Tai hại những hiểu lầm về nhiễm trùng qua đường tình dục (STI)

YÊU

Tai hại những hiểu lầm về nhiễm trùng qua đường tình dục (STI)

authorBy Kim Ngân
Share on
Share on
Tai hại những hiểu lầm về nhiễm trùng qua đường tình dục (STI)

Nhiễm trùng qua đường tình dục (STI) để chỉ một loại virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng có thể khiến bạn mắc bệnh dù có triệu chứng hay không. Đa số các nhiễm trùng đều được lây truyền qua quan hệ tình dục. Hiện nay, vẫn còn nhiều thông tin nhầm lẫn về STI khiến thiếu hụt kiến thức tự bảo vệ, làm tăng nguy cơ bị nhiễm hơn bình thường.


Trong bài viết này, hãy cùng Her làm sáng tỏ 8 hiểu lầm phổ biến về STI mà bạn nên ngừng tin ngay bây giờ.


Hiểu lầm 1: Bạn có thể biết ai đó bị STI bằng cách nhìn vẻ ngoài của họ


Hiểu lầm này cũng tương tự như khi nói đến HIV. Nhiều người thường cho rằng người nhiễm HIV sẽ luôn yếu ớt và gầy gò, thường sụt cân so với mức cân nặng bình thường. Nhưng thực tế cho thấy người nhiễm HIV có thể sống khỏe mạnh lâu dài mà không bị chuyển sang giai đoạn AIDS nhờ vào các loại thuốc mới, liên tục được cải tiến. 

Tương tự, bạn cũng không thể biết ai đó có đang mắc STI nếu chỉ nhìn qua vẻ ngoài của họ. Ví dụ người thì kiểm tra xem trên bộ phận sinh dục có bị mụn cóc hay không. Nhưng STI không phải nguyên nhân duy nhất gây ra mụn ở “chỗ ấy”. Vì vậy, cách chuẩn xác nhất để biết một người có bị STI hay không là phải đến bệnh viện làm xét nghiệm. 


Hiểu lầm 2: STI luôn có triệu chứng rõ ràng


Thực tế, nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) không có bất kỳ triệu chứng nào hoặc triệu chứng quá nhẹ đến mức bản thân người mắc không nghĩ mình bị nhiễm STI. Ví dụ, hầu hết phụ nữ bị nhiễm chlamydia (một trong các bệnh tình dục) hoặc bệnh lậu sẽ không gặp triệu chứng rõ ràng nào. Khi bệnh đã phát triển thì chúng mới có dấu hiệu, thường là vùng kín tiết dịch xanh hoặc vàng, chảy máu âm đạo giữa các kỳ kinh, lượng dịch tiết ra nhiều đến bất thường…



Hiểu lầm 3: Chỉ cần dùng bao cao su là bạn miễn nhiễm với STI


Đúng là bao cao su có thể ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục nhưng không phải 100%. Vì bao cao su (loại cho nam) không thể bao phủ tất cả vùng có thể bị nhiễm bệnh. Chúng bảo vệ được các bệnh STD chỉ lây truyền qua chất dịch sinh dục (như bệnh lậu, chlamydia, HIV), nhưng lại giảm hiệu quả với các bệnh lây truyền chủ yếu qua tiếp xúc da với da (như HPV, giang mai, mụn rộp).


Hiểu lầm 4: Nếu bạn tình nói họ đã kiểm tra STI, hai bạn có thể quan hệ mà không dùng bao cao su


Đây là một hiểu lầm khá phổ biến. Chúng ta dễ cảm thấy yên tâm và không cần dùng bao cao su nếu bạn tình bảo mình đã xét nghiệm bệnh xã hội đầy đủ, đặc biệt khi bạn trong mối quan hệ chung thủy 1:1. Nhưng điều này vẫn có “lỗ hổng”. Đó là nam giới không được xét nghiệm HPV để tầm soát mà thường phát hiện ra virus HPV khi đã bị mụn cóc sinh dục hoặc sùi mào gà. Nên họ vẫn có khả năng lây truyền HPV cho bạn dù có xét nghiệm bệnh xã hội. Vì vậy, bạn vẫn nên dùng bao cao su để bảo vệ cả hai tốt hơn. 


Hiểu lầm 5: Bạn chỉ lo lắng về STI khi quan hệ qua đường âm đạo


Điều này là không đúng vì bạn có thể bị STI cả khi quan hệ tình dục bằng miệng và hậu môn. Trên thế giới hiện nay đã xuất hiện ung thư vòm họng liên quan đến HPV và Chlamydia hậu môn. Vì vậy, bạn nên tự bảo vệ mình bằng cách sử dụng bao cao su cả khi quan hệ bằng miệng và hậu môn.





Hiểu lầm 6: Quan hệ trong ngày đèn đỏ thì an toàn và không bị STI


Nhiều người nghĩ rằng mình không thể mang thai nếu làm tình trong kỳ kinh và kinh nguyệt cũng giúp bảo vệ khỏi các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Suy nghĩ này là sai lầm. Bạn vẫn có thể mang thai và kinh nguyệt không phải một “vệ sĩ” ngăn chặn được những vi khuẩn và virus gây ra bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Mặt khác, quan hệ trong ngày đèn đỏ càng làm bạn dễ bị STI hơn do các virus như HIV sống trong máu kinh nguyệt. Do đó, bạn vẫn cần sử dụng bao cao su nếu quyết định để “thanh gươm nhuốm máu”.


Hiểu lầm 7: Tắm vòi hoa sen hoặc thụt rửa sau khi quan hệ sẽ ngăn ngừa bị nhiễm STI


Mặc dù việc vệ sinh sạch sẽ sau khi quan hệ là rất tốt và cần thiết nhưng nó không giúp loại bỏ các virus, vi khuẩn truyền bệnh nếu bạn mắc phải. Việc thụt rửa càng không thể, chưa kể đến cách này còn làm mất cân bằng nồng độ pH trong âm đạo, dẫn đến các bệnh nhiễm trùng như viêm âm đạo. Ngoài ra, nếu bạn thụt rửa khi đang bị STI, áp lực nước có thể đẩy vi khuẩn lên cao hơn, đi vào các khu vực như tử cung và ống dẫn trứng, làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm vùng chậu.


Hiểu lầm 8: Nếu bạn bị STI thì bạn là người “không sạch sẽ”


Đây là quan niệm mang đầy định kiến, xuất phát từ suy nghĩ chỉ khi quan hệ với những cô gái làng chơi mới mắc bệnh xã hội. Nhưng sự thật, chỉ có kiêng khem, không quan hệ tình dục 100% thì bạn mới không bị nhiễm STI. Còn nếu đã quan hệ, dù bất kỳ hình thức nào (qua miệng, âm đạo, hậu môn) thì bạn đều có nguy cơ mắc bệnh tình dục. Và mức độ cao hay thấp thì tùy vào việc bạn có đeo bao cao su, xét nghiệm STI thường xuyên, tiêm ngừa vắc xin cần thiết hay không.


Hy vọng 8 hiểu lầm đã được làm rõ trên đây sẽ giúp bạn có cái nhìn chính xác hơn về nhiễm trùng qua đường tình dục (STI) và biết cách chủ động bảo vệ bản thân để có đời sống tình dục an toàn.

About the author

Ngân là một người viết chuyên về chủ đề tình yêu – tình dục.

Cô thích làm việc với chữ nghĩa, có niềm hứng thú với chuyện “người lớn”, mong muốn dùng con chữ của mình để vén bức màn bí ẩn về tình dục, đem đến cái nhìn cởi mở hơn cho mọi người về chủ đề nhạy cảm và khó nói này.

Câu slogan yêu thích của cô: Sống văn hóa – Yêu văn minh – Làm tình có trách nhiệm.

Theo dõi Ngân tại: https://itsreallove.net/

author

Kim Ngân

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!