Bạn đã từng nếm nước mắt của chính mình và nhận ra rằng có vị mặn của muối trong đó? Nhưng có lẽ bạn cũng không nhận ra rằng nước mắt còn chứa đựng nhiều thứ nhiều hơn thế và mỗi thành phần đều phục vụ những mục đích riêng.
Hãy cùng tìm hiểu xem nước mắt là gì, cách chúng hoạt động cùng những sự thật đáng ngạc nhiên nhé!
Nước mắt chủ yếu là nước
Nước mắt có cấu trúc tương tự như nước bọt. Chúng chủ yếu được làm từ nước, nhưng cũng chứa muối, dầu béo và hơn 1500 loại protein khác nhau. Các chất điện giải trong nước mắt bao gồm:
- Natri - làm nước mắt có vị mặn đặc trưng
- Bicacbonat
- Clorua
- Kali
Nước mắt cũng chứa một lượng nhỏ magie và canxi nữa.
Cùng với nhau, tất cả những thành phần này tạo nên 3 lớp riêng biệt trong nước mắt của bạn:
- Lớp nhầy giúp kết dính lớp nước mắt với mắt
- Lớp nước - lớp dày nhất - làm ẩm, ngăn vi khuẩn và bảo vệ giác mạc của bạn
- Lớp dầu ngăn không cho các lớp khác bay hơi và cũng giữ bề mặt nước mắt mịn để bạn có thể nhìn xuyên qua
Không phải tất cả nước mắt đều giống nhau
Bạn có 3 loại nước mắt khác nhau:
Nước mắt nền: Được tiết ra mỗi khi chúng ta chớp mắt. Chúng có tác dụng duy trì độ ẩm, bảo vệ mắt khỏi các bụi bẩn và các vật thể nhỏ.
Nước mắt phản xạ: Nước mắt được tiết ra khi mắt bạn tiếp xúc với các chất gây kích ứng, như khói hay hành tây khi thái.
Nước mắt cảm xúc: Chúng được tạo ra khi bạn buồn, vui hoặc những cảm xúc mãnh liệt khác
Chảy nước mắt là dấu hiệu của hội chứng khô mắt
Hội chứng khô mắt là một tình trạng phổ biến xảy ra khi lượng nước mắt không đủ hoặc không chất lượng để bôi trơn mắt của bạn. Hội chứng này có thể khiến mắt bạn bị cộm hoặc khô.
Nghe có vẻ kỳ quặc, nhưng khô mắt lại gây ra hiện tượng chảy nước mắt - đây là một phản ứng của mắt đối với sự khó chịu. Một số nguyên nhân gây ra chứng khô mắt là do không khí khô, do gió hay mỏi mắt khi nhìn màn hình máy tính trong thời gian dài.
Hãy khóc bất cứ khi nào bạn muốn - nước mắt sẽ không bao giờ cạn đâu
Theo Viện nhãn khoa Hoa Kỳ (AAO), bạn tiết từ 56 - 113 lít nước mắt mỗi năm. Nước mắt được sản xuất bởi tuyến lệ nằm phía trên mắt. Nước mắt lan rộng trên bề mặt của mắt khi bạn chớp mắt. Sau đó, chúng chảy vào các lỗ nhỏ ở các góc của mi trên và mi dưới, sau đó đi qua các kênh nhỏ và đi xuống ống dẫn nước mắt thông đến mũi.
Mặc dù quá trình sản xuất nước mắt có thể bị chậm lại do một số yếu tố nhất định như sức khỏe hay sự lão hóa, nhưng bạn sẽ chẳng bao giờ hết nước mắt được cả.
Chúng ta tiết nước mắt ít hơn khi già đi
Bạn càng lớn tuổi càng tiết ra ít nước mắt hơn. Đó là lý do tại sao bệnh khô mắt phổ biến hơn ở người lớn tuổi. Điều này đặc biệt đúng với phụ nữ sau khi mãn kinh do thay đổi nội tiết tố.
Khí “khó chịu” là lý do hành tây khiến bạn phát khóc
Syn-propanethial-S-oxide là khí khiến bạn chảy nước mắt khi thái hành. Quá trình hóa học tạo ra khí này khá phức tạp, nhưng cũng rất thú vị.
Hãy cùng tìm hiểu nhé:
- Lưu huỳnh trong đất nơi hành tây mọc sẽ kết hợp với hành tây để tạo ra các sunfua amin, biến thành một loại khí bảo vệ hành tây đang phát triển khỏi các loại sinh vật đang tìm kiếm đồ ăn.
- Khí này kết hợp với các enzym của hành tây được giải phóng khi cắt nhỏ, tạo ra axit sulfenic.
- Axit sunfat phản ứng với các enzym của hành tây và tạo ra syn-propanethial-S-oxit - gây kích ứng mắt của bạn.
Đôi mắt tiết ra nước mắt để bảo vệ mắt chống lại các chất kích ứng này. Đó là cách và lý do tại sao hành tây khiến bạn “phát khóc”.
Không chỉ mỗi hành tây mới khiến bạn chảy nước mắt
Bất cứ điều gì gây kích ứng mắt đều có thể khiến tuyến lệ tiết ra nước mắt. Một số người nhạy cảm với chất kích thích hơn những người khác. Và ngoài hành tây, mắt bạn cũng có thể chảy nước mắt do:
- Mùi mạnh - như nước hoa
- Đèn sáng
- Bụi bặm
- Nôn mửa
- Hóa chất - như các chất tẩy rửa
- Sử dụng thiết bị điện tử trong thời gian dài
- Đọc chữ quá nhỏ hoặc đọc trong thời gian dài
Nước mắt chảy xuống cả mũi và cổ họng của bạn
Mắt và mũi của bạn được kết nối với nhau. Khi tuyến lệ tiết nước mắt, chúng sẽ chảy xuống qua ống dẫn nước mắt, còn được gọi là ống dẫn lệ. Điều này làm nước mắt chảy xuống qua xương mũi vào mũi và xuống cổ họng. Khi bạn khóc, mắt tiết ra nước mắt, nước mắt hòa lẫn với chất nhầy trong mũi. Và đó là lý do khiến bạn chảy cả nước mũi khi khóc.
Nước mắt cảm xúc rất hữu ích
Nguồn gốc của những giọt nước mắt cảm xúc được cho là bị ảnh hưởng bởi các yếu tố sinh học, xã hội và tâm lý. Một số nhà nghiên cứu tin rằng khóc là một tín hiệu được phát ra để nhận được sự trợ giúp từ người khác khi bạn đang đau đớn, buồn bã hoặc cảm xúc đang lên tới tột độ. Thông thường, khi bạn khóc, mọi người xung quanh sẽ quan tâm, điều đó khiến bạn thấy dễ chịu hơn.
Ngoài ra, những giọt nước mắt xúc động còn chứa protein và hormone - những thứ không có trong các loại nước mắt khác - có tác dụng thư giãn hoặc giảm đau, giúp điều hòa cơ thể và khiến cơ thể về lại trạng thái bình thường.
Ngay cả khi dù bạn không rơi nước mắt do xúc động, việc khóc cũng đem lại rất nhiều lợi ích cho cơ thể.
Nước mắt chứa đựng những thông điệp mà người khác có thể giải mã được
Khóc gửi đến những tín hiệu về mặt hình ảnh. Khi bạn thấy ai đó khóc, đó là dấu hiệu cho thấy họ đang cảm thấy buồn hoặc đau khổ. Một nghiên cứu khác còn phát hiện ra rằng những giọt nước mắt khi chúng ta khóc cũng gửi tín hiệu về mặt khứu giác, khiến người khác cảm nhận được mùi dù thật sự nước mắt không hề có mùi.
Nước mắt cá sấu là có thật
Thuật ngữ “nước mắt cá sấu” được sử dụng để mô tả một người đang giả vờ khóc. Có nguồn gốc từ một huyền thoại cá sấu khóc khi ăn thịt người, từ cuốn sách “Chuyến du hành thám hiểm của ngài John Mandeville” xuất bản năm 1400.
Và theo một nghiên cứu năm 2007, cá sấu thực sự đã khóc khi chúng ăn. Khi được ăn, cá sấu đã rơi nước mắt, mặc dù lý do cũng những giọt nước mắt này vẫn chưa được tìm ra nguyên do.
Trẻ sơ sinh không tiết ra nước mắt khi khóc
Trẻ sơ sinh không tiết ra nước mắt khi khóc vì tuyến lệ của trẻ chưa phát triển đầy đủ. Chúng có thể khóc không ra nước mắt trong suốt tháng đầu tiên của cuộc đời.
Khóc khi ngủ cũng hoàn toàn có thật
Mặc dù xảy ra thường xuyên hơn ở trẻ sơ sinh và trẻ em, nhưng mọi lứa tuổi đều có thể khóc khi ngủ. Những lý do gây ra điều này bao gồm:
- Ác mộng
- Nỗi buồn
- Sự phiền muộn
- Căng thẳng và lo lắng
- Các cơn đau mãn tính
- Dị ứng
Động vật cũng rơi nước mắt, nhưng không liên quan đến cảm xúc
Động vật cũng tiết ra nước mắt để bôi trơn và bảo vệ mắt giống như con người. Mặc dù vậy, chúng chỉ rơi nước mắt khi đối mặt với chất kích thích hoặc bị thương nhưng chúng không thể tiết ra nước mắt khi xúc động giống con người.
Phụ nữ khóc nhiều hơn đàn ông
Không ai biết chính xác tại sao phụ nữ có thể khóc nhiều hơn nam giới. Nó có thể liên quan đến việc đàn ông có ống dẫn nước mắt nhỏ hơn và nước mắt cảm xúc có chứa prolactin - một loại hormone thúc đẩy sản xuất sữa mẹ. Phụ nữ có lượng prolactin nhiều hơn 60% so với đàn ông.
Không thể kiểm soát được nước mắt khi chúng chảy ra
Pseudobulbar affect (PBA) là một tình trạng có thể gây ra nước mắt mà không gì có thể kiểm soát được. Hiện tượng đặc trưng này xảy ra trong các giai đoạn khóc hoặc cười đột ngột mà không kiểm soát được. Nhiều người cười thành nước mắt.
PBA thường ảnh hưởng đến những người mắc một số tình trạng thần kinh hoặc chấn thương làm thay đổi cách não kiểm soát cảm xúc. Ví dụ như đột quỵ, bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson và bệnh đa xơ cứng (MS).
Thiếu nước mắt có thể gây hại nghiêm trọng cho đôi mắt
Nước mắt giữ cho bề mặt mắt của bạn mịn và trong, đồng thời bảo vệ mắt khỏi nhiễm trùng. Nếu không có đủ nước mắt, đôi mắt của bạn có nguy cơ:
- Bị tổn thương, như mài mòn giác mạc
- Nhiễm trùng mắt
- Loét giác mạc
- Rối loạn thị lực
Nước mắt có tác dụng bảo vệ mắt, loại bỏ các chất kích thích, xoa dịu cảm xúc và thậm chí còn gửi thông điệp đến mọi người xung quanh. Và ít nhất về mặt cảm xúc, nước mắt còn là “đặc quyền” duy nhất của con người.
Mặc dù có nhiều lý do khiến chúng ta khóc, nhưng bạn cũng nên lưu ý bởi nước mắt còn mang những dấu hiệu của sức khỏe.
About the author
Ngọc Anh