Thành phần hoạt tính thường gặp trong tinh chất huyết thanh (P.2)

ĐẸP

Thành phần hoạt tính thường gặp trong tinh chất huyết thanh (P.2)

authorBy Isa Trần
Share on
Share on
Thành phần hoạt tính thường gặp trong tinh chất huyết thanh (P.2)

Thành phần hoạt tính chính là thứ quyết định chai tinh chất huyết thanh của bạn có thực sự hiệu quả như được quảng cáo. Hãy cùng tìm hiểu tác động của chúng đối với những vấn đề thường gặp trên da của bạn.


Tiếp nối bài viết trước, trong phần hai này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về 4 thành phần hoạt tính khá phổ biến là AHAs, BHAs, Kojic Acid và Ceramides. 


Alpha Hydroxy Acids (AHAs)


Alpha Hydroxy Acids (AHAs) là một nhóm các hợp chất axit, thường có nguồn gốc từ thực vật, được tìm thấy trong đường hữu cơ, sữa và trái cây có đường. Đa phần các dạng AHAs được sử dụng trong thành phần dưỡng da đều có cơ chế hoạt động giống nhau, nhưng chúng khác nhau về kích thước và khả năng xâm nhập. Phân tử axit càng nhỏ thì sự thâm nhập càng sâu, do đó nó càng hiệu quả hơn. Sau đây là 2 dạng của AHAs mà chúng ta thường hay gặp trong bảng thành phần mỹ phẩm:



- Glycolic acid: có nguồn gốc từ mía, là phân tử nhỏ nhất nên nó có thể thẩm thấu vào sâu bên trong da và phát huy công dụng ở đó. Hoạt động bằng cách loại bỏ các tế bào da chết, để lại làn da sáng và mịn hơn. Glycolic acid còn giúp thúc đẩy sản xuất collagen, cải thiện độ đàn hồi của da và giảm sự xuất hiện nếp nhăn. Phù hợp cho da thường, da hỗn hợp, da dầu.

- Lactic acid: có nguồn gốc từ sữa, phương thức hoạt động tương tự như Glycolic acid nhưng do các phân tử có kích thước lớn hơn một chút nên nó không đi sâu vào lớp hạ bì được, vì thế cũng sẽ dịu nhẹ hơn cho da. Ngoài khả năng tẩy da chết, Lactic acid còn cung cấp độ ẩm và cải thiện các vết sẹo hay vết sưng tấy do mụn trứng cá. Các bạn có làn da khô, nhạy cảm hoặc đang bị mụn trứng cá sẽ phù hợp với thành phần này.


Bác sĩ da liễu Rachel Nazarian, thuộc Tập đoàn Da liễu Schweiger ở New York cho hay, "Hãy tìm kiếm nồng độ AHAs phù hợp với làn da của bạn. Lạm dụng hoặc sử dụng nồng độ quá cao có thể dẫn đến việc da bị kích ứng hoặc bị viêm, đồng thời có thể dẫn đến các bệnh lý da liễu khác như bệnh rosacea và bệnh chàm." Bạn không nên sử dụng AHAs với các thành phần như Vitamin C hay Retinol vì sẽ gây kích ứng. Ngoài ra, AHAs sẽ làm cho da trở nên nhạy cảm hơn với ánh nắng, vì thế phải luôn thoa kem chống nắng thật kỹ và dặm lại sau mỗi hai giờ. Nếu bạn mới lần đầu sử dụng AHAs, hãy chọn những sản phẩm có nồng độ dưới 10%, bắt đầu với 1 lần một tuần, rồi tăng dần khi da đã quen. 


Beta Hydroxy Acids (BHAs)


Đây là một axit ưa dầu, có cấu trúc tương tự như AHA, nhưng chúng khác nhau ở vị trí của một nhóm hydroxyl. Salicylic acid (SA) là dạng BHA phổ biến nhất và được sử dụng rộng rãi trong nhiều sản phẩm chăm sóc da, được chiết xuất từ vỏ cây liễu, lá cây lộc đề hoặc vỏ cây bạch dương ngọt. 



SA hoạt động bằng cách thâm nhập vào các lỗ chân lông để phá vỡ các liên kết, làm thông thoáng lỗ chân lông và giúp dầu nhờn dễ dàng thoát ra ngoài. Nhờ đó mà SA có thể thu nhỏ lỗ chân lông và giữ cho làn da luôn sạch sẽ từ bên trong. Thành phần này sẽ phù hợp với những bạn có làn da dầu, hay da hỗn hợp bị bóng nhờn nhiều ở vùng chữ T. Ngoài ra, một nghiên cứu vào năm 2013, được đăng tải trên tạp chí Skin Research & Technology số 19 đã chứng minh tính hiệu quả và an toàn khi sử dụng sản phẩm có chứa SA (nồng độ 1.5%) để giảm mụn trứng cá trên khuôn mặt, đặc biệt có hiệu quả nhất đối với mụn trứng cá từ nhẹ đến trung bình. 


Tuy không khiến cho da trở nên nhạy cảm với ánh nắng mặt trời như AHAs, bạn vẫn nên thoa kem chống nắng cẩn thận sau khi dùng BHAs. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm kết hợp cả hai thành phần AHAs và BHAs trong một, mang lại hiệu quả tối ưu cho làn da. Tuy nhiên, bạn không nên thoa hai thành phần này chồng lên nhau, bởi cả hai đều có tính tẩy da chết mạnh, sẽ khiến cho da bị khô rát và kích ứng. Một mẹo thường được các bác sĩ da liễu khuyên dùng đó là sử dụng kết hợp cho từng vùng của làn da, đặc biệt là với những bạn có làn da hỗn hợp. Hãy dùng AHAs trên vùng da khô và BHAs cho vùng da nhờn.


Kojic Acid


Kojic acid được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1907 tại Nhật, khi các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng bàn tay của những người thợ làm rượu sake đặc biệt trắng và mịn màng, vì trong quá trình chưng cất đã có tiếp xúc với koji (một loại nấm lên men). Đây là thành phần có nguồn gốc từ nấm và có thể hoạt động như một chất chống oxy hóa. 


Bào tử nấm khô trong sản xuất rượu sake


Bác sĩ da liễu thẩm mỹ Claire Chang của Union Square Laser Dermatology đã giải thích cơ chế hoạt động của Kojic acid như sau: “Không giống như các axit khác hoạt động bằng cách hòa tan các liên kết giữa các tế bào hay tẩy tế bào chết trên da, Kojic acid hoạt động bằng cách ức chế sản xuất sắc tố". Điều này có nghĩa là nó sẽ giúp làm sáng các đốm đồi mồi, làm mờ các vết thâm do sẹo mụn và thậm chí cải thiện tình trạng nám da. Cũng như các chất chống oxy khác, Kojic acid có thể giúp loại bỏ các gốc tự do gây hại cho da do tiếp xúc với tia cực tím và ô nhiễm.


Ban chuyên gia đánh giá thành phần mỹ phẩm (The Cosmetic Ingredient Review) của Mỹ nhận xét rằng Kojic acid sẽ an toàn để sử dụng trong mỹ phẩm với nồng độ là 1%. Tuy nhiên, cần lưu ý là thành phần này vẫn gây ra một số phản ứng phụ như phát ban đỏ, ngứa, kích ứng và bỏng rát. Nếu sở hữu làn da cực kỳ nhạy cảm, chỉ nên dùng các sản phẩm có chứa Kojic acid một hoặc hai lần mỗi tuần để đảm bảo rằng da của bạn có thể dung nạp thành phần này.


Ceramides


Theo trang Paula's Choice, Ceramides là lipids (chất béo) được tìm thấy ở các lớp trên cùng của da. Chúng chiếm hơn 50% thành phần của da, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi chúng đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định làn da của bạn trông như thế nào. Tuy cơ thể có thể tự tổng hợp Ceramides, nhưng chúng sẽ mất dần khi bạn già đi. Rất may là bạn vẫn có thể bổ sung chất này thông qua các sản phẩm chăm sóc da. Ceramides có thể xuất hiện trên nhãn sản phẩm dưới nhiều cái tên (ví dụ: ceramide AP, ceramide EOP, hoặc ceramide NP), mặc dù cấu trúc của chúng có thể khác nhau, nhưng chức năng gần như là tương đồng.





Chuyên gia chăm sóc da mặt nổi tiếng Michaella Bolder cho biết rằng Ceramides đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giữ cho cấu trúc da săn chắc và khỏe mạnh, bằng cách liên kết các tế bào với nhau trên bề mặt tạo thành một lớp bảo vệ vững chắc. Lớp màn đó giúp giữ nước và bảo vệ da khỏi bị hư hại, mang lại cho vẻ căng mọng và mịn màng. Ngoài ra, Ceramides còn cải thiện tình trạng của của các bệnh về da như chàm, bệnh rosacea hay bệnh vẩy nến. 


Ceramides không có tác dụng phụ gì nguy hiểm, và phù hợp cho mọi loại da. Bạn có thể thoa sản phẩm có chứa Ceramides cho cả những chỗ nhạy cảm như vùng da quanh mắt. Ceramides sẽ đạt hiệu quả cao nhất khi kết hợp với các thành phần như axit amin, glycerine và cholesterol, rất tốt để cải thiện tông màu và cấu trúc da cũng như giúp giảm các dấu hiệu trên da bị kích ứng.

About the author

Là một cô gái đam mê làm đẹp cùng mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm của mình tới mọi người. Ngoài trang blog và kênh Youtube cá nhân, hiện tại Isa đang là một Content Creator hành nghề tự do để thỏa mãn niềm yêu thích với con chữ.

Theo dõi Isa tại: https://by-isa.com

author

Isa Trần

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!