Thuế hồng: Trả thêm tiền nếu bạn là phụ nữ!

SỰ NGHIỆP & TÀI CHÍNH

Thuế hồng: Trả thêm tiền nếu bạn là phụ nữ!

authorBy S. Reen
Share on
Share on
Thuế hồng: Trả thêm tiền nếu bạn là phụ nữ!

Để phân biệt sự khác nhau giữa các sản phẩm dành cho nam giới và nữ giới, bạn có thể dựa trên nhiều yếu tố. Các sản phẩm “nam tính” có bao bì màu đen hoặc xanh nước biển với tên thương hiệuo nghe rất gai góc. Trong khi đó, các sản phẩm dành "nữ tính” thường có màu hồng và tím nhạt, đôi khi được trang trí thêm những hạt lấp lánh. Nếu có mùi thơm, sẽ là những mùi hương ngọt ngào của hoa cỏ, trái cây.


Nhưng chưa hết, có một sự khác biệt khác tinh vi hơn, là giá cả.


Thuế hồng (pink tax) là gì?


Nghiên cứu cho thấy rằng, có rất nhiều các sản phẩm tiêu dùng - những thứ mà theo lý thuyết, không cần phân biệt giới tính - nhắm mục tiêu tới đối tượng khách hàng là phụ nữ đắt hơn các sản phẩm tương đương được bán cho nam giới. Trong hầu hết các trường hợp, sự khác biệt giữa các sản phẩm này và các sản phẩm tương tự dành cho nam giới là rất nhỏ, đơn giản là màu sắc hoặc thiết kế bao bì. Sự chênh lệch về giá này được gọi là thuế hồng.


Ví dụ điển hình là những chiếc dao cạo thông thường được bán ở hầu hết các cửa hàng. Phiên bản “nam giới” dành riêng cho giới tính có màu xanh lam, phiên bản “nữ giới” có màu hồng. Sự khác biệt duy nhất, vẫn chỉ là màu sắc. Nhưng chắc chắn, phiên bản dành cho nữ đắt hơn sản phẩm dành cho nam. Và có vô số sản phẩm giống hệt nhau như lăn khử mùi, sữa dưỡng thể, đồ lót... cùng một thương hiệu có thể có các mức giá khác nhau.


Thuế hồng được đặt tên theo màu sắc "nữ tính" mà các nhà sản xuất mặc định hướng tới phụ nữ.


Bất chấp tên gọi của nó, thuế hồng không thực sự là thuế bán hàng, cũng không phải là một khoản thuế chính thức và không có bộ luật nào quy định. Đây là một hoạt động định giá phân biệt đối xử dựa trên giới tính.


thue-hong-3.jpg


Thuế hồng nhưng không "hồng"


Tại Hoa Kỳ, một nghiên cứu của chính phủ đã phân tích 800 sản phẩm phân loại theo giới tính từ gần 100 thương hiệu. Báo cáo cho thấy, trung bình, các sản phẩm chăm sóc cá nhân dành cho phụ nữ đắt hơn 13% so với các sản phẩm tương tự dành cho nam giới. Phụ kiện và quần áo người lớn lần lượt đắt hơn 7% và 8%. Nghiên cứu kết luận rằng "phụ nữ đang trả nhiều hơn hàng ngàn đô la trong suốt cuộc đời của họ để mua các sản phẩm tương tự như nam giới". Các nhà nghiên cứu cũng đã xem xét 106 sản phẩm trong danh mục đồ chơi và phụ kiện và nhận thấy rằng, trung bình những sản phẩm dành cho bé gái có giá cao hơn 7%.


Phụ nữ không chỉ trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm; họ thường trả nhiều tiền hơn cho các dịch vụ như giặt khô và cắt tóc. Giá giặt khô ở Hoa Kỳ đối với áo sơ mi nữ đắt hơn tới 90% so với áo sơ mi nam.


Một số quốc gia khác cũng đã điều tra thuế hồng, bao gồm Argentina, Pháp, Đức, Anh, Úc và Ý. Ở Anh, người ta thấy rằng trung bình phụ nữ và trẻ em gái bị tính phí cao hơn 37% đối với đồ chơi, mỹ phẩm và quần áo so với nam giới. Theo tờ Telegraph (Anh), đồng phục nữ sinh cũng đắt hơn 12% so với đồng phục nam sinh. Tại Singapore, một cuộc khảo sát của Sunday Times đối với 10 công ty chỉ ra, phụ nữ phải trả nhiều tiền hơn cho một số sản phẩm và dịch vụ, như giặt khô và dao cạo.


Jennifer Weiss-Wolf, luật sư, phó chủ tịch của Trường Tư pháp Brennan tại Trường Luật NYU (Hoa Kỳ) cho biết: “Tôi nghĩ những động cơ xung quanh thuế hồng rõ ràng hơn xuất phát từ quan điểm tư bản chủ nghĩa cổ điển: Nếu bạn có thể kiếm tiền từ nó, thì bạn nên tận dụng bằng bất cứ giá nào”.


Thuế băng vệ sinh


Thuế hồng không phải là khoản phụ phí duy nhất ảnh hưởng đến phụ nữ. Ngoài ra còn có "thuế băng vệ sinh" (tampon tax), đề cập đến thuế bán hàng áp dụng cho các mặt hàng vệ sinh phụ nữ như băng vệ sinh, tampon hay cốc nguyệt san...


Ở nhiều nơi, thuế băng vệ sinh thường được gọi không chính thức là thuế xa xỉ. Bởi trong khi nhiều loại sản phẩm đồ dùng hàng ngày được miễn thuế, thì băng vệ sinh - một sản phẩm thiết yếu dành cho phụ nữ - lại bị đánh thuế tại nhiều quốc gia cao gấp 2 tới 3 lần mức thuế của các sản phẩm nhu yếu khác.


Vì sao phụ nữ phải chịu thuế hồng?


Có nhiều yếu tố được đưa ra để giải thích lý do vì sao thuế hồng tồn tại, bao gồm thuế xuất nhập khẩu, chi phí sản xuất và hoạt động marketing hướng đến đối tượng là nữ giới được cho là tốn kém hơn.


Ngoài ra, có một số ý kiến cho rằng, các nhãn hàng đã "đánh trúng tâm lý" phụ nữ khi luôn có xu hướng chi nhiều tiền hơn hơn nam giới (đặc biệt với sản phẩm giúp cải thiện ngoại hình), theo The Washington Post.


Nhiều nhà phân tích lập luận, mặc dù các sản phẩm và dịch vụ có vẻ giống hệt nhau nhưng có thể có giá khác nhau, bởi trải nghiệm cảm xúc và giá trị cảm nhận là khác nhau.


thue-hong-2.jpg


Bạn có đang phải chịu thuế hồng?


Thuế hồng là khái niệm chưa có nhiều số liệu uy tín ở Việt Nam, nhưng bạn có thể dễ dàng nhận thấy những khác biệt về giá cả ngay trên các kệ hàng siêu thị hoặc các gian hàng trực tuyến. Ví dụ, chỉ với một quan sát nhỏ trên các trang thương mại điện tử, cùng một nhãn hàng chăm sóc cá nhân nổi tiếng, chai lăn khử mùi cùng dung tích dành cho nam có giá 58.000 VNĐ và của phụ nữ là 65.000 VNĐ.


Chúng ta có thể cảm thấy không đáng kể hoặc gần như không thể nhận thấy sự ảnh hưởng của thuế hồng. Tuy nhiên, về lâu dài, đó không phải là một con số nhỏ.


Trong khi khoảng cách thu nhập và khoảng cách lương hưu vốn đã khiến phụ nữ gặp bất lợi, thì giờ đây, thuế hồng càng góp phần gây ra bất bình đẳng kinh tế giữa nam và nữ.


Liên Hợp Quốc đã kêu gọi các quốc gia trên toàn thế giới thực hiện các bước để loại bỏ thuế hồng để đảm bảo phụ nữ được tham gia đầy đủ và bình đẳng vào nền kinh tế. Vì những hành động này tạo ra gánh nặng kinh tế cho phụ nữ và làm suy yếu những nỗ lực vì bình đẳng giàu nghèo trên cơ sở giới.


Nhiều nước đã và đang cố gắng để hạn chế thuế hồng:


• Kenya bỏ thuế bán hàng đối với các sản phẩm vệ sinh phụ nữ vào năm 2004 và đã phân bổ hàng triệu băng vệ sinh tới trường học nhằm thúc đẩy nỗ lực đến trường của trẻ em gái.


• Canada bỏ thuế hàng hóa và dịch vụ đối với băng vệ sinh vào năm 2015. 


• Một chương trình thí điểm ở Aberdeen, Scotland đang phân phối sản phẩm vệ sinh phụ nữ cho phụ nữ trong các hộ gia đình có thu nhập thấp như một thử nghiệm cho chương trình có quy mô lớn hơn.


• Năm 2020 Anh chính thức bỏ thuế giá trị gia tăng (VAT) 5% đối với các sản phẩm dành riêng cho phụ nữ khi đến kỳ kinh nguyệt.


• Tại Hoa Kỳ, luật liên bang được đề xuất có tên là Đạo luật bãi bỏ thuế hồng vẫn đang chờ Quốc hội thông qua. “Thuế hồng rõ ràng là phân biệt đối xử, ảnh hưởng đến phụ nữ thuộc mọi tầng lớp xã hội từ khi lọt lòng cho đến khi chết” - Nghị sĩ Jackie Speier (California), người bảo trợ chính cho đạo luật, cho biết trong một tuyên bố.


Lần tới khi bạn đến cửa hàng, hãy so sánh giá của các mặt hàng để xác định xem liệu bạn có phải trả nhiều tiền hơn cho một mặt hàng chỉ vì nó được bán cho phụ nữ hay không nhé! Bạn cũng có thể lựa chọn dùng các sản phẩm trung tính, hạn chế sử dụng các sản phẩm mang tính chất phân biện giới tính và lên tiếng nếu bạn muốn cùng góp phần thay đổi xã hội ngày một bình đẳng hơn.

About the author

Một cô gái yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp

author

S. Reen

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!