Kỷ luật tích cực, không bạo lực theo từng lứa tuổi của trẻ

MẸ & BÉ

Kỷ luật tích cực, không bạo lực theo từng lứa tuổi của trẻ

authorBy S. Reen
Share on
Share on
Kỷ luật tích cực, không bạo lực theo từng lứa tuổi của trẻ

Kỷ luật tích cực và công bằng giúp trẻ trưởng thành cả về cảm xúc và nhận thức.


Khi bạn to tiếng quát mắng con bạn sẽ cho rằng hung hăng là một cách giao tiếp được chấp nhận. Tương tự, khi đánh đòn con, bạn sẽ dạy con bạn rằng đánh đòn là một cách tốt để kỷ luật, con bạn sẽ coi bạo lực là điều bạn nên làm để giải quyết vấn đề hoặc xung đột.


Các nhà nghiên cứu tại Đại học Pittsburgh, Mỹ đã phát hiện ra rằng việc sử dụng kỷ luật bằng lời nói thô bạo, bao gồm la hét, chửi bới hoặc lăng mạ, có thể gây tổn hại cho trẻ em ngang với hành động đánh đòn. Họ cũng chỉ ra rằng những đứa trẻ từng trải qua kỷ luật bằng lời nói khắc nghiệt từ cha mẹ có nhiều khả năng bị trầm cảm hoặc có biểu hiện chống đối xã hội hay có các vấn đề về hành vi ứng xử.


Hãy tự hỏi bản thân xem chỉ 1 vài phút mất kiểm soát của bạn sẽ biến con thành đứa trẻ ương bướng, không nghe lời - điều đó có đáng không?


Tất nhiên, đôi khi kỷ luật là điều cần thiết, nhưng hãy tìm ra đúng cách tích cực nhé!


ky-luat-tich-cuc-theo-tung-lua-tuoi-1.jpg


Kỷ Luật Phù Hợp Với Từng Lứa Tuổi


Nuôi dạy con là hành trình đầy thách thức và đòi hỏi sự kiên nhẫn. Ngay từ thời kỳ sơ sinh, cha mẹ đã có thể đặt ra khuôn khổ phù hợp để luyện cho con khả năng thích nghi với hoàn cảnh. Khi con lớn dần, các hình thức kỷ luật cũng sẽ phát triển theo. Nhưng hay luôn nhớ kỷ luật phải được xây dựng trên nền tảng yêu thương, tin cậy, tôn trọng và phù hợp với giai đoạn phát triển của trẻ.


Kỷ luật tích cực tập trung vào các giải pháp, dạy cả cha mẹ và con cái cách lắng nghe, thấu hiểu. Kỷ luật tiêu cực không coi trọng suy nghĩ của đứa trẻ. Khi cảm xúc của con bị lờ đi, trẻ sẽ tìm ra nhiều cách tiêu cực hơn để thu hút sự chú ý và để thỏa mãn nhu cầu.


Khi bị kỷ luật tiêu cực, một đứa trẻ bị xấu hổ vì những sai lầm của mình, con không được học cách giải phóng cảm xúc một cách đúng đắn hoặc được hỗ trợ để cải thiện hành vi của mình.


Trẻ sơ sinh đến 1 tuổi


Vì trẻ chưa đủ lớn để hiểu những lời chỉ dẫn đơn giản, hãy vừa nói vừa minh họa bằng hành động. Ví dụ, nếu con cho đồ chơi vào miệng, hãy nói “Không” với thái độ cương quyết. Sau đó, đánh lạc hướng bằng hoạt động khác và ở bên con để bé không thấy sợ vì bị bỏ rơi.  


Khen ngợi và thưởng cho những hành vi tốt.


ky-luat-tich-cuc-theo-tung-lua-tuoi-4.jpg


Trẻ 1-2 tuổi


Ở giai đoạn đầu mới biết đi, trẻ muốn khám phá thế giới vật chất và khả năng thực hiện ý muốn của mình so với ý muốn của người khác là điều bình thường và cần thiết. Do đó, cha mẹ cần khoan dung với con. 


Các biện pháp can thiệp có kỷ luật là cần thiết để đảm bảo an toàn cho trẻ, hạn chế sự hung hăng và ngăn chặn hành vi phá hoại. Cảnh báo con bằng từ “Không” hoặc một lời giải thích rất ngắn gọn khác như “Không được, nóng đấy” và chuyển hướng trẻ đến một hoạt động thay thế. Cha mẹ nên ở bên con vào những thời điểm đó để giám sát và đảm bảo rằng hành vi đó không tái diễn, đồng thời cũng để con hiểu rằng dù bị thế nào cha mẹ vẫn thương yêu mình. 


Trẻ 2-3 tuổi


Giai đoạn này nổi tiếng với “khủng hoảng tuổi lên 2, lên 3”. Trẻ tiếp tục khám phá thế giới và thể hiện sự độc lập của bản thân. Đôi khi không kiểm soát được con sẽ bộc phát sự thiếu kiên nhẫn, nóng nảy. Điều này không phải lúc nào cũng có nghĩa là con đang tức giận hoặc cố ý thách thức. Cha mẹ cần có sự đồng cảm, nhận ra ý nghĩa của những biểu hiện này. Đồng thời, tiếp tục giám sát, đặt ra các giới hạn phù hợp với con. 


Cha mẹ nên giải thích và trấn an bằng lời nói đơn giản. Trẻ nên được chuyển hướng đến một số hoạt động khác và được hướng dẫn cụ thể.


Ví dụ: Trẻ lên cơn giận dữ ở siêu thị. Đưa trẻ ra khỏi nơi có hành vi sai trái. Ôm và dỗ dành cho đến khi trẻ kiểm soát được. Đưa ra một hướng dẫn ngắn gọn bằng lời nói hoặc làm mẫu về cách hành xử bạn mong đợi.


ky-luat-tich-cuc-theo-tung-lua-tuoi-2.jpg


Trẻ mẫu giáo (3-5 tuổi)


Ở độ tuổi từ 3-5 tuổi, hầu hết trẻ em đều đáp ứng tốt với những giới hạn được đặt ra. Bé có thể dễ dàng làm theo chỉ dẫn và học theo cách cư xử của cha mẹ, thầy cô. Vì vậy cần có sự rõ ràng và nhất quán trong cách giáo dục của những người trong gia đình (bố mẹ và ông bà) cũng như ở trường. Khen ngợi khi bé làm việc tốt để khuyến khích và củng cố hành vi này. 


Trẻ vẫn cần được giám sát để thực hiện các chỉ dẫn đúng đắn và để đảm bảo an toàn. 


Có thể áp dụng biện pháp phạt "Time-out" nếu bé mất kiểm soát. Đây là cách cho trẻ thời gian một mình suy nghĩ, cách ly tạm thời với môi trường nơi diễn ra hành vi không phù hợp. Cha mẹ có thể chọn cho con một chỗ ngồi yên tĩnh như một chiếc ghế ở góc phòng, tránh bị ảnh hưởng bởi âm thanh của tivi hay các trò giải trí.


Thời gian time-out bằng với tuổi của trẻ (chẳng hạn bé 3 tuổi cần thời gian time-out 3 phút) và tối đa là 5 phút.


Không cằn nhằn, giải thích với con khi time-out. Sau khi kết thúc thời gian phạt, hãy cư xử với bé như bình thường và giải thích cho con về mọi thứ.


Ví dụ: Trẻ vẽ lên tường bằng bút màu. Sử dụng hình phạt time-out để con suy nghĩ về hành vi sai trái. Cân nhắc sử dụng các hệ quả hợp lý như tạm thời tịch thu bút màu và để trẻ dọn dẹp đống lộn xộn để dạy con về trách nhiệm.


ky-luat-tich-cuc-theo-tung-lua-tuoi-5.jpg


Trẻ em trong độ tuổi đi học (6-12 tuổi)


Trong giai đoạn này, con bạn trở nên tự chủ, độc lập hơn, chúng muốn tự lựa chọn các hoạt động riêng. Cha mẹ có thể giám sát, làm gương và cương quyết khi áp dụng các biện pháp kỷ luật. Hãy cho con cơ hội để bày tỏ cảm xúc, giải thích quan điểm và ý kiến ​​của chúng. Cho con bạn lựa chọn để cùng nhau giải quyết các vấn đề liên quan đến hành vi của chúng. Tuy nhiên với các vấn đề quan trọng, cha mẹ vẫn là người quyết định cuối cùng.


Lời khen và sự tán thành nên được sử dụng phù hợp, không nên lạm dụng


Các biện pháp kỷ luật phù hợp có thể được bao gồm thu hồi hoặc trì hoãn các đặc quyền (ví dụ không được xem TV trong 1 ngày), tự chịu trách nhiệm trước các hậu quả và time-out.


Ví dụ: Trẻ phá hỏng đồ đạc. Thay vì thay thế những đồ chơi này, hãy để đứa trẻ tìm hiểu những hệ quả hợp lý. Phá hủy đồ chơi sẽ dẫn đến không có đồ chơi để chơi cùng.


ky-luat-tich-cuc-theo-tung-lua-tuoi-3.jpg


Thanh thiếu niên (13 tuổi đến 18 tuổi)


Xung đột giữa cha mẹ và con cái thường xuyên xảy ra vì đây là độ tuổi trẻ thích nghe theo nhóm bạn đồng trang lứa, cái tôi cao hơn - thách thức các giá trị và quy tắc của gia đình, đồng thời tạo khoảng cách với cha mẹ. Cha mẹ hãy đối mặt với những khó khăn này bằng cách đặt ra những giới hạn, cư xử kiên định, tôn trọng con... Tăng cường trò chuyện, chia sẻ với con. Tránh chì chiết, cằn nhằn hoặc dằn vặt con bằng những điều tiêu cực. Kỷ luật đánh đòn trẻ vị thành niên là không phù hợp nhất.


Bất chấp thái độ và sự tự lập đầy thách thức, thanh thiếu niên vẫn muốn/cần có sự hướng dẫn và chấp thuận của cha mẹ. Kiểm tra sát sao việc tuân thủ các quy định và yêu cầu con phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình. 


ky-luat-tich-cuc-theo-tung-lua-tuoi-6.jpg


Các Lưu Ý Khi Dạy Con


- Khi bạn cảm thấy mất kiểm soát, hãy dành vài phút hít thở để lấy lại bình tĩnh. Sau đó, hãy ngồi xuống nói chuyện và yêu cầu trẻ chú ý. Nói một cách bình tĩnh và rõ ràng lý do tại sao bạn không hài lòng với hành vi của con và mong muốn cũng như hướng dẫn con cải thiện trong tương lai. 

- Tránh dọa dẫm suông và kiên trì với các biện pháp kỷ luật.. Ví dụ, nói với con rằng nếu không dọn đồ chơi, bạn sẽ cất chúng đi cho tới ngày mai. Đừng nhượng bộ bằng cách trả lại sau vài phút. Nhưng hãy nhớ rằng đừng bao giờ lấy đi thứ mà con bạn thực sự cần, chẳng hạn như một bữa ăn. Những hậu quả có hiệu quả với một đứa trẻ có thể không hiệu quả với đứa trẻ khác.

- Hiểu và chấp nhận hành vi phù hợp với lứa tuổi. Vô tình làm đổ cốc nước là hành vi bình thường của trẻ mới biết đi. Mặt khác, một đứa trẻ không chịu đội mũ bảo hiểm đi xe đạp sau nhiều lần được cảnh báo là cố tình thách thức.

- Đặt ra giới hạn hợp lý. Có những quy tắc rõ ràng và nhất quán mà con bạn có thể tuân theo. Đảm bảo giải thích các quy tắc này bằng các thuật ngữ phù hợp với lứa tuổi mà con có thể hiểu được.

- Luôn nhớ không để xảy ra các hành vi bạo hành trẻ kể cả bằng bạo lực hay bằng lời nói, đặc biệt trước mặt mọi người. 

- Bày tỏ tình yêu và sự tin tưởng với trẻ sau khi áp dụng hệ quả. Như vậy con sẽ hiểu việc cha mẹ làm là nhắm tới hành vi không mong muốn chứ không phải bản thân trẻ.

- Hãy luôn kiên nhẫn và lắng nghe con một cách chân thành. 

About the author

Một cô gái yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp

author

S. Reen

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!