Cô gái xứ trà khởi nghiệp từ niềm đam mê nghệ thuật chần vải

SỰ NGHIỆP & TÀI CHÍNH

Cô gái xứ trà khởi nghiệp từ niềm đam mê nghệ thuật chần vải

authorBy Đỗ Quỳnh
Share on
Share on
Cô gái xứ trà khởi nghiệp từ niềm đam mê nghệ thuật chần vải

Trà Thị Thu Hằng (31 tuổi) - Cô gái xứ trà bén duyên với nghệ thuật chần vải (Quilt) là một người phụ nữ tràn đầy nhiệt huyết. Hiện tại, Hằng đang vận hành một shop cung cấp công cụ, dụng cụ, nguyên liệu và lớp học online hướng dẫn cho những ai yêu thích quilt tại TP Hồ Chí Minh. Với chất giọng khàn khàn đặc trưng, Hằng say mê kể cho tôi câu chuyện bắt đầu kinh doanh bằng đam mê với quilt đến quên cả thời gian. 

 

Mời các độc giả của Her cùng gặp gỡ và lắng nghe câu chuyện của Hằng nhé!


Xây dựng sự nghiệp từ nghề chần vải


Trước khi đến với nghề chần vải, Hằng đã đi làm ở một số công ty nhưng luôn thấy không phù hợp. Tính cách hướng nội ngại giao tiếp khiến cô gặp khó khăn trong môi trường công sở. Đến khi lập gia đình và muốn dành thời gian ở bên con nhỏ, Hằng càng nung nấu hơn ý chí kinh doanh. Cô thử bán hàng online vài lần trong khi vẫn đi làm nhưng chưa thành công.

 

Gần ba năm trước, cô bén duyên với nghề chần vải vì đám cưới của em họ. Do bản tính thích mày mò làm đồ handmade trước đây, cô đã biết đến môn nghệ thuật mới mẻ này. Tuy nhiên, công việc hàng ngày bận rộn khiến cô không có thời gian tìm hiểu sâu thêm về quilt. Đến khi em họ cưới, Hằng muốn dành cho em một điều thật ý nghĩa thể hiện tấm lòng mình. Cô nghĩ đến việc bắt tay vào làm sản phẩm đầu tiên trong đời. “Khi bạn bắt đầu làm một điều gì đó mới mẻ mà bạn yêu thích, sản phẩm làm ra lại được đón nhận nhiệt tình, liệu bạn có cảm thấy phấn khích để cho ra đời những sản phẩm tiếp theo?” - Hằng nói với ánh mắt rạng ngời niềm vui.


 

Sau đó, lần lượt các sản phẩm sáng tạo khác từ quilt được Hằng tạo ra. Một vài người bạn trên Facebook bày tỏ sự thích thú trước những sản phẩm của cô. Họ nhờ cô mua công cụ để thực hành tại nhà. Dần dần, ngày càng có nhiều người nhờ cô mua đồ hộ. Hằng nghĩ đến việc mở một cửa hàng nhỏ bán các sản phẩm, công cụ cho mọi người yêu thích quilt với tên gọi Kotu Quilt. Cô cũng mở website cùng tên kinh doanh các sản phẩm này và khóa học chần vải.


Hình ảnh của chị Phạm Thị Dung - một gương mặt thân quen trong nhóm Quilting Friends do Trà Hằng thành lập vào 10/2020



Trước khi bắt đầu, Hằng đã tích lũy một khoản tiền đủ để trang trải sinh hoạt phí trong 1 năm. Sau gần 1 năm, cô đã tạo được thu nhập ổn định nên quyết định gắn bó lâu dài với nghề. Hiện tại, doanh thu của Hằng chủ yếu đến từ việc kinh doanh công cụ và lớp học online cho những người muốn học chần vải. Hằng cho rằng vì hiếm người kinh doanh mặt hàng này, và khách hàng cũ lại giới thiệu khách hàng mới cho cô, nên việc kinh doanh cũng đôi phần thuận lợi.



Mở workshop chần vải được nhiều người đón nhận


Mỗi ngày Hằng dành hàng giờ để thực hành các kỹ thuật quilt khác nhau. Cô chia sẻ những sản phẩm của mình trên facebook cá nhân. Nhận được nhiều lượt tương tác và share về facebook nên cô dần đần được biết đến. Sau 2 năm chăm chỉ chia sẻ các kỹ thuật may ghép, quay video trên youtube, làm lớp học miễn phí, Hằng tạo ra được cộng đồng gần 1,800 thành viên cùng chung niềm yêu thích với quilt trên Facebook.


 

Yêu thích những sản phẩm của Hằng, họ đề nghị cô tổ chức workshop hướng dẫn về những cách thức chần vải. “Dù đã học qua video, hay đọc thông tin trên website, nhưng mọi người vẫn không đủ tự tin để bắt đầu thực hiện sản phẩm. Tham gia workshop để cùng nhau hoàn thiện sản phẩm, vừa được “gỡ rối” và tạo ra động lực cùng giúp nhau tiến bộ”. 


 

Cho đến giờ, Hằng đã tổ chức được hàng chục buổi workshop thành công. Mọi người đến đều có quyết tâm cao để có được sản phẩm hoàn thiện mang về. Đến với workshop của Hằng không chỉ là đến với quilt, mà còn đến với một góc nhỏ yên vui với những câu chuyện bình dị về cuộc sống của mỗi người. Trở thành bạn bè, chia sẻ lẫn nhau, giúp đỡ với nhau về mọi mặt của cuộc sống, là những điều ý nghĩa mà Hằng nhận được từ workshop mình xây dựng.


Nương tựa vào chính mình mỗi khi khó khăn


“Kể về việc hoàn thành sản phẩm của mình trong vài ba câu, có thể mọi người sẽ nghĩ mình phải có tài năng lắm hoặc chần vải thật dễ dàng. Nhưng không phải như vậy”. Thực ra, trước khi bắt đầu bước chân vào nghề, cô cũng có nhiều đam mê với việc làm sản phẩm handmade và có thể coi là có chút tài năng. Nhưng khi thực sự bắt tay làm một sản phẩm chần vải, mọi thứ cô có đều tỏ ra vô giá trị. Bởi chần vải là điều khá mới mẻ ở Việt Nam nên có khá ít tài liệu hướng dẫn thực hành hiệu quả. 


 

Hằng tự mày mò mọi thứ bằng cách xem hướng dẫn từ Youtube và các website nước ngoài. Trong quá trình tìm hiểu, nhiều lúc cô loay hoay không biết phải thực hiện như thế nào cho đúng. Xoay xở một mình, không biết phải cải thiện lỗi như thế nào, không có ai giúp tìm ra lời giải khiến đôi lúc cô bỏ dở sản phẩm giữa chừng. Dù có đam mê như thế nào, cảm giác mọi việc không như ý cũng khiến mọi thứ trở nên tồi tệ. 

 

Cô cũng đối mặt với khoảng thời gian làm việc quá sức đến phát sốt, không thể gượng dậy được. Lần khác thì đau mỏi khắp người do ngồi nhiều giờ liền hoàn thiện sản phẩm. Thi thoảng, có những ngày cô chẳng buồn động đến cái kéo, cây kim. Không hiểu động lực đi đâu mất hết, chỉ còn lại mệt mỏi rã rời. 

 

Trong những giai đoạn như vậy, Hằng thường chọn nghỉ ngơi. Có lúc nghỉ một ngày. Thi thoảng sẽ là vài ngày. Hằng chia sẻ: “Sau nhiều lần cắm đầu làm bất chấp thời gian, ăn uống hay nghỉ ngơi, mình đã nghĩ phải thay đổi cách làm việc của mình. Những lúc không có động lực, hay mệt mỏi, mình học cách chậm lại. Chấp nhận mọi điều về bản thân, dành thời gian sạc lại năng lượng, kết nối vào bên trong để tiếp tục tiến về phía trước”.


 

“Nếu không vui, ta nghỉ ngơi để lấy lại niềm vui. Khi niềm vui trở lại, thì tập trung hoàn toàn sự sáng tạo cho công việc của mình.” Cô cũng tiết lộ tựa sách yêu thích của mình thay cho châm ngôn sống: “Đừng mong cuộc đời chiếu cố. Hãy nương tựa vào chính mình”.





Thành công không chỉ đến từ đam mê, mà còn từ sự kiên trì nhẫn nại


Hằng cho rằng để hoàn thành được một sản phẩm quilt, bạn cần kiên nhẫn. Bởi từ lúc chuẩn bị cho đến khi hoàn thành một sản phẩm cần rất nhiều thời gian (trung bình khoảng 15 tiếng). Đó là chưa kể thời gian học hỏi để có đủ kỹ năng thực hiện một sản phẩm từ đầu tới cuối, như học cắt, ủi, may ghép. 


 

“Mình nghĩ đây cũng là đức tính quan trọng nhất trong việc tạo ra một sản phẩm đẹp” - Hằng quả quyết. Sự sáng tạo, tính thẩm mỹ đều có thể được tích lũy qua thời gian nhưng nếu không đủ kiên trì, bạn sẽ không thể thực hiện được một sản phẩm nào cả.


 

Nhiều bạn bè cũng từng hỏi Hằng về việc từ bỏ công việc để theo đuổi đam mê. Hằng luôn khuyên mọi người nên suy xét cẩn thận trước khi thực hiện bước chuyển mình. Là bởi có đam mê trong đời là điều tuyệt vời, nhưng không phải ai cũng có đủ kiên trì và nhiệt huyết để theo đuổi đam mê đến cùng. Không phải chỉ với đam mê mà Hằng mở ra Kotu Quilt.

 

Với cô, đam mê chỉ là bắt đầu, là điều kiện cần chứ chưa đủ. Khi những áp lực của cuộc sống, gia đình và tài chính bắt đầu chen ngang vào đam mê của bạn, sẽ rất khó khăn để đứng vững trước giông bão. Liệu bạn có đủ sức mạnh để bước tiếp, hay sẽ quay đầu bỏ cuộc? Kiên trì có thể là một trong những điều đơn giản nhưng không phải dễ dàng dành cho tất cả mọi người.

About the author

Quỳnh viết với mong muốn truyền cảm hứng để phụ nữ biết yêu thương và trân trọng bản thân mình. Bằng cách thay đổi tư duy và nhận thức, tập trung phát triển bản thân, chắc chắn phụ nữ sẽ có được một đời sống phong phú về tinh thần cũng như nhiều thành công trong sự nghiệp của mình.


Theo dõi Quỳnh tại:

Facebook: facebook.com/quinniewrites

Blog: TheIntroverWriter

author

Đỗ Quỳnh

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!