Ngày 15 tháng 11 đánh dấu một cột mốc lịch sử, khi dân số thế giới đạt 8 tỷ người. Sự tăng trưởng chưa từng có này là kết quả của những cải thiện về sức khỏe cộng đồng, dinh dưỡng...
Từ khi người tinh khôn xuất hiện, phải mất khoảng 300.000 năm trước khi có một tỷ người sinh sống trên Trái đất. Đó là vào khoảng năm 1804, năm morphin được phát hiện, khi Haiti tuyên bố độc lập khỏi Pháp, khi Beethoven lần đầu tiên biểu diễn Bản giao hưởng thứ ba của mình ở Vienna và là năm vua Gia Long chính thức đổi quốc hiệu nước ta thành Việt Nam (theo National Geographic).
Thế nhưng con số ấy đã thay đổi chóng mặt... Chúng ta đã đưa con số 7 tỷ lên 8 tỷ người chỉ trong vòng 12 năm.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cho biết: “Sự kiện quan trọng này là dịp để tôn vinh sự đa dạng và tiến bộ, đồng thời xem xét trách nhiệm chung của nhân loại đối với hành tinh này”.
Để đánh dấu cột mốc này, hãy tìm hiểu thêm thông tin liên quan tới dân số trên toàn thế giới.
Fun facts
Dưới đây là những con số thống kê do Liên Hợp Quốc đưa ra:
• Chỉ mất 12 năm để dân số toàn cầu tăng từ 7 tỷ lên 8 tỷ người. Người ta ước tính rằng con số này sẽ đạt đỉnh 10,4 tỷ vào những năm 2080 và duy trì ở mức đó cho đến năm 2100.
• Bé gái Venice Mabansag được sinh ra tại Bệnh viện Dr. Jose Fabella Memorial vào sáng sớm 15/11/2022 ở Tondo, Manila (Philippines) được ghi nhận là công dân thứ 8 tỷ trên thế giới. Em được sinh theo phương pháp sinh thường.
• Sẽ mất khoảng 15 năm - cho đến năm 2037, dân số thế giới sẽ đạt 9 tỷ người, một dấu hiệu cho thấy tốc độ tăng trưởng chung của dân số toàn cầu đang chậm lại.
Vào năm 2021, mức sinh trung bình của dân số thế giới ở mức 2,3 lần sinh trên một phụ nữ trong suốt cuộc đời, đã giảm từ mức khoảng 5 lần sinh trên một phụ nữ vào năm 1950. Mức sinh trên toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục giảm xuống còn 2,1 lần sinh trên một phụ nữ vào năm 2050.
• Năm 2022, hai khu vực đông dân nhất đều ở châu Á: Đông và Đông Nam Á với 2,3 tỷ người (29% dân số toàn cầu) và Trung và Nam Á với 2,1 tỷ người (26%). Trung Quốc và Ấn Độ, với hơn 1,4 tỷ mỗi nước, chiếm phần lớn dân số ở hai khu vực này.
Hơn một nửa mức tăng dân số toàn cầu dự kiến đến năm 2050 sẽ chỉ tập trung ở 8 quốc gia: Cộng hòa Dân chủ Congo, Ai Cập, Ethiopia, Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, Philippines và Cộng hòa Thống nhất Tanzania. Tốc độ tăng trưởng chênh lệch giữa các quốc gia lớn nhất thế giới sẽ sắp xếp lại thứ hạng của họ theo quy mô.
New Delhi (Ấn Độ) ngày 12/11/2022 - Ảnh: AP
• Năm 2019, tuổi thọ trung bình toàn cầu ở mức 72,8 tuổi, tăng gần 9 năm kể từ năm 1990. Tỷ lệ tử vong tiếp tục giảm được dự đoán sẽ dẫn đến tuổi thọ trung bình trên toàn cầu là khoảng 77,2 tuổi vào năm 2050.
Tuổi thọ trung bình của nữ giới và nam giới lần lượt là 73,8 và 68,4.
Trong khi tuổi thọ đã tăng lên kể từ những năm 1950, khoảng cách giữa các quốc gia vẫn chưa thu hẹp đủ nhanh. Ở các quốc gia có thu nhập thấp, tuổi thọ trung bình là khoảng 63, thấp hơn gần 10 năm so với mức trung bình toàn cầu.
• Tỷ lệ giới tính khi sinh không đồng đều: ở mọi quốc gia, con số các ca sinh đều thiên về nam giới. Tỷ số giới tính khi sinh 'tự nhiên' là khoảng 106 bé trai trên 100 bé gái.
• Ấn Độ và Trung Quốc là những quốc gia đông dân nhất thế giới
Đến năm 2022, hơn một nửa dân số thế giới sẽ sống ở châu Á. Ấn Độ và Trung Quốc, mỗi nước có hơn 1,4 tỷ người, là những quốc gia đông dân nhất hiện nay. Dân số Trung Quốc không còn tăng nhanh và có thể bắt đầu giảm sớm nhất là vào năm 2023, trong khi Ấn Độ, quốc gia đang có tốc độ tăng dân số cao, dự kiến sẽ vượt qua nước này để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.
Bãi biển Ipanema, ở Rio de Janeiro (Brazil), Chủ nhật, ngày 13/ 11/2022 - Ảnh: AP / Bruna Prado
8 tỷ người ảnh hưởng như thế nào đến Trái Đất?
Con số 8 tỷ (và sẽ tăng hơn nữa) có ý nghĩa gì đối với môi trường, các thành phố, sức khỏe và nguồn cung cấp thực phẩm của chúng ta?
Ước tính 3/4 diện tích đất liền và 2/3 đại dương đã bị con người làm thay đổi đáng kể. Con người cũng chiếm 1/3 sinh khối của tất cả các loài động vật có vú trên cạn, được đo bằng hàm lượng carbon. Trong đó, lượng gia súc được nuôi bởi con người chiếm gần như tất cả phần còn lại, trong khi đó chỉ có một lượng nhỏ khoảng 2% dành cho các động vật có vú sống ngoài tự nhiên.
Sara Hertog, chuyên gia dân số của Liên hợp quốc tại New York cho biết, sự gia tăng dân số thế giới đi cùng sự gia tăng 25 năm tuổi thọ trung bình trên toàn cầu là một câu chuyện thành công đáng chú ý, đó do chúng ta giảm được tỷ lệ nghèo đói và đạt được những tiến bộ vượt bậc trong các vấn đề xã hội như việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, sinh sản tốt hơn đồng thời trao nhiều cơ hội giáo dục hơn đặc biệt cho trẻ em gái và phụ nữ...
Nhưng thành công này phải trả giá đắt, một báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc chỉ ra sự gia tăng dân số là một trong những nguồn chính làm tăng phát thải khí nhà kính và hủy hoại hệ sinh thái. Mỗi người thêm sẽ làm tăng thêm sự căng thẳng đối với tài nguyên sinh học hữu hạn của hành tinh.
Một cánh đồng ở Utting am Ammersee ở Đức được tạo nên dựa trên một tác phẩm nghệ thuật của Pablo Picasso và bản đồ thế giới - Ảnh: Christof Stache/AFP
Có nhiều người hơn trên Trái đất gây ra nhiều áp lực hơn đối với thiên nhiên, khi con người cạnh tranh với động vật hoang dã để giành nước, thức ăn và không gian. Ô nhiễm và đánh bắt quá mức đang làm suy thoái nhiều khu vực của đại dương. Động vật hoang dã đang biến mất ở mức đáng báo động, khi con người quét sạch rừng và các vùng đất hoang dã khác để phát triển nông nghiệp và các sản phẩm thương mại làm từ cây cối.
Sự gia tăng nhiệt độ, mực nước biển dâng cao và những thay đổi về nguồn nước cũng như các sự kiện thời tiết khắc nghiệt cũng đã ảnh hưởng đến sản lượng cây trồng và vật nuôi trên toàn cầu – điều này có nghĩa là việc nuôi sống dân số ngày càng tăng sẽ ngày càng khó khăn hơn.
Nhiều người hơn trên hành tinh có nghĩa là suy thoái môi trường nhiều hơn gây ra các vấn đề sức khỏe. Việc xâm lấn sâu hơn vào môi trường sống của động vật hoang dã tạo cơ hội cho mầm bệnh nhảy loài, tìm vật chủ là người và nhân lên, có khả năng gây ra nhiều đại dịch trong tương lai. Trái đất nóng lên sẽ mở rộng phạm vi của các bệnh nhiệt đới và mầm bệnh.
Lagos (Nigeria), ngày 14/11/2022 - Ảnh: AP
Dân số tăng nhanh kết hợp với biến đổi khí hậu và hàng loạt khủng hoảng sẽ gây ra tình trạng di cư hàng loạt và xung đột trong những thập kỷ tới, các chuyên gia cho biết (Một báo cáo của Oxfam vào năm 2019 ước tính rằng 20 triệu người mỗi năm phải di dời do các sự kiện liên quan đến khí hậu và con số này sẽ chỉ tăng lên).
Những rủi ro đi cùng cơ hội của sự bùng nổ dân số và khủng hoảng tài nguyên song song phụ thuộc phần lớn vào các quyết định mà chúng ta chưa đưa ra. John Wilmoth, giám đốc bộ phận dân số của Liên Hợp Quốc đã chia sẻ, tác động của loài người đối với thế giới tự nhiên "liên quan nhiều đến cách chúng ta hành xử hơn là dân số bao nhiêu người".
About the author
S. Reen