Làm gì khi lớp màng bảo vệ da bị tổn thương?

ĐẸP

Làm gì khi lớp màng bảo vệ da bị tổn thương?

authorBy Isa Trần
Share on
Share on
Làm gì khi lớp màng bảo vệ da bị tổn thương?

Chỉ cần lớp màng bảo vệ bị tổn thương, da bạn sẽ trở nên nhạy cảm hơn và dễ bị kích ứng. Hãy cùng tìm hiểu về lớp màng bảo vệ của da cũng như khám phá các bước giúp bạn khôi phục lại hàng phòng thủ quan trọng này nhé.


Lớp Màng Bảo Vệ Da Là Gì?


Da của bạn gồm ba lớp chính là biểu bì, hạ bì và lớp mô mỡ dưới da. Lớp biểu bì là lớp da ngoài cùng mà chúng ta có thể nhìn thấy và chạm vào được. Tùy vào từng vùng da mà độ dày của lớp biểu bì sẽ khác nhau, vùng da ở mắt được xem là mỏng nhất nên vì thế cũng dễ bị tổn thương nhất. Ngoài ra, chúng còn có khả năng tái tạo và liên tục thay thế khi gặp tổn thương, tuy nhiên khả năng này sẽ dần duy giảm khi bạn già đi. 


her.vn-da-tổn-thương.jpg


Lớp biểu bì cũng được cấu thành từ nhiều lớp khác nhau, trong đó lớp sừng ngoài cùng chính là hàng rào phòng thủ chính của da, giúp bảo vệ cơ thể trước những tác nhân từ môi trường bên ngoài. Các tế bào ở lớp sừng được cấu tạo từ chất sừng (keratin) và chất dưỡng ẩm tự nhiên. Chúng sẽ được liên kết với nhau bởi các lipid biểu bì chứa cholesterol, axit béo và ceramide. Lớp lipid này rất quan trọng trong việc giữ độ ẩm cho da, khi chúng mất đi, da sẽ bị khô và trở nên sần sùi. Cùng nhau, chúng tạo thành một bức tường vững chắc, giữ cho da bạn luôn khỏe mạnh, mịn màng và căng bóng. 


Những Tác Nhân Làm Tổn Hại 


Các bác sĩ da liễu khuyến cáo rằng hầu hết các tổn thương đều đến từ việc lớp lipid bị mất đi sự cân bằng. Khi điều đó xảy ra, chúng sẽ khó làm tốt nhiệm vụ ngăn chặn vi khuẩn và các chất gây hại ra khỏi da, cũng như mất đi khả năng giữ nước cho da. Sau đây là một số tác nhân phổ biến gây hại đến lớp màn bảo vệ của da: 


- Đeo khẩu trang y tế ôm sát làm cho da phải liên tục cọ sát với lớp giấy sần sùi, khiến cho da bị tổn thương nghiêm trọng. Đặc biệt hiện nay, khi chúng ta phải đeo khẩu trang trong thời gian dài, hơi thở bị giữ lại sẽ tạo ra một môi trường ẩm và nóng ngay trên làn da của bạn. Điều này có thể dẫn đến sự tích tụ mồ hôi và dầu trên da, gây ra hàng loạt vấn đề như viêm, phát ban và thậm chí là nổi mụn. 

- Mỗi ngày, làn da của chúng ta phải liên tục chống chọi với nhiều mối đe dọa từ bên ngoài. Một số tác nhân từ môi trường có thể kể đến như ô nhiễm môi trường, tia UV từ ánh nắng mặt trời hay khói thuốc sẽ hình thành nên những gốc tự do, góp phần làm cho lớp biểu bì trở nên yếu đi. 


her.vn-khẩu-trang-da.jpg


- Chà xát quá mạnh khi rửa mặt hoặc sử dụng thành phần tẩy da chết vật lý quá thô ráp sẽ tạo nên các vết xước siêu nhỏ (micro tears), khiến cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào sâu bên trong da hơn. 

- Lạm dụng những thành phần hoạt chất mà chưa tìm hiểu kỹ càng như L-ascorbic Acid (Vitamin C), AHA hay BHA cũng chính là nguyên nhất chính dẫn đến việc da bị mất nước và gây ra kích ứng.

- Ngoài ra, khi cơ thể bị căng thẳng, thiếu ngủ hoặc thiếu chất dinh dưỡng cũng có thể làm ảnh hưởng đến lớp màng bảo vệ của bạn. 


Dấu Hiệu Nhận Biết 


Khi hàng rào bảo vệ da của bạn đang gặp tổn thương, đây là những dấu hiệu giúp bạn nhận biết dễ dàng:


- Da khô, có vảy: chủ yếu là do quá trình da bị mất nước gây nên, nhất là ở vùng da bị cọ xát quá nhiều.

- Ngứa rát, mẩn đỏ: hàng rào bảo vệ da bị tổn thương sẽ gây ra tình trạng viêm nhiễm nhiều hơn. Đó là bởi vì những vết nứt trên lớp lipid cho phép các chất kích ứng và chất gây dị ứng xâm nhập, từ đó thúc đẩy phản ứng ngứa rát và mẩn đỏ. 

- Kích ứng: đặc biệt là khi thoa những sản phẩm có chứa hoạt chất mạnh như retinol nồng độ cao hay tretinoin, da sẽ có cảm giác châm chích hoặc bỏng rát.

- Mụn: khi da bị mất nước, thiếu đi độ ẩm khiến cho bã nhờn hoạt động nhiều hơn, gây ra tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông. Mụn vì thế dễ dàng bùng phát hơn. 

- Bệnh về da liễu: nếu nặng hơn, bạn sẽ mắc phải các bệnh về da như nổi mụn trứng cá hoặc bị chàm. 


Cách Điều Trị Lớp Màng Bảo Vệ Bị Tổn Thương


Tối giản hóa chu trình dưỡng da


Khi gặp phải bất kỳ dấu hiệu nào ở trên, hãy dừng sử dụng tất cả các sản phẩm dưỡng da của bạn và chỉ giữ lại các sản phẩm cần thiết như nước tẩy trang, sữa rửa mặt, kem dưỡng ẩm và kem chống nắng. Các bước làm sạch là cực kỳ quan trọng, sẽ giúp loại bỏ được bụi bẩn và bã nhờn trên da. Tuy nhiên, bạn cũng lưu ý tránh sử dụng sữa rửa mặt có tạo bọt. Các chuyên gia khuyên rằng chúng ta nên tìm mua các sản phẩm làm sạch có độ pH gần với độ pH tự nhiên của da, tức là tầm 5.7. 


Với kem dưỡng ẩm, hãy tìm đến các thành phần như hyaluronic acid với khả năng cấp ẩm và giữ nước cho da, ceramide là một chất quan trọng trong lớp biểu bì giữ cho da săn chắc và khỏe mạnh hơn, hoặc các thành phần có nguồn gốc từ dầu thực vật như jojoba, dầu dừa hay dầu argan, vừa giữ được độ ẩm cho da vừa có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm và chống oxy hóa. Lưu ý rằng trong thời gian điều trị, bạn nên hạn chế việc trang điểm để da luôn được thông thoáng.


her.vn-chăm-sóc-da.jpg


Giữ môi trường sống sạch sẽ


Việc giữ cho không gian sống sạch sẽ sẽ giúp quá trình điều trị diễn ra nhanh hơn. Với những vật dụng tiếp xúc trực tiếp lên da như điện thoại, khăn mặt hay khẩu trang nên được vệ sinh thường xuyên. Bạn cũng có thể chọn các chất liệu vải mềm mại và thông thoáng như lụa hay cotton cho khẩu trang và vỏ gối để tránh việc da bị cọ xát nhiều khi sử dụng. 


Tìm đến chuyên gia da liễu


Đối với tình trạng da bị viêm nặng hoặc mắc các bệnh về da liễu, đừng tự ý chữa trị tại nhà, điều đó chỉ khiến cho tình trạng trở nên tồi tệ hơn thôi. Bạn nên tìm đến các bệnh viện da liễu hoặc các cơ sở thẩm mỹ có uy tín để được tư vấn và điều trị. 


Đừng quên chăm sóc cơ thể


Như đã kể trên, thiếu ngủ hay căng thẳng cũng có thể làm ảnh hưởng đến hàng rào bảo vệ da của bạn. Thay vì chi tiền vào những sản phẩm dưỡng da đắt tiền, hãy dành thời gian để chăm sóc cho bản thân nhiều hơn. Quan tâm đến chế độ dinh dưỡng của bạn, cung cấp cho cơ thể những chất có lợi như vitamin C, vitamin E hay chất xơ và đừng quên uống đủ nước. Điều chỉnh lại các thói quen xấu có hại cho da như thức khuya hay uống nhiều rượu bia. 


Tất nhiên bạn cũng nên chú tâm đến cả sức khỏe tinh thần của mình. Căng thẳng được chứng minh là có thể làm chậm quá trình phục hồi của da, vì vậy việc quản lý mức độ căng thẳng hằng ngày là rất cần thiết. Bạn có thể giải tỏa bản thân bằng nhiều cách khác nhau, vận động thể chất hoặc thiền là một trong những phương pháp phổ biến. Khi cơ thể được thoải mái, các bộ máy mới có thể hoạt động trơn tru. 

About the author

Là một cô gái đam mê làm đẹp cùng mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm của mình tới mọi người. Ngoài trang blog và kênh Youtube cá nhân, hiện tại Isa đang là một Content Creator hành nghề tự do để thỏa mãn niềm yêu thích với con chữ.

Theo dõi Isa tại: https://by-isa.com

author

Isa Trần

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!