Hầu hết các phụ huynh có con bước vào tuổi thanh thiếu niên phản ánh rằng họ rất khó giao tiếp với con. Trẻ tuổi teen thường hay chống đối, thích tự làm theo ý mình thậm chí con còn có biểu hiện bất cần khiến mối quan hệ cha mẹ và con cái rơi vào bế tắc.
Một số gia đình đã phản ứng một cách tiêu cực như đánh mắng, cấm đoán, theo dõi hoặc dùng những lời lẽ thiếu tôn trọng để đánh giá hành vi của trẻ tuổi teen. Điều này xâm phạm nặng nề đến cái tôi cá nhân đang ở thời điểm mới hình thành của con.
Một số cha mẹ khác có suy nghĩ “tích cực” thì cho rằng tuổi của con bạn nào cũng cư xử như vậy nên “kệ đi. Sau này chúng lớn lên sẽ tự biết”. Hành động này vô tình đẩy con cái ra xa hơn và đến một lúc nào đó bố mẹ cũng không biết vì sao con không chịu tâm sự bất cứ chuyện gì với mình.
Trẻ đang ở tuổi dậy thì có nhiều biến động về tâm sinh lý vì thế con rất nhạy cảm và cũng cảm thấy bối rối trước thay đổi của mình. Con bắt đầu hình thành cái tôi cá nhân nên cần không gian riêng và vì thế việc áp đặt có thể khiến con chống đối mạnh hơn. Đây cũng là giai đoạn con đối mặt với các mối quan hệ bạn bè, bạn khác giới, áp lực thi cử, định hướng tương lai và cả cảm giác chênh vênh khi phải chuẩn bị bước chân vào ngưỡng cửa cuộc đời. Chính lúc này con cần bố mẹ nhất mặc dù đôi khi chúng không dám hoặc không tự tin mở lời. Vậy làm bạn cùng trẻ tuổi teen có khó không? Sau đây là những gợi ý để bố mẹ có thể làm bạn cùng trẻ tuổi teen thay vì ép buộc hoặc bỏ mặc.
Hiểu Rằng Áp Đặt Không Có Lợi Cho Việc Kết Nối Với Con
Một số phụ huynh nghĩ rằng con đang ở tuổi “ẩm ương” nên cần có bố mẹ định hướng nếu không sẽ làm điều gì đó sai lầm ảnh hưởng đến tương lai. Điều này là đúng vì bố mẹ có kinh nghiệm và cũng rất yêu thương con. Tuy vậy với trẻ tuổi teen thì áp đặt không phải là giải pháp thông thái.
Thay vào đó chúng ta có thể nói chuyện cùng con để con biết ranh giới an toàn trong học tập, mối quan hệ bạn bè, tình yêu tuổi teen và các kỹ năng xã hội khác. Một số gợi ý cách tạo ranh giới cho trẻ ở tuổi dậy thì bố mẹ có thể cân nhắc sao cho phù hợp với con mình:
- Con có thể có tình cảm với bạn khác giới nhưng không quan hệ tình dục trước khi 18 tuổi và phải có biện pháp bảo vệ.
- Con có thể cảm thấy tức giận nhưng không được tự làm đau mình và không làm đau người khác.
- Con có thể có không gian riêng trong phòng hoặc bàn học, cặp sách và bố mẹ không được phép tự ý kiểm tra.
- Con có thể sử dụng điện thoại phục vụ cho học tập, nói chuyện với bạn bè, xem tin tức lành mạnh.
- Con có thể trao đổi cùng bố mẹ về lựa chọn học tập, nghề nghiệp mà con yêu thích. Con là người quyết định sau khi đã được tư vấn.
- Con có thể tự đi đến trường bằng xe bus sau khi nắm vững quy tắc an toàn.
- Con có thể đến nhà bạn chơi hoặc dẫn bạn về nhà nhưng không ở riêng cùng bạn khác giới trong phòng.
Có rất nhiều cách để tạo ra ranh giới an toàn. Tuy vậy những việc này không phải bố mẹ nói thì trẻ tuổi teen sẽ nghe ngay. Điều quan trọng là bố mẹ cần dùng kinh nghiệm và tình yêu của mình để tâm sự, tỉ tê trò chuyện cùng con. Gợi ý tiếp theo sẽ giúp bố mẹ tăng sự tin tưởng ở trẻ tuổi teen.
Lắng Nghe Đúng Cách Thay Vì Vội Đưa Ra Lời Khuyên
Một việc có tác dụng tích cực trong mọi mối quan hệ chính là lắng nghe. Điều này có vẻ đơn giản nhưng không phải ai cũng biết thế nào là lắng nghe đúng cách.
Thuật ngữ Lắng nghe chủ động - Active Listening được Carl Rogers và Richard Farson đặt ra trong một bài báo lần đầu tiên vào năm 1957. Có 3 yếu tố quan trọng của kỹ thuật lắng nghe này đó là sự đồng cảm, chân thành và quan tâm tích cực vô điều kiện. Cũng theo hai ông thì người được lắng nghe sẽ trở nên trưởng thành về mặt cảm xúc, cởi mở và ít phòng thủ hơn do đó sẽ tăng hiệu quả cuộc trò chuyện và giúp gắn kết mối quan hệ.
Khi áp dụng cách lắng nghe này với trẻ tuổi teen bố mẹ cần giữ thái độ khách quan, không phán xét, để cho con tự quyết định thời điểm kết thúc cuộc trò chuyện. Bố mẹ cần chấp nhận mọi cảm xúc và suy nghĩ của trẻ đồng thời trẻ cũng cần tự chịu trách nhiệm về cảm xúc của mình. Cách hành xử này giúp con được trao quyền và dần có thể tin tưởng bố mẹ. Sự tin tưởng của trẻ rất quan trọng vì con có thể sẽ quyết định có tâm sự với bố mẹ những rắc rối của mình hay không.
Tạo Ra Những Hoạt Động Chung Của Gia Đình
Nếu như trẻ nhỏ có thể luôn quấn lấy bố mẹ bất cứ lúc nào thì trẻ lớn lại ít bày tỏ tình cảm thân mật ngay cả trong bữa ăn gia đình hay những buổi đi chơi chung. Vậy làm thế nào để phụ huynh có thể phá tan khoảng cách và làm bạn cùng con?
Một hoạt động chung muốn có sự tham gia tích cực của trẻ ở lứa tuổi teen thì bố mẹ cần cho con thấy rõ vai trò của mình đồng thời đó là việc con có thể làm hoặc có gợi ý từ bố mẹ. Sau đây là một số việc mà bố mẹ có thể “giao nhiệm vụ” cho trẻ tuổi teen:
- Dạy em vẽ hoặc viết chữ trong lúc bố mẹ nấu cơm. Thay vì nói “trông em” bố mẹ có thể bảo con dạy em một kỹ năng nào đó để con cảm thấy mình quan trọng và có ích trong gia đình
- Giữ máy ảnh và chụp khi gia đình đi chơi xa
- Chuẩn bị lều, chịu trách nhiệm dựng và dỡ lều trong buổi cắm trại của gia đình
- Đỡ ông bà đi lên bậc thang khi về quê
- Cùng mẹ lên danh sách đồ ăn cần mua cho cả tuần. Con sẽ chịu trách nhiệm kiểm lại trong tủ lạnh và cân đối cái gì cần mua cái gì không
- Cùng bố mẹ chơi thể thao như đá bóng, đánh cầu lông ...
Đây là những việc thường ngày mà bố mẹ cần trao quyền để trẻ tuổi teen thể hiện vai trò của mình trong gia đình. Và khi khoảng cách được xóa bỏ thì việc tâm sự, trò chuyện cởi mở để làm bạn cùng những cô cậu đang ở độ tuổi dậy thì sẽ tự nhiên và gia tăng kết nối.
Việc làm bạn với trẻ tuổi teen tuy không quá khó nhưng cũng cần rất nhiều tình yêu, vị tha và cả kinh nghiệm sống của bố mẹ. Bất cứ sự thay đổi nào cũng cần thời gian. Làm bạn cùng con cũng là một hành trình đầy kiên nhẫn và cũng rất ngọt ngào mà bố mẹ nào cũng xứng đáng nhận được.
Mỗi đứa trẻ có một cá tính và thế mạnh riêng. Hãy tin tưởng, đồng hành để cùng con trải qua tuổi dậy thì đầy màu sắc và nhiều ký ức nhé.
About the author
Hà Phương