn sắp có dự định thực hiện món ăn này:


  1. Nhào bột thật đều tay và nên cho nước vào từ từ, nhào đến đâu hãy cho nước vào đến đó. Việc này sẽ hạn chế việc bột bị chảy và nhão.
  2. Khoai lang sẽ giúp vỏ bánh được mềm, tuy nhiên hãy cho một lượng vừa phải thôi nhé, quá tay vỏ bánh sẽ không còn được độ dai đặc trưng của bánh ít trần đâu đấy. Với 400 gram bột bạn sử dụng 1 củ khoai là vừa.
  3. Bánh rất dễ dính vào nhau sau khi hấp, do đó bạn nên phếch một ít dầu ăn bên ngoài vỏ bánh.
  4. Nên cho bánh vào xửng trước rồi mới đặt vào lò hấp, nếu không hơi nước đọng trên nắp nồi sẽ nhỏ xuống bánh khiến bảnh nở và nhão rất nhiều đấy. Mình đã thất bại trong lần hấp bánh thứ hai vì không cho bánh vào xửng, do đó muốn chia sẻ kinh nghiệm xương máu này với mọi người. 


Chúc bạn thành công với công thức mình chia sẻ!

About the author

Kim Ngân hiện đang là content writer, làm việc full time tại một công ty chuyên về ẩm thực Hà Nội ở Sài Gòn.

author

Trần Thị Kim Ngân

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!