Đã đến lúc coi việc làm từ thiện không chỉ còn theo “mùa vụ”, “hứng lên” thì làm, chúng ta cần hành động thiết thực để bảo vệ cả người đóng góp lẫn người nhận đóng góp từ thiện tốt hơn.
Lý do đầu tiên chúng ta bắt đầu luôn là vì muốn giúp đỡ người khác. Mọi sự đóng góp đều xuất phát từ mong muốn giúp xã hội tốt đẹp hơn. Ngay khi chứng kiến những vất vả, khổ đau, tôi tin rằng chúng ta không hề tính toán mà sẽ ngay lập tức quyên góp tiền để ủng hộ và chắc chắn, cũng không ai kịp tính đến hiệu quả của những hành động đó.
Thật đáng vui mừng bởi sự gia tăng số lượng người và tiền từ thiện đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều người coi sự cho đi và tình cảm con người là ưu tiên trong cuộc sống của họ.
Ở Việt Nam, từ thiện hầu hết đang ở hình thức tự phát, dùng tài sản cá nhân để quyên góp hoặc các cá nhân/ tổ chức đứng ra huy động ủng hộ từ số đông. Các hoạt động thường xuất phát từ những ý tưởng đến nhanh chóng, thiếu kế hoạch quản lý, kiểm soát tài chính, chỉ đơn giản là với lòng nhiệt huyết và sẵn sàng cho đi. Người dân ủng hộ tiền theo niềm tin yêu với người nổi tiếng, không có một thỏa thuận nào về việc sử dụng tiền quyên góp, còn nghệ sĩ cũng chỉ biết nhận mà không có một phương án điều phối nguồn tiền rõ ràng.
Và lùm xùm thường cứ thế xảy ra. Bởi bên cạnh trái tim luôn còn có lý trí, khi đã qua cơn xúc động chúng ta sẽ phân tích thông tin kỹ hơn. Hẳn, bạn hay tôi, ai cũng muốn biết chính xác tiền của mình đang đi đâu, số tiền đó đang giúp đỡ bao nhiêu người và thậm chí, những kế hoạch xa hơn nữa trong tương lai.
Đã có không ít những vụ việc xảy ra với nguyên nhân và cách làm giống nhau nhưng dường như chưa có nhiều người rút ra được kinh nghiệm. Nam MC nổi tiếng P.A từng chịu nhiều điều tiếng sau khi kêu gọi số tiền quyên góp lên tới hàng tỷ đồng. Cái sai của anh là không thể giải trình chính xác số tiền được nhận đã được gửi tới tay bà con ra sao. Không cá nhân hay tổ chức nào đứng lên yêu cầu kiểm kê chi tiết, không có luật pháp nào giải quyết những băn khoăn của công chúng nói chung và những người đóng góp nói riêng. Nữ ca sĩ nổi tiếng T.T thậm chí còn gây ồn ào hơn, bởi số tiền cô nhận được đã lên tới con số kỷ lục - 100 tỷ đồng. Sau khi nhận về phản ứng tiêu cực từ người dân, T.T đã nhanh chóng làm việc với địa phương, công khai hình ảnh cứu trợ trong mỗi chuyến đi giúp cô thoát khỏi cơn bủa vây của dư luận. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về cách quản lý tài chính thiếu chính xác của cô.
Gần đây nhất, vụ việc của danh hài H.L đã khiến sự nghiệp gây dựng 30 năm của anh chao đảo trong phút chốc. Chúng ta chưa có đủ bằng chứng xác thực để bàn về mục đích phía sau sự việc. Nhưng có một điều chắc chắn nhất là H.L đã sai khi không công khai rõ ràng minh bạch, không đảm bảo được tính kịp thời của tiền cứu trợ. Điều này gây bức xúc lớn bởi người quyên góp tiền từ thiện luôn mong muốn đồng tiền mình góp được sử dụng đúng mục đích và đúng cả thời điểm.
Sự việc của H.L một lần nữa cho thấy công tác từ thiện tự phát ở nước ta trực tiếp ảnh hưởng tới lợi ích của các cá nhân góp tiền và cũng không bảo vệ được uy tín của chính cá nhân người huy động đặc biệt khi họ gặp rủi ro trong quá trình sử dụng các khoản đóng góp.
Dù hiện nay đã có những cơ sở pháp lý quan trọng về quản lý sử dụng tiền từ thiện như Nghị định 64/2008/NĐ-CP... nhưng vẫn tồn tại nhiều bất cập. Đã đến lúc cần tính đến những giải pháp vững chắc và dài hạn như chuyên nghiệp hóa hoạt động cứu trợ, hình thành các tổ chức tổ chức từ thiện điều hành và hoạt động chuyên nghiệp … nhằm đảm bảo lợi ích cho cả người đứng ra kêu gọi quyên góp và người đóng góp.
Chữ “tâm” vẫn là thứ quan trọng nhất, nhưng cần có pháp luật để bảo vệ tấm lòng và niềm tin của tất cả chúng ta.
Đứng ở vị trí người đóng góp ủng hộ, bạn và tôi cần sáng suốt lựa chọn các tổ chức, quỹ và chương trình từ thiện do Nhà nước hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp phép đứng ra tổ chức. Hãy cảnh giác trước những kêu gọi ủng hộ từ thiện trên mạng xã hội, thận trọng tìm hiểu, kiểm chứng kỹ các thông tin đăng tải; yêu cầu công khai, minh bạch thông tin về người cần giúp đỡ, mục đích và quá trình giải ngân tiền cứu trợ. Trong trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo ngay cho cơ quan Công an để kịp thời xử lý.
Và trên hết, chúng ta cần nhớ rằng “Của cho không bằng cách cho”, từ thiện phát triển thường là quá trình lâu dài nhằm cải thiện đời sống và khả năng tự phát triển của nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương chứ không chỉ là hoạt động nhanh chóng trong một vài sự kiện khẩn cấp.
About the author
S. Reen