Bạn đang cân nhắc thực hiện một quy trình để định hình hoặc tăng kích thước một số bộ phận trên cơ thể mình? Hãy cẩn thận với việc tiêm silicon lỏng.
Mới đây, hot tiktoker Việt Phương Thoa đăng tải một đoạn clip với hình ảnh gương mặt bị sưng đau, biến dạng. Cô kể lại, năm 2017, vì muốn có gương mặt đầy đặn, chiếc cằm dài cân đối mà cố đã tin tưởng thực hiện tiêm filler tại một spa. Tuy nhiên, sau 6 năm, filler trên mặt không tan mà thậm chí cách đây 6 tháng, hai má cô có biểu hiện sưng đau và nhiễm trùng. Sau khi thăm khám, bác sĩ đã chẩn đoán đó là silicon, chứ không phải loại filler tự tan trong cơ thể.
Đây là trường hợp hiếm gặp bởi các bệnh viện vẫn thường xuyên tiếp nhận nhiều bệnh nhân tự ý bơm silicon lỏng vào mặt, mông, ngực… để làm đẹp.
Silicon là một chất cao phân tử có nhiều ứng dụng trong đời sống hiện nay, trong đó silicon lỏng thường được gọi là “mỡ nhân tạo”, trước đây thường được dùng để bơm đầy các khoảng khuyết dưới da.
Phương pháp tiêm silicon vào mô để thay đổi hình dạng cơ thể bắt đầu từ những năm 1960, thời gian đầu, nó là phương pháp thẩm mỹ được đón nhận rất hào hứng vì không hề có sự can thiệp của “dao kéo”, thực hiện tương đối đơn giản và nhanh chóng. Nhưng cho tới năm 1991, silicon dạng tiêm không được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận cho bất kỳ quy trình thẩm mỹ nào trên khuôn mặt và cơ thể do các biến chứng nguy hiểm.
Năm 1995, Bộ Y tế Việt Nam cũng đã cấm tiêm silicon trực tiếp vào các bộ phận của cơ thể.
Tuy nhiên, việc tiêm silicon phục vụ nhu cầu làm đẹp vẫn được diễn ra, các chủ cơ sở làm đẹp chỉ quảng cáo tác dụng nhanh chóng, hiệu quả kéo dài, kinh phí rẻ của việc tiêm silicon lỏng chứ không nhắc đến những nguy cơ có thể xảy ra sau khi trực tiếp tiêm loại hóa chất độc hại này vào cơ thể. Và hậu quả đã khiến nhiều người phải chịu biến chứng, tiền mất tật mang...
Hậu quả khôn lường
Việc tiêm silicon lỏng vào bất kỳ bộ phận nào của cơ thể để làm đẹp là rất nguy hiểm, nó sẽ kích thích các mô xung quanh, gây ra phản ứng viêm tấy liên tục kèm đau nhức vùng tiêm chích. Tình trạng viêm tấy sẽ ngày càng lan rộng ra và dày lên, cứng hơn, tạo ra những u cục. Vùng tiêm silicon lỏng có nguy cơ bị hoại tử, loét da do thiếu máu nuôi, chuyển sang màu xanh hoặc đen thẫm gây biến dạng xấu xí. Đã có nhiều báo cáo về các biến chứng sau khi tiêm silicon vì mục đích thẩm mỹ, bao gồm sẹo, biến dạng vĩnh viễn, chết mô, nhiễm trùng, u hạt và viêm phổi…
Nguy hiểm hơn là silicon có thể di chuyển khắp cơ thể và gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, bao gồm cả tử vong. Trên thực tế, khi tiêm vào những vùng có nhiều mạch máu, silicon có thể di chuyển qua các mạch máu đó đến các bộ phận khác của cơ thể và chặn các mạch máu ở phổi, tim hoặc não. Điều này có thể gây đột quỵ hoặc thậm chí tử vong.
Bên cạnh đó, khách hàng còn đối mặt nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm qua đường tiêm chích như viêm gan siêu vi, HIV… nếu cơ sở thực hiện không đảm bảo điều kiện vô trùng.
Phẫu thuật để nạo vét là cách duy nhất để loại bỏ silicone vì cơ thể không thể hấp thụ hoặc tự phân hủy silicon.
Nếu bạn nghi ngờ mình được tiêm silicon hãy đến cơ sở y tế để được thăm khám nhé!
Ảnh minh họa
Những lời khuyên về an toàn
Để tránh gặp phải những hậu quả không mong muốn, bạn hãy lưu ý:
• KHÔNG tiêm silicon lỏng.
• KHÔNG BAO GIỜ mua chất làm đầy trôi nổi trên internet.
• LUÔN tìm hiểu kỹ càng trước khi thực hiện bất kỳ phương pháp làm đẹp nào.
• KHÔNG BAO GIỜ thực hiện dịch vụ làm đẹp tại các cơ sở không có giấy phép.
• LUÔN LUÔN làm việc với nhà cung cấp dịch vụ, các cơ sở y tế có chuyên ngành về phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ được cấp phép và các bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ có đào tạo về chuyên môn, có chứng chỉ chuyên môn.
• Trên thị trường có rất nhiều chất làm đầy khác nhau, trong đó chỉ một số ít chất làm đầy lưu hành trên thị trường được Bộ Y tế cho phép sử dụng. Vì vậy, hãy để ý các chai lọ sản phẩm phải có nguồn gốc, được dán nhãn và niêm phong đúng cách.
About the author
Chi