Tiêm filler môi giờ đây đã là thủ thuật làm đẹp khá phổ biến. Nhưng bạn đã hiểu rõ những vấn đề liên quan tới phương pháp này để bảo vệ sức khỏe và nhan sắc của bản thân?
Theo thời gian trôi qua, collagen và mô mỡ tự nhiên của cơ thể sẽ giảm dần. Môi của chúng ta sẽ mất dần độ đàn hồi, có thể mỏng và chảy xệ hơn. Tiêm chất làm đầy (filler) môi giúp thay thế lượng collagen và mô mỡ đã mất, khiến môi căng mọng, mịn màng và thậm chí sửa đổi hình dạng đôi môi theo mong muốn với xâm lấn tối thiểu và ít thời gian nghỉ dưỡng.
Quy trình tiêm làm đầy môi cũng khá an toàn - ít có nguy cơ biến chứng hoặc tác dụng phụ. Bên cạnh đó, nếu bạn không hài lòng, nhà cung cấp dịch vụ có thể tiêm một loại enzym (hyaluronidase) để hòa tan chất làm đầy môi của bạn.
Nếu tiêm filler môi giúp bạn cải thiện sự tự tin và vui sống thì điều đó không xấu chút nào, quan trọng là bạn cần biết những thông tin liên quan để bảo vệ sức khỏe của bản thân.
Tiêm filler môi duy trì được bao lâu?
Chất làm đầy môi duy trì trung bình từ 6 đến 18 tháng. Tuy nhiên, thời gian chính xác phụ thuộc vào độ tuổi của bạn và tốc độ cơ thể bạn trao đổi chất cũng như sản phẩm, lượng và chất lượng filler được sử dụng để tiêm vào môi. Những người trẻ tuổi có xu hướng trao đổi chất nhanh hơn có thể phá vỡ axit hyaluronic nhanh hơn.
Tiêm filler môi có đau không?
Bạn có thể thấy đau nhẹ, bầm, ngứa tại các vị trí tiêm. Cơn đau sẽ biến mất sau 12 đến 24 giờ. Và vết sưng sẽ biến mất sau 24 đến 48 giờ, nhưng với một vài trường hợp có thể mất đến một tuần.
Bạn sẽ gặp phải khó khăn khi cười trong vòng 1 – 2 ngày vì môi hơi đau, đó là điều hoàn toàn bình thường.
Tiêm filler môi được thực hiện như thế nào?
Đầu tiên, bạn nên đặt một lịch hẹn với chuyên gia hoặc bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ uy tín, được cấp phép hoạt động. Bạn có thể tham khảo các ý kiến của những người khác trước khi quyết định.
Trước khi tiến hành thủ thuật, bác sĩ sẽ gây tê vùng môi. Sau khi thấy môi bạn đủ tê, bác sĩ bắt đầu tiêm filler trực tiếp vào môi bạn.
Thủ thuật này thường kéo dài từ 20-30 phút.
*Chú ý: Cân nhắc kỹ kiểu dáng, đường viền môi, kích thước… cũng như sản phẩm filler phù hợp.
Kiểm tra rõ thông tin về nguồn gốc, hạn sử dụng của chất tiêm filler (chỉ thực hiện tiêm với filler còn nguyên tem mác).
10 mẹo chăm sóc môi sau khi tiêm filler
Dưới đây là một số điều khác mà các bác sĩ khuyên bạn sau khi thực hiện thủ thuật tiêm chất làm đầy môi:
• Nếu bạn bị bầm tím ở vết tiêm, bạn có thể thoa kem lô hội, vitamin K. Bạn nên kiểm tra với chuyên gia chăm sóc sức khỏe của mình trước khi sử dụng chúng.
Sau đó, chườm đá lên môi bằng cách sử dụng túi nước đá hoặc một cục nước đá được bọc trong một miếng vải mỏng (để không dính vào môi và gây đau). Điều này sẽ giúp giảm sưng, ngứa, bầm tím và bất kỳ cơn đau nào khác.
• Tránh tập thể dục quá sức trong 24 - 48 giờ sau khi bạn tiêm filler môi. Huyết áp và nhịp tim tăng cao do tập thể dục có thể khiến tình trạng sưng tấy hoặc bầm tím trở nên tồi tệ hơn. Nếu muốn, bạn có thể tham gia vào hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ.
• Ăn nhiều trái cây, rau quả và uống nhiều nước sẽ giúp cơ thể bạn mau lành.
• Tránh nhiệt độ cao, như phòng xông hơi hoặc các lớp tập thể dục có nhiệt độ nóng... trong 48 giờ sau khi thực hiện thủ thuật. Nhiệt cao có thể làm vết sưng tấy khó chịu hơn.
• Cố gắng kê cao đầu khi ngủ trên gối để giảm sưng.
• Tránh trang điểm trên môi trong vòng 24 giờ sau khi làm thủ thuật.
• Không chạm hoặc chu môi, kể cả sử dụng ống hút hoặc hút thuốc trong ít nhất 24 giờ.
• Hãy cẩn thận khi đánh răng và khi ăn, tránh cắn vào môi.
• Bạn nên tránh uống ít nhất 24 giờ sau khi tiêm chất làm đầy môi. Bởi rượu có tác dụng làm loãng máu, nó cũng có thể gây viêm, tăng khả năng bầm tím và khiến tình trạng sưng tấy trở nên trầm trọng hơn.
• Bác sĩ của bạn có thể sẽ khuyên bạn nên đợi ít nhất một tuần sau khi điều trị trước khi đi máy bay. Điều này là do áp suất không khí trong máy bay có thể khiến tình trạng sưng và bầm tím trở nên trầm trọng hơn.
Bao lâu thì bạn có được vẻ ngoài mong muốn?
Bạn sẽ thấy kết quả ngay lập tức với chất làm đầy môi (môi dày, căng hơn). Nhưng thường mất khoảng 4 tuần để chất làm đầy ổn định và đạt được vẻ ngoài mong muốn.
Nếu muốn đôi môi căng mọng trước một sự kiện trọng đại, chẳng hạn như đám cưới, bạn nên lên lịch thực hiện trước ít nhất hai tuần để đảm bảo rằng bạn đã hoàn toàn bình phục và có vẻ ngoài đẹp nhất.
Khi nào nên đến gặp bác sĩ?
Hãy đến gặp chuyên gia chăm sóc sức khỏe nếu bạn gặp bất kỳ biến chứng nào sau đây:
- Thâm tím hoặc sưng tấy dữ dội
- Tắc mạch máu. Các dấu hiệu của tắc mạch máu bao gồm đau tức thì, dữ dội và thay đổi màu da, có thể trông giống như đốm trắng hoặc vết lấm tấm.
- Vón cục, nổi u
- Mụn rộp
Bạn có thể tiêm chất làm đầy môi khi đang mang thai không?
Phụ nữ có thai đều chống chỉ định đối với phẫu thuật thẩm mỹ, bất kể thẩm mỹ nội khoa (bao gồm tiêm filler) hay ngoại khoa.
Ngoài ra, chưa có bất kỳ nghiên cứu nào chứng minh filler an toàn với phụ nữ mang thai. Do đó, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ FDA không chấp thuận việc sử dụng chất làm đầy môi khi mang thai. Các nhà sản xuất cũng lưu ý không sử dụng cho phụ nữ có thai.
Cuối cùng, hãy nhớ, cần tìm tới các bệnh viện, cơ sở làm đẹp chuyên nghiệp và uy tín, nếu không bạn có thể sẽ làm hỏng đôi môi xinh đẹp của mình. Môi của bạn có thể bị căng vĩnh viễn, mô xung quanh môi có thể chết, chất làm đầy môi có thể cứng lại hoặc các vị trí tiêm có thể bị nhiễm trùng. Chất làm đầy môi có thể chảy vào các vùng khác trên khuôn mặt (thường là về phía mũi).
About the author
Chi