Yêu mới khó - Phòng ngừa HIV có ngại gì

SỐNG KHỎE

Yêu mới khó - Phòng ngừa HIV có ngại gì

authorBy S. Reen
Share on
Share on
Yêu mới khó - Phòng ngừa HIV có ngại gì

“Yêu mới khó. Phòng ngừa HIV có ngại gì” là một chiến dịch truyền thông về sức khỏe cộng đồng được thiết kế nhằm nâng cao nhận thức về dự phòng HIV, giảm số ca mới nhiễm HIV, và loại bỏ sự kỳ thị đối với HIV tại Việt Nam. Chiến dịch sẽ tạo ra những đóng góp vào nỗ lực đạt được mục tiêu quốc gia về kết thúc đại dịch HIV/AIDS tại Việt Nam vào năm 2030. 


Chiến dịch được điều phối, chỉ đạo bởi Cục Phòng, Chống HIV/AIDS (VAAC) – Bộ Y Tế cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC US) và Chương trình cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về HIV/AIDS (PEPFAR), và Tổ chức Hợp tác phát triển Y tế Việt Nam (HAIVN) cũng như một số các đối tác khác.

 

Chiến dịch bao gồm các hoạt động truyền thông xã hội, một triển lãm nghệ thuật có tựa đề “Bảo tàng tan vỡ”, video âm nhạc chủ đề “Yêu mới khó” – một sản phẩm âm nhạc hợp tác cùng rapper Kimmese – để những người đang sống và chịu ảnh hưởng của HIV được chia sẻ tiếng nói của mình; và trang web của chiến dịch “yeumoikho.com”. “Bảo tàng tan vỡ” trưng bày mười tác phẩm đến từ các nghệ sĩ đương đại dựa trên hơn 1,000 câu chuyện từ cộng đồng về đời sống và tình yêu của những người có HIV sẽ chính thức mở cửa đón khách tham quan vào ngày 11-12 tháng 12 tại Trung Tâm Nghệ thuật Đương đại (Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh).

 

TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, Chống HIV/AIDS, đã chia sẻ về bối cảnh xã hội của chiến dịch này: “Trong gần 40 sự kiện mà Cục cùng các đối tác thực hiện, có một chiến dịch quan trọng “Yêu mới khó. Phòng ngừa HIV có ngại gì” nhắm đến những người trẻ, đặc biệt là những người đang có nguy cơ cao đối với HIV. Chiến dịch này quảng bá một thông điệp then chốt là: hiện nay, việc phòng ngừa và điều trị HIV bằng thuốc kháng virus (ARV) là an toàn và hiệu quả hơn bao giờ hết … vì thế, mọi người có nhu cầu cần tiếp cận dịch vụ này càng sớm càng tốt để được tư vấn và nhận dịch vụ.”


Trong buổi họp báo, TS. Eric Dziuban - Giám đốc của CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết: “Chiến dịch “Yêu mới khó, phòng ngừa HIV có ngại gì” nhấn mạnh các thành tựu này, và mở ra một xu hướng mới để nghĩ và nói về HIV, khi các vấn đề trở nên đơn giản là dùng thuốc hoặc, trong tương lai gần, là được tiêm thuốc để bảo vệ sức khỏe của chúng ta. Dự phòng HIV có thể thực hiện rất dễ nếu như chúng ta muốn…... Đây là một thông điệp mạnh mẽ đầy hy vọng và cần được lan tỏa.”


Nhân dịp khởi động chiến dịch, hãy cùng tìm hiểu những thông tin bổ ích xung quanh HIV!


yeu-moi-kho-phong-ngua-hiv-co-ngai-gi-1.jpg

Bộ ảnh cổ động lấy cảm hứng từ tranh dân gian Đông Hồ


Chiến dịch đang thúc đẩy việc sử dụng những công cụ nào trong dự phòng HIV?


Chiến dịch Yêu mới khó thúc đẩy việc sử dụng thuốc ARV như một cách thức an toàn và hiệu quả để dự phòng HIV. 


Chúng ta biết rằng thuốc ARV có thể được sử dụng theo 2 cách để dự phòng mới nhiễm HIV:


- Những người không có H có thể dùng ARV để duy trạng thái Không HIV. Cách dùng này/Thuốc dùng theo cách này được gọi là PrEP.  


- Người có H sử dụng ARV để điều trị HIV (còn được gọi là ART). Điều trị này giúp làm giảm tải lượng virus, hay lượng virus được phát hiện trong cơ thể. Khi không còn phát hiện được virus trong cơ thể, trạng thái này được xem là dưới ngưỡng phát hiện. Nếu một người có H đạt trạng thái dưới ngưỡng phát hiện, virus HIV sẽ không thể lây truyền từ người này sang cho những người khác khi quan hệ tình dục. Điều này còn được biết đến qua thông điệp Không phát hiện = Không lây truyền (Undetectable = Untransmittable) hay K=K.


Những ai nên sử dụng PrEP?


PrEP không dành cho tất cả mọi người. Các bác sĩ kê đơn PrEP cho một số bệnh nhân có nguy cơ tiếp xúc với HIV cao do không sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục với người nhiễm HIV. Bạn nên xem xét dùng PrEP nếu bạn đôi khi có quan hệ tình dục mà không sử dụng bao cao su, đặc biệt là nếu bạn có một bạn tình mà bạn biết là có HIV. Bạn cũng nên xem xét sử dụng PrEP nếu bạn không biết liệu bạn tình của mình có nhiễm HIV hay không nhưng bạn biết rằng bạn tình của bạn có nguy cơ (ví dụ, bạn tình tiêm chích ma túy hoặc quan hệ tình dục với người khác ngoài bạn) hoặc nếu gần đây bạn được một nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe thông báo rằng bạn bị nhiễm trùng lây qua đường tình dục. Nếu bạn tình của bạn bị nhiễm HIV, PrEP có thể là một lựa chọn để giúp bảo vệ bạn khỏi bị nhiễm HIV trong khi bạn cố gắng có thai, trong khi mang thai hoặc trong khi cho con bú.


Có thể dùng PrEP trong hoặc trước thai kỳ không?


Có, PrEP có thể được sử dụng an toàn trong thai kỳ hoặc trong thời gian cho con bú đối với những phụ nữ có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. PrEP cũng là một trong số vài lựa chọn hiện có để giúp bảo vệ các cá nhân không có H (nam hoặc nữ) thụ thai khi họ có bạn tình trái dấu.


yeu-moi-kho-phong-ngua-hiv-co-ngai-gi-2.jpg

Bộ ảnh cổ động lấy cảm hứng từ tranh dân gian Đông Hồ


Người sống chung với H có tải lượng virus đạt mức không phát hiện thì có thể lây truyền HIV hay không?


Không. Tải lượng virus là lượng virus HIV trong một mẫu máu của người có H. Nói chung, tải lượng virus của bạn càng cao thì khả năng lây truyền virus HIV sang người khác càng cao. 


Người có H đang điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện (được định nghĩa là tải lượng virus dưới 200 bản sao/ml) trong máu trong ít nhất sáu tháng thì không thể lây truyền virus HIV qua quan hệ tình dục.


Làm như thế nào để đạt ngưỡng dưới mức phát hiện?


Nếu bạn có H, hãy sử dụng thuốc ARV theo hướng dẫn của bác sĩ. Sau khi bạn bắt đầu dùng thuốc, bên cơ sở điều trị sẽ lấy mẫu máu của bạn để làm xét nghiệm tải lượng virus, để xác định nồng độ virut HIV trong máu của bạn. Có thể mất từ một đến sáu tháng tuân thủ điều trị bằng ARV trước khi tải lượng virus đạt mức dưới ngưỡng phát hiện (<200 bản sao/ml). Một khi tải lượng virus của bạn đã đạt mức dưới ngưỡng phát hiện trong 6 tháng, bạn không thể lây truyền virus HIV cho bạn tình. Tuân thủ điều trị hàng ngày là rất quan trọng để giữ cho tải lượng virus được ức chế.


Đạt được tải lượng virus không phát hiện có đồng nghĩa rằng không còn virus trong cơ thể?


Kể cả khi đạt được tải lượng virus không phát hiện, virus HIV vẫn hiện diện trong cơ thể. Virus ở trạng thái không hoạt động bên trong một số lượng nhỏ các tế bào được gọi là các ổ chứa virus. Khi việc điều trị bị gián đoạn do quên liều, tạm ngưng điều trị hoặc dừng điều trị, virus sẽ trỗi dậy và bắt đầu nhân lên, trở lại ngưỡng phát hiện được. Những virus mới được sản sinh này có khả năng lây nhiễm. Việc dùng thuốc theo chỉ định để đạt được và duy trì tình trạng không phát hiện là thiết yếu.


K=K có ý nghĩa như thế nào đối với tôi nếu tôi không có HIV?


Bạn không cần phải sợ bị nhiễm HIV khi bạn tình của bạn đạt tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện. Điều quan trọng cần ghi nhớ là trong khi mức tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện sẽ bảo vệ bạn khỏi nhiễm HIV, nó không bảo vệ bạn khỏi các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) hay giúp ngừa thai. Bao cao su là một lựa chọn để dự phòng STI và ngừa thai.


K=K có ý nghĩa như thế nào đối với sức khỏe sinh sản, chẳng hạn như mang thai và cho con bú?


K=K chỉ áp dụng cho sự lây truyền qua đường tình dục. Tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện cũng làm giảm rõ rệt nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con trong quá trình mang thai hoặc cho con bú mặc dù nguy cơ không phải bằng không. Hiểu biết về việc tải lượng virus không phát hiện được giúp ngăn lây truyền HIV là đặc biệt hữu ích cho những người muốn thụ thai mà không sử dụng các phương pháp thụ tinh thay thế.  


Cùng nhau, chúng ta có thể xóa bỏ sự kỳ thị bằng cách chia sẻ những thông tin về dự phòng HIV và thúc đẩy một xã hội với trạng thái trung lập thông qua cách mà chúng ta nói về HIV và thúc đẩy một tầm nhìn tích cực và nhân văn nhằm chấm dứt đại dịch HIV trong thời đại của chúng ta. 

About the author

Một cô gái yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp

author

S. Reen

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!