10 nữ chiến binh vĩ đại của thế giới cổ đại

ĐỜI SỐNG

10 nữ chiến binh vĩ đại của thế giới cổ đại

authorBy Chi
Share on
Share on
10 nữ chiến binh vĩ đại của thế giới cổ đại

Xuyên suốt lịch sử thế giới, hầu hết các nền văn hóa đều coi chiến tranh là lãnh địa của đàn ông, cuộc sống của phụ nữ thường bị giới hạn trong các vai trò truyền thống hơn. Tuy nhiên, có một số người đã dũng cảm đứng lên phá vỡ những giới hạn.


Dưới đây là 10 nữ chiến binh dũng mãnh trong lịch sử, những người không chỉ phải đối mặt với kẻ thù mà còn phải gánh vác những vị trị cao cả trong thời đại của họ.


Nữ hoàng Ahhotep I (1560–1530 TCN)


10-nu-chien-binh-vi-dai-cua-the-gioi-co-dai-1.jpg

Những đồ vật được tìm thấy trong phần mộ của nữ hoàng Ahhotep - Ảnh: ancient-origins


Vào năm 1500 TCN, người Hyksos xâm lược Ai Cập cổ đại. Họ định cư ở khu vực đồng bằng châu thổ sông Nile và sau đó thống trị các vùng lãnh thổ xung quanh, dẫn đến sự suy giảm kinh tế của Ai Cập. Anh trai và chồng của Nữ hoàng Ahhotep, Pharaoh Seqenenre Tao, đã bị các bộ tộc hành quyết nhưng vì không có người thừa kế đủ tuổi ngồi lên ngai vàng nên Ahhotep trở thành nhiếp chính vương hậu của con trai Ahmose I, người được cho là chưa quá 3 tuổi.


Ngoài việc cai trị Ai Cập, bà còn đích thân tập hợp binh lính của chồng mình để chiến đấu với người Hyksos. Như bạn có thể đoán, những danh hiệu như vậy hiếm khi được trao cho các nữ chiến binh vào thời cổ đại, bất kể quốc gia hay nền văn hóa nào.


Ahhotep qua đời ở tuổi khoảng 90 và được chôn cất trọng thể cùng những vũ khí tượng trưng và 3 cờ danh dự vốn được tặng thưởng cho những chiến tích quân sự đặc biệt.


Các nhà sử học cho rằng Ahhotep đã mở ra con đường cho các nữ lãnh đạo vĩ đại trong tương lai của Ai Cập như Hatshepsut và Nefertiti.


Phụ Hảo (mất năm 1200 TCN)


10-nu-chien-binh-vi-dai-cua-the-gioi-co-dai-2.jpg

Tượng điêu khắc tướng Phụ Hảo tại lăng mộ của bà - Ảnh: Gary Todd


Phu nhân Fu Hao (Phụ Hảo) là một trong 60 người vợ của Hoàng đế Wu Ding (Vũ Đinh) của triều đại nhà Thương của Trung Quốc cổ đại. Bà đã phá vỡ truyền thống bằng cách trở thành một nữ tư tế cấp cao và một vị tướng quân đội. 


Theo ghi chép, Phụ Hảo từng thống lĩnh quân đội nhà Thương, chỉ huy 13.000 binh sĩ và được coi là nhà lãnh đạo quân sự quyền lực nhất trong thời đại của bà. Quân đội của bà giành nhiều thắng lợi trước kẻ thù, bao gồm cả Khương Phương, bộ lạc đối địch mạnh nhất lúc bấy giờ. 


Trong trận đánh với Ba Phương, bà dẫn quân bày trận mai phục, chờ quân của vua Vũ Đinh đánh đuổi Ba Phương vào trong vòng mai phục, xông ra tấn công tiêu diệt quân địch. Đây được coi là trận phục kích được ghi chép sớm nhất trong lịch sử Trung Hoa.


Vai trò của Phụ Hảo không chỉ giới hạn trong khía cạnh quân sự. Bà còn chủ trì các hoạt động tế tự quan trọng, tham gia cúng tế tổ tiên, thần thánh, đất trời…


Khi bà qua đời, hoàng đế chôn cất bà trong một ngôi mộ tráng lệ được phát hiện vào năm 1975 và nay đã mở cửa cho du khách tới thăm. Nhiều đồ trang sức quý giá cùng vũ khí được tìm thấy trong ngôi mộ, chứng tỏ vị thế của Phụ Hảo với tư cách là một nữ chiến binh vĩ đại. 


Tomyris (530 TCN)


10-nu-chien-binh-vi-dai-cua-the-gioi-co-dai-3.jpeg

Nữ hoàng Tomyris qua bức vẽ của Andrea del Castagno/Uffizi Gallery


Tomyris là Nữ hoàng của Massaegetae, một liên minh các bộ lạc du mục sống ở phía đông Biển Caspi. Ngay cả tên của bà cũng gợi lên cảm giác về chủ nghĩa anh hùng, theo tiếng Đông Iran, “Tomyris” có nghĩa là “dũng cảm”. Tomyris là con của Spargapises, thủ lĩnh của bộ tộc Massagetae ở Scythia, bà thừa kế quyền lãnh đạo dân tộc của mình sau khi ông qua đời. Thật bất thường vào thời bấy giờ khi một nữ chiến binh nắm giữ một vị trí quyền lực cao như vậy, và trong suốt triều đại của mình, bà đã luôn phải cố gắng để chứng tỏ mình xứng đáng với vị trí ấy. Bà trở thành một chiến binh, cung thủ tài ba và là một tay đua ngựa cừ khôi.


Bà nổi tiếng nhất với cuộc chiến báo thù mà bà tiến hành chống lại Cyrus Đại đế - vua Ba Tư (được coi là “siêu cường quốc” đầu tiên trên thế giới) sau khi Tomyris từ chối lời cầu hôn của Cyrus, năm 529 TCN.


Ban đầu, cuộc chiến không diễn ra suôn sẻ đối với Tomyris và Massaegetae. Cyrus đã tiêu diệt quân đội của họ và con trai của Tomyris, Spargapises, đã tự sát vì nhục nhã.


Tomyris đau buồn đã huy động một đội quân khác và thách thức Cyrus chiến đấu lần thứ hai. Cyrus tin rằng một chiến thắng khác là chắc chắn và chấp nhận thử thách, nhưng trong cuộc giao tranh sau đó, Tomyris đã chiến thắng.


Sự trả thù của Tomyris của Michiel van Coxcie (khoảng 1620 CN), Akademie der bildenden Künste, Vienna, qua Bách khoa toàn thư lịch sử thế giới


Artemisia I của Caria (480 TCN)


10-nu-chien-binh-vi-dai-cua-the-gioi-co-dai-4.jpe

Trận Salamis: Artemisia xuất hiện nổi bật ở giữa bên trái bức tranh, bên trên hạm đội Hy Lạp chiến thắng, bên dưới ngai vàng của Xerxes và đang bắn tên vào quân Hy Lạp - Ảnh: Wiki


Được đặt theo tên của Nữ thần săn bắn (Artemis), Nữ hoàng cổ đại của Halicarnassus (một vương quốc ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay), Artemisia đã cai trị vào cuối thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên. Bà là đồng minh của Vua Ba Tư - Xerxes I, và chiến đấu cho ông trong cuộc xâm lược Hy Lạp lần thứ hai của Ba Tư. Bà đã ghi dấu ấn của mình vào lịch sử trong Trận chiến Salamis khi đích thân chỉ huy 5 con tàu và hạm đội mà bà chỉ huy được coi là mạnh nhất chống lại quân Hy Lạp. 


Nhà sử học Hy Lạp Herodotus viết rằng bà là một chiến lược gia quyết đoán và thông minh, mặc dù tàn nhẫn. 


Artemisia là người duy nhất trong số tất cả các chỉ huy khuyên vua Ba Tư Xerxes không giao chiến với quân Hy Lạp trên biển. Mặc dù vậy, bà đã tham gia Trận chiến Salamis trong cuộc xâm lược Hy Lạp lần thứ hai vào tháng 9 năm 480 trước Công nguyên và chiến đấu bên phía người Ba Tư. Trong số các nữ chiến binh, bà là người duy nhất chỉ huy một đội quân trong cuộc chiến này và có tổng cộng 5 tàu dưới quyền chỉ huy của mình.


Theo Herodotus, Xerxes đã nói: “Đàn ông của đất nước tôi trở thành phụ nữ và phụ nữ trở thành đàn ông.” Người ta truyền lại rằng, Artemisia là vị chỉ huy được ưu ái nhất của Xerxes trong triều đại của ông.


Cynane (khoảng 358 – 323 TCN)


Cynane là con gái của Vua Philip II của Macedonia với người vợ đầu tiên của ông, Công chúa Audata người Illyrian. Bà cũng là em gái cùng cha khác mẹ của Alexander Đại đế.


Audata đã nuôi nấng Cynane theo truyền thống của người Illyrian, huấn luyện bà về nghệ thuật chiến tranh và biến bà thành một chiến binh kiệt xuất - đến nỗi kỹ năng chiến trường của Cynane trở nên nổi tiếng khắp vùng đất.


Cynane đã đi theo quân đội Macedonian trong chiến dịch cùng với Alexander Đại đế. Sau cái chết của Alexander Đại đế vào năm 323 trước Công nguyên, Cynane đã cố gắng thực hiện một trò chơi quyền lực táo bạo. Trong sự hỗn loạn, bà đã ủng hộ con gái mình, Adea, kết hôn với Philip Arrhidaeus, người anh cùng cha khác mẹ có đầu óc đơn giản của Alexander, người đã bị các tướng lĩnh Macedonian phong làm vua bù nhìn.


Tuy nhiên, các cựu tướng của Alexander không có ý định chấp nhận điều này, và coi Cynane là mối đe dọa đối với quyền lực của chính họ. Không nản lòng, Cynane tập hợp một đội quân hùng mạnh và tiến vào châu Á để dùng vũ lực đưa con gái mình lên ngai vàng.


Khi bà và quân đội của mình đang hành quân qua châu Á tới Babylon, Cynane đã phải đối mặt với một đội quân khác được chỉ huy bởi Alcetas, anh trai của Perdiccas và là bạn đồng hành cũ của Cynane.


Tuy nhiên, với mong muốn giữ quyền lực cho anh trai mình, Alcetas đã giết chết Cynane - một kết cục buồn cho một trong những nữ chiến binh đáng chú ý nhất trong lịch sử.


Olympias & Eurydice: Nữ chiến binh Macedonia


Olympias, một trong bảy người vợ của Phillip II của Macedonia, thường bị các sử gia coi là một người tồi tệ. Bà tàn nhẫn, bạo lực và đầy tham vọng.


Nhưng trái lại, Olympias cũng được coi là một trong những nữ chiến binh và nhà lãnh đạo vĩ đại nhất trong lịch sử Cổ đại. Bất chấp hầu hết các luật chính của Hy Lạp, bà đã tích cực tham gia vào chính trị của bán đảo Hy Lạp. Chưa kể rằng bà đã sinh ra và nuôi dạy một trong những hoàng đế vĩ đại nhất trong lịch sử - Alexander Đại đế.


Olympias còn sống vào thời điểm Alexander qua đời vào năm 323 trước Công nguyên. Bà trở thành một trong những nhân vật chủ chốt trong cuộc chiến tranh giành quyền kế vị sau này.


10-nu-chien-binh-vi-dai-cua-the-gioi-co-dai-6.jpg

Olympias giới thiệu Alexander Đại đế lúc nhỏ cho Aristotle - Gerard Hoet


Vậy Eurydice là ai?


Adea Eurydice là cháu gái của Phillip II.


Olympias và Eurydice không có tình cảm với nhau trước cuộc xung đột, nhưng đỉnh điểm trong mối quan hệ của họ đến khi Olympias xâm lược Macedonia vào năm 317 trước Công nguyên với ý định giành lại ngai vàng, và bà phải đối mặt với quân đội của Eurydice.


Cuộc xung đột này không chỉ làm thay đổi lịch sử vì đây là cuộc xung đột đầu tiên có hai đội quân, do các nữ chiến binh lãnh đạo, đối mặt với nhau trong lịch sử Hy Lạp. 


Alexander Đại đế được người dân và trên hết là những người lính của ông yêu mến. Ngay khi quân đội của Eurydice thấy rằng họ đang chiến đấu chống lại Olympias, họ đã đào thoát và gia nhập lực lượng do mẹ của vị vua yêu dấu của họ lãnh đạo.


Eurydice bị bắt cùng với chồng mình, Philip Arrhidaeus, và bị giam giữ trong điều kiện khốn khổ trước khi Olympias ra lệnh giết Philip ngay trước mắt vợ ông ta. Đó là vào ngày Giáng sinh năm 317 trước Công nguyên. Khi Olympias cho con tin của mình lựa chọn cái chết, Eurydice đã lựa chọn treo cổ.


Bất chấp chiến thắng của mình, Olympias đã cai trị không quá vài tháng trước khi Macedonia bị chiếm bởi một trong những vị tướng khác của Alexander - Cassander. Bà bị bắt và sớm bị giết để trả thù bởi những người coi thường bà.


Hai Bà Trưng


10-nu-chien-binh-vi-dai-cua-the-gioi-co-dai-7.jpeg


Không chỉ là nổi danh tại Việt Nam, các nhà sử học thế giới cũng ghi nhận Hai Bà Trưng là những nữ tướng kiệt xuất trong lịch sử thế giới. 


Trưng Trắc, Trưng Nhị là hai chị em sinh đôi (sinh năm 14 sau công nguyên), là con gái của Lạc tướng huyện Mê Linh (người đứng đầu bộ lạc huyện Mê Linh, thuộc tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay) thuộc dòng dõi Hùng Vương. 


Hai Bà mồ côi cha sớm nhưng được mẹ quan tâm nuôi nấng, dạy cho nghề trồng dâu, nuôi tằm, dạy con lòng yêu nước, rèn luyện võ nghệ. Chồng bà Trưng Trắc là Thi Sách, con trai Lạc tướng huyện Chu Diên (tỉnh Hà Tây ngày nay).


Trong sử sách, hai bà được biết đến như những thủ lĩnh khởi binh chống lại chính quyền đô hộ của Đông Hán, lập ra một quốc gia với kinh đô tại Mê Linh và tự phong là Nữ vương. 


Sử gia Lê Văn Hưu viết trong Đại Việt sử ký toàn thư :


“Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, có thể thấy hình thế đất Việt ta đủ dựng được nghiệp bá vương. Tiếc rằng nối sau họ Triệu cho đến trước họ Ngô, trong khoảng hơn nghìn năm, bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay, làm tôi tớ cho người phương Bắc, há chẳng xấu hổ với hai chị em họ Trưng là đàn bà hay sao? Ôi ! Có thể gọi là tự vứt bỏ mình vậy.”


Năm 42-43 vua Hán sai Mã Viện chỉ huy đạo quân sang xâm lược nước ta, mặc dù cuộc khởi nghĩa chống lại quân xâm lược bị thất bại nhưng Hai Bà Trưng vẫn được xem là những bậc nữ nhi hào kiệt hiếm có trong lịch sử.


Boudicca (mất năm 60/61 sau CN)


10-nu-chien-binh-vi-dai-cua-the-gioi-co-dai.jpg

Ảnh: Getty


Nữ hoàng của bộ tộc Celtic Iceni của Anh, Boudicca đã lãnh đạo một cuộc nổi dậy chống lại lực lượng của Đế chế La Mã ở Anh sau khi người La Mã phớt lờ di chúc của chồng bà là Prasutagus, để lại quyền cai trị vương quốc cho cả La Mã và các con gái của ông.


Sau cái chết của Prasutagus, người La Mã nắm quyền kiểm soát, chống lại Boudicca và binh lính La Mã hãm hiếp các con gái của bà. Và bà không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đứng lên.


Boudicca dấy binh lãnh đạo một đội quân gồm Iceni và Trinovantes, đồng thời tiến hành một chiến dịch phá hủy ba thị trấn Camulodinum (Colchester), Verulamium (St. Albans) và Londinium (London), đồng thời tiêu diệt hoàn toàn một trong những quân đoàn La Mã ở Anh - Quân đoàn thứ chín nổi tiếng.


Tuy nhiên, người Anh phải đối mặt với sự trừng phạt của họ vào năm 60 hoặc 61 trước Công nguyên bởi tướng La Mã Suetonius. Boudicca dẫn đầu từ cỗ xe của mình, cổ vũ binh lính của mình chiến đấu hoặc trở thành nô lệ, nhưng bà và quân đội của mình đã bị đánh bại. Tacitus viết rằng Boudicca sau đó đã uống thuốc độc, mặc dù điều đó chưa bao giờ được chứng minh.


Zenobia (240 – 275 sau CN)


10-nu-chien-binh-vi-dai-cua-the-gioi-co-dai-5.jpg

Nữ hoàng Zenobia - Herbert Schmalz /Wikimedia


Nữ hoàng của Đế chế Palmyrene (nay là Syria) từ năm 267 sau Công nguyên, được mệnh danh là 'Nữ hoàng chiến binh'. Trong vòng hai năm kể từ khi lên ngôi, Zenobia đã chiến đấu chống lại Rome và mở rộng ranh giới vương quốc của mình bằng vũ lực, xâm lược Ai Cập và Anatolia. Zenobia được giáo dục tốt và thông thạo nhiều thứ tiếng. Bà được biết là cư xử 'như một người đàn ông', cưỡi ngựa, uống rượu và săn bắn với các sĩ quan của mình. Mặc dù là nữ hoàng, bà không ngại thể hiện sự gắn kết với quân đội của mình bằng cách đi bộ hàng dặm cùng với những người lính bộ binh. 


Zenobia sẽ tiếp tục đánh chiếm các tuyến đường thương mại quan trọng trước khi người La Mã đáp trả bằng cách bao vây Emesa, nơi đặt kho bạc của bà. Zenobia và con trai Vaballathus thoát khỏi vòng vây, nhưng bị bắt dọc theo sông Euphrates. Họ bị bắt làm con tin, nhưng Vaballathus dường như đã biến mất trên đường đến Rome.


Về phần Zenobia, triều đại của bà rất khốc liệt nhưng lại cũng rất ngắn ngủi. Người ta nói rằng thất bại của bà kết thục tại Rome vào năm 274, khi bị trói bằng dây chuyền vàng, được dẫn đi qua các đường phố. Từ đó, chương cuối cùng của bà là tạo ra nhiều cuộc tranh luận đối với các nhà sử học. Một số nhà sử học tin rằng bà chết ở Rome. Một số khác cho rằng Hoàng đế La Mã Aurelian, vì quá ngưỡng mộ sự chính trực của Zenobia, đã ban cho bà sự khoan hồng và tự do.

About the author

Yêu thích tất cả mọi thứ về văn hóa đại chúng và đặc biệt nghiện cafe.

author

Chi

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!