Đồ trang sức không phải lúc nào cũng lấp lánh. Bụi bẩn, mỹ phẩm hay thậm chí cả mồ hôi, không khí và độ ẩm có thể làm những món đồ yêu thích của bạn bị xỉn màu theo thời gian và cướp đi vẻ đẹp của chúng. May mắn thay, bạn có thể làm sạch đồ trang sức của mình mà không cần phải mang đến thợ chuyên nghiệp, ngay cả với những món đồ tinh xảo và đắt tiền.
Đọc tiếp hướng dẫn đơn giản nhưng hiệu quả của chúng tôi về cách làm sạch đồ trang sức.
Cách làm sạch trang sức vàng, bạc
Nếu tìm kiếm nhanh trên Google, chắc chắn bạn sẽ tìm thấy rất nhiều mẹo và lời khuyên về cách loại bỏ vết xỉn màu khỏi trang sức vàng và bạc, nhưng bạn nên cẩn thận vì một số kỹ thuật này có thể gây hại nhiều hơn là có lợi. Tốt nhất là tránh xa các sản phẩm có hóa chất mạnh hoặc mài mòn. Rachel Fix là người sáng lập R.Chiara (New York) và là nhà thiết kế trang sức được Viện Đá quý Hoa Kỳ chứng nhận, chia sẻ: “Bàn chải đánh răng mềm, xà phòng rửa chén dịu nhẹ và nước ấm là người bạn tốt nhất của trang sức”.
Đơn giản và an toàn nhất, bạn hãy làm theo các bước sau:
- Cho trang sức ngâm trong dung dịch có vài giọt xà phòng rửa chén và một ít nước ấm. Đặt những món đồ trang sức nhỏ vào lưới lọc trước khi cho vào dung dịch, những trang sức lớn có thể cho trực tiếp vào bát để ngâm.
- Sau 5 phút lấy chúng ra, đặt chúng trên một miếng vải mềm và dùng bàn chải đánh răng mềm (bàn chải đánh răng có lông cứng hoặc trung bình có thể dễ dàng làm xước các đồ trang sức) quét qua các kẽ hở và mắt xích để loại bỏ bụi bẩn mắc kẹt ở đó.
- Đặt những món đô nhỏ lại vào lưới lọc và rửa sạch mọi thứ dưới vòi nước chảy. Tốt nhất là nước có cùng nhiệt độ với dung dịch tẩy rửa của bạn. Thay đổi nhiệt độ có thể gây nguy hại tới trang sức.
- Lau khô bằng vải mềm.
Đồ trang sức đeo thường xuyên nên được làm sạch ít nhất hàng tháng hoặc thường xuyên hơn nếu lớp sơn bắt đầu trông xỉn màu. Làm sạch tất cả các loại đồ trang sức bằng kim loại ngay lập tức nếu chúng tiếp xúc với quá nhiều bụi bẩn, dầu mỡ hoặc hóa chất mạnh như thuốc tẩy clo.
Ảnh: Thespruce
Cách làm sạch trang sức đá quý
Hầu hết các chất tẩy rửa đồ trang sức được chuẩn bị sẵn trên thị trường đều an toàn, nhưng hãy cẩn thận với những loại có chứa amoniac.
Bạn cũng có thể sử dụng xà phòng rửa chén cho hầu hết các trang sức đá quý và tinh thể. McKenzie Santimer, nhà quản lý và thiết kế bảo tàng tại Viện Đá quý Hoa Kỳ cho biết: “Hầu hết đồ trang sức, dù là kim cương hay thạch anh hồng, đều có thể được làm sạch một cách an toàn bằng nước rửa chén và nước ấm”.
Đối với đồ trang sức bằng đá quý cứng, hãy chà nhẹ nhàng bằng bàn chải đánh răng lông mềm. Nếu bạn đang làm sạch một viên đá có ngạnh, hãy đảm bảo chà sạch viên đá quý từ mỗi bên, đưa các sợi lông mềm dẻo vào tất cả các ngóc ngách nơi kem chống nắng, kem dưỡng da và các kẻ thù khác của sự lấp lánh có xu hướng tích tụ. Rửa sạch, sau đó lau khô bằng vải sợi nhỏ.
Nhưng hãy nhớ rằng đá quý và đá bán quý (ví dụ: ngọc lục bảo, ngọc bích, thạch anh tím, ngọc lưu ly) có thể bị nứt nếu nước quá nóng. Nếu bạn thấy nước bốc hơi, hãy để nó nguội một chút trước khi ngâm.
Ảnh: istock
Còn phương pháp làm sạch trang sức bằng sốt cà chua và kem đánh răng thì sao?
Bạn có thể tìm thấy vô số thông tin về cách làm sạch với 2 sản phẩm sẵn có này. Sốt cà chua thường được trích dẫn là “không ăn mòn và tính axit nhẹ của nó phản ứng với các bề mặt bị oxy hóa để hòa tan vết xỉn màu”. Để sử dụng phương pháp này, hãy nhúng đồ trang sức của bạn vào một bát nhỏ sốt cà chua, sau đó để yên trong 15 phút đến một giờ. Rửa sạch sốt cà chua trong hỗn hợp nước ấm và xà phòng rửa chén, sau đó rửa sạch và lau khô bằng vải sợi nhỏ.
Chúng tôi cũng đã thử dùng kem đánh răng và thấy hiệu quả tương đương. Chọn loại kem đánh răng có đặc, ít mài mòn, không có thêm chất làm trắng. Rửa sạch đồ trang sức của bạn trong nước, sau đó phết một lớp mỏng kem đánh răng lên bề mặt của nó, nhẹ nhàng chà xát bằng miếng bọt biển hoặc vải sợi nhỏ. Để yên trong vài phút, sau đó rửa kỹ kem đánh răng và đánh bóng bằng vải sạch.
Tuy nhiên, đó là thử nghiệm với các loại trang sức rẻ tiền. Các chuyên gia cảnh báo rằng hãy chỉ sử dụng chúng, đặc biệt là thủ thuật kem đánh răng, cho những trường hợp khẩn cấp.
Đặc biệt, bạn cũng đừng bị cám dỗ bởi chất tẩy rửa có tính axit như giấm hoặc baking soda bởi chúng có thể mài mòn, làm hỏng một số kim loại và đá.
Làm thế nào để làm sạch ngọc trai?
Vì xốp nên ngọc trai bám bụi bẩn và dễ dàng mất đi độ bóng. Cho dù là ngọc trai thật, nuôi cấy hay giả, bạn phải làm sạch chúng cẩn thận. Quy tắc số một: Không bao giờ ngâm ngọc trai. Santimer nói: “Chúng chỉ nên được làm sạch bằng một miếng vải sợi nhỏ và một ít nước. Không bao giờ sử dụng chất tẩy rửa hóa học — clo, amoniac, hydro peroxide và axit axetic (axit trong giấm … và nước sốt cà chua) đặc biệt gây hại".
Đối với ngọc trai, cần một chút thận trọng hơn, bởi chúng nhạy cảm với hóa chất trong nước hoa và mỹ phẩm. Tất cả các chuyên gia đều khuyên bạn, “last on, first off” - Ngọc trai nên là món đồ cuối cùng bạn đeo trước khi ra ngoài và là món đồ đầu tiên bạn cởi ra trước khi chuẩn bị đi ngủ vào ban đêm.
Bảo quản trang sức đúng cách
- Tháo nhẫn và trang sức khi rửa tay, thoa sản phẩm làm đẹp, lau nhà hoặc thoa kem dưỡng da để giữ chúng không bị bám bẩn. Và xức nước hoa trước — không phải sau — đeo dây chuyền, vòng tay và hoa tai.
- Không đeo đồ trang sức khi bơi - clo và nước mặn có thể làm hỏng đồ trang sức.
- Đừng để bạc nằm yên trong hộp trang sức của bạn - hãy đeo thường xuyên, vì càng đeo bạc sẽ càng sáng bóng. Khi không sử dụng, hãy cất các món đồ trong túi chống xỉn màu.
- Tránh ánh nắng trực tiếp. Santimer nói: “Giống như ánh nắng mặt trời làm hỏng làn da của chúng ta, nó có thể làm hỏng đá quý của bạn. Một số loại đá, như thạch anh tím, đặc biệt nhạy cảm với ánh sáng và bị mất màu khi tiếp xúc với tia cực tím trong thời gian dài, và những loại đá khác được xử lý hoặc nhuộm cũng bị phai màu dưới ánh sáng mặt trời. Nhiệt cũng có thể ảnh hưởng đến đá quý của bạn".
- Cẩn trọng với độ ẩm. Bạc nếu được bảo quản trong môi trường ẩm ướt sẽ nhanh bị xỉn màu hơn. Để loại bỏ độ ẩm, bạn nên niêm phong đồ trang sức bằng bạc trong túi nhựa có kèm theo gói hút ẩm. Mặt khác, một số loại như ngọc trai và opal cần độ ẩm, Santimer nói nếu cất giữ quá lâu trong hộp cũng không phải là cách hay vì không khí khô không được lưu thông sẽ làm ngọc xuất hiện các vết rạn nhỏ trên bề mặt.
- Để tránh trầy xước và bị rối, bạn nên cất riêng đồ trang sức trong những túi riêng biệt.
- Thường xuyên kiểm tra đồ trang sức có giá trị bởi một thợ kim hoàn có uy tín để đảm bảo rằng những viên đá ở trong tình trạng tốt và có thể nhờ họ làm sạch sâu trang sức của bạn.
Cuối cùng, đồ trang sức được tạo ra để đeo và mang lại niềm vui. Chúc bạn sẽ luôn tươi sáng, lấp lánh như những món đồ quý giá này!
About the author

S. Reen