Mạng xã hội làm gia tăng trầm cảm và sự cô đơn?

ĐỜI SỐNG

Mạng xã hội làm gia tăng trầm cảm và sự cô đơn?

authorBy Dao Chi Anh
Share on
Share on
Mạng xã hội làm gia tăng trầm cảm và sự cô đơn?

Trong thời đại 4.0, mạng xã hội chính là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Từ cập nhật tin tức thế giới, giải trí, tìm kiếm việc làm…mạng xã hội là phương tiện tốt để bắt kịp dòng chảy xã hội. Chúng ta sử dụng mạng xã hội hàng ngày, hàng giờ. 


Một nghiên cứu mới cho thấy những ảnh hưởng không nhỏ từ việc sử dụng mạng xã hội lên sức khỏe tinh thần của con người. Mạng xã hội là nơi chúng ta thể hiện cuộc sống theo cách của bạn nhưng thực tế, mạng xã hội không bao giờ khiến bạn cảm thấy tự do hoàn toàn khi tất cả mọi người đều đang theo dõi bạn.


Các nghiên cứu tâm lý đều phát hiện ra mối liên hệ giữa mạng xã hội với trầm cảm, căng thẳng, thiếu ngủ, thiếu tự tin, thèm được chú ý và sự phấn khích của con người, chủ yếu trong số trẻ thiếu niên và người trẻ tuổi.


Có nhiều tranh cãi nổ ra về việc mạng xã hội có thực sự là nguồn cơn dẫn đến trầm cảm và nỗi cô đơn hay ngược lại, những người mắc trầm cảm và đơn độc trở nên phụ thuộc vào mạng xã hội.


Mạng Xã Hội Thực Sự Gây Ra Trầm Cảm?


Một nghiên cứu mới đây trên Social and Clinical Psychology đã chỉ ra những mối liên hệ giữa việc sử dụng mạng xã hội và những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần, chủ yếu là trầm cảm và sự cô đơn.


Jordyn Young, đồng tác giả của bài nghiên cứu và giảng viên tại Đại học Pennsylvania, cho biết: “Khi các bạn lên mạng xã hội ít hơn, bạn cũng sẽ cảm thấy bớt căng thẳng và bớt cô đơn hơn, điều này cũng có nghĩa rằng hạn chế sử dụng mạng xã hội sẽ có những chuyển biến tích cực hơn cho sức khỏe tâm lý của bạn.”


Cuộc nghiên cứu bao gồm 143 sinh viên của Đại học Pennsylvania được lựa chọn ngẫu nhiên. Họ được phân thành 2 nhóm: 1 nhóm vẫn tiếp tục sử dụng mạng xã hội như thường lệ, và 1 nhóm hạn chế thời lượng truy cập mạng xã hội. 


Trong suốt 3 tuần, nhóm sinh viên tham gia này giảm thời gian vào mạng xã hội chỉ còn 30 phút - trong đó chỉ dành 10 phút cho mỗi kênh mạng xã hội (Facebook, Instagram và Snapchat).


Nếu bạn thắc mắc vì sao các sinh viên chỉ bị hạn chế mà không phải “loại bỏ” hoàn toàn mạng xã hội thì câu trả lời ở đây là “điều đó không thể xảy ra”. Trong bối cảnh hiện đại, mạng xã hội gắn với cuộc sống chúng ta trên nhiều phương diện, chúng ta không thể tách rời nó nhưng có thể kiểm soát thời lượng sử dụng. 


Kết quả khá rõ ràng: Nhóm sử dụng ít mạng xã hội hơn gặp ít các vấn đề về sức khỏe tâm lý hơn nhóm còn lại. Cho dù các đối tượng thí nghiệm bắt đầu ở mức độ trầm cảm là bao nhiêu, sau khi giảm thời gian sử dụng mạng xã hội, họ đều cảm thấy trầm cảm giảm đi.


Cơ sở nghiên cứu cho các sinh viên dựa trên một số lĩnh vực về sức khỏe như: cách hòa nhập xã hội, hội chứng tâm lý FOMO (fear of missing out – sợ bị bỏ lỡ, tụt hậu với xã hội), cô đơn, căng thẳng, trầm cảm, đánh giá giá trị bản thân, khả năng độc lập, và chấp nhận bản thân.


Kết thúc thí nghiệm, nhóm dùng giảm thời lượng mạng xã hội đã ghi nhận giảm triệu chứng trầm cảm và cô đơn, trong đó thay đổi lớn nhất nằm ở những đối tượng vốn có triệu chứng trầm cảm từ trước lúc bắt đầu thí nghiệm. 


Ngoài ra, cả 2 nhóm thí nghiệm đều thấy các triệu chứng lo âu, và hội chứng FOMO/lo sợ bị tụt hậu giảm đi. Các nhà nghiên cứu cho rằng lý do có khả năng nằm ở việc họ có ý thức hơn với việc sử dụng mạng xã hội khi đang tham gia thí nghiệm.


Ngay cả khi chúng ta đều thấy được mối liên hệ mật thiết giữa mạng xã hội và sức khỏe người dùng, thì câu hỏi Tại sao vẫn chưa có lời giải thích.



Nỗi Lo Sợ Bị Tụt Hậu (Fear Of Missing Out)


Nỗi sợ bị tụt hậu (FOMO) là một hội chứng tâm lý có ảnh hưởng lớn từ thói quen sử dụng mạng xã hội. 


Amy Summerville, Tiến sĩ, Giáo sư tâm lý học tại Đại học Miami, Ohio, là một chuyên gia nghiên cứu về cảm giác hối hận và thuyết “chuyện đó đã có thể khác đi” cho biết, FOMO là một dạng thức lớn hơn của các vấn đề về hòa nhập xã hội và phân hóa xã hội. Khi những nhu cầu thiết yếu đã có đầy đủ, có thức ăn, nhà ở, nước uống thì nhu cần được hòa nhập và tương tác xã hội sẽ nổi lên.


FOMO là cảm giác "đáng nhẽ tôi cũng phải ở đấy hoặc sở hữu những thứ họ có". Đặc biệt cảm giác FOMO sẽ rất mạnh khi chúng ta thấy những người thân của mình trải nghiệm những thứ mà chúng ta không được trải nghiệm cùng. 


Những kiểu so sánh với tiêu chuẩn cao hơn này có thể diễn ra hàng trăm lần trong một ngày, tùy thuộc vào mức độ bạn theo dõi bao nhiêu bản tin trên “tường” mỗi ngày. Những cảm giác về nỗi sợ bị tụt hậu hay FOMO là khi chúng ta thấy mình lạc lõng, không thuộc về nơi này. Một trong những nguyên nhân khiến nỗi sợ này lớn hơn là vì nó khiến ta cảm thấy mất kết nối trong những mối quan hệ quan trọng trong xã hội. 


Trong khi đó, mạng xã hội giống như một tập hợp những mô hình và tiêu chuẩn sống "đẳng cấp" khiến người dùng dễ so sánh mình và những gì mình có với những gì người khác có trên mạng xã hội. Đồng thời chính họ cũng thích "phô trương" những gì họ có, gây cảm giác tương tự cho những người xem khác.


Cách Để Vượt Qua Nỗi Sợ FOMO 


Khi sử dụng mạng xã hội quá nhiều, bạn không những vô tình tự tạo áp lực phải liên tục cập nhật tin tức một cách không cần thiết mà còn dễ bị cuốn vào những drama của những người lạ hay gặp cyber bully (sự bắt nạt và khủng bổ tinh thần qua mạng từ các "anh hùng bàn phím"). 


Việc này hoàn toàn trái ngược lại lối sống chú tâm, khiến mình gần gũi với thực tại để phát triển theo hướng đạt được những tiềm năng lớn của chính bạn và tạo kết nối với mọi người xung quanh. 


Từ bỏ mạng xã hội là rất khó, với công nghệ ngày một phát triển với các tính năng và lợi ích mới, chúng ta nên tập trung vào những mặt tích cực. Nhiều trang tìm kiếm việc làm ra đời, chương trình giúp con người sống lành mạnh xuất hiện. Thay vì cắt đứt với thế giới mạng, chúng ta nên tìm cách để sử dụng nó hiệu quả và lành mạnh.


Các bạn có thể dùng những công cụ như App Blocker hoặc chức năng "Limit Screen Time" của điện thoại, cài đặt lượng thời gian sử dụng mạng xã hội mỗi ngày và đặt khoá tự động điện thoại sau một thời gian nhất định trước khi đi ngủ để tránh lướt mạng xã hội vào ban đêm.


Mỗi buổi sáng thay vì bật điện thoại thì việc đầu tiên bạn cần làm là sửa soạn tinh thần bằng cách thiền 10 phút để mọi giác quan hoàn toàn tỉnh táo hơn. Đồng thời trước khi đi ngủ 1 tiếng, chúng ta không nên xem điện thoại.


Mạng xã hội có thể là thế giới giải trí tốt nhất, nhưng nó cũng dễ gây nghiện. Khi tâm trí bị ám ảnh hoặc quá phụ thuộc vào những thứ không xuất hiện trong cuộc sống thường ngày của bạn, đấy chính là dấu hiệu bạn cần hạn chế thời gian lên mạng. Việc này không những đảm bảo cho sức khỏe tinh thần của bạn mà còn giúp bạn sống chú tâm vào thực tại và phát triển bản thân tốt hơn.

About the author

Đào Chi Anh là Founder của HER, ngoài việc kinh doanh, cô còn là một HLV Fitness, Pilates và Dinh Dưỡng cá nhân. Cô đã được nhận chứng chỉ quốc tế về Tư vấn Dinh dưỡng, Tư vấn Thể hình và Pilates từ những chương trình đào tạo uy tín tại Mỹ và Canada. Cô cũng đã tốt nghiệp bằng Diploma (Cao Đẳng) về Sức khỏe Dinh Dưỡng của Anh Quốc và là một HLV Fitness cá nhân được cấp chứng chỉ bởi ISSA (Hoa Kỳ).


Hãy theo dõi Chi Anh trên mạng xã hội tại:

IG: @daochianh,

LinkedIn: @chianhdao,

FB: @daochianh

author

Dao Chi Anh

Founder

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!