“Trong sự cô đơn, trong đau ốm, trong bối rối – nhận thức về tình bạn khiến ta có thể bước tiếp, thậm chí ngay cả khi bạn ta bất lực không thể giúp ta. Họ ở đó đã là đủ rồi” – Pam Brown
Khi chúng ta còn trẻ, chúng ta thường có xu hướng mở rộng các mối quan hệ và do đó có thể kết bạn một cách dễ dàng. Nhưng khi đã ở lứa tuổi chín muồi hơn, bạn nhận ra rằng, những mối quan hệ hời hợt ngày trẻ, cùng với thời gian, cứ rơi rụng dần. Chúng ta khó kết bạn hơn, và bắt đầu siết lại các mối quan hệ của mình. Bạn không còn quan tâm đến số lượng, mà chất lượng mới là yếu tố quan trọng để quyết định. Nhưng làm sao để coi ai đó thực sự là một người bạn tâm giao, và làm sao để duy trì một tình bạn bền vững? Ngay cả khi đã có một tình bạn tốt, bạn có muốn cải thiện mối quan hệ bạn bè của mình hay không?
Tôi có 2 người bạn thân. Mối quan hệ của chúng tôi tốt đẹp và êm đềm trong suốt nhiều năm. Khi tôi theo gia đình sang nước ngoài sinh sống, tình bạn thân thiết vẫn được duy trì nhờ những tin nhắn tôi nhận được mỗi ngày. Nó trở thành nguồn động viên tinh thần lớn khiến tôi không còn cảm thấy cô đơn và lẻ loi khi một mình ở nơi đất khách quê người.
Đầu năm 2020, khi tôi trở về thăm Việt Nam và bắt buộc phải ở lại cho đến giờ do dịch Covid bùng phát, mọi thứ bỗng chốc thay đổi. Không thể trở về Pháp như đã định, khoảng cách và những nỗi lo lắng về dịch bệnh khiến tôi gặp trục trặc trong chuyện tình cảm. Tôi buồn bã, stress đến mất ăn mất ngủ trong một thời gian dài. Và đây là lúc thật sự cần đến những người bạn để làm cứu cánh tinh thần. Dần dần, do quá phụ thuộc vào bạn mà tôi đã bắt họ phải nghe những cảm xúc tiêu cực từ mình. Lúc đầu, các cô bạn luôn ở bên lắng nghe, cho tôi những lời khuyên và lời an ủi cần thiết. Nhưng chẳng bao lâu họ không còn mặn mà mỗi khi tôi bắt đầu than thở. Và tôi cảm thấy tự ái vì nghĩ rằng mình bị bỏ quên, từ đó thu mình lại, không còn hào hứng chia sẻ như trước. Sau này khi tĩnh tâm lại, tôi nhận ra mình đã quá vô ý khi bắt bạn phải có trách nhiệm với những chuyện không vui của bản thân. Vậy bài học rút ra là:
Không Than Vãn Quá Nhiều Và Đẩy Bạn Bè Vào Cảm Xúc Tiêu Cực
Bạn bè là người để ta chia sẻ mọi niềm vui và nỗi buồn. Nhưng mọi thứ luôn có giới hạn. Khi ở bên những người luôn than vãn, kể lể khổ sở thì dù bản thân đang vui cũng thành chán nản, đang từ con người lạc quanbỗng biến thành một kẻ tiêu cực. Bất cứ lúc nào nói chuyện với nhau, những gì bạn nghe thấy chỉ là ưu phiền, bi quan sẽ khiến tinh thần bị ảnh hưởng. Bạn có muốn ở bên những con người đó không? Không. Vây tốt nhất là tránh xa. Hoặc người bạn kia phải thay đổi nếu muốn tiếp tục duy trì mối quan hệ bạn bè của mình. "Người truyền cảm hứng cho bạn hay người hủy hoại bạn - hãy lựa chọn một cách khôn ngoan." - Hans Hansen
Nên Dành Thời Gian Cùng Nhau Nuôi Dưỡng Tình Bạn
Rất lâu sau này, một cô bạn mới thú nhận: “chuyến đi Bali năm ấy em hơi thất vọng vì chị chỉ chăm chú vào điện thoại nhắn tin với người yêu”. Nếu cô ấy không nói, tôi sẽ không hề biết mình vô tâm khi đã có lúc vì mải bận bịu với tình yêu mới mà quên mất người bạn ở bên cũng cần được quan tâm. Luôn có nhau và cố gắng sắp xếp dành thời gian cho nhau đó là điều nên làm nếu bạn thực sự trân trọng bạn của mình.
Cùng dạo phố vào một ngày trời đẹp, rủ nhau đi shopping, đạp xe rong ruổi trên những con phố, hay đơn giản gặp nhau chỉ để tám đủ mọi thứ chuyện. Khi có cơ hội, cùng nhau đi khắp đó đây, in những dấu chân kỉ niệm trên những vùng đất mới. Cùng nhau thức dậy ở một nơi xa, ngắm cảnh, vui đùa, và chụp hàng trăm bức ảnh để ghi lại mọi dấu ấn của cuộc đời. Điều đó chẳng phải thật tuyệt vời sao?
Không Nên Áp Đặt Suy Nghĩ
Tuy tính cách có khác nhau nhưng trong 10 năm, chúng tôi ít khi xảy ra mâu thuẫn trong cách nhìn nhận các vấn đề. Mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi Covid xuất hiện. Những phản ứng khác nhau với dịch bệnh, cách đối phó, quan điểm về chính trị trái ngược bỗng được thời gian nhàn rỗi (vì không phải đến văn phòng làm việc như trước) đồng lõa khiến chúng tôi bỗng trở nên gắt gỏng và xa cách nhau hơn sau những tranh cãi. Sau này, chúng tôi đã cùng ngồi lại và thống nhất sẽ tránh tranh luận về những chủ đề vốn nhạy cảm dễ làm chia cắt tình bạn. Và học cách tôn trọng cảm nghĩ cũng như quan điểm khác biệt của nhau. May mắn chúng tôi đã kịp thời nhận ra, phần lớn sức sống của tình bạn nằm trong việc tôn trọng sự khác biệt chứ không chỉ đơn giản là thưởng thức sự tương đồng.
Không Nên Đặt Cái Tôi Lên Quá Cao
Một mối quan hệ bao gồm các cá nhân với tính cách và cái tôi khác nhau sẽ rất khó để dung hòa nếu ai cũng coi trọng cái tôi của mình và không chịu thỏa hiệp. Bạn có thể mắc sai lầm trong tình bạn, giống như bạn phạm sai lầm trong mối quan hệ khác. Nhưng khi ta biết cách trân trọng tình bạn của mình thì sẽ biết cách nói lời xin lỗi và hạ thấp cái tôi của mình để cải thiện mối quan hệ. Không có đúng, có sai, chỉ có những người sẵn sàng vì nhau mà nhượng bộ và tôn trọng sự khác biệt của nhau.
Không Nên Làm Tổn Thương Bạn
Một lời nhận xét chân thành và công tâm luôn cần thiết đối với mỗi người. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta cho rằng cần phải thẳng thắn trong tình bạn nên đã có những lời nói và hành động khiến cho người khác bị tổn thương. Thẳng thắn là cần thiết nhưng để xây dựng tốt mọi mối quan hệ, cần cư xử với nhau tử tế và bao dung hơn. Không nên bao biện cho sự “thẳng thắn” của mình mà buông ra những lời khó nghe, làm tổn hại đến cảm xúc của người khác.
Nên Coi Chân Thành Là Yếu Tố Quyết Định
Trong tình bạn, sự chân thành là yếu tố quyết định một tình bạn có thể tồn tại lâu dài hay không Một người bạn thật sự sẽ khiến chúng ta cảm thấy thoải mái được là chính mình, không phải cố gắng gồng mình để hợp ý họ. Một người bạn tốt sẽ cùng ta tiến lên phía trước chứ không phải người khiến mình ngày càng sa sút, ỷ lại hay chìm vào những cuộc vui bất tận. Một người bạn thân là người biết điểm yếu của bạn nhưng chỉ cho bạn thấy điểm mạnh, cảm nhận được nỗi sợ của bạn nhưng củng cố niềm tin; thấy được những lo lắng của bạn nhưng giúp bạn giải phóng tinh thần; nhận ra những điều bạn bất lực nhưng nhấn mạnh những điều bạn có thể làm. Để nhận ra ai thực sự chân thành với bạn, chỉ cần đôi lúc dừng lại một chút, lặng lẽ quan sát những người đã ở bên cạnh mình bấy lâu nay, nhớ lại những điều họ nói, những việc họ làm với bạn. Đó chính là minh chứng cho tình bạn đáng trân quý mà bạn đã không ngừng kiếm tìm.
Nên Cho Và Nhận Từ Hai Phía
Bạn có thể là người rộng lượng và không bao giờ tính toán với bạn của mình. Nhưng bạn có chắc rằng bạn sẽ luôn cảm thấy thoải mái khi ngần ấy năm tháng chỉ có bạn là người cho đi còn người kia chỉ biết nhận? Cuộc sống vốn là sự cân bằng giữa cho đi và nhận lại nên bất cứ một mối quan hệ nào cũng cần phải dung hòa hai yếu tố này thì mới có sự lâu bền. Khi bạn mời ta một bữa trưa thì hãy mời lại bạn một bữa tối. Khi bạn giúp ta những lúc khó khăn hoạn nạn thì lúc bạn cần hãy ở bên và chia sẻ với bạn trong khả năng của mình.
Nên Sòng Phẳng Trong Chuyện Tiền Bạc
Không thể phủ nhận tiền bạc là yếu tố vô cùng nhạy cảm trong bất cứ mối quan hệ nào dù là tình yêu hay tình bạn. Càng là bạn thân, tiền bạc càng phải rõ ràng. Ta có thể giúp bạn khi cần, ở mức độ vừa phải, để bạn có cảm giác được san sẻ nhưng không cảm thấy mang nợ và để mức độ tình cảm phụ thuộc vào món tiền mà bạn giúp họ. Khi ta nợ bạn tiền thì nên sắp xếp trả lại đúng hẹn chứ đừng nhân danh tình bạn mà phá hỏng chữ tín mà cả hai đã xây dựng bấy lâu.
About the author
Bùi Thu Thủy