Quấy rối tình dục - Hiểm họa cận kề

ĐỜI SỐNG

Quấy rối tình dục - Hiểm họa cận kề

authorBy S. Reen
Share on
Share on
Quấy rối tình dục - Hiểm họa cận kề

Quấy rối tình dục không chỉ là hành vi dụ dỗ, lôi kéo và ép buộc quan hệ tình dục (cưỡng dâm, hiếp dâm) như nhiều người vẫn lầm tưởng.


Quấy Rối Tình Dục Là Gì?


Quấy rối tình dục là hành vi liên quan tới tình dục không được hoan nghênh, thậm chí xúc phạm, làm nhục hoặc đe dọa tới nạn nhân. Nó có thể được viết, thể hiện bằng lời nói hoặc hành động, và có thể diễn ra trực tiếp hoặc trực tuyến.


Quấy rối tình dục có thể xảy ra trong nhiều trường hợp. Kẻ quấy rối có thể ở bất kỳ giới tính nào, có thể là người lạ hoặc là người có mối quan hệ liên quan tới nạn nhân, bao gồm: người thân, bạn bè, người quản lý trực tiếp, đồng nghiệp, giáo viên…


Quấy Rối Tình Dục Có Thể Bao Gồm:


- Động chạm, ôm hôn, tiếp xúc các bộ phận trên cơ thể, đặc biệt là vùng kín mà không có sự đồng ý của bạn

- Nói chuyện, trêu chọc và bình luận về hoạt động tình dục và bộ phận sinh dục (khẩu dâm). Thậm chí hỏi bạn về đời sống tình dục của mình.

- Nhìn chằm chằm vào bạn, đặc biệt là vào vùng kín (thị dâm).

- Tự phơi bày cơ thể, thực hiện các cử chỉ tình dục hoặc chuyển động cơ thể khiêu gợi về phía bạn.

- Quấy rối như gọi điện thoại tục tĩu, lan truyền, khủng bố hình ảnh qua email, tin nhắn và mạng xã hội.

- Ép buộc người khác quan hệ tình dục qua đường âm đạo, miệng, hậu môn…(cưỡng hiếp, cưỡng dâm).

- Ở nơi công sở, đó có thể là điều kiện việc làm hoặc thăng tiến phụ thuộc vào hành động tình dục.


Hiện Trạng Quấy Rối Tình Dục Ở Việt Nam


Một khảo sát do ActionAid tại Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu giới - gia đình và môi trường trong phát triển thực hiện với những nhóm đối tượng khác nhau cho thấy: có tới 87% phụ nữ và trẻ em gái được hỏi khẳng định đã từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng; có 53,7% nhân viên văn phòng và 59,5% công chức nhà nước từng bị quấy rối tình dục từ hai đến năm lần; có 89% nam giới và những người chứng kiến đã thấy các hành vi này. Bên cạnh đó, 40% người tham gia khảo sát đã từng chứng kiến các hành vi quấy rối các trẻ em gái vị thành niên, 47% trong số đó chứng kiến hành vi này lặp lại nhiều lần.


quay-roi-tinh-duc-hiem-hoa-can-ke-5.jpg


Quấy Rối Tình Dục Có Thể Ảnh Hưởng Như Thế Nào?


Về cảm xúc: Nạn nhân cảm thấy lo lắng, sợ hãi, xấu hổ, chán nản. Thậm chí, họ có thể bất lực và mất kiểm soát.


Sức khỏe tâm thần: Gây hoảng loạn, phiền muộn lâu dài, khó tập trung, rối loạn căng thẳng sau sang chấn. Thậm chí dễ dẫn đến lạm dụng chất gây nghiện gây ảo giác và có xu hướng tự sát.


Sức khỏe thể chất: Khiến nạn nhân đau đầu, đau lưng, rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống. Có nguy cơ bị thương trên cơ thể, có thai ngoài ý muốn, lây nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục nguy hiểm, đặc biệt là HIV/AIDS.


Khi Nào Quấy Rối Tình Dục Trở Thành Tấn Công Tình Dục?


Tấn công tình dục là hành vi bạo hành thể xác và khống chế, hành vi này không được thúc đẩy từ nhu cầu tình dục. Trên tất cả, tấn công tình dục là một tội ác. Thuật ngữ này bao gồm cả hiếp dâm.


Thủ phạm có thể ép nạn nhân thực hiện hành vi tình dục bằng nhiều cách, chúng phạm lờ sự phản kháng bằng lời nói - như yêu cầu “Không”, “Dừng lại” hoặc “Tôi không muốn” - hoặc chế ngự nạn nhân phản kháng thể xác. Cũng có khả năng kẻ tấn công sẽ đe dọa hoặc sử dụng vũ lực hay vũ khí để ép buộc nạn nhân.


Đặc biệt, thủ phạm vẫn có thể bị khép vào tội tấn công tình dục nếu nạn nhân không có khả năng đồng ý vì người đó say, bất tỉnh, đang ngủ, hay mất khả năng kiểm soát tinh thần hoặc thể chất.


Những kẻ thủ phạm không thể bào chữa trước các cáo buộc hiếp dâm bằng cách tuyên bố rằng họ đã say rượu hoặc bằng cách nói rằng họ đã kết hôn với nạn nhân.


*Hiếp dâm: Là sự thâm nhập, bất kể mức độ nhẹ, vào âm đạo hoặc hậu môn bằng bất kỳ bộ phận cơ thể hoặc đồ vật nào, hoặc xâm nhập bằng miệng bởi cơ quan sinh dục của người khác mà không có sự đồng ý của nạn nhân.


(Biểu tượng của #Metoo - phong trào chống quấy rối và bạo hành tình dục. #MeToo nhanh chóng lan rộng vào tháng 10 năm 2017 như một hashtag được sử dụng trên phương tiện truyền thông xã hội để giúp chứng minh sự phổ biến của nạn quấy rối và bạo hành tình dục, đặc biệt là tại nơi làm việc.)



Nếu Chuyện Xấu Xảy Ra, Bạn Nên Làm Gì?


Việc này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như tình trạng về sức khỏe và cảm xúc của bạn, tình hình xung quanh, và bản thân kẻ xâm phạm. Chỉ cần nhớ, không có giải pháp cố định và nhanh chóng, không có giải pháp nào đúng hay sai, mục tiêu đầu tiên là sự an toàn của bản thân.


Đảm bảo an toàn cho bản thân


Điều đầu tiên là bạn cần giữ bình tĩnh và đảm bảo sự an toàn cho bản thân khỏi kẻ tấn công.


Nếu bị tấn công trực tiếp, hãy cố gắng chạy thoát. La hét, gây tiếng ồn để ngăn kẻ tấn công đi theo. Sử dụng một cái còi để báo cho người khác biết bạn đang bị đe dọa.


Nói chuyện, làm những gì bạn có thể để làm gián đoạn hành vi quấy rối hoặc đánh lạc hướng kẻ quấy rối. Kéo dài thời gian, và đánh giá những lựa chọn. Nhưng cần đảm bảo rằng bạn không tự đặt mình vào nguy hiểm khi làm điều này. 


Bạn cần tránh xa kẻ tấn công càng sớm càng tốt, tìm đến nơi an toàn, tin cậy, không nên ở một mình và ở những nơi vắng vẻ. Nếu bạn đang ở một nơi xa lạ, hãy báo cảnh sát ngay lập tức.


Nếu kẻ tấn công có vũ khí, bạn không còn cách nào khác hơn là nghe theo. Làm bất cứ điều gì để tồn tại.


Nếu bạn quyết định chống lại, bạn phải làm nhanh, quyết liệt và hiệu quả. Nhắm vào mắt hoặc háng của kẻ tấn công.


Nhiều trường hợp, kẻ tấn công không chỉ xâm hại tình dục một lần mà thậm chí còn lặp đi lặp lại nhiều lần vì không bị vạch mặt, hoặc do kẻ đó ở gần nơi bạn sống và có nhiều cơ hội tiếp cận bạn. Bạn nên báo cảnh sát hoặc báo cho người thân để được bảo vệ nếu vẫn còn bất kỳ nguy hiểm nào đang rình rập.


Hoặc sẽ có trường hợp kẻ xâm hại tình dục sẽ có những hành vi đe dọa để bạn không dám tố cáo. Tốt nhất hãy tìm đến một nơi an toàn rồi báo công an và gia đình để được bảo vệ và giúp đỡ.

 

Lên tiếng về vụ việc


Bị quấy rối tình dục để lại một trải nghiệm kinh hoàng, tâm lý chung của nạn nhân thường là lo sợ và xấu hổ, vì vậy ai cũng muốn quên đi. Tuy nhiên, việc bị quấy rối, tấn công tình dục sẽ để lại nhiều hậu quả, bạn cần lên tiếng để được giúp đỡ xử lý các nguy cơ.


Quấy rối tình dục không phải là điều bạn cần phải tự mình giải quyết. Ở nơi làm việc, bạn nên trao đổi với giám đốc nhân sự - người có thể giúp bạn quyết định phải làm gì. Bạn cũng có thể nói chuyện với một người bạn hoặc thành viên gia đình đáng tin cậy về những gì đang xảy ra...


Bạn không đơn độc!


quay-roi-tinh-duc-hiem-hoa-can-ke-4.jpg


Lưu giữ bằng chứng


Ghi lại mọi thứ xảy ra, bao gồm cả thời điểm xảy ra, tên của bất kỳ người nào đã thấy những gì đã xảy ra và những gì bạn đã làm để cố gắng ngăn chặn nó.


Lưu giữ tin nhắn văn bản, bình luận trên mạng xã hội, ghi chú và email. Bằng chứng này có thể hữu ích nếu bạn khiếu nại.


Nếu bị tấn công tình dục (hiếp dâm...) bạn không nên tắm, vệ sinh vùng kín, chải tóc hoặc vứt bỏ quần áo cho tới khi được công an và nhân viên tư vấn yêu cầu. Bạn cũng không nên dọn dẹp bất kỳ thứ gì tại địa điểm bị tấn công để giúp các bác sĩ và nhân viên điều tra lưu giữ các bằng chứng và tìm ra thủ phạm. Cơ quan chức năng sẽ thu thập tóc, tinh dịch, sợi vải quần áo và các bằng chứng khác có thể giúp cung cấp danh tính của kẻ tấn công.


Tuân thủ điều trị y tế sau khi bị tấn công


Khi bị tấn công tình dục, bác sĩ sẽ nhanh chóng khám để phát hiện bất kỳ chấn thương nào trên cơ thể bạn do kẻ tấn công gây ra. Bạn cũng sẽ được điều trị các bệnh lây qua đường tình dục, HIV và được sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp trong vòng 72 giờ sau khi bị tấn công.


Vượt qua khủng hoảng 


Đừng bao giờ tự đổ lỗi cho bản thân. Hãy tâm sự với người thân hoặc bạn bè mà bạn tin tưởng để giải tỏa. Nếu cảm thấy trầm trọng hơn, bạn cần gặp bác sĩ tâm lý để điều trị các tổn thương tinh thần, vượt qua khủng hoảng khi bị quấy rối tình dục. Bạn xứng đáng được bảo vệ và chăm sóc.


Tổn thương về mặt tinh thần có thể lâu hồi phục và tạo thành nỗi sợ hãi lâu dài. Vì vậy, chính bản thân bạn cần nỗ lực rất lớn để vượt qua khủng hoảng. Bất cứ khi nào có các vấn đề tâm lý có liên quan tới chuyện bị xâm hại, bạn cần tìm sự hỗ trợ ngay lập tức.


Tìm kiếm hỗ trợ về pháp lý


Nếu bạn đang bị quấy rối ở cơ quan, trường học hoặc công ty, hãy tìm hiểu các chính sách và thủ tục để ngăn chặn và xử lý quấy rối tình dục. Các trường hợp còn lại, hãy báo cơ quan chức năng để được bảo vệ.


Tại Việt Nam, ngoài báo công an nơi gần nhất, bạn có thể gọi khẩn cấp tới:


112: đầu số yêu cầu trợ giúp và tìm kiếm cứu nạn trên phạm vi toàn quốc

113: đầu số gọi tới lực lượng cảnh sát


Trong trường hợp nạn nhân là trẻ em:


111: tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em

1800 1567: Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em 


Tìm kiếm môi trường sống an toàn


Trong trường hợp bác sĩ và công an không tìm đủ bằng chứng để kết tội kẻ đã tấn công thì vẫn có nguy cơ người đó sẽ có thể tìm cách trả thù hay lặp lại hành vi tấn công. Để bảo vệ an toàn cho bản thân, bạn nên tìm cách tránh nơi mình từng bị xâm hại.


Bạn hãy xem xét việc chuyển nhà, nơi làm việc tới nơi an toàn hơn. Tránh xa những nơi vắng vẻ, an ninh không đảm bảo và tránh sống một mình. Đây là cách tốt nhất để bạn bảo vệ thể chất và tinh thần của mình.



Bạn Có Thể Làm Gì Khi Chứng Kiến ​Quấy Rối Tình Dục?


Sự can thiệp của người ngoài cuộc là một trong những điều quan trọng giúp xử lý tình huống nguy cấp. Tuy nhiên, trong một vài tình huống nguy hiểm tới sức khỏe hoặc tính mạng, bạn có thể can thiệp theo cách phù hợp với mình, phù hợp với hoàn cảnh. Nếu bạn chọn giúp đỡ, hãy giúp người bị quấy rối có cơ hội thoát khỏi tình huống và tìm đến nơi an toàn. Đừng quên cả sự an toàn của chính bạn.


Tranh thủ sự giúp đỡ của những người khác. Nếu khó tiếp cận một mình, đặc biệt nếu bạn lo lắng về sự an toàn của bản thân hoặc không nghĩ rằng có thể tự làm một mình, hãy kêu gọi sự giúp đỡ của bạn bè và những người ở xung quanh. Sau đó liên hệ với cơ quan có thẩm quyền, đây là cách an toàn nhất cho cả bạn và người bị quấy rối.


Cuối cùng, xin đừng đổ lỗi hay phán xét, mà thay vào đó, hãy bảo vệ danh tính và tôn trọng nạn nhân bằng mọi giá.


Hãy cùng nhau lên tiếng để bảo vệ nạn nhân và xây dựng một xã hội lành mạnh, an toàn!

About the author

Một cô gái yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp

author

S. Reen

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!