Nếu tới đảo quốc tuyệt đẹp này, bạn sẽ gặp rất nhiều phụ nữ đội khăn kín quanh đầu. Vậy bạn có biết tại sao phụ nữ Indonesia trùm đầu? Bài viết này sẽ cung cấp một vài thông tin rất hữu ích dành cho bạn.
Tại Sao Phần Lớn Phụ Nữ Indonesia Trùm Đầu?
Đạo Hồi là tôn giáo phổ biến nhất ở Indonesia (khoảng 90%). Hijab - khăn trùm đầu che kín tóc và ngực phổ biến ở phụ nữ Hồi giáo ở Đông Nam Á, đã trở nên phổ biến hơn tại Indonesia trong 2 thập kỷ qua.
Alissa Wahid, con gái của cố Tổng thống Abdurrahman Wahid, bắt đầu đội khăn trùm đầu trong những năm gần đây để làm gương cho phụ nữ Indonesia về truyền thống nên đội khăn trùm đầu. Bà nói: “Đối với tôi, nó đơn giản, giống như một sự pha trộn giữa tôn giáo và văn hóa Indonesia. Tất cả phụ nữ Hồi giáo đều muốn trùm đầu vì nó giúp họ trở thành những người phụ nữ Hồi giáo hoàn hảo”.
Nhà nhân chủng học Saba Mahmood từ Ai Cập lập luận rằng, nhiều phụ nữ Hồi giáo đội khăn trùm đầu để thể hiện bản sắc tôn giáo và lòng mộ đạo của họ. Bằng cách đội khăn trùm đầu, một phụ nữ Hồi giáo tin rằng cô ấy ngoan đạo hơn những người quyết định không làm như vậy.
Hai tổ chức Hồi giáo lớn nhất là Muhammadiyah và Nahdatul Ulama đã đồng ý rằng khăn trùm đầu là hình thức lý tưởng của phụ nữ Hồi giáo. Điều này đã giúp khăn trùm đầu được chấp nhận đối với đa số người Hồi giáo Indonesia.
Trong cuốn sách Negotiating Women’s Veiling, Politics & Sexuality in Contemporary Indonesia, học giả người Indonesia Dewi Chandraningrum cho biết, các nữ chính trị gia thường đội khăn trùm đầu trong các chiến dịch chính trị với hy vọng sẽ giành được nhiều phiếu bầu hơn bằng cách nhận được sự đồng cảm thông từ những người ngoan đạo.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề ở phía sau, mời bạn đọc tiếp bài để hiểu vì sao phần lớn phụ nữ Indonesia phải đeo khăn trùm đầu (kể cả người không theo đạo Hồi).
Lịch Sử Khăn Trùm Đầu Tại Indonesia
Các ghi chép lịch sử cho thấy khăn trùm được ở Indonesia được phụ nữ quý tộc ở Makassar, Nam Sulawesi sử dụng lần đầu tiên vào thế kỷ 17.
Mặc dù vậy, theo nghiên cứu của Jean Gelman Taylor, phó giáo sư lịch sử tại Đại học New South Wales, không có hình ảnh khăn trùm đầu trong suốt những năm 1880 và 1890, dù bà lại không đề cập đến lý do của việc này.
Phụ nữ Java áp dụng phong cách này vào đầu những năm 1900 sau khi thành lập Aisyiyah, một trong những tổ chức Hồi giáo nổi bật nhất của đất nước.
Cuộc cách mạng ở Iran năm 1979 đã ảnh hưởng đến việc phụ nữ Hồi giáo trong thời kỳ Trật tự Mới phải đội khăn trùm đầu. Cuộc cách mạng Iran đã làm nảy sinh tâm lý thôi thúc rằng khăn trùm đầu ở Indonesia là biểu tượng của lòng tự tôn, sự tôn trọng, niềm tự hào và một bản sắc mới.
Tinh thần đội khăn trùm đầu cũng được khơi dậy bởi ý tưởng về Tổ chức Anh em Hồi giáo xâm nhập vào Indonesia thông qua các cuốn sách của các nhà lãnh đạo đã được dịch rộng rãi từ những năm 1970. Do đó, phụ nữ bắt đầu đeo khăn trùm đầu một cách phổ biến.
Nhưng chế độ Suharto lúc đó coi việc sử dụng khăn trùm đầu như một phong trào nổi loạn. Quan điểm của chế độ bị ảnh hưởng bởi số lượng các cuộc xung đột ở các nước Trung Đông vào thời điểm đó. Họ nghi ngờ rằng việc sử dụng khăn trùm đầu là biểu tượng cho ảnh hưởng của cuộc nổi dậy ở Trung Đông có thể đe dọa sự cai trị của Suharto vào thời điểm đó.
Sự nghi ngờ này là lý do mà Trật tự Mới ban hành chính sách cấm hijab từ năm 1985 đến năm 1989.
Mặc dù vậy, Suharto không thể tiếp tục chặn khăn trùm đầu lâu vì các chính sách của ông bị nhiều người phản đối. Dần dần, Suharto cuối cùng đã giảm bớt sự phản đối này bằng cách đón nhận văn hóa những người theo đạo Hồi. Điều này đã được chứng tỏ khi Suharto chấp thuận thành lập Hiệp hội Trí thức Hồi giáo Indonesia (ICMI) vào năm 1990, sau đó đi kèm với việc cho phép đeo khăn trùm đầu ngày càng phát triển.
Tình Hình Hiện Tại
Hệ tư tưởng của Indonesia tôn trọng sự đa dạng tôn giáo với một xã hội nhiều tôn giáo cùng tồn tại như Hồi giáo, Cơ đốc giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo… nhưng chủ nghĩa bảo thủ tôn giáo không khoan dung ngày càng tăng đối với các tín ngưỡng khác ngoài Hồi giáo đã gia tăng trong hai thập kỷ qua.
Theo ABC News, khăn trùm đầu được xem là công cụ để chính trị hóa tôn giáo. Ở Indonesia rất nhiều người đội khăn trùm đầu, kể cả những người không thực sự theo đạo Hồi. Kể từ sự sụp đổ của Suharto vào năm 1998, nhiều phụ nữ ngày càng che chắn kỹ càng hơn bởi sự xuất hiện của nền dân chủ cho phép các nhóm Hồi giáo có ảnh hưởng lớn hơn.
Trong cuộc khảo sát năm 2014, 95% số người được hỏi sử dụng khăn trùm đầu hijab cho biết họ đội nó vì lý do tôn giáo. Một số thì là vì lý do an toàn, sự thoải mái và chính trị.
Theo một báo cáo do Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) công bố năm 2021, các nữ sinh, giáo viên nữ và công chức trên khắp Indonesia thường bị ép buộc hoặc bị áp lực phải đội khăn trùm đầu của người Hồi giáo. Nghiên cứu cho biết áp lực này còn đè nặng lên cả những người theo đạo Thiên chúa và các nhóm thiểu số không theo đạo Hồi khác và “đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây”. Đây được mô tả là một cuộc tấn công vào các quyền cơ bản đối với tự do tôn giáo, biểu đạt và quyền riêng tư.
Rất nhiều trường hợp nữ công chức và giảng viên đã từ chức vì áp lực phải đeo khăn trùm đầu và thêm nhiều người khác không thể tiếp cận các dịch vụ của chính phủ vì họ chọn không che kín đầu.
Rất may, tháng 3/2021 Chính phủ Indonesia đã ra lệnh cấm các trường học áp dụng nội quy bắt buộc tất cả nữ sinh phải mang khăn trùm đầu (hijab) của người Hồi giáo. Quyết định này được đưa ra sau vụ một nữ sinh theo đạo Thiên chúa bị buộc phải mang khăn trùm đầu gây bức xúc dư luận. Dù vậy, có thể sẽ còn một con đường dài cho tới khi khăn trùm đầu là lựa chọn chứ không phải sự bắt buộc dành cho nữ giới.
Hy vọng bài viết này sẽ mang đến cho bạn một vài thông tin hữu ích về việc tại sao phụ nữ Indonesia trùm đầu, lịch sử và văn hóa liên quan tới khăn trùm đầu của người Indonesia.
Đừng quên follow Her trên Instagram @thisishervn để nhận thêm nhiều thông tin bổ ích và thú vị nhé!
About the author
Đặng Nguyệt