Bạn đang tìm hiểu một người rất thú vị. Bạn dành nhiều thời gian trò chuyện, đi chơi và cảm thấy mối quan hệ này có thể phát triển lâu dài. Bỗng một ngày, người đó im lặng, không trả lời tin nhắn hay cuộc gọi của bạn. Người đó biến mất như chưa từng xuất hiện trong cuộc đời. Vâng, bạn đã bị “ghost”.
Ghosting Trong Hẹn Hò Là Gì?
“Ghosting” là một thuật ngữ dùng trong một mối quan hệ, đề cập đến việc ai đó đột ngột cắt đứt liên lạc mà không đưa ra lời giải thích nào với người còn lại. Họ biến mất như chưa từng xuất hiện trong cuộc đời người kia, như thể một bóng ma vậy. Đó là lý do người ta dùng từ “ghosting” để chỉ hành vi này.
“Ghosting” không phải là mới, nhiều người đã biết chơi trò “biến mất” này từ lâu. Đặc biệt trong thời đại bùng nổ các ứng dụng hẹn hò (như Tinder, Grindr, Bumble) thì việc “bật – ngắt” kết nối trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Trong văn hóa hẹn hò ngày nay, có khoảng 50% đàn ông và phụ nữ từng trải nghiệm cảm giác bị “ghost”, và cũng gần 50% đi “ghost” người khác.
Vì Sao Người Ta Muốn “Ghost”?
- Nỗi sợ. Bạn muốn chấm dứt mối quan hệ nhưng không dám nói thẳng ra vì sợ đối mặt với phản ứng của đối phương khi chia tay. Vì vậy, bạn chọn cách im lặng rời đi.
- Tránh xung đột. Con người có bản năng xã hội nên việc phá vỡ mối quan hệ dù dưới hình thức nào, dù tốt hay xấu, cũng đều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn. Vì vậy, bạn sẽ thấy thoải mái hơn nếu chủ động biến thành “con ma”, biến mất khỏi người kia mà không cần gây ra bất kỳ xung đột nào.
- Không cần nhận lấy hậu quả. Nếu bạn mới gặp gỡ ai đó, mối quan hệ chưa có gì sâu sắc và thân thiết, bạn sẽ không cảm thấy có vấn đề gì lớn nếu muốn bước ra khỏi cuộc đời họ mà không cần thông báo gì.
- Mang tính cách gắn bó né tránh. Trong một mối quan hệ, mỗi người sẽ có các kiểu gắn bó khác nhau như lo âu, né tránh hoặc an toàn. Với người có kiểu gắn bó né tránh, họ sẽ không thấy thoải mái với sự thân mật quá mức, đòi hỏi quá nhiều từ người kia. Vì vậy, nếu họ có cảm giác khó chịu, họ sẽ rời đi ngay lập tức.
- Từng bị “ghost”. Họ từng bị “bơ” đột ngột mà không một lời giải thích nên hiểu cảm giác đau đớn ấy thế nào. Nên họ muốn người khác cũng phải chịu cảm giác ấy.
Vì Sao Bị “Ghost” Khiến Bạn Cảm Thấy Đau Đớn?
Nếu bạn bị “ghost”, bạn sẽ rơi vào cảm giác mơ hồ như đang lạc trong con đường đầy sương mù. Sao người đó không trả lời tin nhắn? Liệu người đó có gặp phải sự cố, tai nạn hay chuyện gì không? Mình có nên lo lắng hay tức giận không? Chắc là người đó chỉ bận vài ngày rồi sẽ gọi cho mình lại thôi, nhưng nếu không thì sao? Mình phải chờ đợi tình trạng im lặng này đến bao giờ?
Bạn trở nên hoang mang, không biết phản ứng như thế nào trước tình huống này vì đơn giản, bạn không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Người kia cắt đứt liên lạc mà không để lại một lời giải thích, khiến bạn bối rối và mất kiểm soát. Nếu sự im lắng tiếp tục kéo dài, nỗi đau dần xuất hiện trong bạn.
Bởi trái ngược với yêu không phải ghét mà là sự thờ ơ, phớt lờ. Khi một người mà chúng ta yêu thương và tin tưởng đột nhiên rời xa, không có lấy một lời để lại, chúng ta có cảm giác như mình đang bị phản bội. Nếu bạn mới hẹn hò vài lần và chưa có mối quan hệ sâu sắc thì bị “ghost” cũng mang đến cảm giác như không được tôn trọng, bị lợi dụng hay thậm chí giống món hàng chỉ dùng 1 lần rồi vứt bỏ. Sự đau đớn càng sâu sắc hơn với người vốn có lòng tự trọng thấp.
Nó khiến chúng ta phải tự vấn bản thân. Tôi đã từng bị “ghost” với một mối quan hệ có được từ Tinder. Chúng tôi trò chuyện với nhau rất nhiều, dành cho nhau những lời yêu thương. Tôi nghĩ cuối cùng mình đã tìm thấy “real love” trên Tinder. Nhưng một ngày, người đó đột nhiên biến mất, không trả lời mọi tin nhắn hay cuộc gọi nào của tôi. Tôi bị bỏ lại trong mớ cảm xúc hỗn độn và tự chất vấn bản thân. Có phải tôi đã làm sai chuyện gì khiến người đó không hài lòng? Có phải tôi chưa đủ tốt, yêu chưa đủ nhiều, hành động chưa đủ chân thành? Nhưng không còn người có thể cho tôi câu trả lời chính xác.
Bị “ghost” khiến bạn bất lực, không để bạn có cơ hội đặt câu hỏi và được nghe lời giải thích. Sự thờ ơ, phớt lờ làm hạ thấp lòng tự trọng của bạn, hình thành vết sẹo trong tâm lý.
Bạn Nên Làm Gì Nếu Bị Ghost?
Điều quan trọng bạn cần phải nhớ là khi ai đó “ghost” bạn, điều đó không có nghĩa bạn đã làm gì sai hay không xứng đáng được yêu. Hành động ấy chỉ cho thấy người đó không đủ can đảm đối mặt với sự khó chịu trong cảm xúc của mình khi nói lời chia tay, đồng thời không hiểu hoặc không quan tâm đến cảm nhận của bạn.
Vì vậy, bạn đừng để hành vi không mấy tốt đẹp ấy làm tổn thương lòng tự trọng, sự tự tin trong bạn để rồi khép lòng lại với các mối quan hệ khác. Hãy để dành năng lượng cho những việc khiến bạn thấy hạnh phúc. Ai trong chúng ta cũng xứng đáng được yêu thương nếu ta cũng yêu thương người khác và đối xử với họ bằng sự tôn trọng và chân thành. Rồi một người tốt hơn sẽ xuất hiện trong cuộc đời bạn, miễn là bạn luôn mở lòng đón nhận mọi điều tốt đẹp phía trước.
Đừng quên follow Her trên Instagram @thisishervn để nhận thêm nhiều thông tin bổ ích và thú vị nhé!
About the author
Kim Ngân