(20th Century Fox)
Bản thân bộ phim là một thiên truyện về những thời khắc chuyển giao và thay đổi, về sự từ bỏ và đón nhận. Nó cũng là bản hòa ca của những choáng ngợp và giác ngộ, ngây ngô và bừng tỉnh, của những hoang mang và quyết đoán, của sự khát thèm và cảm giác đủ đầy.
Trong THE GREATEST SHOWMAN hiển hiện 2 xã hội phân hóa rõ nét - thượng lưu và bình dân. Cũng ở đó, các nhà làm phim vẽ nên 2 thế giới nghệ thuật tách biệt nhưng song hành - hàn lâm và đại chúng.
Đáng chú ý hơn nữa, ta thấy ở đó cả những kẻ "lỡ cỡ" - chẳng thuộc về xã hội nào và thế giới nào, chẳng đủ tiền vào nhà hát xem các ngôi sao sáng bừng trong nhung lụa hát opera hay múa ballet, mà cũng không muốn vào rạp xiếc xem những kì nhân dị tướng biểu diễn nghệ thuật bình dân. Điều này khiến tôi bật khóc thực sự, mặc dù bộ phim đã làm cho tôi xúc động đến ứa nước mắt trong nhiều khoảnh khắc.
Tôi nghĩ có nhiều người giống như tôi, đặc biệt là những ai trăn trở về nghệ thuật vị nhân sinh, sẽ bật khóc khi trông thấy những con người lỡ cỡ ấy. Họ không có đam mê gì, không có hiểu biết về nghệ thuật, cũng không có lòng nhân từ đủ để chấp nhận những bất thường mà Tạo Hóa đặt vào những sinh linh khác với đa số nhân loại. Chúng ta biết làm gì cho đám đông zombie này, để giúp họ chọn được những show diễn đem lại sắc màu cho cuộc sống nhạt nhòa của họ?
Nói đến gu thưởng thức nghệ thuật của ai, tôi hay tò mò về cái "phông văn hóa" của người đó. Các nhà làm phim quá giỏi khi khắc họa cái giới quần chúng lỡ làng kia một cách đơn giản qua vài cảnh quay ngắn gọn, nhưng lại mô tả hết toàn bộ sự ngô nghê đáng thương của họ bằng sự xuất hiện của 1 nhà báo chuyên phê bình nghệ thuật biểu diễn. Để ta thấy rõ cái "phông văn hóa" nhợt nhạt của những kẻ chỉ biết bấu víu vào vài câu bình luận cực đoan trên một tờ báo để xác lập gu thẩm mỹ cho mình. Điều này cũng cho thấy thứ quyền lực ghê gớm của truyền thông, khi các bài báo có thể thúc giục nhiều người tự cho mình quyền phán xét một trường phái mới và gào thét đòi bài trừ một nghệ sĩ có phong cách khác lạ.
(20th Century Fox)
Vậy nên bây giờ nhân vật đầu tiên mà bài review này nhắc tới sẽ không phải P. T. Barnum - người khai sinh showbiz của nước Mỹ - và người vợ tào khang của ngài, cũng không phải Phillip Carlyle kẻ kế thừa xuất sắc của ngài, hay các nàng thơ xinh đẹp đến ngỡ ngàng Jenny Lind và Anne Wheeler, tức là không phải bất cứ bầu sô, nghệ sĩ và khán giả nào cả... mà là tay viết cao ngạo của tờ Herald: nhà báo James Gordon Bennett. Ông ta đã viết những bài báo "dìm hàng" thậm tệ về các show diễn của gánh xiếc nhà Barnum, có thể coi là lý do chính khiến cho công chúng - những kẻ không đi xem show mà chỉ chăm đọc báo - biểu tình bài trừ gánh xiếc và phỉ nhổ các nghệ sĩ quái nhân mà Barnum tuyển mộ được. Nhưng rồi cuối phim, ông ta đặt tờ báo xuống lót đít để ngồi bệt xuống cạnh Barnum và nói: những show diễn này đáng được tôn vinh như đại diện xuất sắc cho nhân tính của nhân loại.
Điều thú vị là, vai nhà báo Bennett được đảm nhiệm bởi Paul Sparks. Gần đây, anh vào các vai rất đáng chú ý trong 2 bộ phim truyền hình nổi tiếng mà tôi cho là các nhà làm phim hoàn toàn có chủ ý khi casting anh vào chuỗi vai trí thức như thế này: Tác giả tiểu thuyết best-seller được mời vào Nhà Trắng ở để viết sách tiểu sử cho Tổng thống Mỹ trong series House Of Cards- Nhà truyền giáo nổi tiếng của Mỹ sang vương quốc Anh mê hoặc công chúng bằng các bài diễn thuyết của mình, khiến cho Nữ Hoàng Elizabeth ngoan đạo phải tò mò mời đàm đạo riêng (không chỉ diện kiến) một tập trong mùa 2 của series The Crown.
(20th Century Fox)
Không cần phải là fan của Broadway hay những vở diễn đình đám của các sân khấu kịch hàn lâm ở Châu Âu, chỉ cần theo dõi qua một vài vở kinh điển cũng đủ thấy luôn có 1 nhân vật như vậy trong mỗi vở. Tôi đặc biệt quan tâm đến những nhân vật kiểu "siêu phụ" này. Họ nói ít hoặc đôi khi không nói, nhưng luôn là kẻ chứng kiến mọi màn kịch và tiếng nói hoặc thái độ của họ đóng một vai trò nào đó trong việc "giật dây" sự phán xét của xã hội đối với các vai chính.
Vì tất cả những điều đó, và có lẽ cũng bởi làm truyền thông lâu năm nên tôi khó lòng không quan tâm đến nhân vật nhà báo Bennett, kẻ chuyên phê bình văn hóa - văn nghệ đầy quyền lực. Anh ta gánh cái trọng trách xây dựng phông văn hóa, dẫn dắt thẩm mỹ cho công chúng, và cũng phải trải qua một quá trình thay đổi quan điểm để bảo đảm xã hội không bỏ lỡ những giá trị mới thực sự có ý nghĩa đối với nhân loại.
Lần cuối cùng Bennett xuất hiện trong The Greatest Showman, anh ta đặt tờ báo xuống lót đít để ngồi bệt cạnh Barnum, bậc thầy showbiz đã bị anh ta "chửi cho tím mặt" trong các bài báo nhưng không hề tức giận hay căm ghét anh ta (đúng vậy, Barnum đã cư xử kiểu "không thèm chấp" kẻ chưa hiểu đúng về văn hóa đại chúng, thậm chí còn tận dụng các bài phê bình đầy tiêu cực của Bennett để các show diễn của mình được... viral.) Lần cuối Bennett xuất hiện cũng là lần anh ta cho thấy sự lựa chọn của mình: chấp nhận một dòng chảy văn hóa mới vì các giá trị nhất định mà nó mang đến cho nhân loại.
Khi ấy Barnum, sau những tháng ngày nếm trải thế giới hàn lâm, cũng đã lựa chọn quay về với gánh xiếc của mình, tiếp tục làm việc không phải vì tìm kiếm giá trị cho bản thân và gia đình, mà là cống hiến cho sự nghiệp tạo công ăn việc làm, tạo nên lẽ sống cho bao người khác.
Tôi yêu Hollywood của những bộ phim như thế, một kho tài nguyên khổng lồ đầy ắp những triết lý về LỰA CHỌN. Như một mạch nguồn tư tưởng thể hiện sức mạnh của nước Mỹ hùng mạnh ở khả năng tạo động lực cho con người lựa chọn để tìm thấy hạnh phúc trong lựa chọn ấy.
(20th Century Fox)
Vì thế mà tôi càng thêm yêu bộ phim này. Nó nói với tôi về sự tôn trọng dành cho bất cứ lựa chọn nào, miễn là bạn có lựa chọn. Nó chỉ cho tôi thấy rằng showbiz trường tồn được là nhờ ở tài năng thực sự và đam mê trong sáng của những kẻ thực tâm mong muốn đem đến niềm vui cho người khác, chứ không phải nhờ các bầu sô tham vọng hay các con buôn nghệ thuật như tôi vẫn nghĩ. Kết phim, ta thấy 1 đứa con trai từ bỏ địa vị quý tộc để tỏa sáng trong túp lều đại chúng và ngược lại, một đứa con gái bầu sô showbiz đại chúng say mê trên sân khấu hàn lâm. Phải chăng thông điệp bộ phim là: màn trình diễn tuyệt vời nhất là màn trình diễn hướng tới khán giả chứ không phải vì sĩ diện hay tham vọng thành công? Câu danh ngôn của Barnum ở cuối phim đã trả lời điều đó.
Và trên tất cả, bộ phim nhắc cho tôi điều tôi vẫn luôn tin tưởng cất giữ trong lòng, rằng hạnh phúc là biết nơi đâu ta thuộc về, nơi có đủ yêu thương để đón nhận những niềm vui dù nhỏ, dù to.
Biết đủ là biết vui. Tôi sẽ nhớ mãi lời mà người vợ yêu quý của ngài Barnum đã nói:
"Anh không cần tất cả mọi người yêu quý mình đâu, chỉ một vài người tốt là đủ rồi mà."
Chỉ xin hé lộ một chút rằng các dòng nhạc thuộc pop culture đương đại bất ngờ ăn nhập vô cùng với bối cảnh từ thế kỷ 19, thời mà nghệ thuật trình diễn chỉ gói gọn trong các nhà hát và các buổi trình diễn đậm chất hàn lâm vô cùng tốn kém để tổ chức. Và tim tôi đập nhanh ngay từ những cảnh đầu đầu, ngài Barnum xuất hiện với vũ đạo và giai điệu vang lên khiến tôi nhớ đến Michael Jackson và rồi Freddie Mercury, linh hồn của ban nhạc Queen đã tạo nên những nhạc phẩm kinh điển kết hợp nhạc Rock với giao hưởng. Liên tiếp sau đó là các hoạt cảnh âm nhạc trên mọi địa hình, đưa khán giả từ thỏa mãn nhu cầu giải trí đến mức ngưỡng mộ trình độ biên đạo và dàn dựng siêu đẳng. Cuối phim, ngài Barnum trao lại show của mình cho cậu Phillip với câu nói "the show must go on!" đầy ý nghĩa.
(20th Century Fox)
Chúc cho chúng ta sẽ có những khoảnh khắc giao hòa cũ-mới thật ý nghĩa, đón một năm đang tới với may mắn với nhiều cơ hội thưởng thức những bộ phim tuyệt hay, những show diễn tuyệt vời!
About the author
Đào Bội Tú